GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chúc mừng Viện Sử học
|
|
Tham dự Lễ kỷ niệm có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm); GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Như Cương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); GS. NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; các thế hệ cán bộ Viện Sử học.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện Trưởng, chia sẻ: Viện Sử học mà tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 2-12-1953 tại chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến nay tròn 60 năm xây dựng và phát triển.
Sự ra đời của Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (sau đổi thành Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa) đánh dấu một bước phát triển mới của khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có khoa học lịch sử. Trong Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học, Tổ Lịch sử đóng vai trò trung tâm. Trong số 5 thành viên sáng lập và lãnh đạo Ban lúc đó có 4 thành viên của Tổ Lịch sử, gồm: Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh và Trần Đức Thảo. Trần Huy Liệu là Trưởng Ban, đồng thời là người trực tiếp phụ trách Tổ Lịch sử.
Sang năm 1960, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 6-2-1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 039-TTg thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Quyết định quy định nhiệm vụ của Viện Sử học là: "Căn cứ vào đường lối của Đảng và Chính phủ, nghiên cứu lịch sử theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội thế giới". Cơ quan ngôn luận của giới sử học Việt Nam từ tập san mang tên Văn Sử Địa được chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.Sự ra đời của Viện Sử học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước là một bước tiến trên con đường xây dựng một viện nghiên cứu đầu ngành về sử học nói riêng và về khoa học xã hội ở nước ta, nói chung.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện Trưởng Viện Sử học phát biểu tại Lễ kỷ niệm
|
|
Sự lớn mạnh của Viện Sử học cũng như sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển một số cơ quan nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cốt cán, đầu ngành của Viện Sử học được điều động sang công tác tại các viện mới thành lập như Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Xã hội học...
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Đảng và Nhà nước cũng như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định, trong 60 năm qua, các hoạt động của Viện Sử học tập trung thực hiện và đạt được những thành tựu quan trọng. Về nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam, đã tập trung nghiên cứu và xuất bản hàng trăm công trình khoa học có giá trị trên nhiều lĩnh vực: nghiên cứu các vấn đề lịch sử thời đại Hùng Vương; những vấn đề về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về văn hóa - văn minh Việt Nam; các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội; về giai cấp công nhân; về giai cấp nông dân, vấn đề ruộng đất, nông thôn, nông nghiệp..., trong đó có nhiều công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
Về biên soạn các bộ thông sử, tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ Thông sử Việt Nam. Trong năm 2013, bộ thông sử Lịch sử Việt Nam 15 tập từ khởi thủy đến năm 2000 theo quy mô đề tài trọng điểm cấp Bộ sẽ được xuất bản. Đây là bộ Lịch sử Việt Nam có quy mô lớn nhất hiện nay. Đồng thời Viện cũng biên soạn và xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam thường thức từ khởi thủy đến năm 2000 gồm 5 tập phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Lịch sử.
Về sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ, Viện luôn chú trọng nghiên cứu, khai thác các di sản lịch sử của dân tộc. Trong nhiều năm, Viện đã thu thập, giám định, dịch thuật và cho xuất bản các bộ lịch sử cổ bằng chữ Hán mà các thế hệ ông cha để lại, trong số đó đáng chú ý nhất là các bộ như Việt sử thông giám cương mục (20 tập), Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập), Đại Nam nhất thống chí (5 tập), Đại Nam thực lục (38 tập), Lịch triều hiến chương loại chí (2 tập), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (10 tập)...
Về thực hiện những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, Viện là một trong những cơ quan đi đầu trong việc nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ một số vấn đề về cải cách ruộng đất, về hợp tác hóa nông nghiệp, về các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, về đấu tranh thống nhất nước nhà, về chính sách xã hội, về vai trò của văn hóa trong việc phát triển đất nước, về xây dựng và phát triển giai cấp công nhân…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật
|
|
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử, từ năm 1978, Viện được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, đến nay, Viện đã tổ chức được 12 khóa đào tạo nghiên cứu sinh chính quy và một số nghiên cứu sinh hệ ngắn hạn. Công tác đào tạo của Viện không chỉ nhằm nâng cao trình độ khoa học cho cán bộ trong Viện, mà còn góp phần không nhỏ vào việc đào tạo cán bộ khoa học lịch sử cho các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong cả nước. Đến nay, có gần 100 nghiên cứu sinh đã
bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành tại Viện.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện Sử học, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử mà tiền thân là Tập san Văn Sử Địa có vị trí rất quan trọng. Tạp chí không chỉ là tiếng nói của Viện,
mà còn là diễn đàn khoa học, là trung tâm tập hợp, đoàn kết giới sử học nói riêng và khoa học xã hội nói chung kể cả ở trong và ngoài nước. Đến nay, Tạp chí đã xuất bản được 450 số với hơn 4.500 bài viết.
Trong 60 năm qua, mỗi bước trưởng thành, phát triển của Viện đều gắn liền với sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đảng và Nhà nước đánh giá cao những cống hiến của Viện cũng như của các thế hệ cán bộ của Viện Sử học. Năm 1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Viện Sử học Huân chương Lao động hạng Nhất và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Huân chương Lao động hạng Nhì; Năm 1998, vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Năm 2000, được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới. Đây là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ Viện Sử học về những đóng góp của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
6 nhà khoa học của Viện Sử học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình khoa học: GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giáp. 8 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các công trình nghiên cứu khoa học: Nhà Sử học Hoa Bằng, Nguyễn Lương Bích, GS. Văn Tân, GS. Nguyễn Hồng Phong, GS. Văn Tạo (2 đợt), PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt, PGS.TS. Dương Kinh Quốc và nhiều tác giả tham gia biên soạn các công trình tập thể…
Thay mặt Ban thường vụ Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh: Viện Sử học mà tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 2-12-1953 tại chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến nay tròn 60 năm xây dựng và phát triển, là nơi tập trung nhiều cán bộ đầu đàn của giới Sử học nói riêng, của khoa học xã hội nói chung như GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, GS. AHLĐ. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Tôn Quang Phiệt, GS. Trần Văn Giáp, GS. Văn Tân.
Tập thể cán bộ, viên chức Viện Sử học chụp ảnh lưu niệm
|
|
Trong 60 năm qua, tập thể cán bộ, viên chức Viện Sử học đã lập được nhiều thành tích to lớn, góp phần xứng đáng vào vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đã đào tạo được nhiều lớp cán bộ cho ngành khoa học lịch sử của đất nước, nhiều nhà Sử học đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước nói chung; nền khoa học xã hội nói chung. 6 nhà Sử học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 8 nhà khoa học và tập thể tác giả được nhận giải thưởng Nhà nước. Đến nay, phát huy truyền thống của mình, Viện Sử học đã và đang tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu và đào tạo, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của Viện Sử học, của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cũng như đối với nền khoa học xã hội nước nhà.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, 60 năm qua, Viện Sử học đã đạt được những thành tựu quan trọng. Viện đã xuất bản gần 300 đầu sách, trong đó có những bộ sách lớn gồm nhiều tập; công bố 450 số tạp chí với trên 4.500 bài viết. Các công trình, đề tài nghiên cứu của Viện đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề quan trọng:
Nghiên cứu, làm sáng rõ quá trình dựng nước, quá trình hình thành dân tộc Việt Nam; khẳng định sự thống nhất của các dân tộc trong quốc gia đa dân tộc; khẳng sự chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam từ đất liền đến biển đảo;
Nghiên cứu và làm rõ quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập và giải phóng dân tộc của nhân dân ta; rút ra những bài học kinh nghiệm để chúng ta tiếp tục giữ gìn và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay;
Nghiên cứu và làm rõ tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, quân sự…
Nghiên cứu và làm rõ vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, trí thức và các tầng lớp khác, qua đó thấy được vai trò của từng giai tầng nhằm phát huy thế mạnh của mỗi giai cấp, tầng lớp trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Nghiên cứu và làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam - Người tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, vai trò to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, Viện biên soạn và xuất bản bộ thông sử Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến nay, biên soạn các bộ sách chuyên khảo đã góp phần cung cấp tài liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới; góp phần nâng cao hiểu biết của toàn dân về lịch sử nước nhà và phổ biến lịch sử Việt Nam ra thế giới.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Viện Sử học, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Viện Sử học nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý.
Nhân dịp này, Giáo sư Chủ tịch Viện cũng giao nhiệm vụ cho Viện Sử học, trong giai đoạn sắp tới, cùng với việc triển khai chiến lược phát triển chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của lịch sử, góp phần tổng kết những kinh nghiệm, dự báo những vấn đề, xu hướng nảy sinh, phục vụ thiết thực sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là:
Tiếp tục xây dựng Viện Sử học trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước, nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; tập trung biên soạn các công trình sử học lớn, có chất lượng; khẳng định được vai trò của sử học trong công cuộc tiếp tục đổi mới đất nước; trước mắt, khẩn trương hoàn thành việc xuất bản Bộ thông sử lịch sử Việt Nam và tiếp tục hoàn thành biên soạn bộ sách lịch sử Việt Nam thường thức, góp phần nâng cao vị thế của ngành Sử học trong và ngoài nước;
Tổ chức nghiên cứu những vấn đề lịch sử quan trọng, những vấn đề lịch sử còn có ý kiến khác nhau, đấu tranh phê phán các quan điểm phi lịch sử hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử để làm rõ sự thật lịch sử, rút ra những bài học bổ ích, những di sản lịch sử cần kế thừa, góp phần vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và những dự án cho tương lai.
Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình hiện nay của Viện, khắc phục tình trạng hẫng hụt về cán bộ, kể cả chuyên gia và cán bộ làm công tác quản lý. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp đào tạo tập trung và đào tạo thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu các cấp.
Tiếp tục phối hợp nghiên cứu với các bộ, ngành và địa phương, đẩy mạnh sự kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai trong việc nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế xã hôi của các bộ, ngành và địa phương nói riêng; sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nâng cao chất lượng của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, chú trọng uy tín và ảnh hưởng rộng rãi của tạp chí trong việc đổi mới chất lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử trong nhà trường, góp phần phổ biến kiến thức lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho nhân dân thông qua học và hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử.
Trong niềm vui của ngày lễ chào mừng 60 năm thành lập, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật./.
Nguyễn Thu Hà