Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu tại trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06; các thành viên Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06; các thành viên Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc các bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại diện một số doanh nghiệp.
Tại điểm cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có TS. Nguyễn Bùi Nam – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm; thành viên tổ giúp việc chuyển đổi số Viện Hàn lâm cùng các chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số của Viện Hàn lâm.
Ngay trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu đã tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06.
Phát biểu khai mại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay chuyển đổi số được cả thế giới tích cực triển khai; chúng ta cũng không đứng ngoài cuộc được trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay; chúng ta nhận thức chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhảy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo, lanh đạo và đưa chuyển đổi số vào nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để triển khai; tiếp đó, Chính phủ, các bộ ngành trong đó có Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Về nguyên lý mà nói, để thực hiện tốt việc này, phải có khoa học công nghệ, có trang thiết bị, nguồn lực tài chính và con người; đồng thời, có chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án, con người… để thực hiện công việc này. Thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai rất tích cực, mục đích là phục vụ con người. Trong sự phát triển của đất, chúng ta luôn lấy con người trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực cho sự phát triển.
Thủ tướng khẳng định, để phục vụ con người, chúng ta phải có các dữ liệu, tham số của con người, trên cơ sở đó, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nâng cao môi trường cạnh tranh, khả năng cạnh tranh quốc gia. Từ chủ trương, các chương trình, kế hoạch, dự án, bố trí nguồn lực, con người để chương trình này được thực hiện bài bản, tích cực.
Thủ tướng nêu rõ, tại sự kiện này, chúng ta đánh giá lại 6 tháng qua đã làm được gì, chưa làm được gì, nêu nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, từ đó rút bài học kinh nghiệm, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa thời gian tới đây. Năm nay là năm dữ liệu, do đó, các bộ, ngành, địa phương nào cũng phải cơ sở dữ liệu, nhưng chúng ta tích hợp để điều hành tốt, nhưng cũng phải phát triển cơ sở dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương. Qua quá trình triển khai cần chỉ ra những vướng mắc về thể chế, chủ trương, nguồn lực, từ đó đánh giá lại cần phải làm gì trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số, gắn với Đề án 06; qua đó giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, chống tham nhũng tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt. Chúng ta phải nêu khó khăn, vướng mắc, giải pháp để làm tốt hơn. Trong 6 tháng qua chúng ta đã có bước tiến quan trọng, 6 tháng tới đây phải làm tốt hơn. Năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó, chuyển đổi số phải đi trước, đi sớm.
Do thời gian hội nghị không nhiều, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, chia sẻ bài học hay, kinh nghiệm quý, nhất là nêu vướng mắc, thời gian tháo gỡ bao lâu và có bước đi, lộ trình cụ thể. Thủ tướng hy vọng sau hội nghị này, công tác chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án 06 sẽ có bước chuyển tích cực.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 do Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày; báo cáo tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trình bày; báo cáo kinh nghiệm chuyển đổi số của một số Bộ, tỉnh, thành. Các báo cáo đã nêu rõ những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Qua đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.
Những kết quả đạt được
Các ý kiến cho rằng nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam và đạt được một số kết quả nổi bật như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cùng 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành; Tổ chức tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và cán bộ, công chức, viên chức trên quy mô quốc gia; Nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo các cấp, thực thi công vụ của công chức; Việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai “trợ lý ảo” trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt 14,96%…
Về triển khai Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 64 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 24 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 23 nhiệm vụ, đang triển khai 64 nhiệm vụ. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%. 63/63 địa phương hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn; đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng.
Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, trong đó đã tiếp nhận tổng số 1.014.473.517 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân; số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 604.825.046 yêu cầu; có thông tin sai lệch là 409.648.471 yêu cầu.
Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; thời gian chờ đợi; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt"..., giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Cũng trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; ứng dụng tài khoản VneID mức độ 2 với hành khách đi tàu bay, xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh, giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục...
Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối kết hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương; năng lực triển khai hệ thống lớn của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; một số mục tiêu đặt ra chưa đạt được; tốc độ mạng ở mức trung bình khá; còn hơn 250 thôn, bản chưa có sóng viễn thông; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu còn thấp, còn cát cứ; nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu...
Đối với nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 với quan điểm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được”
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số quốc gia ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương.
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để mang lại lợi ích cho người dân, truyền cảm hứng cho nhân dân thực hiện chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng, phát triển nền tảng định danh điện tử VneID. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng Căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế, phấn đấu thu đúng, thu đủ, kịp thời …
Nguyễn Minh Hồng (tổng hợp)