Tham dự buổi lễ, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.VS. Nguyễn Duy Quý - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đức Cường, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Các đồng chí lãnh đạo, đại diện cho các cơ quan tham mưu giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm, lãnh đạo các Viện chuyên ngành, các Trung tâm trực thuộc Viện Hàn lâm.
Về phía các cơ quan ban ngành thuộc Trung ương có bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam; TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Đỗ Thanh Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Lò Thị Thu Thủy, Phó trưởng ban, Ban Tôn giáo dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
Về phía các cơ quan nghiên cứu có đại diện của Viện Xã hội học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Xã hội học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Hội Xã hội học Việt Nam, Khoa gia đình và công tác xã hội (Đại học Văn hóa), Viện Khoa học lao động và Thương binh xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc); Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương); Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân); Một số Viện và Trung tâm thuộc Liên hiệp khoa học và kĩ thuật Việt Nam.
Về phía các đại biểu quốc tế, có đại diện Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện Cơ quan phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) tại Việt Nam; Đại diện Đại học Việt Nhật; và nhiều đại diện các cơ quan nghiên cứu giảng dạy và đào tạo khác cùng các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về gia đình và giới.
Về phía Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới có GS. Lê Thi, người sáng lập và là lãnh đạo đầu tiên của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cùng toàn thể các thế hệ lãnh đạo và viên chức đã và đang công tác từ khi thành lập Viện đến nay.
|
|
|
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện) đã khái quát lại quá trình thành lập Viện qua các giai đoạn. Tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Phụ nữ (1987-1993); đến cuối năm 1993, chuẩn bị cho Năm Quốc tế Gia đình Việt Nam 1994, Trung tâm được giao thêm chức năng nghiên cứu về gia đình và đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ. Sau 10 năm, vào năm 2004, trong quá trình tái cơ cấu Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện được mang tên Viện Gia đình và Giới. Từ năm 2012, Viện Gia đình và Giới được đổi thành Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Tuy có sự thay đổi, bổ sung trong từng giai đoạn, nhưng chức năng nghiên cứu cơ bản của Viện vẫn được duy trì và tiếp nối, đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn về giới, gia đình và phụ nữ của Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách đối với sự bình đẳng giới, gia đình và phụ nữ; tham gia đào tạo, thực hiện tư vấn về những vấn đề liên quan đến giới, gia đình và phụ nữ. Đến nay tổng số cán bộ của Viện là 32 người, trong đó có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 16 thạc sĩ. Cán bộ của Viện hầu hết được đào tạo bài bản tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới và ở Việt Nam, trưởng thành và phát triển qua thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn phát triển.
Từ khi thành lập, Viện đã thực hiện nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cũng như hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, các trường đại học trên thế giới. Có thể kể đến một số đề tài, dự án tiêu biểu như: Đề tài KX07-09 “Vai trò của Gia đình trong hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam” (1991-1995); Dự án (Viện Khoa học xã hội Việt Nam): “Điều tra cơ bản về thực trạng bình đẳng Giới và đánh giá tác động của chính sách đối với phụ nữ và nam giới nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách ở Việt Nam” (2004-2006); “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” (2014-2015); Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp Quốc gia (2016-2018): “Hạnh phúc của người Việt Nam: quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”; Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (2016-2019); Khảo sát điều kiện lao động và sinh sống của nữ công nhân các lâm trường phía Bắc và gia đình họ (1987), với tổ chức SIDA (Thuỵ Điển); Tình hình phụ nữ làm chủ hộ gia đình trong các lâm trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp ở vùng nguyên liệu phía Bắc (1989-1993), với tổ chức SAREC (Thuỵ Điển); Tìm hiểu về cải cách kinh tế, việc làm của phụ nữ và chính sách xã hội (1994), với WIDER (Liên Hợp Quốc); Giới, nghèo đói và tiếp cận công lý ở Việt Nam (2003-2004), với Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Nagoya (Nhật Bản); Sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản của vị thành niên và thanh niên 3 nước châu Á (2006), với Bộ Y tế, Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ); Quá trình nảy sinh và phát triển của các hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam: Phát hiện từ một nghiên cứu định tính (2006-2007), với Quỹ Ford (Hoa Kỳ); Việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam (2011) với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Khảo sát sức khỏe dân số (2008-2013) với Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ; Nữ nông dân ở Việt Nam và tăng trưởng toàn diện (2015) với UN Women; Hệ thống chăm sóc người già và trẻ em ở các nước Châu Á (2016), với Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản; v.v...
Bên cạnh đó, các hoạt động khác cũng được lãnh đạo Viện chú trọng phát triển và đạt được những thành công đáng khích lệ như công tác tư vấn, đào tạo, phổ biến kiến thức và hoạt động phục vụ nghiên cứu.
Với những nỗ lực đóng góp trong 30 năm qua, Viện đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (2017), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007) và Cờ thi đua cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2010, 2011, 2013, 2016).
Tại Lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt chúc mừng thành tích của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho GS.TS. Nguyễn Hữu Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc.
|
|
|
|
|
Phát biểu tại buổi Lễ, Giáo sư Chủ tịch chúc mừng những thành tựu mà Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đạt được trong 30 năm qua, khẳng định phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng chính là sự đánh giá cao những kết quả, đóng góp của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực gia đình và giới. Đối với cá nhân GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Giáo sư Chủ tịch nhấn mạnh, Huân chương Lao động Hạng Nhì là phần thưởng rất cao quý không chỉ đối với GS.TS. Nguyễn Hữu Minh mà đồng thời là niềm vui của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà Viện đã đã được, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng đã nêu ra một số các vấn đề mà Viện cần tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm xây dựng Viện trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về phụ nữ, giới và gia đình. Các nhiệm vụ quan trọng bao gồm: nghiên cứu khoa học (các vấn đề đặt ra từ thực tiễn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đề xuất những căn cứ khoa học cho việc hoạch định cũng như phân tích tác động của chính sách đối với phụ nữ, bình đẳng giới và gia đình trong giai đoạn tiếp theo); kết hợp tốt hơn giữa công tác nghiên cứu với các hoạt động đào tạo, giữa nghiên cứu với tư vấn phát triển; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, tăng cường năng lực nghiên cứu nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, thành thạo phương pháp nghiên cứu và có năng lực tổ chức nghiên cứu. Giáo sư Chủ tịch tin tưởng rằng, tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao của xã hội và của đất nước.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tại lễ kỉ niệm GS. Lê Thi, người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình, tiền thân của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã có nhiều chia sẻ về ý nghĩa cũng như khó khăn trong những ngày đầu thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình. Bà rất vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển của Viện với những thành quả đáng khích lệ.
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát biểu tại buổi Lễ, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã chúc mừng thành tựu mà Viện đã đạt được trong 30 năm qua và đánh giá tích cực những đóng góp của Viện trong xây dựng chính sách và hệ thống pháp lý về gia đình và giới đối với Ủy ban trong thời gian vừa qua.
Tại buổi lễ, Viện cũng đã nhận được nhiều bó hoa tươi thắm và những lời chúc mừng từ phía cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành có liên quan và các đơn vị trong Viện Hàn lâm.
Kết thúc buổi Lễ, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh trân trọng cảm ơn các chia sẻ và đánh giá rất tích cực của các vị đại biểu và các vị khách quý về thành công và kết quả đạt được trong suốt 30 năm hình thành và phát triển của Viện.
Buổi lễ kỷ niệm 30 ngày thành lập Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã thành công tốt đẹp. Đây cũng chính là dịp để cán bộ Viện ôn lại những khó khăn, sự cố gắng phấn đấu và cùng chia sẻ những thành công có được ngày hôm nay. Những thành quả đã đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiếp tục có những đóng góp và thành công hơn nữa trong nghiên cứu về gia đình và giới, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình và toàn xã hội./.
Nguyễn Minh Hồng