Viện Nghiên cứu Đông Nam Á kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 3.3 top logo - tin hanh chinh to chuc

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

15/11/2013

Ngày 15 tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

 

Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; cùng đông đủ các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Về phía khách quốc tế có: TS. Khăm Phon Bunady, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Quốc gia Lào. Tham dự Lễ kỷ niệm còn có đại diện của các Bộ Ngành, cơ quan, trường đại học, các viện nghiên cứu tại Hà Nội.

Trong diễn văn khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: Năm 1973, được sự cho phép của Chính phủ, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã ký quyết định thành lập Ban Đông Nam Á. Mười năm sau, theo đề nghị của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 09 tháng 9 năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Nghị định số 96/HĐBT thành lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, và ngày 26 tháng 12 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 109/2012/NĐ-CP qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, trong đó Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nằm trong nhóm các tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm. Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về khu vực Đông Nam Á dưới góc độ khu vực và đất nước học, nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối đối nội đối ngoại của Đảng và Nhà nước đối với khu vực; phục vụ nghiên cứu giảng dạy, truyền bá kiến thức về Đông Nam Á; tổ chức tư vấn và tham gia đào tạo đại học và sau đại học về Đông Nam Á, phát triển tiềm lực về nghiên cứu Đông Nam Á của cả nước.

Từ Ban Đông Nam Á có 18 cán bộ, chủ yếu được điều chuyển từ một số viện nghiên cứu trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học…, đến nay Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã  phát triển, trở thành một một viện nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á của Việt Nam. Hiện tại, Viện có 52 cán bộ, trong đó 19 cán bộ có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ; 20 cán bộ có trình độ thạc sỹ, đủ sức đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mà Đảng và Nhà nước giao cho. 

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

 

Trong 40 năm qua, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có sự phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, ở mỗi lĩnh vực nghiên cứu đều đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Về nghiên cứu lịch sử và văn hóa, Viện đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài… đi sâu nghiên cứu, phân tích làm rõ những đặc trưng cơ bản, cốt lõi của lịch sử và văn hóa của khu vực và của các quốc gia trong khu vực; nghiên cứu tiến trình lịch sử và quá trình tiếp biến hay là sự tương tác về văn hóa của khu vực với các quốc gia/khu vực có liên quan… Theo đó, nhiều vấn đề của lịch sử và văn hóa của khu vực vốn lâu nay vẫn còn là khoảng trống hoặc hãy còn tồn tại những ý kiến khác nhau nay đã được đi sâu nghiên cứu và bước đầu có kết quả tích cực (như là vấn đề đặc trưng văn hóa khu vực, vấn đề xung đột sắc tộc - tôn giáo ở khu vực, vấn đề xã hội dân sự ở khu vực…). Đặc biệt, trong những năm gần đây, Viện đã cho công bố nhiều công trình mang tính nghiên cứu cơ bản cao như Bộ thông sử Đông Nam Á (6 tập). Viện cũng đã biên soạn nhiều công trình mang tính công cụ, phục vụ một cách tích cực cho việc nghiên cứu và tìm hiểu về Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột, như: Từ điển Văn hóa Đông Nam Á, Từ điển Văn học Đông Nam Á, Từ điển Lịch sử và Văn hóa Lào, Từ điển Lịch sử và Văn hóa Malaysia, Từ điển Lịch sử và Văn hóa Campuchia, Từ điển Lịch sử và Văn hóa Thái Lan…

Về nghiên cứu những vấn đề về chính trị - an ninh, quan hệ quốc tế và kinh tế-xã hội: các đề tài nghiên cứu của Viện đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề mới, những vấn đề đã và đang nổi lên ở khu vực như: vấn đề địa chính trị, địa chiến lược của khu vực, vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhất là tranh chấp ở ở biển Đông, về vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình; về vai trò và tác động của các nước, nhất là của Trung Quốc, Mỹ, Nhật… đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của khu vực Đông Nam Á; về các xung đột sắc tộc - tôn giáo; về vấn đề dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội ở một số quốc gia trong khu vực.

Trong những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã tập trung nghiên cứu về Cộng đồng ASEAN. Trên bình diện nghiên cứu tiểu vùng và nghiên cứu các quốc gia trong khu vực cũng đã có những kết quả rất đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là các công trình nghiên cứu về Tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia, về Tiểu vùng Mekong mở rộng; về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Lào, Campuchia, Thái Lan…

PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu của Viện trong thời gian qua đã thực sự góp phần tích cực trong việc cung cấp các cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Ghi nhận những thành tích trên, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã Quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, GS.TS. Võ Khánh Vinh, nhấn mạnh: trong 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã đạt được rất nhiều thành tích xuất sắc, 40 năm chưa phải là quá dài đối với sự phát triển của một viện nghiên cứu, nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn nhận, đánh giá và rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Từ Ban Đông Nam Á với chỉ 18 cán bộ, chủ yếu được điều chuyển từ một số Viện nghiên cứu trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, đến nay Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã  phát triển, trở thành một một viện nghiên cứu mang tầm cỡ quốc gia. Những thành tích của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trong 40 năm qua rõ ràng là rất lớn và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, những năm tới, còn có nhiều vấn đề mới, nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cần phải thực hiện, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta.

Trước hết, Viện phải xác định một hệ thống đề tài nghiên cứu phù hợp cho giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030. Hệ thống đề tài này phải kết hợp được nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và triển khai. Việc nghiên cứu Đông Nam Á, trước hết là giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách của khu vực như vấn đề xây dựng/phát triển Cộng đồng ASEAN, vấn đề an ninh khu vực… nhưng đồng thời phải góp phần giải quyết những vấn đề trong nước. Chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hướng vào tăng trưởng xanh và bền vững… Bởi vậy, việc nghiên cứu khu vực, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, hay những hàm ý cho Việt Nam là một yêu cầu, một nhiệm vụ quan trọng đối với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với tập thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

 

Thứ hai, xây dựng và phát triển lực lượng nghiên cứu có chất lượng. Trong những năm tới, Viện phải có được nhiều nhà khoa học giỏi, nhiều chuyên gia về khu vực, chuyên gia về ngành/lĩnh vực và chuyên gia về từng nước. Có như vậy chúng ta mới có thể đảm đương và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đáp ứng được kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, phải phấn đấu xây dựng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trở thành một Viện mang tầm khu vực, xây dựng được một chuyên ngành Đông Nam Á học có uy tín…  

Thứ tư, phải phấn đấu để duy trì Viện với tư cách là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, với hạt nhân là cấp ủy, chi bộ và các đoàn thể khác như công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh…

Giáo sư Phó Chủ tịch mong rằng, để tiếp tục phát triển đi lên, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cần tiếp tục kế thừa phát triển những truyền thống tốt đẹp của Viện trong suốt 40 năm vừa qua, đặc biệt là tình đoàn kết giữa công chức, viên chức của Viện.

Lễ kỷ niệm đã diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã nhận được nhiều hoa và lời chúc mừng, tri ân của nhiều thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện cùng nhiều đại biểu tham dự./.

 

 Nguyễn Thu Hà

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: