Hội thảo “Việt Nam sau 30 năm đổi mới dưới góc nhìn của tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương”
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Chính phủ
  • Thư điện tử
  • Logo - Hội thảo

Hội thảo “Việt Nam sau 30 năm đổi mới dưới góc nhìn của tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương”

30/09/2016

Chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sáng ngày 30/9/2016, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Liên Chi đoàn của 10 đơn vị cơ sở đoàn (Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Địa lý nhân văn, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Việt Nam sau 30 năm đổi mới dưới góc nhìn của tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương”.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Đoàn Khối các cơ quan Trung ương (Đoàn Khối) có đồng chí Phạm Diệu Linh, Phó ban phong trào thanh niên Đoàn Khối. Về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính; TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm (Đoàn Viện), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; Đồng chí Trần Thị Thanh Vân, Phó Bí thư Đoàn Viện; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; Đồng chí Đàm Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Viện và đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành của các Liên Chi đoàn cùng sự góp mặt đông đủ của toàn thể đoàn viên, thanh niên các chi đoàn.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đến nay, quá trình này đã trải qua 30 năm. Nhìn lại 30 năm qua, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đánh giá những thành tựu đạt được, chỉ rõ những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đoàn Viện là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội luôn chú trọng đến việc tăng cường, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của đoàn viên, thanh niên thông qua việc tổ chức các buổi báo cáo, tọa đàm khoa học và đặc biệt là hội thảo khoa học. Nhiều hội thảo khoa học liên chi đoàn đã thực sự tạo ra môi trường sinh hoạt mang tính chất học thuật để các đoàn viên – những nhà nghiên cứu trẻ trao đổi tri thức học thuật giữa các chuyên ngành khác nhau nhằm tăng cường khả năng nghiên cứu liên ngành, đa ngành khoa học xã hội; có cơ hội trình bày và trao đổi, thảo luận, nâng cao năng lực tư duy, khả năng nghiên cứu của đoàn viên, thanh niên.

TS. Võ Xuân Vinh phát biểu tại Hội thảo   TS. Lê Đức Hạnh phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường chúc mừng và biểu dương những nỗ lực của Ban chấp hành Đoàn Viện cũng như Liên Chi đoàn đã phối hợp tổ chức hội thảo có ý nghĩa theo sự chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy là phát triển và triển khai các hoạt động đặc thù của thanh niên gắn với thế mạnh của Viện Hàn lâm (nghiên cứu khoa học mang tính liên ngành); qua đó rà soát các đồng chí thanh niên có năng lực về khoa học nhằm tiếp tục bồi dưỡng phát triển; cần phát hiện sớm các đoàn viên, thanh niên có đủ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý để bồi dưỡng kế cận…

Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Hùng Cường đánh giá cao sự sáng tạo chủ đề Hội thảo; đồng thời mong muốn, thông qua Hội thảo, các đồng chí đoàn viên, thanh niên sẽ thực hành các bài nghiên cứu, cung cấp các minh chứng và luận cứ đầy đủ về vấn đề của Hội thảo; rèn luyện bản lĩnh khoa học, thực hành cách thức thảo luận, phản biện và lắng nghe ý kiến phản biện trong hội thảo; phát huy tinh thần nỗ lực của thanh niên trong khoa học, tích cực xây dựng ý kiến góp phần vào thành công chung của Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 6 tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào hai vấn đề chính như sau:

Phiên 1: Những vấn đề về thể chế và xã hội của Việt Nam sau 30 năm đổi mới (TS. Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin Khoa học xã hội và ThS. Vũ Thị Thu Hằng, Viện Triết học chủ trì). Các đại biểu lắng nghe 03 tham luận của các diễn giả (NCS. Nguyễn Thị Hảo, Viện Triết học; NCS. Võ Khánh Linh, Học viện Khoa học xã hội; ThS. Bùi Thị Hồng, Viện Thông tin Khoa học xã hội) trình bày những nội dung về đổi mới chính trị ở Việt Nam từ nhận thức đến thực tiễn; thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới (đánh giá và một số kiến nghị); an sinh xã hội ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới: thành tựu và thách thức; tác động của tăng trưởng kinh tế đối với một số vấn đề xã hội Việt Nam qua 30 năm đổi mới, việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam; một số vấn đề về nhân cách con người Việt Nam sau 30 năm đổi mới.

ThS. Vũ Thị Thu Hằng và TS. Phạm Xuân Hoàng chủ trì phiên 1   ThS. Ngô Minh Đức và TS. Hoàng Minh Hằng chủ trì phiên 2

Phiên 2: Những vấn đề về kinh tế, môi trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới (TS. Hoàng Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và ThS. Ngô Minh Đức, Viện Địa lý nhân văn chủ trì). Các diễn giả (ThS. Chu Minh Hội, Viện Kinh tế Việt Nam; ThS. Lộc Thị Thủy, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; ThS. Vũ Thị Kim Oanh,  Đại học Tài nguyên và Môi trường) trình bày nội dung về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam; hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai; quan hệ kinh tế của Việt Nam với Australia sau 30 năm đổi mới; những thành tựu đối ngoại của Việt Nam sau 30 năm đổi mới (những điểm sáng trong quan hệ hợp tác với Hàn Quốc và triển vọng, quan hệ hợp tác Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ, thực trạng và triển vọng, quan điểm của Trung Quốc về TPP và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam); bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển ở Việt Nam (nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý hệ sinh thái đất ngập nước…).

    Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện và TS. Lê Đức Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đánh giá cao về nội dung tham luận, công tác tổ chức và có những ý kiến chỉ đạo cho công tác sau Hội thảo; mong muốn, qua Hội thảo, các đồng chí đoàn viên, thanh niên sẽ từng bước trưởng thành trong nghiên cứu khoa học, phát triển bài tham luận thành các bài đăng trên tạp chí; trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, lãnh đạo các viện nghiên cứu và Đoàn Khối, các diễn giả và đại biểu tham dự.

Hội thảo nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các đại biểu đã tích cực đóng góp những ý kiến trao đổi sâu sắc, chia sẻ hữu ích trong việc nhìn nhận, đánh giá công cuộc 30 năm đổi mới của đất nước trên nhiều khía cạnh (kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và hội nhập quốc tế) từ góc nhìn của những nhà nghiên cứu trẻ.

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ góp phần mang lại cái nhìn bao quát, khách quan và rộng mở hơn về sự phát triển của Việt Nam sau 30 năm đổi mới; qua đó nâng cao tinh thần học tập và bản lĩnh chính trị của trí thức trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: