Nguyễn Thu Hằng1
Tóm tắt: Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 11 năm 2009 thông qua Tuyên bố Tokyo với Sáng kiến “Thập kỷ Mekong xanh", các hoạt động hợp tác giữa hai đối tác vẫn đang phát triển không ngừng thông qua các cuộc họp và các dự án viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho khu vực Mekong. Bài viết khái lược quá trình hợp tác Mekong - Nhật Bản trong hơn 10 năm qua; phân tích vai trò của hợp tác Mekong - Nhật Bản đối với tiểu vùng sông Mekong đặc biệt là trong cải thiện môi trường, nguồn nước, sinh kế cho người dân khu vực này và một số định hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn tiếp theo.
Từ khóa: Hợp tác Mekong - Nhật Bản, Thập kỷ Mekong xanh, tiểu vùng sông Mekong
Since the first Mekong-Japan Summit held in November 2009 in Tokyo through the Tokyo Declaration with the "Green Mekong Decade Initiative", cooperation activities between the two partners are still developing continuously through meetings and official development aid projects of Japan for the Mekong region. The article outlines the Mekong-Japan cooperation process over the past 10 years; analyze the role of the Mekong-Japan cooperation in the Mekong sub-region, especially in improving the environment, water resources, and livelihoods for people in this region and some orientations for Mekong-Japan cooperation in the coming time.
1. Khái lược quá trình hợp tác Mekong - Nhật Bản[1]
Bắt đầu từ năm 2007, Nhật Bản đề xuất Chương trình Quan hệ đối tác Nhật Bản – Mekong tập trung vào 3 mục tiêu hàng đầu gồm: hội nhập kinh tế tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực…); mở rộng thương mại - đầu tư giữa Nhật Bản và khu vực Mekong; theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực như xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường… Đồng thời, chính sách hợp tác của Nhật Bản và khu vực sông Mekong có 3 trụ cột lớn mới và 3 biện pháp mới mà trọng tâm là mô hình hỗ trợ phát triển “ba hợp một” giữa hỗ trợ, thương mại và đầu tư, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar)[2].
Năm 2008, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức ở Tokyo đã xác lập quan điểm chủ yếu tăng cường hợp tác với trọng tâm “tin tưởng, phát triển và ổn định”[3].
Năm 2009, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức ở Tokyo. Hợp tác Mekong – Nhật Bản đã đi đến cơ chế hóa, tập trung triển khai “Tuyên bố Tokyo”[4] và “Chương trình hành động 63 điểm”[5] để triển khai. Hai văn kiện này đã được thông qua ngày 7/11/2009. Đặc biệt, Tuyên bố Tokyo nhấn mạnh việc triển khai Sáng kiến "Thập kỷ Mekong xanh" của Nhật Bản vào năm 2010 với việc tăng cường hợp tác về môi trường, thúc đẩy hợp tác về quản lý tài nguyên nước, bảo tồn sự đa dạng sinh học để khu vực sông Mekong có thể đạt được "Mekong xanh" với cây xanh tươi tốt và khả năng chống chịu với thiên tai.
Năm 2012, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2012 và “Kế hoạch hành động Mekong – Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo 2012”. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: tăng cường kết nối trong tiểu vùng Mekong và giữa tiểu vùng Mekong với các khu vực và trên thế giới; hợp tác cùng phát triển giữa các nước Mekong và Nhật Bản; Bảo vệ môi trường và an ninh con người[6].
Năm 2015, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản đã thông qua “Chiến lược Tokyo mới 2015” và “Kế hoạch hành động Mekong – Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo mới 2015” với mục tiêu đạt được “tăng trưởng chất lượng” và tiếp tục phát triển kinh tế một cách bền vững và đồng đều tại tiểu vùng Mekong. Đồng thời, tại Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 7 ngày 4/7/2015, Thủ tướng Nhật Bản đã dành 750 tỷ yên (khoảng 6,7 tỷ USD) vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước tiểu vùng Mekong để triển khai “Chiến lược Tokyo mới 2015” và ưu tiên tiểu vùng Mekong trong thực hiện Sáng kiến 110 tỷ USD hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển hạ tầng chất lượng cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương[7].
Năm 2018, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản đã thông qua “Chiến lược Tokyo 2018” tập trung vào 3 trụ cột chính. Thứ nhất là kết nối sống động và hiệu quả: tiếp tục xây dựng hạ tầng, tích cực triển khai sáng kiến “Tầm nhìn công nghiệp Mekong 2.0” và “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng” trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, kinh tế số. Thứ hai là xã hội lấy người dân làm trung tâm, với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh quốc tế, trí tuệ nhân tạo, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; hợp tác y tế, giáo dục, tư pháp. Thứ ba là hiện thực hóa một Mekong xanh, với các nội dung chính gồm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là hợp tác với Ủy hội sông Mekong về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác về cắt giảm, xử lý và tái chế chất thải; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản. Nội hàm của Chiến lược Tokyo 2018 được đánh giá là rất phong phú, bao gồm việc đề xuất thực hiện kế hoạch hành động kết hợp với Chương trình phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc; thực hiện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở; chiến lược hợp tác kinh tế ba con sông Ayeyarwaddy – sông Mekong – sông Chao Phraya. Đồng thời, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản năm 2018 đã đánh giá lại những bài học kinh nghiệm từ quá trình 10 năm hợp tác và những cơ hội, thách thức và định hướng cho hợp tác Mekong – Nhật Bản giai đoạn 2019 - 2021[8].
Năm 2019, Hội nghị cấp cao Mekong–Nhật Bản đã tập trung trao đổi việc triển khai Chiến lược Tokyo 2018; thông qua Chương trình hành động triển khai sáng kiến “Hướng tới Thập kỷ Mekong xanh” và Chương trình hành động "Sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mekong - Nhật Bản”. Theo sáng kiến Mekong xanh và kế hoạch hành động “Một thập kỷ hướng tới Mekong xanh”, các bên sẽ hợp tác bảo tồn môi trường để khu vực Mekong có thể đạt được mục tiêu nhiều cây xanh, đa dạng sinh học và có khả năng chống chọi với thiên tai bằng nhiều biện pháp, trong đó có trồng rừng. Hội nghị tái khẳng định quyết tâm sử dụng tài nguyên để phát triển cơ cở hạ tầng cứng và mềm trong khu vực; áp dụng các thành tựu của Cách mạng 4.0 phát triển đời sống kinh tế - xã hội tại Mekong cũng như hợp tác tích cực nhằm giảm đói nghèo, thu hẹp khoảng cách về kinh tế, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện y tế công cộng[9].
2. Vai trò của hợp tác Mekong - Nhật Bản đối với tiểu vùng sông Mekong
Xem xét quá trình phát triển của quan hệ hợp tác Mekong - Nhật Bản, có thể nhận thấy, Nhật Bản đã liên tục đổi mới con đường hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong và điều này rõ ràng mang đến lợi ích cho cả hai phía, đặc biệt là giúp các nước tiểu vùng sông Mekong đạt tăng trưởng chất lượng cao, phát triển bền vững, cải thiện môi trường, nguồn nước khu vực tiểu vùng sông Mekong và cải thiện sinh kế cho người dân.
Thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao
Từ khi đề xuất sáng kiến hợp tác Mekong – Nhật Bản, phía Nhật Bản không những nhấn mạnh phải tăng cường xuất khẩu cơ sở hạ tầng chất lượng cao, mà còn nhấn mạnh phải thực hiện các dự án ODA giúp thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao cho các nước ở khu vực sông Mekong. Đây là kênh quan trọng giúp các nước tiểu vùng sông Mekong thu hút nguồn lực từ Nhật Bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, liên kết vùng, xoá đói giảm nghèo.
Với hàng trăm dự án được triển khai thành công, hợp tác Mekong - Nhật Bản đã khẳng định vị trí là một trong những cơ hội hợp tác thiết thực, hiệu quả hàng đầu ở khu vực Mekong. Các nước Mekong và Nhật Bản đã liên kết để xây dựng cơ sở hạ tầng về đường bộ, cảng hàng không quốc tế, cảng biển…, góp phần hình thành một cơ sở hạ tầng kết nối trong khu vực Tiểu vùng Mekong, theo hướng kết nối Hành lang Đông – Tây và Hành lang phía Nam. Kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong tăng từ 52,6 tỷ USD năm 2009 lên 89,4 tỷ USD năm 2017. Năm 2018, đã có hơn 4.300 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong, tăng 30% so với năm 2014. Năm 2019, Nhật Bản đã trở thành nước hỗ trợ lớn nhất của cả 5 nước tiểu vùng sông Mekong[10].
Chẳng hạn, với Việt Nam, nhiều dự án ODA của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như dự án cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Cần Thơ, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép - Thị Vải (Thành phố Hồ Chí Minh), đường hầm Hải Vân, cầu Neak Loeung (Campuchia) và cầu Mekong thứ ba (Pakxe, thuộc tỉnh Champasack, Lào)... Các dự án cơ sở hạ tầng này cũng như việc đơn giản hóa thủ tục hải quan đều đã phát huy vai trò thúc đẩy tích cực cho khu vực sông Mekong tăng cường kết nối trong nội bộ các nước tiểu vùng sông Mekong và với bên ngoài cũng như góp phần thực hiện chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản.
Bên cạnh ODA, Nhật Bản cũng được xem là một đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của các nước tiểu vùng sông Mekong với quy mô xuất - nhập khẩu rất lớn. Chẳng hạn, năm 2018, tổng mức xuất khẩu từ Nhật Bản vào Thái Lan là 27.707 tỷ yên và mức xuất khẩu từ Thái Lan vào Nhật Bản là 35.625 tỷ yên[11]. Quy mô thương mại của Việt Nam với Nhật Bản tăng dần đều từ khi có các Hội nghị hợp tác Mekong - Nhật Bản và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đã đạt mức 37,8 tỷ USD[12]. Các dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản được thực hiện trải đều trong tất cả các lĩnh vực từ giao thông, năng lượng, nông nghiệp, môi trường, phát triển nhân lực, phát triển đô thị, du lịch đến các tiện ích thương mại/giao thông, công nghệ thông tin/viễn thông[13].
Có thể nói, hợp tác Mekong - Nhật Bản thông qua ODA và hoạt động đầu tư, trao đổi thương mại đều thể hiện vai trò tích cực của Nhật Bản đối với các nước tiểu vùng sông Mekong trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao, góp phần hình thành các cơ sở hạ tầng, đặc biệt về khoa học kỹ thuật và giao thông vận tải, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các ngành nghề và các vùng miền ở các nước này.
Phát triển bền vững, cải thiện môi trường, nguồn nước
Một trong những sự khác biệt từ những dự án đầu tư đến từ Nhật Bản, đó là luôn chú trọng vấn đề chất lượng cao và coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường như là một cách để tỏ rõ sự khác biệt đối với những hoạt động đầu tư của nhiều nước khác chỉ mang tính khai thác là chính. Cùng với các nước khác như: Australia, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ, Hà Lan và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)..., các tài trợ của Nhật Bản đối với các nước tiểu vùng sông Mekong tập trung cấp kinh phí cho những hoạt động như:
- Giám sát và báo cáo về thực trạng môi trường của hệ thống Mekong để cải thiện công tác quản lý dòng chảy và bảo vệ sự cân bằng sinh thái ở lưu vực;
- Dự báo lũ;
- Hỗ trợ quản lý, xây dựng và phát triển các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ở cấp địa phương và cấp vùng;
- Thúc đẩy giao thông và giao thương đường thủy an toàn thông qua các quy hoạch tổng thể và kế hoạch hỗ trợ giao thông thủy;
- Hỗ trợ cộng đồng phát triển kỹ thuật thủy lợi và nông nghiệp nhằm bảo vệ lưu vực và đảm bảo tạo thu nhập cho người dân địa phương;
- Cung cấp các hướng dẫn và hỗ trợ đối thoại về phát triển thủy điện bền vững để đảm bảo quyền lợi chung của các nước tiểu vùng sông Mekong;
- Giúp nước tiểu vùng sông Mekong thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, đối thoại và thương lượng về quản lý tài nguyên nước giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự;
- Tối ưu hóa công tác quản lý môi trường và phát triển tài nguyên nước bền vững của các cơ quan quy hoạch ngành cấp quốc gia vì lợi ích của toàn lưu vực;
- Hướng dẫn xây dựng và quản lý các dự án sử dụng nước và các dự án liên quan đến nước, chia sẻ và sử dụng tài nguyên của các cơ quan quy hoạch và thực thi ở cấp quốc gia[14].
Trong khuôn khổ sáng kiến “Thập kỷ Mekong xanh” do Nhật Bản đề xuất vào năm 2010, các bên đã thực hiện nhiều hoạt động về quản lý nguồn nước, ứng phó với thiên tai, cải thiện môi trường sống tại đô thị, nâng cao năng lực xây dựng chính sách, bảo tồn đa dạng sinh học, và cắt giảm khí thải nhà kính. Sáng kiến này đã giúp tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển; tăng cường kết nối các hành lang kinh tế; tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hóa nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải và góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông[15].
Cải thiện sinh kế cho người dân
Mekong là một trong 10 con sông lớn nhất thế giới với tổng chiều dài khoảng 4.800 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua các quốc gia Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Hạ lưu vực sông Mekong là “ngôi nhà” của hơn 60 triệu người với trên 100 dân tộc khác nhau tạo thành một trong những vùng đa dạng văn hóa nhất trên thế giới.
Sinh kế và an ninh lương thực của hầu hết những người dân nông thôn trong lưu vực có mối liên hệ chặt chẽ với sông Mekong và các nguồn nước. Sông là nguồn cung cấp cá và các loại thủy sản làm thức ăn hoặc mang lại thu nhập, cung cấp nước cho việc canh tác và là đường giao thông dẫn đến các chợ. Mối quan hệ chặt chẽ này cũng có nghĩa là người dân sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương nếu như con sông và hệ thống sinh thái vùng đất ngập nước bị suy thoái. Việc phát triển những tiềm năng kinh tế của hệ thống sông Mekong theo hướng bền vững có thể giúp xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, các cơ hội phát triển phải được cân bằng với những tác động có thể xảy ra đối với môi trường, thủy sản và các điều kiện sinh kế khác của người dân. Chính vì vậy, hợp tác Mekong – Nhật Bản thông qua các chương trình, dự án cụ thể chú trọng đến phát triển bền vững, cải thiện môi trường, nguồn nước như đã nêu trên, cũng đã đóng góp thiết thực cho kết nối khu vực, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế của các nước Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực sông Mekong.
Chẳng hạn, đối với người dân Việt Nam, giai đoạn 2011-2018, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, khoảng 6,08%/năm. Quy mô GDP năm 2018 ước đạt 240,5 tỷ USD, gấp 2,17 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người tăng lên khoảng 2.540 USD (gấp 6,3 lần năm 2000)[16]. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam năm 2010 là 14,2% đã giảm mạnh xuống còn 5,8% năm 2016[17].
Nhìn chung, đánh giá về vai trò của hợp tác Mekong - Nhật Bản đối với sự phát triển bền vững cũng như đối với sinh kế người dân các nước tiểu vùng sông Mekong, các nhà lãnh đạo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đều ghi nhận tác động tích cực. Sau hơn 10 năm xây dựng, hợp tác Mekong - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN; phát triển bền vững thông qua cơ chế họp cấp cao định kỳ, trao đổi về hợp tác ở các cấp và thực hiện các dự án cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành cho từng giai đoạn theo các chiến lược 3 năm.
Phát biểu tại Hội nghị năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hợp tác Mekong - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Mekong và tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp của các nước thành viên.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Mekong Thủ tướng Lào Thongluon Sisoulith cho rằng, “Chiến lược Tokyo 2018 vừa được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nước trong khu vực này”[18].
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, Thái Lan rất coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đây là cách tăng cường kết nối giữa người dân các nước vì người dân là trung tâm, là động lực cho phát triển. “Họ (người dân) chính là chìa khóa để chúng ta có được tăng trưởng và phát triển chất lượng”[19].
Theo Cố vấn Nhà nước Myanmar, Aung San Suu Kyi, Myanmar được hưởng lợi nhiều từ các dự án song phương và khoảng 100 dự án đa phương nằm trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản[20].
Thủ tướng Campuchia, Samdech Hun Sen bày tỏ vui mừng khi các công ty Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư vào ngành dịch vụ, chế tạo tại tiểu vùng Mekong. Ông cũng khẳng định, với hợp tác trong tương lai, Campuchia chú trọng việc kết nối công nghiệp, kết nối ngành để có thể đối phó thách thức do cách mạng công nghiệp 4.0[21].
3. Định hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn tiếp theo
Qua kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ hợp tác, quan hệ Mekong - Nhật Bản đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược và sẽ tiếp tục được củng cố, nâng tầm thông qua các Hội nghị cấp cao giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong.
Theo Sáng kiến Mekong - Nhật Bản hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 11, hợp tác Mekong - Nhật Bản thời gian tới sẽ tập trung vào những hướng cơ bản sau:
- Việc hợp tác sẽ được tiếp cận theo hướng toàn khu vực; cách tiếp cận mở và cách tiếp cận phối hợp giữa công và tư, trong đó các lĩnh vực ưu tiên gồm: (1) các vấn đề môi trường và đô thị; (2) quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và (3) tăng trưởng bao trùm.
- Việc hợp tác được thực hiện trên cơ sở coi trọng sự mở cửa, minh bạch, khả thi về kinh tế, coi trọng trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, sự kiện toàn tài chính của nước được hưởng làm tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cũng như cùng phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao với 5 nước tiểu vùng sông Mekong.
- Những hợp tác về kinh tế sẽ chú trọng vấn đề kết nối số giữa các nền kinh tế Mekong và Nhật Bản, đặc biệt là về phát triển công nghiệp Mekong 2.0 (MIDV2.0).
- Những viện trợ mang tính chiến lược qua nguồn vốn ODA của Nhật Bản đối với các nước tiểu vùng sông Mekong sẽ chú trọng các vấn đề có tính thời sự như: nâng cao năng lực an ninh trên biển hay giúp đỡ cải cách hành chính công, hoàn thiện hệ thống pháp luật...[22].
Theo ý kiến của các bộ trưởng các nước trong tiểu vùng sông Mekong, Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa hợp tác kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế phù hợp với bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác với Ủy hội sông Mekong nhằm hiện thực hóa Mekong xanh và "Sáng kiến hợp tác Mekong - Nhật Bản về các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030”[23].
Theo đề xuất của Việt Nam, một số nội dung mà hợp tác Mekong - Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới nhằm thiết lập tầm nhìn về một Mekong xanh, kết nối sống động, hiệu quả và lấy con người làm trung tâm gồm: hỗ trợ các nước Mekong giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mekong; phát triển nông nghiệp thông minh; xây dựng năng lực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng để tăng khả năng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh; hỗ trợ các nước Mekong phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp, nông nghiệp và kỹ thuật số[24].
Tóm lại, quan hệ hợp tác Mekong - Nhật Bản hơn 1 thập kỷ vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Mekong và tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp của các nước thành viên. Trong thời gian tới, quan hệ hợp tác Mekong - Nhật Bản sẽ được tiếp tục phát triển theo mục tiêu đề ra của các bên, góp phần xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao; phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; cải thiện sinh kế cho người dân khu vực.
Ghi chú:
[1] TS., Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
[2] “Japan - Mekong Region Partnership Program” (2007), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/mekong/goal.pdf
[3] Chair‘s Statement Mekong-Japan Foreign Ministers' Meeting (2008), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/mekong/meet0801.html.
[4] “Tokyo Declaration of the First Meeting between the Heads of the Governments of Japan and the Mekong region countries -- Establishment of a New Partnership for the Common Flourishing Future” (2009), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/mekong/sum mit0911/declaration.html.
[5] “Mekong-Japan Action Plan 63” (2009), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/mekong/sum mit0911/action.html
[6] “Tokyo Strategy 2012 for Mekong-Japan Cooperation” (2012), https://www.kh.emb-japan.go.jp/political/joint_ statement_en.html.
[7]“New Tokyo Strategy 2015 for Mekong-Japan Cooperation” (2015), https://www.mofa.go.jp/s_sa/ sea1/page1e_000044.html.
[8] “Tokyo Strategy 2018 for Mekong-Japan Cooperation” (2018), https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/000406731. pdf.
[9] “Joint Statement of the 11th Mekong-Japan Summit” (2019), https://www.mofa.go.jp/files/000535954.pdf.
[10] Ngọc Lan (2019), “Nhật Bản trong chiến lược tiểu vùng sông Mekong”, http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Nhat-Ban-trong-chien-luoc-tieu-vung-song-Mekong-536241/.
[11] Số liệu tổng hợp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đăng tải tại https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/thailand/ data.html.
[12] Xem https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/thuong-mai-voi-cac-thanh-vien-cptpp-dat-quy-mo-75-ti-usd-nam-2018-5188.html.
[13] Dương Minh Tuấn (2016), “Quan hệ kinh tế Nhật Bản - Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11, tr. 28.
[14] Trần Nhơn (2019), “Hợp tác quốc tế với các nước thuộc lưu vực sông Mekong và ứng xử của Việt Nam”, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hop-tac-quoc-te-voi-cac-nuoc-thuoc-luu-vuc-song-me-kong-va-ung-xu-cua-viet-nam-63474.htm.
[15] “Định hướng mới trong Hợp tác Mekong – Nhật Bản” (2018), http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr04080 7104143/nr040807105001/ns150702214924.
[16] Báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[17] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, và Tổng cục thống kê (2018), Tổng quan tình hình kinh tế -xã hội năm 2018, http://www .gso.gov.vn.
[18] Đức Tuân (2018), “Thủ tướng dự họp báo chung với các nhà lãnh đạo Mekong-Nhật Bản”, http://baochinh phu.vn/ hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/thu-tuong-du-hop-bao-chung-voi-cac-nha-lanh-dao-mekongnhat-ban/348807.vgp
[19] Đức Tuân (2018), Tlđd.
[20] Đức Tuân (2018), Tlđd
[21] “Joint Statement of the 11th Mekong-Japan Summit” (2019), https://www.mofa.go.jp/files/000535954.pdf.
[22] “The Mekong-Japan Initiative for SDGs toward 2030” (2019), https://www.mofa.go.jp/files/000535957.pdf.
[23] “Co-Chair’s Statement of the 12th Mekong-Japan Foreign Ministers’ Meeting” (2019), https://www. mofa.go.jp/files/000504081.pdf.
[24] “Co-Chair’s Statement of the 12th Mekong-Japan Foreign Ministers’ Meeting” (2019), https://www. mofa.go.jp/files/000504081.pdf.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, http://www.gso.gov.vn.
2. “Chair‘s Statement Mekong-Japan Foreign Ministers' Meeting” (2008), https://www.mofa. go.jp/region/asia-paci/mekong/meet0801.html.
3. “Co-Chair’s Statement of the 12th Mekong-Japan Foreign Ministers’ Meeting” (2019), https://www.mofa.go.jp/files/0005040 81.pdf.
4. “Định hướng mới trong Hợp tác Mekong–Nhật Bản” (2018), http://www.mofahcm.gov. vn/vi/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns150702214924.
5. “Japan - Mekong Region Partnership Program” (2007), https://www.mofa.go.jp/ region/asia-paci/mekong/goal.pdf.
6. “Joint Statement of the 11th Mekong-Japan Summit” (2019), https://www.mofa.go.jp/files/ 000535954.pdf.
7. “Mekong-Japan Action Plan 63” (2009), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/me kong/ summit0911/action.html.
8. Ngọc Lan (2019), “Nhật Bản trong chiến lược tiểu vùng sông Mekong”, http://antg. cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Nhat-Ban-trong-chien-luoc-tieu-vung-song-Mekong-536241/.
9. Trần Nhơn (2019), “Hợp tác quốc tế với các nước thuộc lưu vực sông Mekong và ứng xử của Việt Nam”, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hop-tac-quoc-te-voi-cac-nuoc-thuoc-luu-vuc-song-me-kong-va-ung-xu-cua-viet-nam-63474.htm.
10. “New Tokyo Strategy 2015 for Mekong-Japan Cooperation” (2015), https://www.mofa. go.jp/s_sa/sea1/page1e_000044.html.
11. Tổng cục thống kê (2018), “Tổng quan tình hình kinh tế -xã hội năm 2018”, http://www. gso.gov.vn.
12. Đức Tuân (2018), “Thủ tướng dự họp báo chung với các nhà lãnh đạo Mekong-Nhật Bản”, http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/thu-tuong-du-hop-bao-chung-voi-cac-nha-lanh-dao-mekongnhat-ban/ 348807.vgp.
13. Dương Minh Tuấn (2016), “Quan hệ kinh tế Nhật Bản - Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11, tr. 23-32.
14. The Mekong-Japan Initiative for SDGs toward 2030 (2019), https://www.mofa.go.jp/ files/000535957.pdf.
15. “Tokyo Declaration of the First Meeting between the Heads of the Governments of Japan and the Mekong region countries -- Establishment of a New Partnership for the Common Flourishing Future” (2009), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/mekong/summit0911/declaration.html.
16. “Tokyo Strategy 2012 for Mekong-Japan Cooperation” (2012), https://www.kh.emb-japan.go.jp/political/joint_statement_en.html.
17. “Tokyo Strategy 2018 for Mekong-Japan Cooperation” (2018), https://www.mofa.go.jp/ mofaj/files/000406731.pdf.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 (237) 11-2020.