Hưởng ứng chủ đề Ngày môi trường thế giới 05/6/2023: Giải pháp cho ô nhiễm nhựa
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Hưởng ứng chủ đề Ngày môi trường thế giới 05/6/2023: Giải pháp cho ô nhiễm nhựa

03/06/2023

Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Dưới áp lực và các tác động tiêu cực từ rác thải nhựa, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho ngành nhựa là hết sức cần thiết, nhằm tái chế, tái sử dụng lượng nhựa thải ra môi trường.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023

Vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu

Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ trước, chỉ một khối lượng nhỏ nhựa được sản xuất và vấn đề rác thải nhựa vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, từ giữa những năm 70 đến những năm 90, khối lượng rác thải nhựa tăng hơn 3 lần, phản ánh sự gia tăng mạnh của các sản phẩm nhựa. Đến những năm đầu của thế kỷ 21, khối lượng rác thải nhựa thải ra trong một thập niên đã nhiều hơn so với 40 năm trước đó. Hiện nay, có khoảng 4 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm.

Một xu hướng đáng lo ngại đã và đang diễn ra. Kể từ những năm 1970, tỷ lệ sản xuất sản phẩm nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ các loại vật liệu nào khác. Nếu tiếp tục giữ đà gia tăng như vậy, sản lượng sản phẩm nhựa toàn cầu sẽ đạt 1.100 triệu tấn vào năm 2050. Theo đó, xu hướng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần cũng gia tăng ở mức độ đáng báo động.

Gần 36% lượng nhựa được sử dụng trong lĩnh vực bao bì, bao gồm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần để đựng đồ ăn, nước uống, gần 80% số đó được chôn lấp hoặc thải bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, khoảng 98% sản phẩm nhựa sử dụng một lần được sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch hoặc nguyên liệu “gốc” (“virgin” feedstock). Mức độ phát thải khí nhà kính liên quan đến việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa làm từ nguyên liệu hoá thạch truyền thống được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách các-bon toàn cầu vào năm 2040. Những sản phẩm nhựa dùng một lần xuất hiện ở mọi nơi. Đối với nhiều người, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan..

Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm – đây là nhận định của ông Albert T. Lieberg, trưởng đại diện Tổ chức Liên Hiệp Quốc (FAO) ở Việt Nam. Ước tính riêng Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số "khổng lồ" 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng.

Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa "ô nhiễm trắng" mà các chuyên gia đã gọi.

Chung tay đánh bại ô nhiễm nhựa

Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) và Bờ Biển Ngà (Quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện) đã lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là SOLUTIONS TO PLASTIC POLLUTION (“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”).

Với khẩu hiệu “Beat Plastic Pollution” - Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa, Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được hỗ trợ bởi Chính phủ Hà Lan, một trong những quốc gia có hành động đầy tham vọng đối với vòng đời của nhựa. Nước này là một bên ký cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới và là thành viên của Hiệp hội đối tác toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác biển. Đây cũng là một thành viên của Liên minh tham vọng cao kêu gọi sự ràng buộc pháp lý quốc tế mạnh mẽ và đầy tham vọng để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 51 năm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, sau khi tổ chức này được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1972 và Ngày Môi trường thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1973. Trải qua 5 thập kỷ, tổ chức này đã phát triển thành một trong những tổ chức lớn nhất về môi trường toàn cầu. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã tham gia và hành động hưởng ứng các hoạt động, sự kiện do tổ chức này phát động.

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”. Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận này, dự kiến kéo dài từ nay đến hết năm 2024.

Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền KTTH, tăng trưởng xanh.

Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Poster Ngày Môi trường thế giới 2023

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến KTTH. Đây là một trong những giải pháp trọng tậm trong vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Trong đó, tập trung vào các nội dung tuyên truyền, thảo luận như: Chính sách về KTTH tại Việt Nam; Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển KTTH của Việt Nam. Kinh nghiệm phát triển, xây dựng mô hình KTTH trên thế giới và Việt Nam. Vai trò KTTH trong thực hiện phát thải ròng bằng không và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác tận dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, KTTH. Tài chính cho thực hiện KTTH, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức các hội thảo tuyên truyền về vai trò của kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ môi trường; triển lãm, khảo sát thực tế mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, KTTH, từ đó tăng cường năng lực cho viên chức và người lao động Viện Hàn lâm để áp dụng vào công tác nghiên cứu cũng như chung tay, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội về ý thức bảo vệ môi trường là rất có ý nghĩa và càng khẳng định vai trò, trách nhiệm của Viện Hàn lâm trong phát triển bền vững của đất nước và toàn cầu.

TS. Nguyễn Đình Đáp

Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các tin đã đưa ngày: