Tọa đàm khoa học “Thực trạng kinh tế xã hội ở Châu Á và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Chính phủ
  • Thư điện tử
  • Logo - Hội thảo

Tọa đàm khoa học “Thực trạng kinh tế xã hội ở Châu Á và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”

11/03/2017

Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS), nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu khoa học quốc tế của Viện Hàn lâm, chiều ngày 10/3/2017, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm (Đoàn Viện) phối hợp với Ban Hợp tác quốc tế đã đón tiếp đoàn giáo sư, sinh viên trường Đại học Meiji, Nhật Bản do Giáo sư Itogo dẫn đầu đến thăm và trao đổi khoa học với cán bộ nghiên cứu trẻ Viện Hàn lâm với chủ đề “Thực trạng kinh tế xã hội ở Châu Á và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”

Tham dự Tọa đàm có ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; ThS. Nguyễn Mạnh Cường, chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế cùng toàn thể các cán bộ nghiên cứu trẻ, đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm.

ThS. Nguyễn Thanh Hà và Giáo sư Itogo chủ trì Tọa đàm   Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm do ThS. Nguyễn Thanh Hà và Giáo sư Itogo chủ trì. Đây là một những những sự kiện hợp tác và giao lưu quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với VASS, góp phần tăng cường quan hệ giữa VASS với các đối tác nước ngoài (Nhật Bản) cũng như tạo sự kết nối và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đoàn viên, thanh niên.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 21/9/1973, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển; xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất từ trước đến nay, tin tưởng về chính trị, tăng cường hợp tác và hỗ trợ kinh tế, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hợp tác mọi mặt giữa Việt Nam – Nhật Bản càng được củng cố mạnh mẽ hơn khi hai nước xây dựng được mối quan hệ tin cậy về chính trị thông qua các cuộc đối thoại liên chính phủ và hàng loạt các cuộc tiếp xúc, chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khẳng định mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng Châu Á.

TS. Phạm Anh Tuấn và PGS.TS. Phạm Quý Long trình bày tham luận tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các sinh viên trường Đại học Meiji, Nhật Bản được nghe giới thiệu khái quát cơ cấu, chức năng và nhiệm vụ nghiên cứu chính của VASS; đặc biệt là những đối tác nghiên cứu quốc tế của VASS tại khu vực Châu Á, Châu Phi – Trung Đông, Châu Âu, Mỹ và Australia; phía Nhật Bản cũng giới thiệu sơ lược về trường đại học Meiji.

Sau đó hai bên thảo luận các vấn đề liên quan đến thực trạng kinh tế xã hội ở Châu Á và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản thông qua 02 tham luận của các diễn giả (TS. Phạm Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới và PGS.TS. Phạm Quý Long trình bày về quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, những thách thức mới sau 30 năm đổi mới, định hướng phát triển trong tương lai với mục tiêu cải cách cơ cấu, môi trường bền vững, công bằng xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; phân tích mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay).

Đoàn viên, thanh niên VASS chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn giáo sư, sinh viên trường Đại học Meiji, Nhật Bản

Thảo luận những vấn đề chung mà hai bên cùng quan tâm, các cán bộ trẻ VASS và sinh viên Nhật Bản đã chia sẻ nhiều ý kiến, quan điểm về những vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Trung Quốc; các vấn đề an ninh hàng hải tại khu vực Châu Á; tầm quan trọng của Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam và Nhật Bản; vấn đề trở ngại lớn nhất mà Nhật Bản đang phải đối mặt, đó là hoạt động xuất khẩu và chế tạo giảm, trong khi đồng yên mạnh và chi tiêu tiêu dùng giảm, dân số lão hóa khiến nền kinh tế Nhật Bản gặp nhiều thách thức lớn…; bình đẳng giới và cùng trao đổi về văn hóa- xã hội- du lịch, môi trường…

Tọa đàm là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, tạo cơ hội thiết thực giúp các đoàn viên, thanh niên hai bên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, chia sẻ những cảm nhận chân thực nhất về đất nước, con người; ngưỡng mộ tinh thần làm việc cần cù, chịu khó của người dân Nhật Bản, chung sức vươn lên khắc phục thảm họa thiên nhiên để khôi phục kinh tế… Qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên ngày càng sâu sắc hơn nữa.

Buổi tọa đàm giao lưu khoa học đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần tạo sự kết nối về văn hóa, thắt chặt tinh thần đoàn kết, tô thắm tình hữu nghị cũng như mở ra nhiều định hướng hợp tác nghiên cứu khoa học cho đoàn viên, thanh niên Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: