Lịch sử Văn hóa Biển Việt Nam
  • 3.6 top logo - hoat dong thong tin thu vien tap chi

Lịch sử Văn hóa Biển Việt Nam

17/10/2024

Sáng ngày 17/10/2024, tại Trụ sở 26 Lý Thường Kiệt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty TNHH và Truyền thông Việt Nam (Nhà sách Tri thức Trẻ) đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm ra mắt sách “Lịch sử Văn hóa Biển Việt Nam”. Tọa đàm không những là diễn đàn chia sẻ học thuật đơn thuần mà còn là sự kiện ghi nhận những kết quả đạt được trong nghiên cứu cũng như là nơi chia sẻ tâm huyết của GS.TS. Nguyễn Chí Bền trong hành trình nghiên cứu gắn bó với văn hóa Biển Việt Nam trên nhiều chiều cạnh của khoa học xã hội.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền phát biểu tại Tọa đàm, ra mắt sách

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã nhiệt liệt chúc mừng sự thành công  của GS.TS. Nguyễn Chí Bền khi cho ra mắt thành công cuốn sách “Lịch sử Văn hóa Biển Việt Nam” và cho rằng những nội dung trong cuốn sách không chỉ là đơn thuần là một một công trình nghiên cứu trên chiều cạnh lịch sử, mà còn bao gồm một tổng lượng lớn tri thức có liên quan đến tư liệu dân tộc học, khảo cổ học, địa lý và các ngành khoa học xã hội nhân văn khác. Qua đó đã tái hiện một cách sinh động và chân thực bức tranh da dạng và phong phú về đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tập quán của người Việt gắn liền với biển cả.

Điểm nhấn đáng chú ý của công trình là không chỉ đề cập đến văn hoá biển mà còn đề cập đến chủ thể văn hoá biển bao gồm cả những cư dân đang hiện hữu trên dải đất Việt Nam đó là người Việt, Chăm, Khơ-me, Hoa mà cả cư dân không còn hiện hữu là cư dân Phù Nam - Óc Eo. Diện khảo sát của công trình bao gồm cả các vùng biển, ven biển từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; thậm chí còn đề cập đến cả cư dân Nam Đảo trên Tây Nguyên.

PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Q.Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, công trình còn đề cập đến các Nhà Văn hoá biển Việt Nam tiêu biểu trong hơn 10 thế kỷ qua. Thông qua tiến trình lịch sử, nghiên cứu đã chỉ ra Văn hóa Biển đảo có vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang, xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia… để độc giả không chỉ biết và hiểu về biển đảo, biết cách ứng xử linh hoạt và độc đáo để tồn tại và phát triển; để khẳng định truyền thống văn hóa lâu đời của chủ thể văn hóa biển hay để tìm cách gìn giữ những “trầm tích văn hóa” đã được tích tụ từ ngàn xưa cũng như để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước… là những gì cuốn sách đã làm được. Qua đó, giúp độc giả có được cái nhìn tổng quan về văn hoá biển, giá trị của văn hoá biển Việt Nam, thấy được thực trạng bảo vệ, phát huy văn hoá biển trong thời gian qua và những giải pháp cần thiết trong thời gian tới.

Ông Đỗ Kim Cơ, đại diện Nhà sách Tri thức Trẻ phát biểu tại Tọa đàm

Đồng quan điểm với Giám đốc Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, ông Đỗ Kim Cơ, Đại diện Nhà sách Tri thức Trẻ cũng khẳng định: Việt Nam với bờ biển dài và phong phú không chỉ là nơi sinh sống mà còn là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc. Biển cả không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn là cái nôi nuôi dưỡng nhiều phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người Việt. Chính vì lẽ đó, Văn hóa Biển từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân nơi đây. Do đó, Nhà sách Tri thức Trẻ vô cùng vinh dự khi được đồng hành cùng GS.TS. Nguyễn Chí Bền và Nhà Xuất bản Khoa học xã hội xuất bản và cho ra mắt cuốn sách “Lịch sử Văn hóa Biển Việt Nam”.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền là Tổng Chủ biên của bộ sách “Văn hóa Biển đảo Việt Nam” gồm 09 tập, bộ sách là kết quả của chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam” được thực hiện trong 2 năm 2015-2016.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền được biết đến là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử văn hóa Việt Nam, với hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành văn hóa học. Là người từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học và được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về văn hóa truyền thống Việt Nam, ông cũng là tác giả của nhiều ấn phẩm sách được xuất bản bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nga để hướng tới đông đảo bạn đọc quốc tế.

Trên cơ sở chia sẻ về những dấu ấn trong hành trình nghiên cứu có liên quan đến tác phẩm, GS.TS. Nguyễn Chí Bền cho biết: lịch sử văn hóa biển Việt Nam là chuyên luận được ông đặc biệt quan tâm. Thông qua các nội dung được trình bày cuốn sách góp phần quan trọng khi trở thành tư liệu tham khảo, nghiên cứu về lịch sử văn hóa biển ở nhiều góc độ: từ chủ thể sáng tạo đến diễn trình lịch sử, tính đa dạng mà thống nhất của văn hóa hóa biển Việt Nam trong không gian, các thành tố và các loại hình.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm, ra mắt sách

Nghiên cứu văn hóa biển, nhất là trong bối cảnh đương đại còn góp phần làm rõ những giá trị văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của các di sản văn hóa vùng biển đảo với những nét đặc trưng riêng có phục vụ cho việc phát triển du lịch hướng tới định hướng để văn hóa thực sự là mục tiêu, động lực của phát triển bền vững

Và trên hết với mục tiêu để văn hóa biển sẽ “thay lời muốn nói”, trở thành một trong những hành trang quan trọng cho các chủ thể văn hóa biển, trong khai thác biển, trong thích ứng với biển có thể nói lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, chính là di sản văn hóa biển đảo mà các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay cùng nhau gìn giữ, bảo vệ và phát triển cho mãi đến mai sau./.

Thời Trân

Các tin đã đưa ngày: