Hội nghị phổ biến, quán triệt kết quả Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • Logo - Hội thảo

Hội nghị phổ biến, quán triệt kết quả Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

21/05/2017

Nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề phát triển của đất nước, chiều ngày 19 tháng 5 năm 2017, tại Hà Nội, Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Đảng ủy Viện Hàn lâm) đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt kết quả Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.

Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng sự góp mặt của các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm; các đồng chí trong cấp ủy các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Viện Hàn lâm; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm;  Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên và các đồng chí Trưởng, Phó Phòng của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm<br>báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã thông báo nhanh những kết quả nổi bật của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII, trong đó tập trung phân tích về 3 Nghị quyết được Trung ương thống nhất ban hành bao gồm: 1. Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; 2. Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; 3. Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

 Mục tiêu của cả 3 Nghị quyết đã được xác định rõ ràng:

- Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có mục tiêu tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt mô hình hoàn chỉnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp phần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước có mục tiêu là cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

- Nghị quyết về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân có mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng để thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhận thức mới, nổi bật được Ban chấp hành Trung ương thống nhất trong kỳ họp này là việc xác định trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, “kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ”. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp. Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII cũng đã thảo luận, cho ý kiến về: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng năm 2016; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2016; Xem xét thi hành kỷ luật cán bộ.

TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo<br> thuyết trình tại Hội nghị

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo chuyên đề: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách cho Việt Nam”.  Nội dung chuyên đề do TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo trình bày, nhấn mạnh đến 03 đặc trưng cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn được gọi là Kỷ nguyên số hóa bắt đầu cuối những năm 2000) bao gồm: (1) Sự kết hợp giữa hệ thống thực với hệ thống ảo; (2) Quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại; (3) Sự tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại.

Thực tế cho thấy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, làm chậm lại và tạo ra sự chuyển dịch của trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc sang Nam.

Qua phân tích, đánh giá về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, một số kiến nghị chính sách cũng đã được đưa ra bao gồm:  

1/ Đưa những cơ hội và thách thức liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào như là một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư hạ tầng lớn (Internet, thông tin…).

2/ Cần nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp.

3/ Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

4/ Thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để phát triển một số ngành chọn lọc (công nghệ thông tin).

5/ Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục, đào tạo.

Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã cập nhật được các thông tin mới về kết quả của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với thế giới, khu vực và Việt Nam. Đây là căn cứ quan trọng để cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ nâng cao nhận thức, tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: