Bắc Giang: giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Bắc Giang: giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa

22/05/2022

Tới đây, ngày 27-5-2022 UBND huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ đón nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hoà (ATK II Hiệp Hòa); Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm) và Quyết định Công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, tại Quảng trường trung tâm tượng đài truyền thống, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa. Đây là sự kiện chính trị - xã hội lớn nhất của huyện Hiệp Hòa từ trước đến nay được tổ chức trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà Hoàng Công Bộ chủ trì họp báo, ngày 21-5-2022

Hiệp Hoà là huyện trung du nằm ở phía tây của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang 30 km đường bộ. Phía Đông Bắc giáp huyện Tân Yên và huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang); phía Tây giáp thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội); phía Nam giáp huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); phía Bắc giáp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Với vị trí địa lý này Hiệp Hòa thuận lợi cho việc trao đổi, giao lưu kinh tế - văn hóa - an ninh quốc phòng. Huyện có diện tích tự nhiên 201,59 km2; có 24 xã và 01 thị trấn, dân số hơn 258.000 người.

Di tích cấp Quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa

Từ những năm đầu cách mạng (năm 1943), với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ Việt Bắc đi xuống đồng bằng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng ATKII của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hoà, giáp ranh với các huyện: Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). ATK II tại Hiệp Hòa được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, bảo vệ cán bộ chủ chốt của Đảng, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc kỳ được liên tục, thông suốt, kịp thời. Nhiều nhà hoạt động cách mạng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Lê Hoàng, Ngô Thế Sơn, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hoàng Văn Thái… đã về đây tuyên truyền, gây dựng và chỉ đạo phong trào cách mạng. 

Hiệp Hòa có 16/25 xã được công nhận là xã An toàn khu II. Di tích gồm 8 địa điểm: Nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà ông Nguyễn Văn Chế, nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), Soi Đền, đình Vân Xuyên, đình Chợ Vân, đình Xuân Biều và chùa Y Sơn. Mỗi di tích đều gắn với những nhân vật lịch sử quan trọng và các sự kiện tiêu biểu, đánh dấu bước chuyển trong quá trình chuẩn bị lực lượng và các điều kiện tạo nên bước ngoặt lịch sử trong thời kỳ tiền khởi nghĩa của Đảng và nhân dân ta. Huyện Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiến tới tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Di tích Quốc gia ATKII Hiệp Hòa được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt một lần nữa ghi nhận và tri ân những cống hiến hy sinh to lớn của nhân dân Hiệp Hòa vào thành công chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hiệp Hòa. Đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng. 

Điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm)

Huyện Hiệp Hoà nói chung và thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm nói riêng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, luôn đi theo Đảng làm cách mạng. Tại đây đã được Đảng, Chính phủ chọn làm nơi mở Trường tập huấn của Đoàn ủy Đoàn cải cách ruộng đất. Hơn 2000 cán bộ cải cách đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang đã về đây học tập từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1955 và đã được các đồng chí lãnh đạo của Đảng như: Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng… cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Chính phủ về thăm và nói chuyện với Trường tập huấn. Đặc biệt nhất, ngày 08/02/1955 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi) vinh dự cho Hội nghị và quê hương Hiệp Hòa, Hồ Chủ Tịch với trách nhiệm và tình cảm cao nhất với cuộc cải cách ruộng đất đã về làm việc với Ban cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên; thăm khu hậu cần tại nghè Cẩm Xuyên; nói chuyện thân mật tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II ở khu hội trường soi Vải xứ Đồng Nương thôn Cẩm Xuyên; sau đó Người đi thăm một số hộ nông dân ở thôn Cẩm Xuyên.

Điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm thuộc khu bãi soi (Vườn vải) thôn Cẩm Xuyên và được xây dựng năm 2001.

Năm 2017 UBND huyện đã tôn tạo điểm lưu niệm và hoàn thành trong năm 2019. Tổng diện tích của di tích khoảng 3.674,8 m2 đã được xây dựng tường bao xung quanh, có hệ thống trụ và cổng ra vào. Trong khuôn viên đã xây dựng nhà tưởng niệm.

Nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn, kỉ niệm sâu đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hiệp Hòa với Bác Hồ- vị cha già kính yêu của dân tộc. Trong nhà lưu niệm có bia đá ghi dấu sự kiện ngày 08/02/1955 để phục vụ công tác giáo dục truyền thống, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cho nhân dân, cán bộ và đảng viên.

Với tình yêu và tình cảm với di tích, năm 2001 UBND huyện đã quy hoạch quần thể di tích với diện tích hơn 3 ha nhằm lưu giữ, trân trọng những kỷ niệm của Đảng bộ và cùng nhân dân Hiệp Hòa, xã Xuân Cẩm, thôn Cẩm Xuyên với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới

Vào sáng ngày 21-5-2022, tại buổi họp báo về tổ chức Lễ đón nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm) và Quyết định Công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ cho biết, trong 10 năm qua, huyện Hiệp Hòa đã huy động 4.572,612 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới (NTM); vốn ngân sách 2.828 tỷ đồng, chiếm 61,8%; vốn huy động các doanh nghiệp; 168,6 tỷ đồng chiếm 3,7%; vốn huy động từ nhân dân hơn 1.575 tỷ đồng chiếm 34,5%. Việc bố trí bảo đảm trọng tâm, trọng điểm và có sự chung sức rất lớn của nhân dân nên huyện Hiệp Hòa không có nợ xây dựng cơ bản. UBND huyện Hiệp Hòa cũng đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách mới, sáng tạo để thúc đẩy việc xây dựng NTM như: hỗ trợ và thưởng xã về đích NTM 2-3 tỷ đồng; xã nâng cao 2-3 tỷ đồng; thôn kiểu mẫu 300 - 400 triệu đồng; thôn NTM 20-50 triệu đồng; Hỗ trợ kiên cố hoá trường lớp học: 200 - 300 triệu đồng/phòng học. Đến nay, bộ mặt nông thôn và đô thị Hiệp Hòa có nhiều khởi sắc. 

Đặc biệt, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với 100% đường, thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện... Toàn huyện đã có 1.173km đường giao thông được cứng hoá, cao hơn 3% so với bình quân toàn tỉnh; Huyện Hiệp Hòa đã có 100% xã đạt chuẩn NTM; 100% các tiêu chí của huyện đạt chuẩn NTM.

Thời gian tới huyện Hiệp Hòa đặt mục tiêu, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và sức cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng riêng có, lợi thế khác biệt, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo ra đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch, từng bước hoàn thành Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao. Đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60 - 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, đến năm 2025 còn 1,95% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025).

Quảng trường tượng đài trung tâm huyện Hiệp Hoà, nơi sẽ diễn ra 03 sự kiện quan trọng của huyện Hiệp Hoà, ngày 27-5-2022

Lễ công bố 03 sự kiện quan trọng trên đây diễn ra vào ngày 27-5-2022 đã được UBND huyện Hiệp Hoà chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, với quy mô dự kiến 400 đại biểu từ Trung ương, địa phương tới dự, cùng với hàng vạn nhân dân huyện Hiệp Hoà và địa phương khác của tỉnh Bắc Giang tham dự.

Cùng với 04 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Bắc Giang đó là: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), hy vọng trong thời gian tới, di tích ATK II Hiệp Hòa sẽ được quan tâm đầu tư tôn tạo, thu hút nhân dân, nhất là du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh; trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc.

 

Ngô Văn Vũ

Các tin đã đưa ngày: