Thông báo kết luận của hội thảo khoa học “Phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ: Triển khai các nhiệm vụ từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn”
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Thông báo kết luận của hội thảo khoa học “Phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ: Triển khai các nhiệm vụ từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn”

30/03/2015

Ngày 27/3/2015, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ: Triển khai các nhiệm vụ từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn”. Đây là hội thảo khởi động cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì và quản lý, nằm trong Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (gọi tắt là Chương trình Tây Nam Bộ).

Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ; đồng chí Lê Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện Lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia TPHCM, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, các Sở, ngành của 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các viện nghiên cứu và trường đại học, Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Trong bài phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nhấn mạnh tính cấp thiết và khẳng định vai trò quan trọng của Chương trình Tây Nam Bộ nói chung và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói riêng để đưa vùng Tây Nam Bộ trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ kết quả, hiệu quả của các đề tài nghiên cứu đã thực hiện, các mô hình sản xuất kinh doanh, các mô hình liên kết đã triển khai ở vùng Tây Nam Bộ. Chương trình cần đi vào những lĩnh vực rất quan trọng và cụ thể như liên kết vùng, xóa đói giảm nghèo, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, giáo dục, y tế, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng dân cư vùng Tây Nam Bộ. Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân, các Sở, ngành của các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, các nhà khoa học, chuyên gia của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong vùng cần có tinh thần trách nhiệm cao trong phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai Chương trình Tây Nam Bộ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các ý kiến đề xuất của đồng chí Lê Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, báo cáo đề dẫn hội thảo của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ; các ý kiến thảo luận, kiến nghị và đề xuất của các đại biểu tham dự hội thảo, thay mặt chủ tọa hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng có ý kiến kết luận như sau:

1. Chương trình Tây Nam Bộ có tính liên ngành và tổng thể cao, vì vậy các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ thuộc Chương trình phải được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan đồng chủ trì Chương trình, các cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các cơ quan, tổ chức ở 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ.

2. Phương thức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề toàn diện ở tầm vĩ mô liên quan đến phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; giai đoạn 2 tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến các vấn đề hết sức cụ thể của các ngành, lĩnh vực của các tỉnh, thành phố và của vùng Tây Nam Bộ (nhưng không trùng lặp với các chương trình, đề tài, dự án mà các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng đang triển khai) nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết của vùng.

3. Cần có cơ chế phối hợp và sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, của Ủy ban Nhân dân, các Sở, ngành, của các đồng chí Lãnh đạo và các chuyên gia của 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ ngay từ khâu đề xuất ý tưởng nghiên cứu, trong triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong phản biện và đánh giá các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong Chương trình Tây Nam Bộ nhằm cùng đưa ra được các kiến nghị, giải pháp chính sách, các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình liên kết có tính thực tiễn cao, phát huy được các lợi thế đặc thù của vùng, tiểu vùng và các tỉnh trong vùng, nhanh chóng góp phần tạo nên những thay đổi tích cực, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, trong ổn định xã hội, trong nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống nhân dân, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng, để đưa vùng Tây Nam Bộ thực sự trở thành vùng động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu của cả nước, tạo được sự lan tỏa phát triển đối với các vùng khác trong cả nước.

4. Để các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ thực sự có ý nghĩa thực tiễn, ngay từ khâu đề xuất nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân phải làm rõ mục tiêu, định hướng nội dung, dự kiến sản phẩm, địa chỉ áp dụng. Đặc biệt là trong thuyết minh đề cương của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu thầu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu: i) rà soát, tổng quan các chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu có liên quan, làm rõ sự kế thừa và những vấn đề chưa được đề cập; ii) bám sát các yêu cầu mới trong và ngoài nước, vùng và từng tỉnh đặt ra; iii) có các đối tác địa phương cam kết cùng thực hiện; iv) định vị rõ địa chỉ áp dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu./.

 

 

                              CHỦ TỊCH VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM

                      ĐỒNG CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH TÂY NAM BỘ

                                                Nguyễn Xuân Thắng

 

 

Xem file đính kèm         

File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: