Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ; TS. Vũ Hùng Cường, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khoa học kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế cùng sự tham dự của gần 50 đoàn viên, thanh niên đến từ nhiều chi đoàn trực thuộc Đoàn Viện. Tham dự hội thảo còn có các đại biểu là: đồng chí Nguyễn Hải Minh, Bí thư Đoàn, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng chí Dương Thị Mai, Ủy viên thường vụ Đoàn Khối, Trưởng ban Ban Tổ chức – Kiểm tra Đoàn Khối các cơ quan Trung ương.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện cho biết: Hội thảo là một trong nhiều hoạt động cụ thể của đoàn viên, thanh niên thực hiện nhằm chào mừng 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là dịp để các cán bộ trẻ đang làm công tác khoa học và phục vụ nghiên cứu xác định rõ nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức căn bản trong nghiên cứu khoa học, hiện trạng vi phạm thường thấy trong nghiên cứu khoa học, các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong nghiên cứu khoa học; xác định trách nhiệm xã hội của cán bộ nghiên cứu trẻ; đề xuất các giải pháp để nâng cao đạo đức trong nghiên cứu khoa học, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm đạo đức trong nghiên cứu và nâng cao trách nhiệm xã hội của cán bộ trẻ. Bí thư Đoàn Viện cũng khẳng định đây là dịp để các nhà nghiên cứu trẻ được nhìn lại mình và xác định được các nhiệm vụ và phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
ThS. Trần Văn Duy, Chi đoàn Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
|
|
Với 2 phiên làm việc, Hội thảo đã được nghe 5 báo cáo tham luận: 1. Căn cứ triết học của đạo đức và đạo đức khoa học của người cán bộ nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (do ThS. Đào Vũ Vũ, Chi đoàn Viện Triết học trình bày); 2. Phá bỏ cái tự nhiên/phá vỡ cái bình thường (TS. Phạm Phương Chi, Chi đoàn Viện Văn học); 3. Nói “không” với “đạo văn” – một nguyên tắc tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học (ThS. Phạm Xuân Hoàng, Chi đoàn Viện Thông tin Khoa học xã hội); 4. Tình trạng đạo văn và vấn đề vi phạm bản quyền trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay (ThS. Trần Văn Duy, Chi đoàn Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam); 5. Để đảm bảo tính xác thực của các thông tin khi điền dã dân tộc học: Những bài học của tôi (ThS. Nguyễn Thu Quỳnh, Chi đoàn Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ).
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi hết sức thẳng thắn giữa các đại biểu tham dự và các diễn giả tham luận. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự lo ngại trong vấn đề vi phạm bản quyền và các hiểu biết xung quanh vấn đề quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ trong các sản phẩm nghiên cứu khoa học. ThS. Trần Văn Duy cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên là do nhận thức, mà trong đó đặc biệt là ý thức chấp hành luật pháp không cao, nhiều trường hợp do động cơ vụ lợi đã bất chấp pháp luật; hoạt động thanh tra, kiểm tra có tăng cường nhưng chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, công tác tuyên truyền, phổ cập Bộ Luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ trong cộng đồng nói chung và giới nghiên cứu nói riêng chưa cao. Thêm vào đó, yếu tố lợi ích vật chất quá lớn khiến cho những người có hành vi phạm luật liên quan tới quyền tác giả đã cố tình vi phạm để thu lợi nhuận. Về phía tác giả bị vi phạm bản quyền tại Việt Nam cũng chưa có ý thức tự bảo vệ mình nên phần nào đã vô tình tiếp tay cho tình trạng đạo văn và vi phạm bản quyền ngày càng có diễn biến phức tạp hơn…
TS. Vũ Hùng Cường, Phó Trưởng ban Ban QLKH kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT phát biểu tại Hội thảo
|
|
Diễn giả Đào Vũ Vũ thì cho rằng với mỗi con người và đặc biệt là nhà nghiên cứu trẻ, khi thực hiện vai trò của một nhà nghiên cứu, điều đầu tiên là thái độ tự giác thực hiện những công việc do cơ quan giao phó, khi tự giác thực hiện công việc của mình nghĩa là ta đang làm những việc liên quan đến sức mạnh quốc gia, làm tròn vai trò của mình trong việc thể hiện thái độ, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn nghề nghiệp được Nhà nước quy định là ta đang dần tự hoàn thiện chính mình trong vai trò của một công dân có ích, đó là thái độ khiến ta không cảm thấy “xấu hổ” về mặt đạo đức và thấy mình có một phần đóng góp cho sự phát triển xã hội. Điều này sẽ mang lại nhiều hoạt động có ích và thái độ sống tích cực, có lợi cho sự phát triển xã hội…
Thay mặt Ban Quản lý Khoa học, TS. Vũ Hùng Cường phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của Đoàn Viện trong thời gian gần đây trong việc lựa chọn các chủ đề hội thảo, để các diễn đàn của đoàn viên, thanh niên không mang nặng tính tuyên huấn, mà đi vào nhiều chủ đề có tính thời sự, sát với thực tiễn, với đặc thù của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên các chi đoàn trực thuộc. Tiến sĩ cũng bày tỏ niềm vui khi nhận thấy đoàn viên, thanh niên trẻ đã rất tự tin trong việc trình bày các tham luận tại hội thảo, tự tin trong phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận, điều đó đã chứng tỏ sự hiểu biết chuyên môn và bản lĩnh của cán bộ nghiên cứu trẻ. Bên cạnh đó, TS. Vũ Hùng Cường cũng có những góp ý, chia sẻ để các bài tham luận đạt chất lượng cao hơn, sát hơn với thực tiễn và đặc thù hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cũng như về cách phát biểu ý kiến phản
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
|
biện, thảo luận để tạo không khí học thuật nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở trong các hội thảo của Đoàn Viện. . Tiến sĩ hy vọng rằng trong thời gian tới, các công trình nghiên cứu khoa học do đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm thực hiện sẽ ngày càng khẳng định hơn về mặt chất lượng để có thể tự tin công bố rộng rãi với xã hội và cộng đồng các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Hội thảo đã kết thúc thành công, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với nhiều người tham dự./.
Phạm Vĩnh Hà