Tham dự Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Đề án 06 của Chính phủ; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các thành viên Ủy ban; lãnh đạo một số bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.
Cùng tham dự tại điểm cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm-VASS) có TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng ban; TS. Nguyễn Bùi Nam – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Phó Trưởng ban Thường trực; các ủy viên của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và các chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số Viện Hàn lâm.
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là hội nghị quan trọng để thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào có tính toàn cầu. Trong nước, tình hình có thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế chịu sức ép cùng lúc từ các bên, từ bên ngoài và cả yếu tố bên trong… Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước-về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số, đồng thời đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06. Trong đó, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị… trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT… và đánh giá phản ứng của chúng ta trước những vấn đề mới, chúng ta tiếp tục có giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, từ sau Hội nghị Chính phủ sơ kết 1 năm Đề án 06 ngày 25/12/2022 đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nhiều nhiệm vụ được thực hiện xuyên Tết Nguyên đán, qua đó kết quả đạt được rất tích cực. Đề án tiếp tục được triển khai theo hướng sâu sát, cụ thể với 101 nhiệm vụ của các bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của địa phương với các mốc thời gian hoàn thành tính theo từng ngày. Năm 2023 được xác định là năm quốc gia về dữ liệu số, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Báo cáo về Kế hoạch của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và Năm Dữ liệu số quốc gia, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia và Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong năm 2023 sẽ là dữ liệu số, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.Cụ thể, 5 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Phát triển dữ liệu mở, (2) Phát triển cơ sở dữ liệu, (3) Phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; (4) Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (5) Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.
Nhiệm vụ năm 2023 là 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm tối thiểu 3 nội dung: (1) Danh mục dữ liệu mở, (2) Kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và (3) Mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương năm 2023 tiếp tục cung cấp hoặc cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.
Về bản đồ dữ liệu Việt Nam phiên bản 1.0, Cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước được phân thành 3 loại, gồm: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia; (2) Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương bao gồm: cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành; cơ sở dữ liệu dùng chung của địa phương; (3) Cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ một hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, hiện nay, mỗi bộ, ngành, địa phương có rất nhiều dữ liệu, nhưng do nằm rải rác ở các phần mềm, phần cứng, hệ thống thông tin khác nhau nên khi cần không kịp thời có ngay để sử dụng. Do đó, nhiệm vụ năm 2023 là trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Trong năm 2022, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm cũng đẫ rất tích cực triển khai các hoạt động, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số tại Viện Hàn lâm nói riêng và đóng góp vào hoạt động chuyển đổi số nói chung, cụ thể: Ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025 ; Xây dựng mã định danh điện tử của Viện Hàn lâm phục vụ kết nối, chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương; Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Viện Hàn lâm phiên bản 2.0 ; Vận hành hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Đặc biệt, một số chuyên gia nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã có những công trình nghiên cứu khoa học về chuyển đổi số cũng như những bài học kinh nghiệm quốc tế từ đó cung cấp các luận cứ khoa học để phát triển xã hội số phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Với những yêu cầu mới đặt ra trong năm 2023, Viện Hàn lâm sẽ luôn bám sát Kế hoạch đề ra của Ủy ban Chuyển Đổi số Quốc gia, đặc biệt là những yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới./.
Nguyễn Minh Hồng