Tới dự lễ kỷ niệm, về phía lãnh đạo Viện Hàn lâm có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Về phía các cơ quan Trung ương có PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học; Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại diện Văn phòng Chính phủ,... Về phía lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Sử học có TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành; PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng; PGS.TS Đinh Quang Hải, Nguyên Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học, Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách; TS. Trần Thị Phương Hoa, Nguyên Phó Viện trưởng điều hành.
Về phía các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm có ThS. Ngô Tiến Phát, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tổ chức-Cán bộ; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Q. Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin…; Đại diện các cơ quan ban ngành, trường đại học, các viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, đại diện một số dòng họ… Đặc biệt là sự có mặt đông đủ của các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Viện Sử học.
Trong diễn văn khai mạc, TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học đã khái quát quá trình hình thành và phát triển, những thành tựu nổi bật của cơ quan trong 70 năm qua. Theo đó, Viện Sử học tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 02/12/1953 tại chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Viện Sử học tròn 70 năm xây dựng và phát triển.
Sự ra đời của Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (sau đổi thành Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa) đánh dấu một bước phát triển mới của khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có khoa học lịch sử. Trong Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học, Tổ Lịch sử đóng vai trò trung tâm. Lãnh đạo Ban lúc đó có 4 thành viên thuộc Tổ Lịch sử (Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh và Trần Đức Thảo) do GS.VS. Trần Huy Liệu là Trưởng ban, đồng thời là người trực tiếp phụ trách Tổ Lịch sử.
Đến năm 1960, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học lịch sử phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 06/02/1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 039-TTg thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Cơ quan ngôn luận của giới sử học Việt Nam từ tập san mang tên Văn Sử Địa được chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Sự ra đời của Viện Sử học là một bước tiến trên con đường xây dựng một viện nghiên cứu đầu ngành về sử học nói riêng và về khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung.
Từ tháng 10/1965, Viện Sử học trực thuộc Viện Khoa học xã hội. Từ tháng 6/1967, Viện Sử học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Từ năm 1993, Viện Sử học trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia. Từ năm 2004, Viện Sử học trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Từ tháng 12/2012, Viện Sử học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho đến ngày nay.
Sự lớn mạnh của Viện Sử học cũng như sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển một số cơ quan nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cốt cán, đầu ngành của Viện Sử học được điều động sang công tác tại các Viện mới thành lập như: Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Xã hội học, v.v...
Hiện nay, Viện Sử học có 50 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 43 cán bộ có trình độ trên đại học gồm 2 phó giáo sư - tiến sỹ, 27 tiến sỹ, 12 thạc sỹ đang theo học nghiên cứu sinh và cao học.
TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành nhấn mạnh: trong 70 năm qua, các hoạt động của Viện Sử học tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam; (2) Biên soạn các bộ thông sử; (3) Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ; (4) Thực hiện những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; (5) Tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch về văn hóa, khoa học xã hội, hợp tác với các ngành, các địa phương và quốc tế; (6) Đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, tập thể Viện Sử học luôn chăm lo xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết trong cơ quan. Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động đều coi “đoàn kết là tài sản quý giá, là truyền thống đáng trân trọng” do GS.VS. Trần Huy Liệu và các thế hệ cán bộ tiếp theo của cơ quan để lại. Mỗi bước trưởng thành, phát triển của Viện Sử học đều gắn liền với sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của Viện Hàn lâm. Đảng và Nhà nước đánh giá cao những thành tựu, cống hiến, cũng như của các thế hệ cán bộ của Viện Sử học:
Năm 1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Viện Sử học Huân chương Lao động hạng Nhất và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 1998, trong dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập, Viện Sử học vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Đặc biệt, năm 2000, Viện Sử học vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.
Những phần thưởng cao quý đó là nguồn động lực quan trọng để Viện Sử học tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Ghi nhận những thành tựu đóng góp của Viện Sử học trong những năm gần đây, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đã ra Quyết định khen thưởng số 1190/QĐ-KHXH ngày 06/9/2023 cho tập thể Viện Sử học, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử vì đã có nhiều thành tích, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu chúc mừng Viện Sử học, thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đánh giá cao những thành tích, sự nỗ lực và đóng góp to lớn của Viện Sử học, đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã làm sáng rõ quá trình giữ nước, hình thành dân tộc, phê phán các quan điểm phi lịch sử hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử … góp phần nâng cao vị thế của ngành Sử học trong và ngoài nước. Tính đến năm 2023, Viện Sử học đã xuất bản hơn 500 đầu sách trong đó có những bộ sách lớn hết sức có giá trị, 600 số tạp chí lịch sử với 5.300 bài viết có chất lượng cao, 6 nhà khoa học nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, 8 nhà khoa học nhận giải thưởng Nhà nước cho các công trình và cụm công trình nghiên cứu... Chủ tịch Phan Chí Hiếu cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức qua các thời kỳ đã đoàn kết, chung sức vượt qua những khó khăn, vất vả, phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng Viện Sử học trưởng thành, lớn mạnh như ngày hôm nay; đồng thời cảm ơn các cơ quan, các nhà khoa học, các cộng tác viên của Viện Sử học đã luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng Viện Sử học, Viện Hàn lâm và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa, của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Viện Sử học còn gặp một số khó khăn nhất định. Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan, tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn thách thức, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, trí tuệ và tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ với một số nhóm nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy, khẳng định hơn nữa vị thế của Viện là một cơ quan nghiên cứu uy tín hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước; nâng cao vai trò của ngành sử học nước nhà trên trường quốc tế, trong đó cần tập trung nghiên cứu những công trình sử học lớn, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn; chú trọng tổng kết kinh nghiệm; Dự báo những vấn đề xu hướng mới; kịp thời tham mưu cung cấp những vấn đề lý luận khoa học cho Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có tâm huyết với nghề, có năng lực nghiên cứu và phẩm chất đạo đức tốt; Chú trọng đào tạo đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, chất lượng cao, góp phần hình thành chuyên gia đầu ngành, khắc phục tình trạng hẫng hụt chuyên gia đầu ngành.
Thứ ba, kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, tăng cường kỷ luật hành chính; Chú trọng hoàn thiện các quy chế, quy định của Viện và chấp hành nghiêm quy chế làm việc của Viện Hàn lâm.
Thứ tư, đổi mới lề lối làm việc, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hơn nữa tính chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; Chủ động, tích cực phối hợp công tác với các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Thứ năm, phát huy truyền thống đoàn kết nghĩa tình; Chú trọng xây dựng môi trường học tập liêm chính, từng thành viên của Viện cần nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết vì mục tiêu phát triển của Viện; Cấp Ủy và tập thể Lãnh đạo của Viện điều hành công việc một cách khoa hoc, dân chủ, minh bạch, khách quan và công bằng.
Phát biểu đáp từ, TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành thay mặt Viện Sử học tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện Hàn lâm và khẳng định: với truyền thống đoàn kết, thống nhất, với lòng hăng say học tập và lao động, toàn thể cán bộ, viên chức Viện Sử học sẽ cố gắng vươn lên, tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những thành tựu trong 70 năm qua và đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Nhân dịp này, Viện Sử học nhận được nhiều Thư Chúc mừng, lẵng hoa tươi thắm của các đại biểu tham dự cũng như các cơ quan, ban, ngành, thế hệ nghiên cứu sinh, đối tác trong và ngoài Viện Hàn lâm./.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Nguyễn Minh Hồng