|
|
|
Đến dự Hội thảo, về phía Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có Đ/c Mạc Phan Sáu, Phó trưởng ban Ban Dân vận Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; về phía Công đoàn Viên chức Việt Nam có Đ/c Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; Về phía tỉnh Sơn La có Đ/c Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng ban Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Viện Hàn lâm. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ: Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, Ban Dân vận Đảng ủy Viện Hàn lâm, Ban Thường vụ Công đoàn Viện Hàn lâm, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Viện Hàn lâm, đại diện Thường vụ Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm; Đại diện cấp ủy các đảng bộ, chi bộ thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm, các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; Đại diện Ban chấp hành công đoàn các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Đại diện Tiểu ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Cán bộ phụ trách công tác nữ công Công đoàn các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Văn phòng Đảng ủy và Văn phòng Công đoàn Viện Hàn lâm.
Hội thảo do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng ban Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Viện Hàn lâm; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Đảng ủy, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính Viện Hàn lâm; và PGS.TS. Đinh Quang Hải, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm đồng chủ trì.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm nêu rõ, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đã nhấn mạnh “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu nòng cốt”.
|
|
|
|
|
Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định, công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng đối với mức độ thành công và hiệu quả của công tác chỉ đạo của Đảng, lãnh đạo của chính quyền, góp phần quan trọng tạo lập môi trường làm việc minh bạch, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp và hiệu quả trong các cơ quan nhà nước. Để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả tham gia của các tổ chức đoàn thể trong kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý điều hành, để triển khai có hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, việc xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở được coi là nền tảng quan trọng.
Với tầm quan trọng như vậy, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận ba nội dung chính: 1) Làm rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 2) Làm rõ vai trò và sự tham gia của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác quản lý tài chính, sử dụng và quản lý tài sản; quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp; quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ,...; 3) Đề xuất các giải pháp, kiến nghị, làm rõ các điều kiện thực hiện phù hợp với đặc thù của Viện Hàn lâm để nâng cao vai trò và hiệu quả tham gia của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
|
|
|
|
|
Toàn cảnh Hội thảo
Ban Tổ chức đã nhận được 17 báo cáo tham luận của các đảng bộ, chi bộ thuộc và trực thuộc Đảng ủy Viện Hàn lâm, và công đoàn thuộc Công đoàn Viện Hàn lâm. Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo và trao đổi, thảo luận về các chủ đề chính sau:
- Cơ chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền và công đoàn đơn vị trong việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở;
- Nâng cao nhận thức và vai trò của cấp uỷ Đảng trong chỉ đạo công tác quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản của đơn vị dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Quy chế dân chủ ở cơ sở;
- Nâng cao nhận thức và vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với chính quyền kiểm tra, giám sát việc tổ chức, phân bổ các đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở;
- Cơ chế phối hợp giữa chính quyền và tổ chức công đoàn nhằm phát huy hơn nữa vai trò phản biện của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cũng tại Hội thảo, sau khi nghe TS. Lê Thị Hải Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chánh văn phòng Đảng - Đoàn thể, thay mặt tổ soạn thảo Quy chế dân chủ trong hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Dự thảo quy chế), báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo quy chế, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về một số điểm trong nội dung cũng như kỹ thuật soạn thảo Dự thảo quy chế. Các ý kiến đóng góp đã được tổ soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa trình Chủ tịch Viện Hàn lâm ban hành trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã khẳng định những kết quả mà Hội thảo đã đạt được, thể hiện ở việc làm rõ nhiều vấn đề như giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong cơ quan; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, vận động các đoàn viên công đoàn tích cực tham gia và thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu một cách minh bạch, công khai, giám sát quản lý tài chính tài sản, các đề tài khoa học hết sức dân chủ. Báo cáo tiếp thu giải trình trong lĩnh vực soạn thảo Quy chế dân chủ trong hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thể hiện quyết tâm của Viện Hàn lâm trong việc xây dựng quy chế dân chủ, nhằm phát huy cao nhất tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn Viện Hàn lâm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh đến công tác dân vận - nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, Phó Chủ tịch nhấn mạnh, làm công tác dân vận không chỉ bằng lời nói mà phải bằng cả việc làm cụ thể, thể hiện ở sự đa dạng hóa và có nhiều sáng tạo, nêu cao nhận thức về công tác dân vận bởi đây là nhiệm vụ chung của tất cả các công chức, viên chức và người lao động. Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, công tác này cần được thể hiện ở việc tôn trọng và bảo vệ quyền dân chủ của người lao động, đặc biệt là tại nơi làm việc theo hướng công khai và minh bạch, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển, thực hiện tốt các quy chế Chi tiêu nội bộ, Quản lý khoa học; chú trọng hơn nữa công tác trọng dụng các nhà khoa học; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp...
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, ghi nhận được nhiều ý kiến quý báu của các đại biểu tham dự để xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần triển khai có hiệu quả công tác dân vận, qua đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả công tác quản lý điều hành, tạo lập môi trường làm việc minh bạch, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp và hiệu quả tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm./.
P.V