Tình trạng hiệu lực văn bản:
Có hiệu lực
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
...........................
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...............................................
|
Số: 105 /BC-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2022
|
BÁO CÁO
Tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển
Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 435/LĐCP ngày 16/10/2019 về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 17/NQ-CP) tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông xin báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong tháng 7 năm 2022 như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI, KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Về công tác chỉ đạo, điều hành
- Tại Nghị quyết Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 (Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022), Chính phủ đã quyết nghị về tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục được phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai hệ thống xác thực định danh điện tử, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng giải pháp sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử để phục vụ việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; hướng dẫn và thực hiện việc chuyển đổi số, xác thực tài khoản của Cổng Dịch vụ công quốc gia, các bộ, ngành, địa phương với tài khoản do hệ thống của Bộ Công an cung cấp; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng phần mềm dịch vụ công liên thông về Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí, triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng trên toàn quốc; giao Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát, đối chiếu, điều chỉnh thông tin và đồng bộ dữ liệu giữa hai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung hoàn thiện các hệ thống thông tin, thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu về an sinh xã hội (trẻ em, bảo trợ xã hội, việc làm, giảm nghèo) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến kết luận tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác, ngày 16 tháng 6 năm 2022 tại Thông báo số 196/TB-VPCP ngày 04/7/2022 của Văn phòng Chính phủ;
- Ngày 22/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tiến độ chuyển đổi số ngành địa chất, khoáng sản đã được Chính phủ phê duyệt;
- Ngày 07/7/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 1354/QĐ-BTTTT ban hành Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số.
2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế
- Về việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, sau khi Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/3/2022, Bộ Công an đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ về dự thảo Nghị định. Căn cứ ý kiến của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Công an sẽ phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng để sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến;
- Về việc xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, ngày 06/7/2022, Bộ Công an đã có Tờ trình số 349/TTr-BCA trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang nghiên cứu, thẩm tra dự thảo Nghị định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định trong tháng 7/2022.
3. Xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
- Về Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12 năm 2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 08 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Tính đến ngày 22/7/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 7 năm 2022 là 10.385.415; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là 553.969.478; tính từ đầu năm 2022, trung bình hằng ngày có khoảng 1,7 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
- Về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng CPĐT:
+ CSDL quốc gia về Dân cư: Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống CSDL quốc gia về Dân cư từ ngày 01/7/2021. Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án; từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã tiếp và làm việc, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 07 đoàn công tác trong và ngoài nước; tổ chức Hội nghị tập huấn cho 12 địa phương về Đề án 06 nhằm khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra;
+ CSDL về Bảo hiểm: Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến ngày 18/7/2022, hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 47 triệu người tham gia; Về việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp. Tính đến ngày 18/7/2022, toàn quốc đã có 6.808 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp; BHXH đã có các văn bản gửi bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp kê khai mã số BHXH, số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo quy định hiện hành, đồng thời triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ BHXH phù hợp với CSDL quốc gia về Bảo hiểm; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp cung cấp các dịch vụ công: Tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; BHXH Việt Nam đang tiến hành xây dựng hoàn thiện Dự thảo Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ CSDL tập trung Ngành BHXH Việt Nam; BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% DVC mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của Ngành và tích hợp, cung cấp 25 DVC trực tuyến của Ngành trên Cổng DVC quốc gia.
+ CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Từ tháng 10 năm 2020 đến nay, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 20.000 người dùng tại 10.933 UBND cấp xã, 710 Phòng Tư pháp và 63 Sở Tư pháp. Tính đến ngày 18/7/2022, Hệ thống đã có 28.804.360 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.475.167 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 3.740.350 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 6.374.960 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.249.592 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.427.233 dữ liệu khác.
4. Xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp
a) Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc
- Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 7 năm 2022 là 620.830 văn bản (Gửi: 135.164 văn bản, nhận 485.666 văn bản). Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong 7 tháng đầu năm 2022 là 3,56 triệu văn bản (Gửi: 760.000 văn bản, nhận 2,8 triệu văn bản). Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay Hệ thống có tổng số hơn 13,1 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia;
- Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Từ ngày 20/6/2022 đến ngày 20/7/2022, Hệ thống đã phục vụ 01 phiên họp Chính phủ và xử lý 28 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 12 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 55 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.223 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 434 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy);
- Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Tính đến nay, Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo của 74 bộ, cơ quan, địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15/151 chế độ báo cáo trên Hệ thống; 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 04/12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ được cung cấp trên Hệ thống; kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến; Xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với trên 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu. Tiếp tục phối hợp với các chuyên gia và các bộ, ngành xây dựng và hiển thị 16 nhóm chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày, hằng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai kết nối, tích hợp các thông tin dữ liệu từ các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, cơ quan, địa phương với Trung tâm.
b) Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp
- Trong tháng 7 năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Tính đến ngày 27/7/2022, tỷ lệ DVCTT đủ kiều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 54,33% tổng số thủ tục hành chính);
- Cổng Dịch vụ công quốc gia: Từ ngày 20/06/2022 đến ngày 20/7/2022, Cổng đã có trên 293 nghìn tài khoản đăng ký; trên 4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 479 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; trên 324 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 126 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 307 tỷ đồng. Từ khi khai trương đến nay đã cung cấp 3.684 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 2,3 triệu tài khoản đăng ký; hơn 124,8 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 6,1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 4,2 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1,1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,3 nghìn tỷ đồng; hơn 174 nghìn cuộc gọi tới tổng đài tư vấn hỗ trợ.
5. Về việc xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân
Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong tháng 7 năm 2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 983 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 16,6% so với tháng 6/2022, tăng 20,0% so với cùng kỳ tháng 7/2021.
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; tiếp tục có các văn bản cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.
Chi tiết tình hình thực hiện các nhiệm vụ của từng bộ, ngành báo cáo tại Phụ lục kèm theo.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
1. Đánh giá chung
Trong tháng 7 năm 2022, việc triển khai CPĐT nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể:
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao để phát triển CPĐT, chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển CPĐT, chính phủ số, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm; 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số;
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06; trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết và tiêu chuẩn, định mức phục vụ triển khai Đề án 06 (Văn bản số 1552/BTTTT-THH ngày 16/4/2022), các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổ chức thực hiện đáp ứng các nhóm tiện ích theo yêu cầu, bảo đảm đúng nguyên tắc áp dụng và quy định pháp luật;
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
- Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh;
- Các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được quan tâm thúc đẩy phát triển.
2. Tồn tại, hạn chế
- Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành (Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về định danh, xác thực điện tử);
- Công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được bảo đảm, nhiều rủi ro khi phát triển CPĐT;
- Việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế;
- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai trong tháng 8/2022 như sau:
1. Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương theo thẩm quyền và theo kế hoạch tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS;
2. Triển khai các nhiệm vụ để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước tuân thủ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;
3. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tiến trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
4. Triển khai thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng để kịp thời hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số từ Trung ương đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc;
5. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai cung cấp, kết nối các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
6. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương một số nội dung sau:
1. Khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số;
2. Khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương năm 2022;
3. Khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT. Triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được phê quyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ;
4. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực trong tháng 10 năm 2022;
5. Kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các CSDL quốc gia để cung cấp DVCTT, giảm thiểu giấy tờ, thời gian cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Quyết liệt triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06;
6. Thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết; số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh tập trung thực hiện đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP,
Bộ Thông tin và Truyền thông kính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, THH (CĐS). (145b)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Huy Dũng
|