Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế- xã hội Viện Hàn lâm có tên gọi “Đội đặc nhiệm” được thành lập bởi một nhóm các nhà chuyên gia khoa học của Viện Hàn lâm từ năm 2008. Mục đích ban đầu của Đội đặc nhiệm là báo cáo nhanh hàng tháng cho Chính phủ về tình hình khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và đội đặc nhiệm đã thành lập nhóm liên ngành và hoạt động hiệu quả, có những đóng góp quan trọng về tư vấn chính sách kinh tế- xã hội, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Đến năm 2021, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã ký Quyết định số 551/QĐ-KHXH ngày 12 tháng 5 năm 2021 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách kinh tế- xã hội. Theo đó Hội đồng có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Viện Hàn lâm trong công tác tư vấn chính sách về lĩnh vực kinh tế- xã hội và thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác khi được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, TS. Phan Chí Hiếu trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng tư vấn chính sách Viện Hàn lâm trong thời gian qua đã có những báo cáo khoa học tư vấn chính sách, tham mưu kịp thời cho Đảng và Chính phủ về kinh tế và xã hội; cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, thể hiện đóng góp tích cực của Viện Hàn lâm đối với các bộ, ngành trong thời gian qua. Đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị của Viện Hàn lâm đã được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tham mưu của Đảng ứng dụng và đánh giá cao. Trong thời gian tới, trên cơ sở lý luận, thực tiễn, Chủ tịch mong rằng, Hội đồng tư vấn chính sách Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục phát huy chuyên môn trên các lĩnh vực được phân công để tham mưu hiệu quả chính sách kinh tế- xã hội đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong giai đoạn mới.
Nhằm tăng cường hoạt động khoa học, tư vấn chính sách trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Chí Hiếu mong muốn, buổi làm việc sẽ trực tiếp lắng nghe ý kiến, nhìn nhận đánh giá lại về cơ cấu tổ chức của Hội đồng tư vấn chính sách, chất lượng hoạt động, mức độ đáp ứng và cả về những khó khăn, vướng mắc, hạn chế; qui chế làm việc; cơ chế phối hợp tham mưu với các đơn vị trực thuộc, các viện nghiên cứu trong VASS nhằm tạo ra sự đoàn kết, thống nhất hơn nữa trong quá trình công tác, góp phần tham gia tích cực trong quá trình tư vấn và hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng kinh tế- xã hội với các bộ, ban, ngành, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế- xã hội đóng góp nhiều ý kiến xây dựng thiết thực: Cần thiết phải cơ cấu tổ chức “đội đặc nhiệm” và củng cố thêm đầu mối chính từ các Viện nghiên cứu; ngoài báo cáo hàng tháng, cần xây dựng thêm báo cáo chuyên sâu nêu bật những vấn đề quốc tế nổi bật có tác động đến Việt Nam. Ngoài những vấn đề kinh tế, “đội đặc nhiệm” cần tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đây là thế mạnh cũng như thể hiện đóng góp nổi bật của VASS đối với xã hội. Các đại biểu chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng đề xuất một số giải pháp thiết thực để duy trì, củng cố hoạt động của “đội đặc nhiệm” về cơ chế thi đua- khen thưởng, kinh phí, đổi mới của báo cáo tư vấn chính sách trong thời gian tới.
Sau buổi làm việc, Chủ tịch Phan Chí Hiếu cùng Hội đồng tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hoàn thiện qui chế, cơ cấu tổ chức để Hội đồng tư vấn chính sách hay “đội đặc nhiệm” phát huy tối đa vai trò, nhanh chóng có sản phẩm và những báo cáo nhanh, chính xác, kịp thời, cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu tư vấn chính sách đến với Chính phủ.
Việc kiện toàn Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế- xã hội của Viện Hàn lâm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện hình ảnh và sự hiện diện của VASS trên tất cả các diễn đàn từ khoa học xã hội và nhân văn cho đến tư vấn chính sách thiết thực cho Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật, phục vụ cho công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, báo cáo khoa học giải quyết vấn đề kinh tế Việt Nam (giải pháp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình)…
Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của đất nước, Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế- xã hội Viện Hàn lâm cần mạnh dạn đổi mới, tăng cường tính đa dạng của các báo cáo, tập trung báo cáo chuyên đề về những vấn đề mang tính thời sự; đề xuất các giải pháp xử lý nhanh chóng một vấn đề cụ thể kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, kết hợp báo cáo chắt lọc thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước để đề xuất hàm ý chính sách gắn liền với thực tiễn tại các địa phương để triển khai hiệu quả. Đặc biệt, cần phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu liên ngành, đa ngành, “đội đặc nhiệm” cần khai thác chuyên sâu các sản phẩm nghiên cứu khoa học, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu trong VASS để cống hiến báo cáo mang bản sắc riêng, góp phần củng cố hình ảnh, uy tín, xứng đáng với bề dày truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của Viện Hàn lâm trong các giai đoạn tiếp theo.
Nguyễn Thu Trang