Chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2024, Cổng thông tin Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Cổng thông tin Viện Hàn lâm) đã có cuộc nói chuyện với TS.An Thu Trà, Trưởng phòng Truyền Thông - Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tìm hiểu về những đổi mới, sáng tạo và thực tiễn ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng.
Cổng thông tin Viện Hàn lâm: Thưa TS. An Thu Trà, với tư cách là Trưởng phòng, Phòng Truyền thông - Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bà có chia sẻ và đánh giá cụ thể gì về hoạt động chuyển đổi số tại Bảo tàng, những công nghệ nào đang được Bảo tàng ứng dụng để nâng cao giá trị trải nghiệm của khách tham quan?
TS. An Thu Trà: Là một đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng với chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, trình diễn, tổ chức hoạt động giáo dục, góp phần vào công cuộc bảo tồn sự đa dạng văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới, trải qua hành trình gần 30 năm, cùng với các trưng bày thường xuyên là hàng loạt trưng bày nhất thời, những hoạt động trình diễn văn hóa phi vật thể, các chương trình hoạt động giáo dục trải nghiệm… đã làm cho hoạt động của Bảo tàng trở nên sống động và trở thành một điểm sáng, một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, được công chúng mến mộ. Trong ba năm liền (2012, 2013, 2014), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được TripAdvisor, trang web du lịch nổi tiếng thế giới, bình chọn là Bảo tàng xuất sắc, xếp thứ tư trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Ba năm tiếp theo (2015, 2016, 2017), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được vinh danh là Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng. Thậm chí, ngay trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam và các nước trên thế giới (2020-2021), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng không ngừng sáng tạo để đưa đến cho công chúng những sản phẩm văn hóa đa dạng, đặc sắc và thích ứng linh hoạt với nhu cầu thay đổi của xã hội, là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động du lịch tại địa phương năm 2021.
Hiện nay, Bảo tàng được biết tới là nơi "đến hoài không biết chán" ở Hà Nội. Với số lượng lên tới hàng chục nghìn hiện vật được bảo tồn, Bảo tàng không chỉ là nơi đem đến những điều mới lạ về phong tục, tập quán trang phục… của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S mà còn là nơi để công chúng được trải nghiệm tiếp cận nhiều nền văn hóa với độ phong phú về kiến thức, văn hóa, xã hội và lịch sử rất thú vị.
Trong những năm gần đây, hòa mình vào xu hướng của thời đại, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm, Ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn hướng theo các quan điểm tiếp cận phương thức hoạt động mới, ưu tiên ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các mặt hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, các hoạt động trưng bày, giáo dục, tham quan, tọa đàm, trình diễn… tại Bảo tàng được tổ chức thường xuyên, theo chuyên đề, gắn với cộng đồng, với bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian… Ngoài ra, hoạt động truyền thông, tiếp thị, dịch vụ ăn uống, cửa hàng lưu niệm,… cũng được Bảo tàng trú trọng; nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ số phải kể tới là việc dựng các video, sử dụng công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR) - hệ thống mô phỏng các thiết kế 3D để duy trì và phát huy giá trị di sản. Việc tổ chức tham quan Bảo tàng thực tế ảo có khả năng tái hiện không gian thực lên môi trường internet chính xác đến 100%, không chỉ mang đến sự trải nghiệm thông qua màn hình máy tính, điện thoại mà còn đem đến cho công chúng cảm giác chân thực như đang có mặt trực tiếp tại Bảo tàng thông qua các thiết bị như tai nghe, kính thực tế ảo… Đây được coi là một trong những giá trị gia tăng mà Bảo tàng áp dụng để kết nối với công chúng.
Mặt khác, Bảo tàng cũng sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ được đồng bộ trên nền tảng Android và IOS cho phép khách tải App và sử dụng quét mã QR để xem câu chuyện hiện vật… Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tiếp cận đa dạng thông tin liên quan đến hiện vật, có thuyết minh, âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên hết sức sống động.
Có thể nói thông qua sự kết hợp của các ứng dụng công nghệ mà Bảo tàng đang thực hiện đã khiến các “câu chuyện” bên trong các hiện vật trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Cho thấy vai trò quan trọng trong tư duy và hành động của Ban lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong việc sử dụng công nghệ là “cầu nối” đưa hoạt động của Bảo tàng tới gần hơn với công chúng, trở thành giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” mà bấy lâu nay vẫn là bài toán khó đặt ra không chỉ với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà còn với cả hệ thống Bảo tàng trên cả nước. Mở rộng cơ hội tiếp cận giữa công chúng với Bảo tàng trong đời sống đương đại, giúp công chúng tích cực tham gia hơn vào các hoạt động liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội.
Giờ đây, Bảo tàng - điểm đến tưởng chừng như quen thuộc và nhàm chán hay chỉ dành cho khách phương xa lại ẩn chứa nhiều điều mới mẻ với thật nhiều năng lượng và sức sống mới. Chìm đắm trong một không gian vừa lạ vừa quen, được chiêm ngưỡng những hiện vật theo từng đường nét chi tiết, được hòa mình vào không gian giao thoa giữa hiện đại và cổ xưa sẽ mang lại cho công chúng những cảm xúc mới, những câu chuyện trong quá khứ theo đó về với hiện tại, gần gũi như thể chưa từng có khoảng cách. Trở thành nền tảng tạo nên sức sống mới tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với những trải nghiệm mới lạ thời công nghệ số.
Cổng Thông tin Viện Hàn lâm: Như vậy có thể khẳng định chuyển đổi số có nhiều tác động đến cách Bảo tàng tiếp cận và tương tác với công chúng, Bà có nhận định như thế nào về vấn đề này?
TS. An Thu Trà: Đúng vậy, theo xu hướng phát triển chung thì chuyển đổi số đã và đang có tác động trực tiếp đến cách Bảo tàng tiếp cận và tương tác với công chúng. Trong những năm gần đây, xu hướng này lại càng trở nên ngày càng rõ rệt. Quan điểm của Ban Lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn bám sát với mục tiêu của Viện Hàn lâm là ngày càng trở nên chuyên nghiệp – hiện đại, ưu tiên cho đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu mà Bảo tàng không thể ngoài cuộc.
Ở phương diện đối ngoại, Bảo tàng với thế mạnh là một đơn vị tổ chức các hoạt động trải nghiệm thông qua các hoạt động trưng bày, trình diễn, các sự kiện, trò chơi được tổ chức theo chuyên đề (văn hóa, xã hội,…), Bảo tàng đã đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn lực từ các đơn vị mà chúng tôi có cơ hội hợp tác, phối hợp. Không chỉ dừng lại ở các tổ chức, chính trị, xã hội, các trường đại học, đơn vị giáo dục, cá nhân… có liên quan, Bảo tàng còn nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên để hình thành nên các ý tưởng trong hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dụng khác vào các hoạt động chuyên môn chung của Bảo tàng. Từ đó tạo tiền đề cho việc hình thành nên các lĩnh vực có thể ưu tiên chuyển đổi số phục vụ sự phát triển chung của Bảo tàng.
Ở phương diện đối nội, Bảo tàng luôn đẩy mạnh việc khuyến khích đề xuất các ý tưởng có thể áp dụng chuyển đổi số trong toàn đơn vị, là một trong những thành viên đạt được thành tích vì có sáng kiến trong lĩnh vực truyền thông giáo dục bảo tàng được Viện Hàn lâm khen thưởng, cá nhân tôi nhận thấy trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ là điều kiện tiên quyết để Bảo tàng tạo ra các hoạt động tương tác trải nghiệm nhằm truyền tải thông điệp và thu hút công chúng mục tiêu là du khách trẻ (Gen Z, Gen Alpha). Đây là nhóm công chúng được trang bị sẵn nền tảng về công nghệ/sử dụng công nghệ. Vì thế việc sử dụng các ứng dụng dành riêng cho Bảo tàng như tạo ra các tour tham quan bảo tàng thực tế ảo, ứng dụng công nghệ 3D trong việc trải nghiệm các không gian văn hóa, lịch sử… từ đó hướng đến mục đích bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch, kinh tế và tăng cường giáo dục thế hệ trẻ cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người là việc không thể chậm trễ và cần có sự vào cuộc, chung tay không chỉ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà còn là của toàn Viện Hàn lâm.
Cổng Thông tin Viện Hàn lâm: Theo Bà trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Bảo tàng đã gặp phải những thách thức gì, và làm thế nào để vượt qua các rào cản về mặt công nghệ, tài chính hay nhân sự?
TS. An Thu Trà: Thực tế là hiện nay tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chưa có các nguồn đầu tư cho nghiên cứu, không có nhân sự có chuyên môn công nghệ. Vì vậy, khi đối mặt với các bài toán về chuyển đổi số, Bảo tàng rất khó có được giải pháp kịp thời. Công tác tham mưu cũng vì thế mà chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Mặc dù công tác chuyển đổi số đã và đang từng bước làm thay đổi quan điểm, diện mạo công việc và cách thức tiếp cận trong hầu hết các hoạt động của Bảo tàng, nhưng nếu xét về mức độ đáp ứng nhanh và hiệu quả thì rõ ràng thành quả đạt được chưa tương xứng với tầm vóc.
Quá trình chuyển đổi số còn rất nhiều việc cần làm, quyết tâm của Bảo tàng sẽ không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu hoạt động thông qua các kênh như website hay những kênh truyền thông báo chí mà sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ. Dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do hệ thống cơ sở hạ tầng đã cũ, cần sự đầu tư rất lớn, chưa thể có điều kiện để thực hiện một cách đồng bộ. Tuy nhiên, những hướng đi được định hình đã giúp cho các hoạt động của Bảo tàng khoác lên mình một diện mạo mới. Theo đó, không gian trưng bày, khám phá, trải nghiệm… của Bảo tàng dưới sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo - Virtual Reality (VR), hay việc sử dụng quét mã QR giúp du khách có thêm nhiều thông tin sâu hơn về hiện vật trưng bày đã tạo ra những kết quả không ngờ giúp Bảo tàng trở thành điểm đến thu hút nhiều khách tham quan.
Trong hành trình tiến tới Bảo tàng số, công tác ưu tiên tiếp theo được Bảo tàng thực hiện đó là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu cho toàn bộ hiện vật, từ đó mới có thể khai thác, xây dựng các sản phẩm khác nhau cho từng đối tượng công chúng. Tính đến thời điểm hiện tại Bảo tàng đã số hóa được 20.743 (hiện vật) và 60.366 (ảnh). Hệ cơ sở dữ liệu này là một trong những tiện ích thông minh được cán bộ Phòng Kiểm kê – Bảo quản thực hiện, giúp cho cán bộ nghiên cứu thuận tiện hơn trong công tác tra cứu tư liệu, không mất thời gian đi lại, chờ đợi tìm kiếm như trước đây, có thể lưu file để sử dụng lâu dài trong suốt thời gian nghiên cứu... Chỉ cần ngồi tại văn phòng làm việc của mình, thông qua mạng LAN nội bộ, các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng đều có thể dễ dàng tra cứu được bất cứ tư liệu hiện vật và ảnh mà không cần phải làm các thủ tục hành chính để vào kho hồ sơ, kho ảnh tra cứu, thực hiện thủ công như trước kia.
Song song việc xây dựng dữ liệu, Bảo tàng cần tiếp tục xây dựng những sản phấm khác, hoàn chỉnh hệ thống trưng bày bảo tàng ảo hướng tới mục tiêu là bảo tàng số để công chúng có thể tiếp cận tất cả các tài liệu, hiện vật. Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều hạn chế cả về tài chính và nhân lực, những gì làm được mới chỉ ở giai đoạn đầu, rất cần sự chung tay và đầu tư hiệu quả hơn từ đơn vị chủ quản là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để Bảo tàng có thêm bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trên con đường chuyển đổi số./.
Thời Trân (thực hiện)