Tham dự lễ kỷ niệm có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm); GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm kiêm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, cùng nhiều nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu khác trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã nhấn mạnh những đóng góp có giá trị cao của Viện vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc đã góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Viện trưởng cho rằng: Những kết quả đạt được trên nhiều phương diện, trong quá trình triển khai các dự án khảo cổ học trong thời gian qua đã cho thấy sự đóng góp không nhỏ của Viện trong việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề khảo cổ còn chưa rõ, ví dụ như tại quần đảo Trường Sa đã phát hiện dấu tích của người Việt có mặt liên tục ở đây từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19, 20, đây được coi là chỉnh lý mới nhất gần đây của Viện Khảo cổ học; Làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến diễn biến của văn hóa Chăm trong quá trình giao lưu, hòa hợp văn hóa Việt – Chăm; phát hiện và nghiên cứu 150 di tích tại Tây Nguyên,…
Từ những chứng cứ của mình, Viện Khảo cổ học đã tham gia bảo tồn các di sản của dân tộc và góp phần xây dựng thành công các hồ sơ công nhận di sản thế giới. Đặc biệt, hiện nay Viện đang lưu trữ 670 bộ hồ sơ trong quá trình 45 năm khai quật. Viện đã chủ trì nghiên cứu, đánh giá giá trị, tư vấn đề xuất để Viện Hàn lâm bảo tồn toàn bộ di sản Hoàng Thành Thăng Long. Dưới sự chỉ đạo của GS. Phan Huy Lê, Viện đã tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các giải trình để Ủy ban di sản thế giới của UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di sản thế giới vào ngày 1/8/2010. Viện Khảo cổ học đã nghiên cứu và cung cấp tư liệu, tham gia chủ trì, xây dựng hồ sơ di sản thành Nhà Hồ lần thứ 2, tham gia xây dựng nghiên cứu đề xuất di sản thế giới đối với di sản Tràng An. Trong các di sản trên, di sản Hoàng Thành Thăng Long, Di sản Thành Nhà Hồ đã trở thành di sản thế giới, di sản Tràng An đang được nhận xét với tín hiệu khả quan cao của UNESCO. Ngoài những mặt đạt được, Phó giáo sư, Viện trưởng cũng bày tỏ quan ngại về nhiều vấn đề như: những di sản đang có nguy cơ biến mất ngày càng nhiều; Viện chưa có cơ sở đủ mạnh mang tầm khu vực, nhiều trang thiết bị lạc hậu so với các nước khác…
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn và với những đóng góp khoa học to lớn, Viện Khảo cổ học đã lần lượt được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Và đặc biệt năm nay, Viện vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Tạp chí Khảo cổ học cũng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những thành tựu to lớn này là kết quả của sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, các hội nghề nghiệp, các trường đại học, các cơ quan. Đây cũng là dịp để Viện Khảo cổ học bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất, tri ân các thế hệ của Viện - những người đặt nền móng và quyết định sự lớn mạnh và trưởng thành của Viện Khảo cổ học trong vòng 45 năm qua. Nhìn lại chặng đường đã qua, Ban lãnh đạo và tập thể Viện Khảo cổ học càng thêm tin tưởng và tự hào, vững bước hướng tới tương lai, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị đầu ngành về nghiên cứu khảo cổ học trong cả nước.
Trong không khí trọng thể và ấm áp. ThS. Phùng Ngọc Tấn, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng đã công bố Quyết định số 1605/QĐ-CTN, ngày 6/9/2013 Quyết định về tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Viện Khảo cổ học vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ tổ quốc. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trực tiếp trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đại diện lãnh đạo Viện Khảo cổ học.
Phát biểu chia vui cùng Viện Khảo cổ học, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Phần thưởng của Chính phủ dành tặng cho Viện Khảo cổ học thể hiện sự ghi nhận vì những đóng góp của Viện trong việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ tổ quốc. Thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giáo sư Chủ tịch Viện nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của Viện Khảo cổ học. Trong 45 năm qua từ tiền thân là đội khảo cổ cho đến nay là Viện Khảo cổ học, Viện đã chứng minh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả cho lịch sử nước nhà. Qua việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, trên mỗi chặng đường phát triển của đất nước, Viện đã tập trung nghiên cứu làm rõ những trang sử xưa nhất của dân tộc, nghiên cứu, minh chứng thời kỳ các vua Hùng dựng nước là có thật, góp phần quyết định vào việc khẳng định thời kỳ này trong chính sử Việt Nam, góp phần nhận diện rõ hơn các diễn biến văn hóa thời kỳ sơ sử và nhà nước sơ khai ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; đẩy mạnh việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề khoa học thuộc các thời kỳ lịch sử, góp các chứng cứ, chứng lý vật chất đầy sức thuyết phục về sức sống của văn hóa Việt và người Việt trong giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Viện đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử văn hóa các triều đại: Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng và Nhà Nguyễn, tham gia nghiên cứu văn hóa Chăm Pa ở miền Trung, nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Gần đây nhất, Viện là đơn vị chịu trách nhiệm chính về khảo cổ học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Viện đã tiến hành điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ học khu vực quần đảo Trường Sa, cung cấp nguồn sử liệu có giá trị khoa học cao, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và vùng lãnh hải của tổ quốc, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, tích cực hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tri thức khảo cổ học đối với công chúng cả nước và quốc tế. Viện là cơ sở đào tạo sau đại học có uy tín, góp phần cung cấp nguồn cán bộ có chất lượng, trình độ cao về khảo cổ học.
Trên tinh thần thực hiện phương châm chất lượng đổi mới – đột phá – phát triển nhằm triển khai và phát triển Viện Khảo cổ học trong chiến lược phát triển chung của Viện Hàn lâm giai đoạn tới. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã đề nghị Viện Khảo cổ học tập trung nghiên cứu hơn nữa về khảo cổ học Việt Nam để phát huy các giá trị di tích; Hướng mạnh vào các vấn đề nghiên cứu ở vùng biên giới, Tây Nguyên, tham gia vào việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo; Từng bước xây dựng ngành khảo cổ học dưới nước (tại Việt Nam đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới và hết sức quan trọng để từng bước xây dựng bộ môn Khảo cổ học dưới nước); Tập trung nghiên cứu, biên soạn các công trình trọng điểm về khảo cổ học để công bố rộng rãi với công chúng trong nước và quốc tế; Chú trọng mảng hợp tác quốc tế để học tập và chia sẻ những kinh nghiệm của bạn bè quốc tế về khảo cổ học; Tập trung ký kết hợp tác với các địa phương để đánh giá, tập hợp, bổ sung, xây dựng triển lãm về các thành tựu khảo cổ học mà Viện đã thực hiện; Đổi mới, thay thế các phương thức khảo cổ học; Xây dựng và chuẩn bị tốt nguồn nhân lực… để đáp ứng được với các yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức đặt ra trong giai đoạn tới./.
Phạm Vĩnh Hà