Tham dự Hội thảo có: TS. Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Nguyễn Bình Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị thế giới; TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm cùng các chuyên gia, nhà khoa học và các cán bộ trẻ đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành Viện Hàn lâm.
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, đặc biệt là từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này đã có nhiều chiến lược thay đổi quan trọng. Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu với sức mạnh tiêu dùng của thị trường lớn nhất thế giới. Sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế đã giúp Trung Quốc xác lập chỗ đứng vững chắc trong địa chính trị toàn cầu. Những ý tưởng mới, siêu chiến lược mới như “Một vành đai, một con đường”, chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hay ý tưởng về thành lập khu vực mậu dịch tự do châu Á… đã tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới trong thập niên này.
Hội thảo chia làm 02 phiên thảo luận với 06 tham luận tập trung trình bày hai nội dung chính:
Trong phiên 1, các báo cáo viên (ThS. Phí Hồng Minh - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Đ/c Tạ Mai Ly - Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; Đ/c Vũ Nhật Quang - Viện Kinh tế - Chính trị thế giới) đã trình bày bối cảnh Trung Quốc trong thập niên thứ II của thế kỷ XXI qua phân tích: (1) Nội dung, nguyên tắc chính sách ngoại giao vùng ngoại vi và những định hướng mới trong chiến lược khu vực của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực hướng tâm Trung Quốc; (2) Vai trò của Hồng Công (cầu nối cho thương mại quốc tế của Trung Quốc, thị trường vốn quốc tế lớn nhất của Trung Quốc) trong sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc; (3) Chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc [(chính sách tiết kiệm năng lượng, tăng cường các kho dự trữ năng lượng trong nước, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới, đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhập khẩu (nhất là dầu mỏ)].
|
|
|
Phiên 2, các báo cáo viên (Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Trần Thị Hà, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; Bùi Ngọc Tú, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) tập trung phân tích những tác động của nhân tố Trung Quốc đến cục diện khu vực và thế giới về một số chủ đề: (1) Quan điểm của Trung Quốc về RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership - quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực); (2) Phản ứng của một số nước Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Brunei) đối với “Chiến lược biển” nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc; (3) Các cơ chế gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Châu Phi cận Sahara thông qua tìm hiểu 07 cơ chế tác động (hợp tác ngoại giao, hợp tác thương mại, hợp tác đầu tư, hỗ trợ phát triển, tiền tệ, hợp tác và hỗ trợ quân sự, di dân và quảng bá văn hóa).
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các cán bộ trẻ tham dự. Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao nội dung trình bày của các tham luận và cho rằng đây là chủ đề hấp dẫn, mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu mới cho các nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt là các nội dung về khả năng thành công trong chiến lược ngoại vi (láng giềng), năng lượng, biển, khu vực (Châu Phi) của Trung Quốc trong mối tương quan với sự suy giảm niềm tin của các quốc gia sẽ tác động như thế nào đến cục diện thế giới và để lại bài học kinh nghiệm gì cho các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Những ý kiến đóng góp quí báu của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo sẽ giúp các cán bộ trẻ gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới, sâu sắc, đa dạng, góp phần phát triển đề tài nghiên cứu về chủ đề này ở cấp cao hơn trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang