Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Địa lý nhân văn (1979-2024)
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Địa lý nhân văn (1979-2024)

13/12/2024

Sáng ngày 12/12/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Địa lý nhân văn (1979-2024).

TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm trao tặng Bằng khen cho tập thể Viện Địa lý nhân văn đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tham dự Lễ kỷ niệm có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Địa lý Việt Nam; GS.TS. Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; PGS.TS. Đặng Văn Đào, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Hội Địa lý Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Thanh Vân, Hội Địa lý nhân văn Việt Nam. Về phía các bộ, ban, ngành địa phương có: GS.TS. Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới; TS. La Thế Phúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa chất và khoáng sản ứng dụng; TS. Nguyễn Thanh Hoàn, Phó Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; Ông Vũ Văn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Huyện Cô tô, tỉnh Quảng Ninh; Bà Bùi Thị Thúy, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Sơn; Bà Phạm Thị Xim, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu; Ông Vương Lê Hoàng, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn; Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Kho bạc tỉnh Điện Biên. Về phía Viện Hàn lâm có Ông Ngô Tiến Phát, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tổ chức- Cán bộ Viện Hàn lâm; TS. Phạm Sỹ An, Phó Trưởng ban Ban Kế hoạch- Tài chính; TS. Lê Thị Hải Nam, Chánh Văn phòng Đảng ủy; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm cùng các cán bộ nguyên Lãnh đạo Viện Địa lý: TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Địa lý nhân văn; TS. Đào Hoàng Tuấn, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; TS. Trần Ngọc Ngoạn, Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn.

Về phía Viện Địa lý nhân văn có: TS. Nguyễn Song Tùng, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; TS. Bùi Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; TS. Phạm Thị Trầm, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn cùng toàn thể các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm, toàn thể viên chức, người lao động của Viện.

TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tiền thân của Viện Địa lý nhân văn là Ban Địa lý kinh tế do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam thành lập năm 1979. Năm 1988, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngày 21/3/1988, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 81/KHXH-QĐ đổi tên và chuyển Ban Địa lý kinh tế thành Trung tâm Địa lý kinh tế - xã hội.

Năm 1994, Trung tâm Địa lý kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ quyết định đổi  tên thành Trung tâm Địa lý nhân văn, trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia theo Quyết định số 330-TTg ngày 21/6/1994. Năm 2004, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành khoa học xã hội trong giai đoạn mới, nhằm củng cố những vấn đề lý luận, thực tiễn về tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời căn cứ vào thực tế phát triển và kết quả hoạt động của Trung tâm Địa lý nhân văn, ngày 20/02/2004, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-KHXH chuyển Trung tâm Địa lý nhân văn thành Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng với nhiều đơn vị trực thuộc khác. Việc chuyển Trung tâm Địa lý nhân văn thành Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của Trung tâm Địa lý nhân văn trong việc mở rộng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện lên một vị trí mới.

Năm 2017, thực hiện Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Địa lý nhân văn tiếp tục được Chính phủ khẳng định là đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia về địa lí nhân văn và theo Quyết định số 28/QĐ-KHXH ngày 08/01/2018 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu khai mạc tại buổi lễ

Thay mặt Lãnh đạo Viện Địa lý nhân văn, phát biểu khai mạc tại buổi lễ, TS. Nguyễn Song Tùng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu tham dự và cho biết, nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, để có các kết quả được ghi nhận này là sự kiên định, đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của toàn thể viên chức và người lao động trong Viện, sự tin tưởng của Viện Hàn lâm và Chính phủ. Đây là nguồn động lực to lớn và đột phá đưa Viện vượt qua và đạt được những thành tựu đáng trân trọng và tự hào. Viện đã trở thành một trong những Viện nghiên cứu khoa học phát triển toàn diện trong Viện Hàn lâm.

Theo đó, các kết quả nghiên cứu, các viên chức của Viện đã có nhiều xuất bản phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, đóng góp thiết thực cho nghiên cứu khoa học, cho quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững của đất nước, của các vùng và địa phương. Đến nay, một số công trình vẫn có giá trị khoa học và thực tiễn đối với công tác quy hoạch và tổ chức phát triển kinh tế xã hội theo lãnh thổ, được xem là cẩm nang cho biên soạn tài liêu, giảng dạy và đào tạo về khoa học địa lý nói chung và địa lý nhân văn nói riêng (Cuốn Địa lý Việt Nam; Cuốn Atlat Việt Nam; Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Hồng…). Riêng trong năm 2024, viên chức của Viện đã là tác giả và đồng tác giả của 1 cuốn sách quốc tế, 3 bài tạp chí quốc tế uy tín, 7 bài kỷ yếu hội thảo quốc tế, 8 sách chuyên khảo và tham khảo, 49 bài tạp chí khoa học chuyên ngành, 29 bài kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm

Với những nỗ lực không ngừng, tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động Viện Địa lý nhân văn đã được các cấp ghi nhận với các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 cho Tập thể Viện. Huân chương Lao động Hạng III cho Tập thể Viện năm 2010 và các huân chương, bằng khen của các cấp cho các cá nhân đã có các thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển Viện.

Nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà Viện Địa lý nhân văn đã đạt được trong thời gian qua, thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu đã trao tặng bằng khen cho Viện. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng ghi nhận, biểu dương những thành tích và kết quả của Viện Địa lý nhân văn đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách trong khai thác, sử dụng các tiềm năng phát triển lãnh thổ và các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững; trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác quốc tế… Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Địa lý nhân văn đã thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa lý nhân văn; cung cấp luận cứ khoa học trong hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Viện Hàn lâm.

Bên cạnh những kết quả đáng tự hào, Chủ tịch Phan Chí Hiếu cũng nhấn mạnh những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra cho khoa học, công nghệ nói chung và Viện Hàn lâm, trong đó Viện Địa lý nhân văn ngày càng nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng. Chủ tịch đề nghị tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Viện Địa lý nhân văn tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy, khẳng định hơn nữa vị thế, vai trò là viện nghiên cứu đầu ngành về khoa học địa lý nhân văn trong cả nước, là một trong các cơ quan nghiên cứu có uy tín của Viện Hàn lâm. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học lớn, có tính ứng dụng cao; định hình các hướng nghiên cứu mũi nhọn để kịp thời tham mưu, cung cấp những luận cứ khoa học trong hoạch định đường lối, chiến lược của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các địa phương.

Thứ hai, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ tâm huyết với nghề, có năng lực nghiên cứu và phẩm chất đạo đức tốt. Quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý kế cận. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, qua quá trình tự đào tạo.

Thứ ba, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các chủ trương của Đảng và Nhà nước, của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm trong tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc; phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động, tích cực phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Viện Hàn lâm. Tham gia thực chất, hiệu quả vào việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực, phát triển Viện Hàn lâm thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới theo tinh thần Nghị quyết số 45.

Thứ năm, chú trọng xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học liêm chính, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Từng thành viên của Viện cần nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng lòng. Cấp ủy, lãnh đạo Viện, nhất là người đứng đầu cần điều hành công việc khoa học, dân chủ, minh bạch, khách quan, công bằng, tất cả vì mục tiêu phát triển chung của Viện.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm

Nhân dịp này, các cán bộ, công chức, viên chức của Viện Địa lý nhân văn cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, quý báu của Viện, đồng thời kỳ vọng vào sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước trong 45 năm qua, cùng với ý chí quyết tâm và định hướng phát triển rõ ràng của thế hệ lãnh đạo Viện hiện nay, Viện Địa lý nhân văn sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Viện Hàn lâm và đất nước.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: