Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Dự án; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Ban Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Dự án; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác Quốc tế; TS. Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ và TS. Vũ Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin kiêm Phó Trưởng ban Ban Quản lý khoa học.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Phát triển con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang hướng tới, đặc biệt là trong công tác triển khai các dự án đào tạo về Quyền con người và thực hiện báo cáo về Phát triển con người. Hiện nay, Viện Hàn lâm đang cố gắng để cách hai năm sẽ có một báo cáo về phát triển con người được thực hiện nhằm góp phần hỗ trợ các chính sách cho việc nhìn nhận về phát triển con người tại Việt Nam.
Sau 27 năm hội nhập và phát triển, nước ta đang đứng trước yêu cầu và những thách thức về phát triển mới. Ngoài việc tăng trưởng theo chiều rộng (đất đai, tài nguyên…) chúng ta còn phải dựa vào những phát triển theo chiều sâu (tri thức, khoa học…) hướng tới vì con người nhằm phát triển con người, lấy con người làm trọng tâm. Hiện nay, điều đáng mừng là đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ đã và đang được tham gia vào việc thực hiện báo cáo phát triển con người, với những dự án và hướng tiếp cận mới, điều quan trọng trước hết cho các báo cáo là cần phải có được những đánh giá đầu vào, dựa vào thực trạng nền kinh tế - xã hội Việt Nam để tìm ra những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và cần phải giải quyết... Trước thực tế đặt ra, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hội thảo tập trung thảo luận về các cách tiếp cận và quan niệm của trí thức trẻ về phát triển con người hiện nay, giúp cho việc nhận thức và phát triển được những hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới.
Trong số 21 bài tham luận gửi tới Hội thảo, có 8 tham luận được Ban tổ chức Hội thảo lựa chọn trình bày tại hội thảo. Các diễn giả đã nêu lên nhiều vấn đề về phát triển con người dưới nhiều cách tiếp cận và lăng kính ở các chuyên ngành lịch sử, triết học, kinh tế, phát triển bền vững, văn học, nhân học/dân tộc học, xã hội học, kinh tế học... và nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của toàn thể Hội thảo.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
|
Có thể khẳng định rằng việc thay đổi nhận thức đã giúp cho chỉ số phát triển con người Việt Nam không ngừng được cải thiện. ThS. Hoàng Thị Mỹ Quỳnh, Viện Triết học cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, cạnh tranh để phát triển, lượng tri thức tăng lên gấp bội thì sự tác động mạnh mẽ và sâu rộng của tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống con người đã được thừa nhận. Đây là một nhân tố chi phối và quy định sự phát triển của tất cả các lĩnh vực khác và nó có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của con người.
Một nhận thức chung của các trí thức trẻ là phát triển con người là mục tiêu của phát triển bền vững, là mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang hướng đến. Tuy nhiên phát triển con người hiện nay vẫn còn mang tính hình thức và phong trào không những ở cấp quốc gia mà còn ở cấp quốc tế, sự thiếu cân bằng trong những phát triển mang tính vùng miền, địa – chính trị, địa văn hóa, địa – kinh tế… đã ảnh hưởng không nhỏ cho việc thực hiện các chính sách phát triển con người và chính bản thân con người đôi khi cũng còn chưa nhận thức một cách đầy đủ về điều này trong việc thực hiện và thụ hưởng các chính sách phát triển, nhất là đối với các vùng miền chênh lệch bởi yếu tố dân tộc, tôn giáo… Do đó, để có một quốc gia phát triển bền vững thì vai trò, ý thức và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức cũng như vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, các chính phủ là vô cùng quan trọng.
Hội thảo đã nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia và đại biểu tham dự./.
Phạm Vĩnh Hà