Tập huấn Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, An toàn thông tin
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_nghiencuu (1)

Tập huấn Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, An toàn thông tin

28/12/2023

Thực hiện nhiệm vụ triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng về công tác chuyển đổi số trong khuôn khổ Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 theo Quyết định số 1743/QĐ-KHXH ngày 19/12/2023 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 27/12/2023, tại Trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng CNTT (Trung tâm), cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Khóa tập huấn: Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, An toàn thông tin với sự tham dự của các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Hai đơn vị gồm Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tham dự khóa Tập huấn theo hình thức webinar trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

TS. Nguyễn Bùi Nam, Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh "mọi cá nhân đều phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin. Dù ở bất kỳ vai trò, vị trí công tác nào, việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng sẽ giúp giảm thiểu đáng kể được những rủi ro có thể xảy ra"

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Bùi Nam, Giám đốc Trung tâm đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và an toàn thông tin cho cán bộ, viên chức, người lao động Viện Hàn lâm khi tham gia môi trường mạng và cho rằng mọi cá nhân đều phải có trách nhiệm nhận thức về an toàn, an ninh mạng, bất kể ở vai trò, vị trí nào, vì người dùng là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của các cuộc tấn công trên môi trường mạng. Vì vậy, nâng cao nhận thức về bảo mật sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các mối đe dọa, rủi ro có thể xảy ra.

Theo đó, Khóa tập huấn sẽ bao gồm 02 lớp học:

Lớp 1: Tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số: bao gồm với 04 chuyên đề: Nhận thức về an toàn thông tin mạng; Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý các sự cố tấn công giả mạo lừa đảo; Phát hiện và phòng APT; Nhận biết và cách xử lý sự cố tấn công từ chối dịch vụ (DoS/DdoS).

Lớp 2: Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tham gia môi trường mạng và trách nhiệm: bao gồm với 04 chuyên đề: Thông tin trên môi trường số: ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng, nguy cơ mất an toàn; Trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường số; Các nguyên tắc để nâng cao an toàn thông tin trên môi trường số; Các kỹ năng tham gia môi trường số an toàn.

Trao đổi về các nội dung liên quan đến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV đã bắt đầu từ nhiều năm trước đây, được hiểu là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh, dựa trên các thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano,… với nền tảng là đột phá của công nghệ số. Trong đó, không thể không đề cập tới các công nghệ: CloudComputing, IoT, BigData, AI,…. Khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0”

Hàm ý sâu rộng của cuộc cách mạng này chính là cuộc cách mạng dựa trên công nghệ số, kết hợp của nhiều công nghệ liên quan đến ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong đó công nghệ số là cốt lõi. Điều này đã tạo ra các thay đổi chưa từng có tiền lệ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh Khóa tập huấn

Để thực hiện được cuộc cách mạng này thành công, không tụt hậu so với sự vận động chung, Chính phủ các quốc gia phải thực hiện “Chuyển đổi số”. Do đó, chuyển đổi số trở thành xu thế toàn cầu, không thể đảo ngược. Thế giới vật lý đang được số hóa, đời sống thực đang được “ánh xạ” vào không gian số, trong đó xuất hiện các mối quan hệ chưa từng có trong môi trường mạng (hay còn gọi là không gian ảo/không gian số/thời kỳ số/môi trường số).

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV mang lại, ngày 27/9/2019, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Với việc ban hành Nghị quyết này, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia trên thế giới sớm ban hành Chương trình hay Chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới việc giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến cơ sở.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ các chuyên đề đào tạo liên quan đến Chuyển đổi số tại Khóa tập huấn

Bên cạnh chia sẻ các thông tin liên quan đến bối cảnh Chuyển đổi số đang được triển khai trên toàn khu vực và thế giới, ông Nguyễn Duy Khiêm cũng khẳng định: việc ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm: (1). Thúc đẩy sự phát triển kinh tế: là một trong những yếu tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế. Bằng việc đầu tư vào các công nghệ số hóa và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chúng, chương trình này giúp tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế mới và nâng cao năng suất.

(2). Tăng cường hiệu suất và quản lý: Chuyển đổi số cung cấp cho các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ và công cụ để tối ưu hóa quá trình làm việc và quản lý tài nguyên. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí, tăng cường hiệu suất và cải thiện quản lý tổ chức.

(3). Cải thiện dịch vụ công: Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia cũng tập trung vào việc cải thiện dịch vụ công dân thông qua các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến. Điều này giúp tạo ra sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

(4). Thúc đẩy sự đổi mới và khởi nghiệp: Chương trình này khuyến khích sự đổi mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và số hóa. Điều này giúp tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển các startup công nghệ.

(5). Tạo ra cơ hội việc làm mới: Chuyển đổi số tạo ra cơ hội việc làm mới trong các ngành công nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin và số hóa. Điều này giúp giảm áp lực về thất nghiệp và tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho người lao động.

(6). Tăng cường sự cạnh tranh quốc tế: Việc áp dụng các tiến bộ công nghệ số giúp doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này có thể tạo ra lợi ích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

(7). Đẩy mạnh tiến bộ xã hội: Chuyển đổi số không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn tác động tích cực đến nhiều khía cạnh khác của xã hội. Nó cải thiện sự kết nối xã hội, quản lý tài nguyên tự nhiên và tăng cường sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, những người đang làm các công tác có liên quan đến chuyển đổi số tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ có ý nghĩa thiết thực, giúp Viện Hàn lâm triển khai và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số đã được phê duyệt trong giai đoạn tới.

Chuyên gia đến từ công ty NETNAM tập huấn về các nội dung liên quan đến kết quả diễn tập Phising email tại Viện Hàn lâm và khuyến cáo các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra đối với người dùng

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến kỹ năng và trách nhiệm của người dùng khi tham gia môi trường mạng, đại diện công ty NETNAM đơn vị phối hợp đào tạo khóa Tập huấn đã nêu trình bày báo cáo diễn tập Phising Email tại Viện Hàn lâm và cho rằng: Bằng hình thức Phising Email (Email giả mạo), nhóm chuyên gia đã giả lập một địa chỉ email được thiết kế logo, nội dung như thật để khảo sát mức độ an toàn và kỹ năng của người dùng là các cán bộ đang công tác tại Viện Hàn lâm.

Kết quả nhận được sau khảo sát cho thấy đã có có hơn 30% người dùng đã bị đánh lừa và click vào đường link giả mạo. Trong đó có hơn 35% người dùng đã click vào link đã cung cấp thông tin cho thấy tỷ lệ số người mất cảnh giác và nhấp vào đường link giả mạo còn khá cao. Mặc dù chỉ là một Dự án Phising mang tính giả lập, không gây ảnh hưởng đến người dùng thật nhưng kết quả điều tra, khảo sát đã phản ánh một thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm nói riêng và người dùng nói chung đó là chúng ta còn rất thiếu các kỹ năng và sự am hiểu cần thiết khi tham gia vào môi trường mạng.

Chuyên gia đến từ công ty NETNAM tập huấn về các nội dung liên quan đến cách nhận biết và xử lý sự cố tấn công giả mạo; Phát hiện phòng chống tấn công có chủ đích APT và cách nhận biết, xử lý sự cố tấn công từ chối dịch vụ (DoS/DdoS)

Chia sẻ thêm số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia công ty NETNAM cho biết: trong tổng số 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, có 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện, 635 cuộc tấn công cài mã độc (Malware) và 1.556 cuộc tấn công lừa đảo. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng cộng 1.056 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố (553 Phishing, 280 Deface, 223 Malware). Hơn 73.000 camera IP trên thế giới, trong đó có gần 1.000 camera tại Việt Nam đang bị theo dõi. Tất cả những số liệu này đã cho thấy một thực tế là người dùng chưa có thói quen quan tâm đến vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh khi tham gia môi trường mạng, không thấy được tầm quan trọng của việc thay đổi mật khẩu mặc định của hệ thống trước khi kết nối mạng. Vì vậy, việc tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức và người dùng là một nhu cầu có tính cấp thiết.

Các khóa tập huấn không chỉ cung cấp các thông tin về các quy định, chế tài pháp luật đã đầy đủ và có tính răn đe hơn như sự ra đời của Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Sự phối hợp và tuân thủ của các tổ chức Internet lớn trên thế giới với luật pháp Việt Nam mà còn giúp người dùng có dịp nhìn nhận được bối cảnh thực tế đang diễn ra ngay chính tại cơ quan, doanh nghiệp nơi mình công tác. Qua đó bổ sung những nhận thức mới về an toàn thông tin khi tham gia vào môi trường internet. Qua tập huấn, các tổ chức, cá nhân được trao đổi, nâng cao các biện pháp phòng vệ một cách chủ động, công tác đánh giá an toàn thông tin qua đó cũng được thực hiện hiệu quả hơn. Những bài học được khuyến cáo như

Không click vào bất kỳ đường link nào được gửi qua email nếu bạn không chắc chắn 100% an toàn; Không tải xuống các tệp tin được gửi qua email từ người lạ; Kiểm tra thật kỹ các liên kết yêu cầu đăng nhập các thông tin nhạy cảm như tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng,… đã được các chuyên gia NETNAM đặc biệt nhấn mạnh khi kết thúc các chuyên đề liên quan đến đào tạo nâng cao nhận thức an toàn thông tin.

ThS. Nguyễn Mạnh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT chia sẻ thông tin về công tác triển khai các phần mềm dùng chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Khóa tập huấn

Ngoài những chuyên đề được đào tạo, khóa tập huấn cũng được lắng nghe chia sẻ của ThS. Nguyễn Mạnh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT về công tác triển khai các phần mềm dùng chung của Viện Hàn lâm trong giai đoạn sắp tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc vận hành và sử dụng phần mềm Quản lý khoa học và phần mềm Quản lý hoạt động Kế hoạch – Tài chính sẽ được Trung tâm hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sử dụng và tạo lập dữ liệu nhằm khẩn trương đưa các phần mềm dùng chung vào sử dụng trong hoạt động thực tế, phục vụ công tác, quản lý điều hành theo đúng sự chỉ đạo của lãnh đạo Viện Hàn lâm trong thời gian sắp tới./.

Phạm Vĩnh Hà

 

Các tin đã đưa ngày: