Tham dự Tọa đàm có đồng chí Trần Thị Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Viên chức Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam, trưởng cụm thi đua khối 3; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm cùng đông đủ ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành Công đoàn Viện Hàn lâm, ủy viên Ban Nữ công Công đoàn Viện Hàn lâm và các đồng chí phụ trách nữ công Công đoàn các đơn vị trực thuộc.
|
|
|
Phát biểu khai mạc Tọa đàm của PGS.TS. Đinh Quang Hải, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm cùng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Thị Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Viên chức Việt Nam đều thống nhất cho rằng, việc tổ chức Tọa đàm dành cho các cán bộ nữ Viện Hàn lâm mang lại nhiều kiến thức thiết thực về kinh nghiệm giáo dục trẻ em hiện nay. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các bậc làm cha mẹ phải chịu tác động từ nhiều phía khác nhau, làm cho họ không có đủ thời gian và trí lực để quan tâm đúng mức đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống cho con cái, dẫn đến việc tỷ lệ trẻ em có hành vi trái đạo đức, trẻ em phạm tội ngày càng tăng. PGS.TS. Đinh Quang Hải khẳng định bên cạnh hai môi trường giáo dục (nhà trường và xã hội), giáo dục trẻ em trong gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành đạo đức, lối sống của con cái, tạo nền tảng vững chắc và hình thành khả năng độc lập, tự chủ, thích nghi với mọi hoàn cảnh, hướng tới phát triển toàn diện. Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Công đoàn Viện Hàn lâm trong những năm qua, đồng chí Trần Thị Hoan bày tỏ mong muốn Công đoàn Viện Hàn lâm sẽ có thêm sáng kiến hay với những chủ đề thiết thực và nhiều mô hình hoạt động phong phú, bổ ích hơn nữa trong thời gian tới.
|
Tọa đàm được nghe PGS.TS. Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Tâm lý học ứng dụng, Viện Tâm lý học chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái thông qua tham luận “Sự phát triển của trẻ và biện pháp giáo dục từ cha mẹ” tập trung vào 02 nội dung chính:
(1) Về đặc điểm tâm lý chung của trẻ [được phân theo các nhóm tuổi khác nhau (0-1,1-3, 3-6, 6-7, 6-12, 12-18)] và những khủng hoảng tâm lý 3 tuổi, 6-7 tuổi. Việc nhận biết và hiểu rõ về đặc điểm tâm lý theo nhóm tuổi này sẽ giúp các bậc cha mẹ có những biện pháp giáo dục phù hợp đối với sự phát triển của con cái trong từng độ tuổi.
(2) Một số nhu cầu cơ bản của trẻ và thái độ, hành vi của người lớn để trẻ được thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng, thông cảm và có giá trị. Từ đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoa đưa ra một số lời khuyên đối với các bậc cha mẹ nên tránh trong ứng xử với con cái: (i) So sánh trẻ với người khác; (ii) Đối xử bất công giữa anh chị em; (iii) Không tôn trọng, lắng nghe hay không quan tâm đến sở thích của trẻ…; (iv) Ôn nghèo, kể khổ; (v) Chú ý hay định kiến về khuyết điểm, lỗi lầm của trẻ.
Trong không khí trao đổi thân tình, thẳng thắn, nhiều câu hỏi lý thú và những thắc mắc của các cán bộ đã được PGS.TS. Nguyễn Thị Hoa giải đáp thỏa đáng. Bên cạnh đó, Phó giáo sư còn chia sẻ những kinh nghiệm quí báu trong việc dạy bảo và hình thành nề nếp sinh hoạt tích cực cho trẻ. Tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp, góp phần mang lại tiếng nói chung về nuôi dạy con cái trên cơ sở lĩnh hội một số nhu cầu của trẻ, hướng tới sự phát triển toàn diện trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang