Hội thảo khoa học “Một số ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong nghiên cứu khoa học”
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Chính phủ
  • Thư điện tử
  • Logo - Hội thảo

Hội thảo khoa học “Một số ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong nghiên cứu khoa học”

03/07/2013

Ngày 26/6/2013, Chi đoàn Viện Địa lý Nhân văn đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong nghiên cứu khoa học”.

ThS. Ngô Minh Đức – Bí thư Chi đoàn Viện Địa lý Nhân văn chủ trì hội thảo. Hội thảo đã thu hút sự chú ý, tham dự của nhiều đoàn viên đến từ các chi đoàn cơ sở trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là khoa học liên ngành được ứng dụng trong quản lý và xử lý tích hợp thông tin đa ngành. Là công cụ thu thập, cập nhật, lưu trữ, tích hợp, xử lý, tra cứu, phân tích và hiển thị mọi dạng thông tin, dữ liệu địa lý, gắn liền với một tọa độ địa lý xác định - một nền hình học bản đồ nhất quán, hỗ trợ việc ra quyết định chính xác và kịp thời. Hiểu một cách đơn giản, các nhà nghiên cứu thường ứng dụng GIS để tích hợp và phân tích nhiều lớp thông tin, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để nghiên cứu một hoặc nhiều địa điểm hoặc toạ độ không gian nào đó. GIS giúp phân tích, đánh giá hiện trạng, dự báo tương lai, đề xuất các định hướng phát triển tổng thể bền vững một cách chính xác và trực quan hơn.

Hội thảo đã lắng nghe tham luận “Những vấn đề cơ bản về hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong nghiên cứu khoa học xã hội” do GS.TS. Phạm Văn Cự, Giám đốc Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Biến đổi toàn cầu (Đại học Quốc gia Hà Nội) thuyết trình và tham luận “Kinh nghiệm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trên thế giới. Kinh nghiệm của Thụy Điển” do TS. Bùi Quang Bình, Viện Địa lý Nhân văn thuyết trình. Hai tham luận đã cho thấy mức độ hữu dụng và vai trò quan trọng của ứng dụng GIS trong nghiên cứu, đặc biệt PGS.TS. Phạm Văn Cự nhấn mạnh: Ứng dụng GIS tránh được hiện tượng sao chép lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học xã hội và cần sử dụng tư duy không gian như một hướng mới trong nghiên cứu khoa học, sẽ giúp các nhà nghiên cứu công bố được nhiều hơn kết quả của mình, bởi hiện nay việc ứng dụng GIS trong nghiên cứu tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Thực tế đã cho thấy trong nghiên cứu khoa học xã hội và địa lý nhân văn người ta thường coi nhẹ phương pháp định lượng, khoa học tự nhiên lại đề cao quá mức vai trò của công nghệ trong phương pháp định lượng, trong khi cơ sở tri thức là sự tổng hợp tri thức của các nhà quản lý, chuyên gia các chuyên ngành, công nghệ thông tin và cộng đồng. Vì vậy, nghiên cứu nói chung cần có yếu tố không gian (tức là đẩy mạnh ứng dụng GIS) để không gian hóa các quan sát trong nghiên cứu. Cụ thể là khi các nhà quản lý và cộng đồng đặt các bài toán cần giải quyết, các nhà khoa học liên ngành sẽ xây dựng mô hình dữ liệu, tổ chức thực hiện, đánh giá dự án. Chuyên gia chuyên ngành thiết lập mô hình xử lý. Chuyên gia công nghệ thông tin đưa giải pháp về công nghệ xử lý dữ liệu, truy cập thông tin..., làm được như vậy, nghiên cứu mới có tính thực chứng và khả thi, có thể ứng dụng trong cuộc sống một cách triệt để.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ThS. Ngô Minh Đức cho rằng: với 2 báo cáo chuyên sâu được chuẩn bị kỹ lưỡng và do các diễn giả có uy tín trình bày, các bài tham luận đã đạt chất lượng khoa học cao, có tính định hướng trong nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trẻ đang làm công tác nghiên cứu có liên quan đến ứng dụng GIS. Hội thảo đã thực sự trở thành diễn đàn thảo luận sôi nổi của những người đang làm công tác nghiên cứu liên quan và cả những người chưa từng được biết tới ứng dụng GIS, đã tạo nên bầu không khí trao đổi bổ ích, thực sự lôi cuốn và đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi. Bí thư Chi đoàn Viện Địa lý nhân văn hy vọng rằng trong những năm tới, chủ đề của Hội thảo sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ tổ chức của Chi đoàn và sẽ được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện mở rộng tổ chức ở mức độ cao hơn nhằm phổ biến rộng rãi ứng dụng GIS đến nhiều đối tượng, tạo ra sự liên kết bền vững giữa các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu khác./.

 

Phạm Vĩnh Hà

 

Các tin đã đưa ngày: