Lễ truy tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cố PGS.TS. Nishimura Masanari (9.12.1965 – 9.6.2013)
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Lễ truy tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cố PGS.TS. Nishimura Masanari (9.12.1965 – 9.6.2013)

21/09/2013

Chiều ngày 19 tháng 9 năm 2013, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra Lễ truy tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cố PGS.TS. Nishimura Masanari, giảng viên Đại học Tokyo - Nhật Bản, cộng tác viên khoa học của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị cho cố PGS.TS. Nishimura Masanari qua đại diện gia đình - TS. Noriko - quả phụ của cố PGS.TS. Nishimura Masanari 

 

Tham dự buổi lễ về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía Nhật Bản, có Ngài Ono Masuo, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ngài Sugiyama Daisuke, Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản, cùng đoàn cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản; PGS. Momoki Shiro, Trường đại học Osaka cùng các nhà nhiên cứu và đồng nghiệp Nhật Bản; TS. Noriko – Quả phụ của cố PGS.TS. Nishimura Masanari, đại diện cho gia đình cố PGS.TS. Nishimura Masanari.

Báo cáo về thành tích của cố PGS.TS. Nishimura Masanari, PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: PGS.TS. Nishimura Masanarisinh ngày 9 tháng 12 năm 1965 tại tỉnh Yamaguchi, miền tây Nhật Bản. Năm 1989, ông tốt nghiệp bộ môn khảo cổ học tại Đại học Tokyo. Năm 1992, bảo vệ thành công luận án thạc sĩkhảo cổ học tại Đại học Tokyo. Năm 1990, lần đầu tiên ông đặt chân đến Việt Nam, tham gia khai quật, nghiên cứu khu di tích làng Vạc, thuộc Văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở tỉnh Nghệ An. Kết thúc đợt khai quật, với quyết tâm nghiên cứu lâu dài văn hóa Việt Nam, ông đã lao vào học tiếng Việt, tích cực cùng đồng nghiệp ở Viện Khảo cổ học và nhiều cơ quan khảo cổ học ở khắp nơi tích cực nghiên cứu khảo cổ học. Năm 1990,ông trúng tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ của Đại học Tokyo. Những năm 1994-1997, ông du học tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Lễ truy tặng 

 

Trong hơn 20 năm qua, ông có mặt ở hầu khắp các địa điểm khảo cổ học quan trọng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, như Cổ Loa (Hà Nội), Luy Lâu (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), Tràng An (Ninh Bình), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Trà Kiệu (Quảng Nam)…Ông có nhiều phát hiện quan trọng, trong đó có phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn loại I duy nhất của Việt Nam ở Luy Lâu, góp phần chứng minh thuyết phục thành tựu luyện kim vĩ đại của người Việt cổ cách đây 2500 năm.

Năm 2001, ông đã vận động thành lập Quỹ Bảo vệ di sản dưới lòng đất Đông Nam Á, vận động những người yêu di sản Đông Nam Á đóng góp tiền nghiên cứu, xây dựng thành công Bảo tàng lò gốm cổ Dương Xá (Bắc Ninh), nghiên cứu và xây dựng thành công Bảo tàng gốm sứ Kim Lan. Cho đến nay, ngoài hai địa phương có bảo tàng do cộng đồng người Nhật – Việt chung tay xây dựng tự nguyện và hiệu quả, chưa ở đâu trên đất nước Việt Nam có được bảo tàng tương tự như vậy.

Năm 2007, ông bảo vệ xuất sắc luận án “Nghiên cứu khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông – Đồng Nai” tại Đại học Tokyo. Từ đây, ông đã gắn chặt đời mình với Việt Nam, và hầu như những cuộc khai quật lớn của khảo cổ học ông đều có mặt để tìm hiểu, học hỏi và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với các đồng nghiệp.

Ông đã tích cực góp phần vào đào tạo các nhà nghiên cứu khảo cổ học trẻ của Việt Nam, ông đã đem kinh nghiệm nghiên cứu của mình và của khảo cổ học Nhật Bản truyền dạy cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Ngoài ra, ông còn tích cực quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài qua các báo cáo khoa học trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.

Với những đóng góp trên, ngày 19 tháng 8 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng Huân chương Hữu nghị; ngày 2 tháng 6 năm 2012, Hội Sử học Đông Nam Á tặng Bằng khen cho công trình nghiên cứu “Khảo cổ học và cổ đại học ở Việt Nam”; ngày 11 tháng 6 năm 2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học xã hội”  cho cố PGS.TS. Nishimura Masanari.

Trong không khí trang nghiêm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho cố PGS.TS. Nishimura Masanari qua đại diện gia đình - TS. Noriko - quả phụ của cố PGS.TS. Nishimura Masanari.

Phát biểu tại Lễ truy tặng, GS.TS. Võ Khánh Vinh ghi nhận những đóng góp tích cực rất có hiệu quả cho sự nghiệp khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung và sự nghiệp khảo cổ học, sử học, bảo tàng học, văn hóa học Việt Nam nói riêng của cố PGS.TS. Nishimura Masanari, nguyên giảng viên Đại học Tokyo - Nhật Bản, nguyên cộng tác viên khoa học của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận những đóng góp trong nghiên cứu khoa học ngành khảo cổ học Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản của cố PGS.TS. Nishimura Masanari.

Bên cạnh những thành tích về mặt khoa học mà PGS.TS. Tống Trung Tín vừa khái quát, cố PGS.TS. Nishimura Masanari còn là một con người rất yêu Việt Nam, yêu đất nước, yêu con người, yêu xã hội của Việt Nam. Với hơn 20 năm làm việc và sống trên mảnh đất Việt Nam, cố Phó giáo sư đã để lại những tình cảm rất sâu nặng cho những đồng nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cho mọi người làm việc trong những lĩnh vực khác ở các địa phương mà cố Phó giáo sư đến; ở các bộ, ngành mà cố Phó giáo sư có điều kiện tiếp xúc, đã ghi nhận tình cảm sâu đậm của một người Nhật Bản yêu Việt Nam một cách thắm thiết, cố Phó giáo sư đã truyền cả tình hữu nghị này giữa những người nghiên cứu khoa học ở Nhật Bản và Việt Nam, những đóng góp đó đã bồi đắp thêm những sâu đậm giữa hai dân tộc chúng ta, nó nói lên chiều sâu của mối quan hệ, chiều sâu của sự gắn kết của từng cá nhân, của cộng đồng và của hai dân tộc chúng ta.

Ngài Ono Masuo, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu nêu rõ: sau khi xảy ra sự cố bi thảm, PGS.TS. Nishimura Masanari ra đi, chúng tôi mới biết được sự đóng góp to lớn thế nào của cố Phó giáo sư đối với nền khảo cổ học Việt Nam. Cố PGS.TS. Nishimura Masanari đã được các nhà khảo cổ học và nhân dân các địa phương - nơi cố Phó giáo sư đã tiến hành các nghiên cứu yêu mến như thế nào. Việc lễ tang của cố Phó giáo sư được tổ chức long trọng, việc truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học xã hội” và hôm nay được truy tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam thể hiện sự đánh giá, ghi nhận rất cao của các nhà khảo cổ học, các bạn bè người Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về sự đóng góp, cống hiến to lớn của cố PGS.TS. Nishimura Masanari vì khoa học xã hội và quan hệ hữu nghị, tình bạn của hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Đây là niềm tự hào của hương hồn cố PGS.TS. Nishimura và của chị Nishimura và của tất cả cộng đồng người Nhật. Thay mặt  Đại sứ quán Nhật Bản, xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành của cộng đồng người Nhật đối với sự giúp đỡ đối với cố PGS.TS. Nishimura Masanari và gia đình. Chị Nishimura là một nhà khảo cổ học nghiên cứu về gốm sứ, sẽ còn làm việc và gắn bó lâu dài với Việt Nam, hy vọng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các bạn Việt Nam đối với vợ và hai con trai của PGS.TS. Nishimura Masanari.

TS. Noriko - quả phụ của cố PGS.TS. Nishimura Masanari -  phát biểu tại Lễ truy tặng

 

Cảm động trước tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam đối với chồng mình – cố PGS.TS. Nishimura Masanari – TS. Noriko nghẹn ngào cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học - nơi cố PGS.TS. Nishimura Masanari là cộng tác viên khoa học nhiều năm, cảm ơn các bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: