Hội thảo “Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_nghiencuu (1)

Hội thảo “Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”

23/12/2022

Chiều ngày 23/12/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trung tâm UDCNTT) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo “Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia hướng tới hoàn thiện, báo cáo xây dựng nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong toàn Viện Hàn lâm từ nay cho đến 2025.

TS. Nguyễn Bùi Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội thảo

Chủ trì hội thảo có: TS. Nguyễn Bùi Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT; TS. Nguyễn Xuân Khoát và ThS. Nguyễn Mạnh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm UDCNTT; đại diện các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số Viện Hàn lâm; đại diện Trung tâm Quản trị Đại học số, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ chuyên trách về CNTT của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe TS. Phạm Văn Hải, Trung tâm Quản trị Đại học số, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày dự thảo “Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam”. Mục đích của báo cáo là bản thiết kế tổng thể, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, triển khai các hoạt động phát triển CPĐT, Chuyển đổi số (CĐS) tại Viện Hàn lâm; Kết nối giữa các ứng dụng với các nghiệp vụ của các đơn vị trực thuộc Viện; Xác định mô hình liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác; phát triển các ứng dụng/CSDL dùng chung, hạn chế trùng lặp, lãng phí. Theo đó, phạm vi của bản thiết kế kiến trúc CPĐT áp dụng cho tất cả các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Nguyên tắc chung hướng tới phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển CPĐT, CĐS quốc gia; phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển CPĐT, CĐS của Viện Hàn lâm; phù hợp với Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0 (Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0).

Căn cứ vào định hướng phát triển CPĐT quốc gia, báo cáo đã đề xuất các mục tiêu, định hướng phát triển CPĐT, CĐS Viện Hàn lâm như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về CĐS một cách sâu rộng, đưa CĐS trở thành yếu tố cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm mọi hoạt động quản lý nghiên cứu, nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm.

Thứ hai, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về CĐS của Chính phủ.

Thứ ba, tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có. Có khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết định chính xác trong các hoạt động quản lý nhà nước.

Thứ tư, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ Chính phủ giao.

TS. Phạm Văn Hải, Trung tâm Quản trị Đại học số, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày dự thảo “Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam”

Cụ thể, dự thảo kế hoạch CĐS của Viện Hàn lâm giai đoạn 2022-2025:

(1) Hoàn chỉnh môi trường làm việc trực tuyến để đảm bảo 90% hồ sơ công việc được xử lý trên hệ thống; ít nhất 50% cuộc họp được thực hiện trực tuyến, rút ngắn 30-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy.

(2) 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, khảo cổ học, ngôn ngữ, văn hóa, khoa học được quản lý và số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các viện chuyên ngành, thư viện thu thập và quản lý được số hóa.

(3) 100% hạ tầng mạng, cổng thông tin, các ứng dụng, dịch vụ mạng trên nền tảng Ipv6; 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung của Viện Hàn lâm được chia sẻ, tích hợp lên trục LGSP; 100% các hệ thống máy chủ, hệ thống ứng dụng, hệ thống mạng của Viện Hàn lâm đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTT; 100% cán bộ công tác trong Viện được tuyên truyền, đào tạo, cập nhật… nâng cao nhận thức về kỹ năng số; 30% cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu; 100% CSDL chuyên ngành của Viện được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trong hoạt động của Viện.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã phân tích những điểm cần tập trung thực hiện, khắc phục trong thời gian tới về hạ tầng công nghệ thông tin, giao diện website, cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm và các cổng thành viên. Đặc biệt là thảo luận những giải pháp cần đặt ra về nguồn nhân lực, tài chính, cơ chế chính sách và sự phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, trong đó Trung tâm Ứng dụng CNTT là đầu mối, góp phần thực hiện thành công kiến trúc CPĐT của Viện Hàn lâm trong giai đoạn tới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: