Tham dự Hội thảo có: Đồng chí Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm, đồng chí Phạm Quang Linh, Phó Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm; Phó Viện trưởng Viện Thông tin: TS. Lê Hải Đăng và TS. Phan Tân; Chi ủy viên phụ trách thanh niên Viện Thông tin, ThS. Phạm Xuân Hoàng cùng sự góp mặt đông đủ đại diện Ban chấp hành nhiều Chi đoàn trực thuộc Viện Hàn lâm (Viện Nghiên cứu Triết học, Viện Dân tộc học, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Văn phòng Viện Hàn lâm, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Trung Quốc).
Thanh niên là lực lượng chiếm số lượng khá lớn trong xã hội, có vai trò quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của mỗi quốc gia. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực của xã hội, nhờ đó thanh niên có cơ hội học tập và phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của bản thân, không ngừng vươn lên, đóng góp thành quả cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, quá trình đổi mới và mở cửa của đất nước đã tạo ra những mặt trái và tác động tiêu cực đến lối sống của các tầng lớp thanh niên. Vì vậy, xây dựng lối sống thanh niên là vấn đề cấp thiết luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đó mục tiêu và động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hội thảo chia làm 02 phiên thảo luận với 05 tham luận tập trung trình bày hai nội dung chính:
Trong phiên 1, các báo cáo viên (ThS. Nguyễn Thị Hiền và ThS. Vũ Thị Thảo) đã phân tích sâu sắc các nội dung: (1) Vai trò các tổ chức Đoàn, Hội (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam) đối với lối sống thanh niên qua xác định 4 vai trò cụ thể: (i) Xác định tư tưởng; (ii) Định hướng nghề nghiệp; (iii) Phản ánh nhu cầu, nguyện vọng; (iv) Tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tinh thần; (2) Vai trò của trí thức trẻ trong phát triển kinh tế và xây dựng lối sống chuẩn mực của thanh niên Việt Nam hiện nay. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với phát triển kinh tế tri thức.
|
|
|
Phiên 2, các báo cáo viên (ThS. Nguyễn Thị Huệ, ThS. Trương Tuấn Anh, ThS. Phạm Vĩnh Hà) đã tập trung phân tích những tác động hai mặt của toàn cầu hóa đến lối sống thanh niên hiện nay thông qua các khía cạnh: (1) Ảnh hưởng tiêu cực của tiếp xúc và giao lưu văn hóa thế giới đối với thanh niên Việt Nam hiện nay trên một số lĩnh vực tiêu biểu (âm nhạc, phim ảnh, thời trang, ẩm thực và ngôn ngữ); (2) Thái độ của thanh niên Việt Nam đối với các vấn đề chính trị đất nước; (3) Biến đổi trong cách tiếp cận thông tin của thanh niên thời đại kỷ nguyên số. Theo đó, các báo cáo đề xuất 5 giải pháp nhằm nâng cao thái độ chính trị góp phần xây dựng lối sống trách nhiệm trong thanh niên: (i) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với thanh niên; (ii) Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, đoàn thể; (iii) Nâng cao vai trò của giáo dục học đường đối với quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống cho thanh niên; (iv) Định hướng những thông tin thiết thực qua truyền thông đại chúng cho giới trẻ; (v) Phát huy vai trò làm chủ của thanh niên trong các hoạt động xây dựng và phát triển đất nước.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích về những chủ đề xoay quanh vấn đề lối sống thanh niên hiện nay. Thông qua các báo cáo tại Hội thảo, nhiều phương hướng và giải pháp thiết thực nhằm xây dựng lối sống tích cực, hiện đại và bản lĩnh cho thanh niên trước bối cảnh hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa ngày càng gia tăng đã được đề xuất, góp phần phát huy tối đa vai trò của nguồn lực trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang