Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Hội nghị nhằm lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 03 - 04 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo về những chuyên đề như: “Thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; công bố tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của 63 địa phương” và “Giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số” do cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế ngành, lĩnh vực; đồng thời chỉ ra được các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số cũng như thảo luận các giải pháp tháo gỡ. Hội nghị cũng chỉ ra các nhiệm vụ mà bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai. Trong đó, có thể xác định 5 nhóm kinh tế số ngành, lĩnh vực quan trọng nhất cần tập trung được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Nông nghiệp; Logistics và Dệt may.
Một số nội dung, giải pháp được tập trung thảo luận tại Hội nghị bao gồm: (i) Kinh tế số là nền kinh tế với đầu vào quan trọng là dữ liệu và công nghệ; (ii) Phát triển Kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, trong đó không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam được xác định là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may; (iii) Kinh tế số là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy; trong đó cần dùng chung dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới; (iv) Đề xuất cách tiếp cận hợp tác giữa 04 bên, để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, gồm bộ chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp và địa phương; (v) Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương bằng các biện pháp chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone (hỗ trợ chi phí máy smartphone; (vi) Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan toả đến các địa phương trong vùng…
Nguyễn Minh Hồng (Tổng hợp)