Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Cường nhiệt liệt chào mừng sự tham gia đông đủ của đại biểu, các chuyên gia và nhà khoa học đến dự Hội thảo; nêu rõ khái niệm “trẻ”, lấy cán bộ trẻ là trung tâm và trẻ chủ yếu về đào tạo; đồng thời khẳng định, hội thảo được tổ chức dựa trên tinh thần trẻ, chính quy và chuyên nghiệp; chú trọng vào chất lượng thảo luận khoa học.
Thay mặt Ban chấp hành Chi Đoàn Viện NCHN, ThS. Trương Văn Thắng bày tỏ lời cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Viện đối với công tác nghiên cứu, đào tạo Hán Nôm và sự tham dự nhiệt tình của các học giả, nhà nghiên cứu; ghi nhận những nỗ lực của các thành viên Chi đoàn trong quá trình tổ chức Hội thảo và nhấn mạnh, đây là cơ hội để các thành viên rèn luyện sâu sắc không chỉ về chuyên môn mà còn về mặt tổ chức hội thảo.
Hội thảo nhận được 15 tham luận, chia làm 4 tiểu ban thảo luận, tập trung vào các vấn đề chính như sau:
Tiểu ban 1: Gồm 4 tham luận của các tác giả: HVCH Nguyễn Đình Hưng (Viện NCHN) tìm hiểu sự ra đời, đóng góp và hạn chế của bộ sách Hán Việt tự điển của tác giả Thiều Chửu. NCS. Washizawa Takuya (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội) phân tích các trường hợp dịch từ chi sang chưng, đấy, thửa… và những từ Hán khác dịch sang chưng, chủ yếu trong văn bản giải âm Truyền kỳ mạn lục. HVCH Lê Thanh Hà (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) giới thiệu khái quát về các khái niệm, giải thích thế nào là Loại thư, Loại thư dạy chữ Hán thời kỳ trung đại ở Việt Nam, đặc điểm hình thức, về thể loại, sự phân loại của các tác phẩm được coi là Loại thư dạy chữ Hán; qua đó nêu ra những đóng góp và tầm quan trọng của Loại thư dạy chữ Hán trong kho tàng di sản Hán Nôm Việt Nam. NCS. Nguyễn Quang Thắng (Viện NCHN) nghiên cứu về vấn đề Triện thư như một đề tài thú vị đối với công tác nghiên cứu Hán Nôm ở Việt Nam, ngoài ra việc nghiên cứu các tác gia thư pháp giai đoạn lịch sử sẽ góp phần tìm hiểu thêm về văn hóa thư pháp.
Tiểu ban 2: Gồm 3 tham luận: NCS. Lê Thu Hương (Viện NCHN) trình bày về vấn đề khuyến học ở Nghệ An qua tư liệu tục lệ hiện lưu trữ tại Viện NCHN. HVCH Bùi Quốc Linh (Viện NCHN) báo cáo về vấn đề bảo tồn tư liệu văn tự Nôm Na của người dân tộc Kinh (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc). NCS Lê Phương Duy (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội) khảo cứu về hệ thống Gia lễ của Tứ lễ lược tập bao gồm Thông lễ, Hạ thọ lễ, Quan lễ, Hôn lễ, Tế lễ và Gia quy.
|
Tiểu ban 3 nhận được 4 tham luận của các diễn giả: ThS. Lương Thị Thu (Viện NCHN) tìm hiểu về dòng họ qua tài liệu địa bạ Hán Nôm. CN Nguyễn Thị Anh Thư (Viện NCHN) báo cáo về lai lịch huyền thoại “con Rồng cháu Tiên” và phủ định quan điểm của học giả Trung Quốc cho rằng huyền thoại đó chịu ảnh hưởng từ Liễu Nghị truyện của Trung Quốc. CN Đặng Thị Bích Ngọc (Thư viện Hà Nội) – ThS Mai Thu Quỳnh (Viện NCHN) phân tích hình tượng người quân tử qua thơ vịnh trúc trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. NCS. Vũ Việt Bằng (Viện NCHN) thảo luận về người quân tử qua hình ảnh cây tùng trong thi ca trung đại Việt Nam từ góc độ đạo đức, tài năng, thái độ và cách ứng xử với thời loạn.
Tiểu ban 4 nhận được 4 tham luận của các diễn giả: CN. Hoàng Ngọc Hiếu (Viện NCHN) trình bày những nội dung về phương pháp công bố và giữ bản quyền tư liệu Hán Nôm trên môi trường kỹ thuật số. ThS. Đào Thị Huệ (Viện NCHN) tìm hiểu giá trị lịch sử trong các văn bản thần tích ở hai huyện Từ Sơn và Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. ThS. Trương Văn Thắng nghiên cứu những giá trị có tính chất tiêu biểu của văn bia huyện Tiên Du, qua đó hiện lên bức tranh đời sống người dân nơi đây qua nhiều thế kỉ. TS Nguyễn Kim Măng (Viện NCHN) gửi tới báo cáo về vấn đề khai hoang lấn biển qua nguồn tư liệu văn bia Ninh Bình, nhưng do tác giả đang đi công tác ở nước ngoài nên không đến dự hội thảo.
|
Mỗi tham luận tại hội thảo đều được bố trí chuyên gia phản biện riêng, với những ý kiến phản biện sâu sắc, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng cao. Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của các cán bộ trẻ thì các nhà nghiên cứu tiền bối còn đưa ra những nhận xét và góp ý rất xác thực liên quan đến kết cấu, nội dung bài viết; vận dụng lí thuyết phù hợp trong quá trình kiến giải vấn đề nghiên cứu; chỉ ra những điểm hạn chế trong nghiên cứu… Ngoài ra, cuối mỗi phiên tiểu ban lại bố trí 15-20 phút thảo luận chung cho từng tiểu ban, qua đó giúp các cán bộ trẻ lĩnh hội thêm kiến thức, kĩ năng, và kinh nghiệm, tiến tới hoàn thiện báo cáo.
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng, Trưởng ban tổ chức hội thảo, trân trọng cảm ơn sự quan tâm và nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian trao đổi, góp ý tâm huyết đối với các báo cáo; đánh giá chung trên các phương diện về cách thức tổ chức; định hướng tổ chức nhiều cuộc hội thảo qui mô nhỏ nhằm tạo sân chơi và cơ hội rèn luyện cho các cán bộ trẻ từng bước trưởng thành trong nghiên cứu khoa học… Qua đó rút ra một số điểm cần chú trọng đối với các cán bộ nghiên cứu trẻ: khả năng phát hiện vấn đề; tổ chức bài viết; đặc biệt là kỹ năng thuyết trình, trả lời và tiếp thu ý kiến phản biện; rèn luyện khâu tổ chức hội thảo khoa học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ kế cận theo hướng chuyên môn hóa.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, là diễn đàn trao đổi và giao lưu học thuật hữu ích cũng như chia sẻ kinh nghiệm quí báu trong công tác nghiên cứu và đào tạo về Hán Nôm từ thế hệ trước sang thế hệ sau; động viên và khuyến khích các cán bộ nghiên cứu trẻ mạnh dạn phát hiện và mở rộng thêm nhiều lĩnh vực mới, đặc biệt là những tư liệu hiện vật, góp sức vào sự phát triển chung của Viện NCHN trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang