Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Tập huấn, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh, bí mật nhà nước tài sản quốc gia, có giá trị đặc biệt, quan hệ trực tiếp đến sự phát triển ổn định, vững mạnh của nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, bảo vệ bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của Viện Hàn lâm luôn được quan tâm, xong thực tế còn một số hạn chế và thiếu sót, do đó, để tránh để xảy ra tình trạng sai sót không đáng có, việc nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời cụ thể hóa quy trình và các bước thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong đó có cả yêu cầu về công cụ làm việc đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ để ra là nhiệm vụ cấp thiết. Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn đề nghị các đồng chí tham dự Tập huấn thật nghiêm túc, chủ động đưa ra câu hỏi thông qua tình huống cụ thể, trao đổi ngay những nội dung chưa nắm chắc để báo cáo viên hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. PGS.TS. Tạ Minh Tuấn hy vọng, qua buổi Tập huấn này, toàn thể viên chức và người lao động có liên quan được trang bị một số kỹ năng, nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian tới.
Tại lớp buổi Tập huấn, viên chức, người lao động Viện Hàn lâm đã nghe Thượng tá, TS: Trần Minh Hoạt, Khoa An ninh chính trị nội bộ, Học viện An ninh nhân dân phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước: (i) Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018; (ii) Nghị định số 26/2020-NĐ-CP, ngày 25/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; (iii) Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/02/2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; (iv) Quy trình quản lý tài liệu mật đi, đến. Đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như: Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Thống kê, lưu trữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Soạn thảo, đề xuất độ mật, phát hành văn bản chứa bí mật nhà nước;…
Theo đó, ngày 15/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000PL-UBTVQH10. Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, đồng thời sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 Chương, 28 Điều, phạm vi điều chỉnh quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện nay, văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gồm có: Nghị định số 26/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật; Thông tư số 24/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức, địa phương và 35 danh mục bí mật nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tại buổi Tập huấn, Thượng tá, TS. Trần Minh Hoạt cũng đã đưa ra nhiều tình huống cụ thể trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước ở nhiều lĩnh vực: an ninh quốc phòng, quan hệ đối ngoại, giáo dục và đào tạo..; cảnh báo các trường hợp lộ, mất bí mật nhà nước; Hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thực hiện soạn thảo, sao gửi, lưu trữ, tiêu hủy văn bản có chứa bí mật nhà nước,… cho công chức, viên chức, người lao động Viện Hàn lâm.
Sau khi nghe báo cáo viên chia sẻ về chính sách, pháp luật, quy trình, nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, các công chức, viên chức và người lao động Viện Hàn lâm đã tích cực trao đổi, thảo luận và đặt ra những câu hỏi về các vấn đề liên quan: (i) làm thế nào để phát huy hiệu quả công cụ/ tài sản thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước, tránh lãng phí; (ii) những loại tài liệu nào ở Viện Hàn lâm là tài liệu bí mật nhà nước cần được bảo vệ...
Kết thúc buổi Tập huấn, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, đồng chí Đỗ Hữu Phương, Phó Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm cảm ơn Thượng tá, TS. Trần Minh Hoạt đã rất nhiệt tình truyền đạt, phổ biến các nội dung quan trọng về công tác bảo vệ bí mật nhà nước cũng như chia sẻ những tình huống cụ thể. Đồng chí Đỗ Hữu Phương một lần nữa khẳng định công tác bảo vệ bí mật nhà nước là một nội dung rất quan trọng, cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới ở tất cả các đơn vị; đồng thời, yêu cầu viên chức, người lao động thuộc Viện Hàn lâm nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước./.
Nguyễn Minh Hồng