Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành trong cả nước, đại diện cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản và phát hành và Hội XBVN. Chủ trì hội nghị là các đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban TGTW, Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch và Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội XBVN.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt nhưng các đơn vị xuất bản, phát hành xuất bản phẩm đã có nhiều cố gắng, duy trì và khôi phục lại hoạt động, đồng thời mở ra các hướng đầu tư, đổi mới phương thức kinh doanh, chuyển đổi kênh phát hành, phát triển phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói... nhằm đáp ứng hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số. Do đó, năm 2022, các chỉ số phát triển đều tăng mạnh về năng lực sản xuất, doanh thu, lợi nhuận tốt, và là năm đầu tiên Ngành đạt mức 6 bản sách/người/năm, đạt mục tiêu mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đặt ra cho Ngành từ năm 2010. Cũng trên cơ sở, đó đồng chí Cục trưởng nêu phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2023 như sau:
1. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành, trong đó, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản trong thời gian tới để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiến hành sửa đổi Luật khi được Quốc hội, Chính phủ đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật; tham mưu để kiến nghị xây dựng văn bản chỉ đạo bổ sung Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản;
2. Chỉ đạo, định hướng các nhà xuất bản xuất bản sách, tài liệu đúng quy định của pháp luật, định hướng của Đảng và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương; đặc biệt xuất bản tác phẩm, công trình giá trị về văn hóa - tư tưởng, góp phần vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng. Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong công tác điều hành, giám sát hoạt động và xử lý vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là trong quản lý nội dung xuất bản phẩm, hạn chế thấp nhất việc để xảy ra vi phạm về chính trị, tư tưởng;
3. Phối hợp với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản để chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất bản; phối hợp với cơ quan chỉ đạo của Đảng và cơ quan chủ quản nhà xuất bản hoàn thiện về chỉ đạo, định hướng hoạt động xuất bản và sắp xếp các nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ một số nhà thực hiện Đề án phát triển thành nhà xuất bản trọng điểm, đủ năng lực dẫn dắt thị trường;
4. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các nhà xuất bản; hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản, bổ sung các tính năng hỗ trợ, quản lý quy trình, quản trị đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản;
5. Phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt các tiêu chuẩn, định mức liên quan sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện đo lường, thống kê và công bố định kỳ kết quả về triển khai các chủ trương quan trọng của ngành như chuyển đổi số, xuất bản sách giá trị với số lượng lớn, phát triển các dòng sách tinh gọn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, kịp thời xử lý vi phạm, đặc biệt là trên không gian mạng; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các đối tượng là lãnh đạo nhà xuất bản và biên tập viên, đặc biệt là các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, quản lý tài chính, phát triển nguồn nhân lực; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp cho hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh, tích cực; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tăng cường học hỏi kinh nghiệm, đẩy mạnh phát triển xuất bản theo xu hướng hiện đại và chuyên nghiệp; phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam triển khai xây dựng Trung tâm bảo vệ bản quyền; phối hợp với các cơ quan liên quan và một số nền tảng xuyên biên giới để phát triển các kênh truyền thông sách;
6. Thực hiện hiệu quả các công tác phục vụ nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và các nhiệm vụ thường xuyên, như: (1) Tổ chức triển lãm sách kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp; (2) Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Hai và Hội sách chào mừng; (3) Phối hợp tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Sáu; (4) Phối hợp với một số cơ quan chủ quản tiếp tục xây dựng Đề án phát triển nhà xuất bản trọng điểm; (5) Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội thảo: “Phát triển các nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành”; “Triển khai các chương trình xuất bản sách Nhà nước đặt hàng, chương trình mục tiêu”; “Mô hình kinh tế xuất bản và vận hành mô hình kinh tế xuất bản trong điều kiện hội nhập và chuyển đổi số”; (6) Tiếp tục triển khai các chương trình thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước như: Chương trình đặt hàng xuất bản phẩm, Chương trình Sách Quốc gia, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; (7) Hoàn thiện hệ thống dữ liệu quản lý cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; Liên thông chia sẻ dữ liệu với các Sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước; (8) Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến kiến thức pháp luật trong hoạt động xuất bản bên cạnh việc rà soát, chấn chỉnh quy trình xuất bản của các nhà xuất bản; nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho các biên tập viên;
7. Đối với việc thực hiện xuất bản phẩm thuộc các Chương trình, Dự án, Đề án hỗ trợ của Nhà nước dành cho hoạt động xuất bản, các nhà xuất bản cần sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, thông qua việc nghiên cứu xây dựng đề tài, đầu tư về mặt hình thức và đảm bảo về nội dung, nhằm cung cấp tốt nhất kiến thức cho những đối tượng được thụ hưởng; chú trọng phát triển các dòng sách tinh gọn, sách cẩm nang, kết hợp giữa sách in với sách điện tử để mở rộng đối tượng bạn đọc, phát huy hiệu quả sách.
Trước khi Thứ trưởng Bộ TT&TT kết luận, Hội nghị đã được nghe tham luận của đại diện các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách, của chuyên gia, của đại diện lãnh đạo Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh và ý kiến chỉ đạo của đại diện lãnh đạo Ban TGTW.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT và Phó Trưởng ban TGTW đã trao tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT; trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản, phát hành và trong phát triển văn hóa đọc. Nhà xuất bản Khoa học xã hội vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng TT&TT do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản, in và phát hành năm 2022; đại diện tập thể viên chức, người lao động Nhà xuất bản Khoa học xã hội, PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Q. Giám đốc - Tổng biên tập đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT và hoa chúc mừng của Ban TGTW.
Thùy Trâm
Chi nhánh Nxb.KHXH tại TP.Hồ Chí Minh