Đến tham dự Lễ kỷ niệm có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện các đơn vị: Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Học viện Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Trà Vinh, Đại học Thủ Dầu Một, Hội Khoa học xã hội Thành phố Cần Thơ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm; và hơn 50 cán bộ đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, ban, ngành ở Nam Bộ từng là nghiên cứu sinh, học viên cao học của Viện. Đặc biệt, về dự Lễ kỷ niệm còn có đông đảo cán bộ, viên chức đã và đang công tác tại Viện trong 40 năm qua.
Trong diễn văn khai mạc, PGS.TS. Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Viện trong 40 năm qua. Ngày 12/9/1975, Trung ương Cục miền Nam ký quyết định thành lập Viện Khoa học xã hội miền Nam. Từ đó đến nay Viện đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ; Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Tuy từng mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng Viện luôn giữ vai trò là cơ quan nghiên cứu đa ngành về khoa học xã hội trên vùng đất Nam Bộ, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
PGS.TS. Lê Thanh Sang nhấn mạnh, qua 40 năm hình thành và phát triển, Viện đã thực hiện nhiều chương trình, dự án và đề tài nghiên cứu các cấp tại địa bàn Nam Bộ trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, khảo cổ, dân tộc, tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ, Hán Nôm... Nhiều kết quả từ các công trình điều tra, nghiên cứu của Viện đã đóng góp tích cực vào đường lối, chính sách Đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ các chương trình về Đồng bằng sông Cửu Long, về nông dân và nông thôn Nam Bộ, về giảm nghèo ở đô thị, về văn hóa Óc Eo...
Những kết quả từ các công trình nghiên cứu cơ bản, toàn diện về Nam Bộ trong 40 năm qua như Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Khảo cổ học Nam Bộ, Vấn đề dân tộc ở Nam Bộ, Các vấn đề xã hội học Nam Bộ, Phương ngữ Nam Bộ, sách địa chí của các địa phương Nam Bộ,... đã góp phần quan trọng xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản về đất và người Nam Bộ, một lĩnh vực vốn còn nhiều khoảng trống trước năm 1975. Đồng thời, từ những tư liệu đã thu thập được và những công trình đã xuất bản của nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu, Viện cũng đã xây dựng được một khối lượng cơ sở dữ liệu khá qui mô về Nam Bộ để phát triển những nghiên cứu tiếp theo trên vùng đất này.
Song song với hoạt động nghiên cứu, Viện đã có những thành tựu quan trọng về đào tạo các thế hệ nghiên cứu kế cận cho Viện và xây dựng nguồn nhân lực khoa học xã hội cho Nam Bộ. Viện đã đào tạo được 61 thạc sĩ và 105 tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực và hiện nay phần lớn đều trở thành những cán bộ, giảng viên nòng cốt, hoặc đảm nhận những cương vị lãnh đạo ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và các cơ quan ở Nam Bộ.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã đạt được trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, cũng như đánh giá cao những đóng góp của Viện đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và với vùng đất Nam Bộ. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh đến các nhiệm vụ trọng tâm mà Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cần thực hiện trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đóng góp cho khoa học xã hội và sự phát triển bền vững của vùng. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng mong rằng tập thể cán bộ, viên chức của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ sẽ kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước để cùng nhau xây dựng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ ngày càng phát triển.
Trong không khí trang trọng và ấm cúng của Lễ kỷ niệm, tập thể cán bộ, viên chức Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã nhận được nhiều lời chúc mừng và lẵng hoa tươi thắm của các đại biểu tham dự. Kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ còn là dịp để tập thể cán bộ, viên chức của Viện cùng ôn lại truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn trong các hoạt động khoa học của Viện trước đây, biến truyền thống đó thành động lực để Viện tiếp tục phát triển đi lên trong tương lai.
Phan Kim Thoa