|
|
|
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến dự khai mạc và tham quan Trưng bày |
|
Cắt băng khai mạc Trưng bày |
Đến với Trưng bày này, công chúng sẽ được tiếp cận 34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông (tái hiện hình dáng của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập), in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ 2 mặt. Các tác phẩm tuyệt vời này được bài trí sống động trong không gian rộng mở tạo cảm giác thân thiện với người xem và sự gần gũi với đời sống dân dã thời bấy giờ. Mặt khác, nhằm giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh, toàn bộ 200 bức ảnh được xếp đặt thành một bức khảm, đồng thời được dựng thành một video clip tạo điều kiện cho công chúng thưởng ngoạn bộ sưu tập dưới nhiều hình thức.
Trưng bày cũng cung cấp cho người xem chân dung sống động với các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ… trong trang phục sức hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX mà nay hầu như không còn tồn tại. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỷ mỷ.
Bên cạnh đó, một công cụ “tác nghiệp” của tác giả, chiếc máy ảnh Rolleiflex, cũng có mặt trong phòng trưng bày. Một “buồng tối” (camera obscura) - tiền thân của máy ảnh ngày nay - được tái dựng ở trung tâm phòng trưng bày, đem đến cho công chúng những khám phá thú vị về kỹ nghệ hình ảnh. Với “công cụ” khổng lồ này, du khách yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh có thể nhận thấy nguyên tắc hiện hình (lộn ngược) của đối tượng cần ghi hình trong hộp đen.
Sau trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (khoảng 6 tháng), dự kiến bộ ảnh sẽ tiếp tục được giới thiệu tại Tây Nguyên, nơi khởi nguồn của các tác phẩm này./.
Phạm Vĩnh Hà