PGS.TS. Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp nhận hiện vật bắt voi của ông Ama Kông do ông Khăm Phết Lào trao tặng |
|
Bộ sưu tập gồm hơn 20 đơn vị hiện vật được đặc chế để bắt, thuần dưỡng và sử dụng voi. Trong đó bao gồm cả những hiện vật được sử dụng trong thực hành tín ngưỡng và phục vụ đời sống văn hóa, sinh hoạt của nhóm người đi bắt voi ở Tây Nguyên trong các chuyến đi săn. Bộ vật dụng chủ yếu được đặc chế từ nguyên liệu tự nhiên như: tre, mây, sáp ong, sừng và da trâu. Sau khi làm thịt những con trâu lớn, người địa phương căng da của chúng trên một mặt phẳng, rồi từ tâm điểm của tấm da, người ta xén những đường vòng tròn đồng tâm, theo đó từ mỗi tấm da trâu sẽ có được một sợi dây liền mạch. Nhiều sợi dây như thế (từ các bộ da của nhiều con trâu) được vuốt bằng chính mỡ trâu cho mềm, rồi xoắn và bện lại thành những cuộn dây dài để sử dụng khi bắt voi.
Về mặt niên đại, bộ dụng cụ này có tuổi đời rải rác từ đầu thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX gắn liền với cuộc đời của ông Khun Ju Nốp (1828-1938) và đặc biệt là cuộc đời của ông Ama Kông (1910-2012).
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Khun Ju Nốp, người Pơ Nong (dân tộc Mnông) đã tổ chức chế tác các công cụ để bắt và thuần dưỡng voi rừng. Sau khi ông qua đời, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi cũng như bộ dụng cụ bắt voi được con cháu kế thừa, trong đó nổi bật là ông Ama Kông (là con rể nuôi). Tương truyền trong cuộc đời mình, Ama Kông đã bắt và thuần dưỡng tới 298 con voi và bộ dụng cụ này được dùng trong đa phần các lần bắt voi. .
Du khách xem bộ hiện vật bắt voi được trưng bày tại lễ trao tặng |
|
Tháng 6/1992 khi Bộ Lâm Nghiệp ban hành Quyết định 301/TCLĐ thành lập vườn quốc gia Yok Đôn, cùng với chính sách bảo vệ động vật hoang dã, việc săn bắt voi bị cấm. Từ đây, các vật dụng bắt voi hầu như không còn được sử dụng. Sau đó chúng được bài trí để giới thiệu với du khách. Và với mong muốn được giới thiệu bộ dụng cụ ra với đông đảo mọi người trong cả nước, gia đình ông Khăm Phết Lào (con trai của ông Ama Kông) đã quyết định tặng Bảo tàng bộ hiện vật có giá trị này.
Phát biểu tại lễ nhận hiện vật, PGS.TS. Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng đã trân trọng cám ơn gia đình ông Khăm Phết Lào, đánh giá cao bộ hiện vật và khẳng định bộ hiện vật sẽ được Bảo tàng tổ chức bảo quản, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tư liệu liên quan. Khi hội đủ các điều kiện cần thiết, Bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày để giới thiệu rộng rãi tới công chúng về truyền thống săn bắt, thuần dưỡng và sử dụng voi trong đời sống các cộng đồng cư dân ở Tây Nguyên.
Phạm Vĩnh Hà