Thưa Quý Ông\Bà,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) xin gửi lời chào trân trọng!
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước Việt Nam; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội và tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.
VASS được thành lập vào ngày 2 tháng 12 năm 1953. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hiện nay VASS có gần 2.000 cán bộ (trong đó có 1.700 cán bộ nghiên cứu) hiện đang làm việc tại 5 đơn vị giúp việc cho Chủ tịch, 30 viện nghiên cứu, 1 Học viện Khoa học xã hội và 5 đơn vị hỗ trợ nghiên cứu. Trụ sở chính của VASS đặt tại số 1 phố Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Việt Nam. VASS có các viện nghiên cứu đặt trụ sở tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Tây Nguyên.
Ngày 31 tháng 12 năm 2013, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt nam (VASS) và Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) đã ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ dự án khu vực "Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn", nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên các trường thành viên trong khu vực trong lĩnh vực đào tạo nghiên cứu sinh và nghiên cứu. Dự án kéo dài 4 năm, tập trung vào các hoạt động sau:
-
Chương trình A: đào tạo phương pháp luận nghiên cứu đa lĩnh vực;
-
Chương trình B: học bổng nghiên cứu;
-
Chương trình C: trao đổi chuyên môn và phương pháp nghiên cứu trong khuôn khổ các cuộc hội thảo quốc tế;
-
Chương trình D: tiếp cận, xây dựng và phổ biến tài liệu khoa học;
-
Chương trình E: hội thảo nghiên cứu chuyên đề;
-
Chương trình F : theo dõi và đánh giá dự án.
Để tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động của dự án, Trung tâm hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu trực thuộc VASS, nằm giữa trung tâm Hà Nội tại địa chỉ 26 Lý Thường Kiệt, được thành lập. Trung tâm này sẽ nằm trong mạng lưới 38 trung tâm hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu trên thế giới và 28 trung tâm trong khu vực Đông Nam Á của Tổ chức AUF.
Trung tâm được xây dựng nhằm phục vụ các sinh viên, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên, giảng viên trẻ, hiệp hội sinh viên, các trường thành viên của Tổ chức AUF hay các đối tác của dự án, và cung cấp cho họ các cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết như:
-
phòng học để sinh viên, nhà nghiên cứu có nhu cầu trau dồi kiến thức theo học các chương trình đào tạo mở và từ xa và các chương trình đào tạo chuyên môn cho từng lĩnh vực;
-
phương tiện kỹ thuật và con người giúp giáo viên muốn truyền tải kiến thức bằng tiếng Pháp, xây dựng bài giảng trực tuyến hay viết đề tài nghiên cứu bản điện tử;
-
phòng làm việc phục vụ cho việc sử dụng các nguồn tài liệu tự học;
-
hệ thống thông tin bảo mật cho phép truy cập internet tốc độ cao;
-
thiết bị cầu truyền hình cho phép tổ chức các cuộc hội thảo, các khóa học hay bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sỹ từ xa;
-
phương tiện cung cấp dịch vụ thông tin khoa học và kỹ thuật: cung cấp tài liệu toàn văn, truy cập nguồn cơ sở thông tin dữ liệu, tra cứu sách và tạp chí.
Để triển khai các hoạt động của Trung tâm và đa dạng hóa các nguồn tài trợ, dự án hướng tới việc mở rộng hợp tác đối tác với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân muốn cam kết trong hợp tác giáo dục đại học.
Theo định hướng này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức đại học Pháp ngữ mong muốn kêu gọi các đối tác cùng chung tay góp sức tạo ra một môi trường giao lưu khoa học quốc tế thân thiện vì lợi ích chung. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi và cung cấp thêm thông tin về các điều kiện tài trợ cho việc thành lập Trung tâm hỗ trợ và đào tạo nghiên cứu nói trên.
Xin cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ của các Quý vị.
Trân trọng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng