Tiếp đoàn công tác, về phía Viện Khoa học xã hội Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các đồng chí Phó bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện kiêm Chủ tịch Hội cựu chiến binh và Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ Viện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy; các đồng chí chuyên trách công tác đảng thuộc Văn phòng Đảng ủy; Chủ tịch Công đoàn và Phó bí thư Đoàn Thanh niên Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: đợt công tác nằm trong chương trình làm việc năm 2012 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, mục tiêu tập trung vào việc nắm tình hình thực tế kết quả bước đầu quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và công tác xây dựng Đảng hai năm 2011-2012 tại một số chi bộ và Đảng bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đoàn công tác mong muốn tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của đảng ủy Viện khi đã thực hiện nhất thể hóa theo quyết định 214 và quy định 215 của Bộ Chính trị đối với 6 đơn vị sự nghiệp trung ương không còn Ban Cán sự Đảng.
Thay mặt lãnh đạo Viện và Ban Thường vụ Đảng ủy Viện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Nguyễn Xuân Thắng đã báo cáo với đoàn công tác về những nội dung cơ bản theo yêu cầu của đoàn. Đồng chí khẳng định, ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam, sau khi nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Viện và bí thư chi bộ đồng thời là viện trưởng ở các đơn vị trực thuộc, các hoạt động quản lý của chính quyền và lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chi bộ đã có nhiều thuận lợi hơn, cụ thể là tạo được sự đồng bộ, nhất quán, tập trung và thống nhất cao. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm là phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, có sự tách bạch, phân vai rõ ràng, Chủ tịch không thể làm thay Bí thư và Bí thư không thể làm thay Chủ tịch; ở đâu và khi nào là lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền cũng cần được xác định rõ để thực hiện đúng chức trách, không lấn sân hay bỏ sót chức nhiệm. Sau 4 năm thực hiện chủ trương nhất thể hóa, sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác đảng và hoạt động của chính quyền, đoàn thể của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã bước đầu đem lại kết quả rất tốt. Theo chúng tôi, mô hình nhất thể hóa có thể nhân rộng để áp dụng ở nhiều nơi, đặc biệt là các bộ, ngành trung ương.
Qua buổi làm việc với Đảng ủy Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các ý kiến trao đổi của các thành viên tham dự, Đoàn công tác đánh giá rất cao cách thức tổ chức thực hiện phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Hội nghị tập huấn công tác đảng của Đảng bộ Viện, đặc biệt là việc lựa chọn đội ngũ báo cáo viên phù hợp với đặc thù của cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội (học viên là cán bộ có trình độ học hàm học vị cao). Đảng ủy đã xây dựng được hệ thống các quy chế làm việc của Đảng ủy và các cơ quan tham mưu giúp việc đảng ủy Viện, các quy trình hoạt động công tác đảng tại đảng bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam; sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với những vấn đề cấp bách, trọng tâm trọng điểm của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2011 của Đảng bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã được Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương chọn làm chủ đề hội thảo của toàn khối đảng các cơ quan trung ương năm 2012. Công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng ủy đã có những đóng góp quan trọng và hiệu quả trong việc định hướng nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển Viện Khoa học xã hội Việt Nam trước mắt và lâu dài. Trong 2 năm nhất là sau Nghị quyết đại hội XI đảng ủy Viện đã lãnh đạo chỉ đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam tư vấn cho đảng, nhà nước, quốc hội về những vấn đề nóng bỏng của đất nước như: vấn đề sở hữu đất đai, sửa đổi hiến pháp 1992, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vấn đề biển Đông và an ninh khu vực…
Đoàn công tác cũng đưa ra một số đề nghị đối với Đảng ủy Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian tới, cần chỉ đạo để các viện chuyên ngành phổ biến rộng rãi hơn nữa các kết quả nghiên cứu của mình để nhiều đối tượng trong và ngoài nước hiểu sâu hơn, đúng hơn về đất nước con người Việt Nam, về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay. Đồng thời Đảng ủy Viện cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết để phù hợp với đặc thù cơ quan nghiên cứu khoa học. Chú trọng củng cố tổ chức cơ sở đảng, đảm bảo số lượng và chất lượng sinh hoạt chi bộ và nguyên tắc hoạt động của tổ chức đảng theo quy định Điều lệ Đảng, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp ủy, cán bộ chuyên trách công tác đảng; Chú trọng tập huấn nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy đảng để đảng ủy viên và chi ủy viên hiểu sâu và làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao phó; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ để khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên gia đầu ngành ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Chú trọng ban hành những Nghị quyết, chủ trương lớn của đảng bộ để chỉ đạo, định hướng hoạt động của Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn không chỉ yêu cầu giải đáp mà là tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các vấn đề cấp bách mà thực tiễn xã hội đang cần.
Về phía Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cũng đang xây dựng đề án củng cố tổ chức bộ máy chuyên trách công tác đảng theo hướng nâng cao vị thế của văn phòng đảng ủy ở các đảng bộ các bộ, ngành, cơ quan trung ương, đặc biệt là 6 đơn vị sự nghiệp trung ương không còn ban cán sự có chức năng lãnh đạo toàn diện.
Trước khi làm việc với Đảng ủy Viện, Đoàn công tác đã làm việc với 3 chi bộ cơ sở (Chi bộ Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Chi bộ Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Chi bộ Trung tâm Phân tích và Dự báo) thuộc Đảng bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam./.
Hải Nam-VPĐU