Khai trương trưng bày "Nà Pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái ở Nghệ An" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Khai trương trưng bày "Nà Pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái ở Nghệ An" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

19/10/2024

Nà pha được dùng làm vỏ chăn, áo choàng, đồ trang trí... của người Thái tại Nghệ An là những sản phẩm ở giai đoạn hiện tại gần như không thể tìm thấy trong cộng đồng, đang được giới thiệu, trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ ngày 18/10/2024 – 17/01/2025. Với kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa, Nà pha được dùng làm của hồi môn cho cô dâu tặng quà khi về nhà chồng thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái tại Nghệ An

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm (Thứ ba từ trái sang) tham dự cắt băng khai trương Trưng bày

Ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chào mừng lễ khai trương Trưng bày

Trưng bày là nơi quy tụ 190 tấm Nà Pha quý hiếm

Trưng bày giới thiệu một phần bộ sưu tập đồ vải thuộc sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm (Công ty Trúc Lâm) gồm 190 tấm mặt chăn (Nà Pha). Trong đó có 101 hiện vật Nà Pha đã được giám định và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký di vật, bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1195/QĐ-SVHTT ngày 14/10/2024; Các tấm Nà Pha này được Công ty Trúc Lâm sưu tầm trong khoảng thời gian những năm 1990 tại vùng người Thái Trắng (Nhóm Tày Mường) ở miền Tây tỉnh Nghệ An.

Nà pha thường được dùng làm của hồi môn cho cô dâu khi về nhà chồng, choàng giữ ấm cho trẻ em về mùa đông, trang trí ngày Tết...Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa, Nà pha thể hiện nét đặc trưng trong sản phẩm đồ vải của người Thái Nghệ An nói chung, nhóm Tày Mường nói riêng.

Hầu hết các tấm Nà pha được trưng bày có khổ rộng 40cm, được dệt theo kỹ thuật móc (khuýt) hoặc thêu (xéo) bằng sợi tơ tằm nhuộm màu rồi khâu ghép trên nền vải bông. Các hoa văn trang trí thường được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ, với phong cách chủ yếu là tả thực, thể hiện bốn chủ đề chính: động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên.

Trong trưng bày, các tấm Nà Pha được trang trí nhiều hoa văn động vật trên cạn và dưới nước. Ngoài được thêu trên mặt chăn, loại hoa văn này cũng xuất hiện khá phổ biến trên chân váy của người Thái. Hoa văn phổ biến thường là hình hươu, nai, voi, ngựa, chim công, bướm, gà, rồng cạn, rồng nước với nhiều biến thể và mang ý nghĩa biểu tượng riêng, ví dụ, rồng tượng trưng cho sức mạnh, kết hợp cả yếu tố lành và dữ, voi đại diện cho lòng trung thành, nai và chim công biểu trưng cho vẻ đẹp còn ngựa tượng trưng cho sự tự do...

Với niên đại từ 30-90 năm, bộ sưu tập được xem là một trong những di sản đồ vải quý hiếm còn sót lại, ngoài việc thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái, bộ sưu tập còn mang giá trị lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tính thẩm mỹ của người Thái qua việc thể hiện màu sắc và hoa văn độc đáo, tinh tế.

Bà Vũ Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty Trúc Lâm phát biểu tại Lễ Khai trương Trưng bày

Tại buổi gặp mặt Báo chí, Bà Vũ Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty Trúc Lâm chia sẻ “Bắt đầu từ năm 1990 chúng tôi đã dành nhiều công sức để sưu tầm, bảo quản và giữ gìn bộ sưu tập này. Trong mỗi tấm chăn, mỗi hoa văn là cả một câu chuyện về văn hóa, cuộc sống và tâm hồn của người Thái. Chúng tôi tin rằng, qua trưng bày này, công chúng sẽ có cơ hội cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế trong từng đường nét hoa văn trên mỗi tấm Nà Pha để từ đó trân trọng hơn các giá trị văn hóa dân tộc”. Từ kết luận của Biên bản giám định hiện vật của Hội đồng giám định hiện vật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, với niên đại từ 30 đến 90 năm, bộ sưu tập được xem là một trong những di sản đồ vải quý hiếm của người Thái Nghệ An còn sót lại.

Đồ vải chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái

Chia sẻ ý kiến tại gặp gỡ báo chí trước trưng bày, TS. Vi Văn An, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Nghề dệt đi vào đời sống của người Thái từ ăn, mặc, ở, nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. vì thế, đồ vải chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người Thái. Nói đến nghề dệt, đồ vải thì nói đến phụ nữ, đến giới.

Phụ nữ Thái là người đóng vai trò chủ chốt trong nuôi tằm, ươm tơ, trồng bông, dệt vải. Nghề trồng bông dệt vải là thước đo về công dung ngôn hạnh của một cô gái. Người Thái khi đến ngưỡng 13-14 tuổi, các bà mẹ đã hướng dẫn con gái từng đường kim mũi chỉ, học thêu từ đơn giản đến phức tạp như là một kỹ năng, yêu cầu bắt buộc để tự lập.

TS. Vi Văn An, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phát biểu tại lễ khai trương Trưng bày

Với Người Thái, động vật khi đưa vào hoa văn đã có tính toán. Ví dụ, con rồng là con vật trong tưởng tượng, chưa ai thấy bao giờ, vốn rất phổ biến trong trang trí chân váy, mặt chăn… Người ta quan niệm đó là con vật có sức mạnh, có nét đẹp, sẽ hữu ích cho con người vì khi người Thái canh tác ruộng con rồng sẽ làm mưa, mang ý nghĩa tốt lành, cầu mùa, ấm no và hạnh phúc. Có những hình tượng động vật đưa vào là mang tính hàm ơn, một trong những triết lý mà người Thái đưa vào để sáng tạo các họa tiết hoa văn. Nhìn vào những hoa văn cầu kỳ tinh xảo trên các tấm Nà Pha, chúng ta có thể thấy sự giàu có của chủ nhân, vì chỉ những gia đình khá giả, có điều kiện mới làm được. Hoa văn trên các tấm Nà Pha được trưng bày đều thể hiện sự giàu có của gia chủ, những gia đình không có điều kiện thì không thể làm được hoa văn từ sợi tơ tằm. Nếu có dệt, thêu thì họ chỉ tạo ra những hoa văn đơn giản, không cầu kì, sắc nét, những hoa văn như rồng, hoa quả sổ, hoa gai cọ... đều là những họa tiết rất cầu kì, phức tạp nên chỉ dành riêng cho những gia đình giàu có. Vì thế, có thể nói hoa văn về ý nghĩa cũng thể hiện giàu nghèo trong đời sống, xã hội của người Thái ở Nghệ An.

Hiện nay người Thái ở phía tây Nghệ An, đặc biệt là vùng ven quốc lộ 48, vẫn duy trì việc dệt các tấm chăn thổ cẩm bằng những họa tiết hoa văn này nhưng độ tinh xảo cũng như chất liệu, gam màu không còn như các tấm Nà Pha được trưng bày tại Bảo tàng.

Hợp tác đồng điệu giữa văn hóa, khoa học và dịch vụ - hướng đi hiệu quả trong công tác bảo tồn văn hóa

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ Báo chí, TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học, cho biết: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Công ty Trúc Lâm đã triển khai nhiều hợp tác nhằm thúc đấy sự hợp tác đồng điệu giữa văn hóa, khoa học và dịch vụ. Đây là một hướng đi được Bảo tàng và Công ty Trúc Lâm rất chú trọng nhằm bảo tồn văn hóa cũng như đáp ứng các yêu cầu trải nghiệm ngày càng cao của khách tham quan; “Lần này chúng tôi cùng nhau giới thiệu bộ sưu tập đồ dệt, thêu thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái. Đây cũng là bộ sưu tập được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Việc hợp tác cũng là một trong những chủ trương mà UNESCO luôn đề cao, khuyến khích, góp phần làm sâu sắc thêm tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật và nhận thức để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của người Thái nói riêng và các tộc người của Việt Nam và trên thế giới nói chung”.

TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phát biểu tại lễ khai trương Trưng bày

Cũng theo ông Bùi Ngọc Quang: “190 tác phẩm này được lựa chọn trong số hàng nghìn tác phẩm đã được Công ty Trúc Lâm sưu tầm từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bộ sưu tập dày dặn cho thấy bên cạnh hoạt động kinh doanh, công ty Trúc Lâm còn rất chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản những di sản văn hóa của dân tộc. Điều này khẳng định quan điểm “làm kinh tế để nuôi văn hóa” là rất hợp lý, hiệu quả và đáng trân trọng” trở thành một trong những cơ sở quan trọng để Bảo tàng và Công ty Trúc Lâm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong thời gian tới./.

Một số hình ảnh tại Lễ Khai trương Trưng bày "Nà Pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái ở Nghệ An" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm và các đại biểu, khách mời, tham dự lễ khai trương Trưng bày

 

TS. Phan Chí Hiếu cùng đại biểu, khách mời tham quan khu trưng bày Nà Pha tại Nhà Trống Đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

 

Các tấm Nà Pha được Công ty Trúc Lâm lựa chọn giới thiệu tại buổi Gặp gỡ Báo chí trước lễ khai trương đã cho thấy nét đặc trưng trong kỹ thuật thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa, tươi sáng, thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái ở Nghệ An

Hoa văn và màu sắc trang trí trên Nà Pha của đồng bào Thái tại Nghệ An

 

Không gian trưng bày Nà Pha tại Nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Thời Trân

 

 

Các tin đã đưa ngày: