Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

14/05/2013

Ngày 13/5/2013, thực hiện chương trình công tác năm 2013, Đoàn cán bộ cấp cao của Ban Dân vận Trung ương gồm đại diện Lãnh đạo Ban và các Vụ thuộc Ban, do đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã đến Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc và nghiên cứu tình hình thực tế về công tác vận động đội ngũ trí thức gắn với việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”.

Tham gia buổi làm việc, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Viện Hàn lâm: GS.TS. Đỗ Hoài Nam, GS.TS. Phạm Xuân Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường; các đồng chí đại diện thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, và đại diện các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Sau khi đồng chí Nguyễn Thế Trung nêu lý do, mục đích, yêu cầu của buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã báo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trên 02 nội dung: Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và Chế độ đãi ngộ đối với trí thức tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian qua.

Theo đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, vấn đề toàn cầu hoá trở thành xu thế tất yếu, “kinh tế tri thức” trở thành một đặc trưng của nền kinh tế thế giới, vai trò động lực, vị trí trung tâm của con người trong quá trình phát triển đã được khẳng định, đặc biệt là vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội. Đây cũng là một trong những chủ trương, chiến lược nhất quán của các thế hệ Lãnh đạo Viện Hàn lâm. Định hướng phát triển nguồn nhân lực trong Chiến lược phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 nhấn mạnh “xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học cả về số lượng và chất lượng, xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, các nhà khoa học kế cận có triển vọng, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học quan trọng, tham gia có hiệu quả vào hợp tác và hội nhập quốc tế”. Để thực hiện mục tiêu này, Viện Hàn lâm tổ chức 02 hình thức đào tạo là: Đào tạo sau đại học và Các lớp/khóa bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ.

Về Đào tạo sau đại học: Trước đây, Viện Hàn lâm có 17 cơ sở đào tạo sau đại học tại các Viện trực thuộc. Cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW, đến năm 2010, số lượng cán bộ có học vị tiến sĩ và thạc sĩ tăng gấp 8 lần so với 20 năm trước. Tỷ lệ cán bộ có học hàm, học vị đạt 30,7% trên tổng số cán bộ. Ngày 10/01/2010, nhằm thống nhất các hoạt động đào tạo của Viện Hàn lâm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Học viện Khoa học xã hội thực hiện chức năng đào tạo sau đại học của Viện Hàn lâm. Đến nay, sau hơn 03 năm thành lập, Học viện Khoa học xã hội đã trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có uy tín cho Viện Hàn lâm và cho cả nước.

Bên cạnh tạo điều kiện cho các cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm được tham gia đào tạo sau đại học tại Học viện Khoa học xã hội và một số cơ sở đào tạo khác, bằng việc hợp tác với các Viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học và các Quỹ tài trợ có uy tín trên thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn tổ chức nhiều khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ nghiên cứu, nhất là cán bộ nghiên cứu trẻ, như các khóa học liên ngành về khoa học xã hội, các khóa học Mùa hè Tam Đảo, các khóa học trong chương trình “Hỗ trợ hoạch định chính sách hiệu quả thông qua việc phát triển nghiên cứu dựa trên căn cứ khoa học”, các Lớp bồi dưỡng kiến thức Hội nhập quốc tế, các lớp do các Viện trực thuộc phối hợp với các cơ quan/tổ chức ngoài Viện Hàn lâm thực hiện, và các Hội thảo liên Chi đoàn giao cho Đoàn Thanh niên tổ chức với nguồn kinh phí của Viện Hàn lâm. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ, từ năm 2013, Viện Hàn lâm chủ trương dành 30% kinh phí khoa học cho các đề tài cấp cơ sở, trong đó chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ nghiên cứu trẻ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các cán bộ đang tham gia các khoá đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ kết hợp việc nghiên cứu với thực hiện đề tài luận án.

Về chế độ đãi ngộ đối với trí thức: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về tuyển dụng, chế độ tiền lương, kéo dài thời gian công tác đối với trí thức có trình độ cao theo  tinh thần Nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm luôn tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi. Trí thức được tạo điều kiện tham gia các đề tài, dự án các cấp, ở cả trong và ngoài Viện Hàn lâm; được tạo cơ hội học tập, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức ở cả trong và nước ngoài. Trí thức có trình độ cao được xem xét bổ nhiệm vào các vị trí quản lý và chuyên môn hợp lý. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương ưu tiên các đề tài cấp cơ sở cho các cán bộ nghiên cứu trẻ, các cán bộ đang tham gia các khoá đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ là hình thức hỗ trợ tài chính hiệu quả, đáp ứng được sự mong đợi của các cán bộ trẻ.

Tuy nhiên, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu như yếu tố môi trường làm việc, cơ hội nghề nghiệp là những thuận lợi, thì chính sách hỗ trợ vật chất, lương bổng hiện đang áp dụng theo những quy định hiện hành của Nhà nước lại là “điểm yếu” (khách quan) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nguồn thu nhập từ lương hiện nay của trí thức, nhất là trí thức trẻ tại Viện Hàn lâm rất thấp. Nhà nước chưa có một chế độ ưu đãi nào đối với trí thức khoa học, thậm chí, trí thức khoa học còn có sự thua thiệt so với viên chức của một số ngành khác, khiến cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Điều đó làm hạn chế động lực cho việc sáng tạo nên những tri thức khoa học.

Để tạo ra động lực cho đội ngũ trí thức làm việc chủ động và sáng tạo, tạo nên các sản phẩm khoa học có giá trị, chất lượng cao, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm kiến nghị Đảng và Nhà nước cần thiết phải đổi mới chính sách đối với đội ngũ cán bộ khoa học, từ sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến chính sách đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh. Trong đó, đặc biệt chú ý tăng nguồn lực tài chính, đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí đào tạo, bồi dưỡng sau đại học và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức ở trong nước và nước ngoài cho đội ngũ trí thức; cải cách căn bản tiền lương; cải cách chế độ quản lý tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học để tạo động lực thực sự cho trí thức làm việc, sáng tạo. Thực tế, với số lượng trí thức không nhiều trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, trong khi vai trò của sản phẩm khoa học – công nghệ lại cực kỳ quan trọng, nếu áp dụng chế độ lương đặc biệt cũng không ảnh hưởng lớn đến mức chi ngân sách nhà nước.

Sau phát biểu của Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các nhà khoa học tham dự buổi làm việc cũng đã có nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, phân tích sâu sắc, nhấn mạnh vị trí, vai trò, trách nhiệm, động lực của đội ngũ trí thức không chỉ dưới góc nhìn từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đội ngũ trí thức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng mà còn đại diện cho giới trí thức khoa học cả nước nói chung.

Buổi làm việc đã diễn ra trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và nghiêm túc. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cung cấp thêm nhiều cơ sở, luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương, thiết thực góp phần tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) nhằm tăng cường sự lãnh đạo có hiệu quả của Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”./.

                                                                                                                                      TS. Trần Minh Tuấn

Các tin đã đưa ngày: