12-07-2020
Chuyên đề: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
Năm: Năm 2019
Số: số 11 ;
Nội dung:
1. Mở đầu
Đời sống tôn giáo Việt Nam trước và sau 30 năm đổi mới thực sự có nhiều khác biệt. Trước đổi mới, đời sống tôn giáo Việt Nam trầm lắng, tôn giáo vẫn là một bộ phận của đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống xã hội không rõ rệt như sau đổi mới đặc biệt thời gian gần đây. Đời sống tôn giáo Việt Nam sau đổi mới được các nhà nghiên cứu tôn giáo gọi là hồi sinh sau một giấc ngủ dài. Ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội ngày càng rõ nét, nếu tôn giáo trước đổi mới thường chỉ người già mới quan tâm "trẻ vui nhà, già vui chùa" thì ngày nay tôn giáo thu hút sự quan tâm của nhóm thanh niên. Tỉ lệ thanh niên tham gia vào các hành vi tôn giáo ngày càng nhiều. Niềm tin và hành vi tôn của thanh niên còn ảnh hưởng đến nhiều góc độ khác nhau trong mối quan hệ gia đình hiện đại. Bài viết này phân tích hành vi tôn giáo của thanh niên Hà Nội và ảnh hưởng của tôn giáo đối với việc ứng xử của thanh niên Hà Nội trong mối quan hệ gia đình.
2. Hành vi tôn giáo của thanh niên Hà Nội
Hành vi tôn giáo của thanh niên Hà Nội có thể nhìn nhận trên hai phương diện: đi lễ và tham gia học giáo lý, giáo luật. Thứ nhất, việc đi lễ tại cơ sở thờ tự của các nhóm thanh niên phân theo tôn giáo và không tôn giáo là có tần suất khác nhau. Nhóm thanh niên là tín đồ tôn giáo có tỉ lệ thường xuyên đi lễ tại các cơ sở tôn giáo cao. Đa số thanh niên là tín đồ tôn giáo đều thực hiện hành vi đi lễ tại cơ sở thờ tự. Đối với nhóm thanh niên không phải tín đồ tôn giáo, tỉ lệ không bao giờ đi lễ tại các cơ sở thờ tự tôn giáo chỉ 14,5%. Điều này cho thấy, cho dù chưa chính thức là tín đồ của bất kỳ một tôn giáo nào trong số các tôn giáo đã được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, tuy nhiên thanh niên vẫn thể hiện tâm thức hướng đến tôn giáo của mình bằng việc thực hiện hành vi đi lễ tại các cơ sở thờ tự tôn giáo. Trong hai nhóm thanh niên là tín đồ Phật giáo và thanh niên là tín đồ Công giáo có tỉ lệ đi lễ thường xuyên tại cơ sở thờ tự cao hơn so với thanh niên là tín đô Phật giáo (Hình 1).
Không chỉ đi lễ tại cơ sở thờ tự của tôn giáo mình, thanh niên còn tham gia đi lễ tại các cơ sở thờ tự của các tôn giáo khác. Công giáo là tôn giáo độc thần. Người Công giáo hiếm khi đi lễ tại cơ sở thờ tự của các tôn giáo khác, tuy nhiên, thanh niên Công giáo hiện nay thể hiện niềm tin đa dạng tôn giáo của mình. Kết quả khảo sát chỉ ra có đến 29,0% thanh niên là tín đồ Công giáo thực hiện hành vi đi lễ tại cơ sở thờ tự của tôn giáo khác. Tính đa dạng trong niềm tin tôn giáo của thanh niên Công giáo nội thành rõ rệt hơn thanh niên Công giáo ngoại thành qua tỉ lệ thanh niên Công giáo nội thành có tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo khác cao hơn so với thanh niên công giáo ngoại thành. Điều này có thể lý giải từ góc độ đời sống tinh thần, phải chăng cuộc sống nơi thành thị với nhiều áp lực hay tính cách độc lập của cuộc sống đô thị đã có tác động đến tinh thần khoan dung tôn giáo của thanh niên Công giáo. Yếu tố truyền thống trong tôn giáo được bảo lưu mạnh hơn tại khu vực ngoại thành. Điều này cho thấy, sức mạnh của các giá trị truyền thống, lối sống đạo truyền thống ít biến động là nhân tố quan trọng để thanh niên Công giáo ngoại thành có tỉ lệ đi lễ tại các cơ sở tôn giáo khác thấp hơn so với nội thành. Nhìn từ góc độ giới tính và độ tuổi cho thấy, tỉ lệ nam thanh niên Công giáo đi lễ tại các cơ sở tôn giáo khác cao hơn nữ; tỉ lệ thanh niên Công giáo nhóm tuổi 15-22 đi lễ cao hơn nhóm tuổi 23-29; và tỉ lệ thanh niên Công giáo trình độ học vấn từ trung học phổ thông (THPT) trở xuống cao hơn trình độ trên THPT. Chính sự khác biệt trong tỉ lệ thanh niên Công giáo đi lễ tại các cơ sở thờ tự của các tôn giáo khác đã phản ánh sự không đồng nhất trong niềm tin tôn giáo của các nhóm thanh niên Công giáo (Hình 2).
Hình 2: Tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo khác của thanh niên Công giáo (%) [7]
Khác với thanh niên Công giáo, đối với thanh niên Phật giáo trên địa bàn ngoại thành lại có tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo khác cao hơn thanh niên nội thành. Nhìn từ góc độ giới tính, độ tuổi và trình độ học vấn, nhóm thanh nhiên Phật giáo là tương đồng với nhóm thanh niên Công giáo. Nhóm nam thanh niên có tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo khác cao hơn nữ; thanh niên nhóm tuổi 15-22 có tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo khác cao hơn nhóm tuổi 23-29; thanh niên có trình độ học vấn từ THPT trở xuống có tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự khác cao hơn trên THPT (Hình 3).
Hình 3: Tỉ lệ đi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo khác của thanh niên Phật giáo (%) [7]
Thứ hai, hành vi tham gia học giáo lý, giáo luật của thanh niên. Hiện chỉ có cơ sở tôn giáo mới có hoạt động giảng dạy giáo lý, giáo luật; các cơ sở tín ngưỡng như đình, đền, miếu, phủ không tổ chức các hoạt động này. Kết quả khảo sát cho thấy 24,3% giới trẻ thường xuyên tham gia hoạt động học, 48,7% thỉnh thoảng mới tham dự và có tới 27,7% giới trẻ không bao giờ tham gia. Giới trẻ Phật giáo có tỉ lệ thường xuyên tham gia các khóa giảng giáo lý cao nhất, và thấp nhất là nhóm giới trẻ không tôn giáo; đa số giới trẻ không tôn giáo không tham gia khóa giảng giáo lý bao giờ. Như vậy đã có sự khác biệt về việc tham gia học giáo lý, giáo luật giữa giới trẻ trong các nhóm tôn giáo (Hình 4).
Ngoài việc tham gia các hành vi tôn giáo tại cơ sở thờ tự, thanh niên còn thực hiện các hành vi tôn giáo tại gia đình. Trong việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vào những dịp lễ, tết hay vào ngày rằm, mùng một hoặc khi gặp bất cứ sự cố nào trong cuộc sống thanh niên thường bày biện lễ vật và thắp hương trên ban thờ tổ tiên, họ cầu mong tổ tiên ban cho những điều tốt lành, tránh đi những tai ương và rủi ro. Đây là một trong những loại hình văn hóa tâm linh được thanh niên tham gia thực hành nhiều nhất. Bên cạnh đó, nhóm thanh niên là tín đồ tôn giáo còn thực hiện đọc kinh cầu nguyện tại nhà.
Hình 4: Tỉ lệ tham gia học giáo lý của giới trẻ (%) [7]
3. Ảnh hưởng của tôn giáo đối với việc ứng xử của thanh niên trong mối quan hệ gia đình
3.1. Tôn giáo giúp thanh niên tăng cường tính khoan dung, kiểm soát bản thân
Theo kết quả khảo sát, 68,8% thanh niên có đọc sách về giáo lý tôn giáo và 86,0% thanh niên cảm thấy sách giáo lý tôn giáo bổ ích đối với bản thân. 88,1% giới trẻ khẳng định có áp dụng giáo lý tôn giáo vào cuộc sống. Con số này khẳng định mức độ ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống giới trẻ. Giáo lý tôn giáo được áp dụng vào nhiều lĩnh vức trong đời sống thanh niên. Việc áp dụng giáo lý tôn giáo vào ứng xử đối với người thân trong gia đình lên đến 76,6%. Giáo lý tôn giáo không chỉ tác động đến hành vi ứng xử của nhóm thanh niên là tín đồ tôn giáo mà có đến 51,3% thanh niên không phải là tín đồ tôn giáo cũng khẳng định việc áp dụng giáo lý tôn giáo vào quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình. Sự phù hợp của giáo lý tôn giáo đặc biệt là đạo đức tôn giáo trong mối quan hệ gia đình và gia tộc được nhóm thuộc giới trẻ không tôn giáo tiếp nhận như chuẩn mực đạo đức xã hội, họ tiếp thu và vận dụng nó trong hiện thực đời sống. Trên thực tế, giáo lý của các tôn giáo đều hướng đến việc răn dạy các tín đồ phải biết quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình, lấy tình yêu thương làm nền tảng của mối quan hệ gia đình. Tình yêu thương theo quan điểm Phật giáo là một thứ tình yêu đích thực, vô điều kiện; con người trao đi tình cảm, sự quan tâm, trìu mến, sự chăm sóc của mình mà không đòi hỏi phải được nhận lại. Nhiều thanh niên Phật tử cho biết, khi đã theo Phật, hiểu được tinh thần giáo lý của Phật giáo, đặc biệt là triết lý từ bi, nhân quả, vô thường, vô ngã, bản thân họ trong quan hệ với người trong gia đình đã có nhiều thay đổi. Họ đã biết quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với người thân trong gia đình.
Trong môi trường xã hội hiện đại, các gia đình phải đối mặt với nhiều thách thức như sự thay đổi môi trường sống; thay đổi phương thức làm ăn; thay đổi về quan niệm sống, thay đổi về nhu cầu sống; thay đổi về trật tự gia đình; thay đổi về khả năng tương tác xã hội; thay đổi giá trị sống như sống ảo, sống gấp… chính sự rạn nứt và đổ vỡ các mối quan hệ đã khiến nhiều ngôi nhà chỉ còn thực hiện chức năng “quán trọ” cho các thành viên, sự tương tác giữa các cá nhân trong gia đình giảm sút khiến tình yêu thương, sự che chở cũng suy giảm đáng kể. Các tôn giáo đã sớm nhận ra những mặt trái của công nghệ số đối với gia đình và trong các bài giảng của mình, chức sắc tôn giáo ít nhiều đã đề cập đến sự cần thiết phải thiết lập lại quan hệ, sự gắn kết của các thành viên trong gia đình Việt Nam hiện nay. Thanh niên trong xã hội hiện đại có xu hướng đề cao giá trị vật chất. Nếu trước kia cuộc sống đơn sơ, con người đến với nhau không coi trọng vật chất mà coi trọng tấm lòng, coi trọng sự chân tình thì ngày nay, giá trị vật chất nhiều lúc được mang ra làm thước đo quan hệ. Lối sống xa hoa là trái với lối sống tôn giáo. Phật giáo đưa ra quan niệm về “thiểu dục” và “tri túc” tức là yêu cầu con người phải biết kiểm soát lòng ham muốn của mình và biết đủ. Đây cũng là một giải pháp Phật giáo đưa ra để hướng con người tới hạnh phúc. Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Muốn ít là đối với các chưa có mà vì nhu cầu thì mong cho có. Biết đủ là gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên, không tham cầu nhiều hơn nữa để phải khổ sở về tinh thần. Tham là một trong tam độc của Phật giáo (cùng với sân và si). Thiểu dục và tri túc là phương pháp để giảm trừ tham, vì khi đã tham muốn thì không bao giờ biết đủ để dừng lại. Vạn vật vô thường, cái mới luôn tồn tại, nếu con người cứ mãi mải mê chạy đuổi theo cái mới sẽ không có điểm dừng. Muốn được sung sướng, Phật giáo cho rằng cần phải thực hiện thiểu dục và tri túc. Khi tham sân si bị loại trừ, quan hệ giữa những người trong gia đình cũng được cải thiện nhiều. Tình cảm giữa những người trong gia đình hiện nay nhiều khi cũng bị đo bằng thước đo vật chất. Phân tầng xã hội trong phạm vi gia đình đôi khi tạo nên tâm thức ganh ghét giữa bản thân các thành viên trong gia đình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ giữa các thành viên.
Tôn giáo với các giá trị khoan dung, từ bi giúp các thành viên trong gia đình nâng cao được sự chia sẻ, cảm thông trong mọi hoàn cảnh. Thanh niên là tầng lớp đang ở giai đoạn đầu phải đối mặt với cuộc sống và vì vậy, tâm thức tham, sân, si, ngã mạn đang ở vào giai đoạn mạnh, đồng thời, khả năng tự chủ, kiểm soát của giới trẻ chưa cao, do vậy, tâm thức này dễ bộc phát ra ngoài thể hiện bằng những hành động cụ thể. Tôn giáo giúp thanh niên tăng trưởng tính khoan dung, đồng thời giúp thanh niên kiểm soát được bản thân mình. Chính khi từng bước loại trừ tham, sân, si, thanh niên từng bước làm chủ bản thân và tự tin hơn vào chính mình; nhờ vậy, trong quan hệ với mọi người nói chung và người trong gia đình nói riêng họ dễ dàng chia sẻ, cảm thông với những thành công và thất bại của các thành viên khác, và đón nhận những gì người trong gia đình dành cho mình. Giáo lý tôn giáo mà cụ thể là đạo đức tôn giáo luôn đề cao vấn đề tôn trọng người khác, đặc biệt là tôn trọng người lớn tuổi. Giáo lý tôn giáo nhất là giáo lý Phật giáo khi đặt ra vấn đề buông bỏ tham sân si sẽ không chấp nhận giá trị kinh tế định vị sự tôn trọng trong quan hệ gia đình. Điều này thể hiện rất rõ trong các nội dung giáo dục của Phật giáo. Phật giáo yều cầu phật tử trong quan hệ gia đình cũng như xã hội phải biết lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi, bậc bề trên. Đây cũng chính là nội dung cơ bản trong các bài giảng đối với gia đình phật tử để giáo dục thanh thiếu niên phật tử ngay từ nhỏ. Lễ phép là một nguyên tắc quan trọng trong ứng xử. Lễ phép là sự tôn trọng người khác và qua đó cũng thể hiện sự tôn trọng bản thân mình.
3.2. Tôn giáo là sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên gia đình
Gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện đại bị coi là thiếu sự gắn kết, các mối quan hệ thay đổi nhanh chóng. Thực tế cho thấy, tỉ lệ ly hôn ngày càng có chiều hướng gia tăng. Xu thế làm mẹ đơn thân là một xu thế được nhiều phụ nữ trẻ lựa chọn, mô hình gia đình theo tôn ti trật tự truyền thống đang thay đổi. Điều này đi ngược lại với giáo lý của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay. Các tôn giáo hiện nay chưa chấp nhận cho những trào lưu biến đổi này mà luôn hướng đến các giá trị truyền thống với sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Theo giáo lý Công giáo, hôn nhân trước hết là một ơn gọi, qua việc phối hợp trong tình yêu, hai vợ chồng được mời gọi trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Do đó, hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha mẹ. Đối với người Công giáo, hôn nhân không chỉ là một khế ước mà còn là một bí tích. Hôn nhân là bí tích tình yêu, cho nên khi đã nên vợ nên chồng thì cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời. Đặc tính của hôn nhân Công giáo là đơn nhất và bất khả phân ly. Đơn nhất nghĩa là một vợ một chồng. Bất khả phân ly là không thể li dị. Hiện nay, ở Việt Nam người Công giáo vẫn luôn giữ được ý thức về sự gắn kết gia đình. Theo quan điểm Phật giáo, việc lập gia đình được xem như là một tiến trình của đời sống và phật tử tại gia, phật tử phải coi đây như là cơ hội tốt cho họ thực hành những điều tu tập. Nếu cả hai xem Phật pháp là tâm điểm trong mối quan hệ của họ, thì mối liên hệ đó sẽ dễ thành công hơn. Nhờ đó họ sẽ giúp đỡ nhau tu tập và phát triển. Trong kinh Đại Bảo Tích đức Phật đã nhận định rằng: nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn. Chồng và vợ lúc nào cũng phải tương kính lẫn nhau, họ phải học cách chia sẻ những vui buồn trong đời sống hằng ngày [8]. Tương kính và cảm thông là hai thứ quan trọng nhất trong cuộc sống hạnh phúc gia đình. Khác với Công giáo, không có nghi thức làm lễ cho việc kết hôn trong giáo điển Phật giáo, tuy nhiên, ngày nay, trước nhu cầu của phật tử, nhiều chùa thực hiện lễ Hằng thuận tại chùa. Nghi lễ chủ yếu là cầu an và hạnh phúc cho gia đình mới này. Ngũ giới của Phật giáo có tín điều “không tà dâm” trực tiếp liên quan đến sự gắn kết gia đình.
Cuộc sống của người dân trong xã hội hiện đại là nghiêng theo hướng thoả mãn cảm giác. Mọi người khi thèm muốn thú vui giác quan sẽ không tránh khỏi từ bỏ khía cạnh tâm linh một cách tự nhiên. Mặc dù Phật giáo chấp nhận rằng việc nghiêng theo cảm giác khoái lạc là một hiện tượng tự nhiên theo bản năng trong tâm trí con người, nhưng Phật giáo không khuyến khích mọi người hiện thực hóa bản năng này đến mức nó trở nên thỏa mãn một cảm giác bất lợi. Phật giáo chủ trương rằng sự thỏa mãn nhục dục là một trong những phong cách sống cực đoan mà những người đang tìm cầu hạnh phúc tối hậu nên tránh. Khi mọi người không đủ sức tuân thủ kỷ luật tinh thần, họ chạy theo những thú vui giác quan [1]. Giáo lý của Phật giáo hướng đến mục đích giải thoát và giác ngộ, xuất ly thế gian. Tuy nhiên, giáo lý ấy luôn đặt trên nền tảng nhân bản, hướng đến con người và nhằm giúp cho con người có được hạnh phúc trong cuộc sống, cho nên những lời dạy của đức Phật không xa rời thực tiễn, không phản lại hiện thực của xã hội.
Một trong những nguyên nhân chính của sự bất hòa trong hôn nhân là sự nghi ngờ và mất lòng tin ở nhau. Để cho gia đình thực sự hòa hợp, thực sự là mái ấm hạnh phúc thì cả người chồng lẫn người vợ phải tỏ bày sự tin tưởng lẫn nhau và cố gắng không có những điều bí mật giữa hai người. Những điều giấu kín thường tạo nên sự nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến ghen tuông, ghen tuông tạo nên hờn giận, hờn giận tạo nên hận thù và hận thù có thể dẫn đến sự chia lìa, làm khổ nhau và thậm chí là tàn hại lẫn nhau. Trong kinh Đảng Lễ Sáu Phương đức Phật dạy: chồng đối với vợ thì phải thương yêu vợ, chung thủy với vợ, săn sóc đời sống vật chất cho vợ, trao cho vợ quyền quản lý những công việc trong gia đình, kính trọng gia đình vợ; còn vợ đối với chồng thì phải thương kính chồng, chung thủy với chồng, quản lý gia đình tốt, siêng năng làm việc, đối đãi thân thiện với gia đình chồng và bạn bè của chồng. Những phép ứng xử rất hợp tình hợp lý này là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình. Đây không chỉ là chuẩn mực của đạo đức Phật giáo mà còn là chuẩn mực của đạo đức xã hội. Như vậy, tôn giáo giúp gia tăng niềm tin giữa các cá nhân trong đó có sự gia tăng niềm tin với các thành viên trong gia đình. Người theo tôn giáo, đặc biệt những người trong cùng một tôn giáo luôn tin tưởng rằng luôn hướng đến lối sống tôn giáo tuân thủ đạo đức tôn giáo, họ tin tưởng rằng những người đồng tu là những người tốt và đáng được tin cậy.
Sự tin tưởng lẫn nhau giữa cặp vợ chồng có tôn giáo góp phần gia tăng sự gắn kết cho gia đình. Sự gắn kết đó cũng được tạo dựng trên giá trị chia sẻ mà các tôn giáo luôn đề cao. Nếu một cặp vợ chồng có thể chia sẻ nỗi đau khổ và niềm vui trong đời sống hàng ngày cho nhau thì họ có thể tiếp thêm sức sống cho nhau, đem đến hạnh phúc cho nhau và giảm thiểu tối đa những lời than vãn, trách móc. Khi những cảm giác bất an và dao động sẽ biến mất và cuộc sống sẽ càng có ý nghĩa hơn, hạnh phúc, thú vị hơn nếu như cả vợ và chồng đều sẵn lòng chia sẻ gánh nặng của nhau. Sống với sự tin tưởng và hướng đến những giá trị tích cực về yêu thương, bình an, hạnh phúc, loại trừ những giá trị tiêu cực của sân hận, ganh tị, si mê cũng là nhân tố tích cực cho sự gắn kết gia đình, vợ chồng. Tình yêu thường bị hoan ố bởi lòng vị kỷ, đó là lý do tại sao nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng cách chia tay, ly dị.
Sự gắn kết gia đình không chỉ dừng lại ở sự gắn kết vợ chồng mà còn là giữa cha mẹ và con cái. Kinh Phật cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Bổn phận của cha mẹ là yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con cái với bất cứ giá nào. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng và mang lại sự tốt lành cho con cái. Cha mẹ phải có bổn phận khuyên bảo con cái tránh xa điều xấu làm điều tốt, tạo cho con cái một nền giáo dục tốt, tạo điều kiện cho chúng lập gia đình với những người phù hợp, và trao tài sản thừa kế cho chúng vào thời điểm thích hợp. Cha mẹ cần phải dành thời gian quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái để có được một mái ấm hạnh phúc.
4. Kết luận
Việc tham gia thực hiện các hành vi tôn giáo là sự biểu lộ tâm thức hướng đến tôn giáo, niềm tin tôn giáo của thanh niên. Niềm tin, hành vi và mức độ nhận thức giáo lý, thực hành giáo lý tôn giáo của thanh niên ảnh hưởng nhất định đến lối sống của thanh niên. Tôn trọng người khác là thái độ trân trọng, kính nhường; không có suy nghĩ và lời nói, hành vi coi thường, khinh rẻ, miệt thị. Tôn trọng một người là không bao giờ lớn tiếng phê phán, chỉ trích người đó trước đám đông, đặc biệt là khi không có mặt người đó. Tôn trọng người khác là biết bảo vệ danh dự cho người khác khi cần thiết, không hùa theo đám đông nói những điều không tốt đẹp về một người mà điều đó khi nói lên không mang lợi cho ai cả, thậm chí đôi khi còn có hại [2, tr.12]. Như vậy, tôn giáo giúp củng cố trật tự kính trên nhường dưới trong gia đình. Trật tự trong gia đình Việt Nam hiện nay cũng đang có nhiều thay đổi so với gia đình truyền thống. Ứng xử gia đình truyền thống dựa trên cơ sở tuân thủ hệ thống tôn ti trọng đạo, người già không chỉ được tôn trọng mà có quyền tối cao trong các quyết sách gia đình. Tuy nhiên, trong gia đình hiện đại, đa phần người nắm tài chính là người có vị thế, có tiếng nói và được coi trọng. Bởi thế, vị thế của người già trong gia đình đã có phần suy giảm, vai trò của người đàn ông trong gia đình cũng chỉ quan trọng khi người đó là trụ cột, ngược lại, nếu người phụ nữ nắm vị trí chủ chốt về tài chình thì họ cũng chính là người có vị thế và tiếng nói quan trọng. Giáo lý của các tôn giáo luôn chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến và việc lựa chọn một cách tự nguyện theo giáo lý tôn giáo sẽ nhận được sự chia sẻ với người trong gia đình về những khúc mắc của họ trong cuộc sống. Việc thanh niên Hà Nội tham gia các hành vi tôn giáo góp phần gắn kết các thành viên đó là sự bồi đắp tính nhẫn nại, sự tôn trọng trong mối quan hệ gia đình hiện nay.
Tài liệu tham khảo
[1] Ban Văn hoá thành hội Thành phố Hồ Chí Minh (1999), Kinh Đại Bảo Tích, Tp. Hồ Chí Minh.
[2] Kapila Abhayawansa (2010), “Đóng góp của Phật giáo cho một xã hội lành mạnh đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, Quan điểm Phật giáo về lối sống lành mạnh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
[3] Nguyễn Hữu Minh (2012), “Các mối quan hệ trong gia đình ở Việt Nam: Một số vấn đề cần quan tâm”, Tạp chí Xã hội học, số 4 (120).
[4] Nguyễn Thị Minh Ngọc (2017), Vai trò của tôn giáo trong xây dựng niềm tin xã hội, Nxb Phương Đông, Cà Mau.
[5] Thích Nhật Tử, Thích Đức Thiện (Chủ biên) (2014), Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
[6] Đặng Nghiêm Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7] Viện Xã hội học (2018), Điều tra khảo sát của đề tài “Niềm tin và hành vi tôn giáo của giới trẻ Hà Nội hiện nay” tại phường Long Biên, quận Long Biên và xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
[8] https://sites.google.com/site/giadinhphattuthienchanh/hoat-dhong-xa-hoi/bai-2-le-phep-voi-nguoi-lon-tuoi
Xem thêm tạp chí khác:
Lý thuyết về xung đột tộc người, tôn giáo
Quản trị quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Biến đổi phong tục, tập quán của người Mông ở khu vực Tây Bắc dưới tác động của đạo Tin lành
Nghiên cứu, biên soạn Bách khoa toàn thư ẩm thực Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Tái cấu trúc nền kinh tế từ góc độ động lực phát triển trong giai đoạn mới
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới mới
Nghiên cứu hệ tiêu chí đo lường vốn xã hội ở Việt Nam