Theo Kế hoạch hoạt động, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp định kỳ hàng quý. Phiên họp thứ 3 nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban; các Ủy viên Ủy ban: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.
Dự phiên họp tại điểm cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; TS. Nguyễn Bùi Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Phó Trưởng ban Thường trực; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Ủy viên; TS. Nguyễn Đình Chúc, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm cùng một số thành viên khác trong Ban chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban
phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: VGP)
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo…Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Toàn cảnh phiên họp tại Trụ sở Chính phủ
(Ảnh: VGP)
Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Tại phiên họp thứ 3 này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về tình hình chuyển đối số trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ ra những kết quả nổi bật và những vấn đề nỗ lực hơn nữa để đạt được kế hoạch đã đề ra trong năm 2022.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Viện Hàn lâm
Đối với Viện Hàn lâm, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Viện Hàn lâm đã có những chỉ đạo cụ thể và từng bước đạt được kết quả nhất định. Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) được công bố trong phiên họp, DTI 2021 trung bình của cấp Bộ cung cấp dịch vụ công (DVC) là 0,4595; giá trị DTI cấp bộ không cung cấp DVC là 0,2151; giá trị DTI cấp tỉnh là 0,4014. Trong đó, đối với Khối các bộ không cung cấp DVC, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đứng bảy về DTI với giá trị 0,1050. Đây là năm thứ 2 năm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đây và là năm đầu tiên Viện Hàn lâm tham gia đánh giá DTI. Chủ đề chuyển đổi số của năm 2021 hướng tới “Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh”.
Minh Hồng (Tổng hợp)