Tọa đàm khoa học “Vấn đề môi trường trong bối cảnh phát triển mới”
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Chính phủ
  • Thư điện tử
  • Logo - Hội thảo

Tọa đàm khoa học “Vấn đề môi trường trong bối cảnh phát triển mới”

30/03/2017

Nhằm góp phần cung cấp, cập nhật những kiến thức, vấn đề mới về môi trường và hội nhập quốc tế cho cán bộ nghiên cứu trẻ, sáng ngày 29/3/2017, tại Hội trường 3D, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Chi đoàn Viện Địa lý nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Chi đoàn Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Vấn đề môi trường trong bối cảnh phát triển mới”.

ThS. Ngô Minh Đức, Bí thư Chi đoàn Viện Địa lý nhân văn<br>phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có sự góp mặt của TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cùng sự hiện diện đông đảo các cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện Địa lý nhân văn, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT và một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới với nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, Việt Nam đã hoàn thành một chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục với nền tảng là vốn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động trẻ, dồi dào và nguồn hỗ trợ phát triển, đầu tư nước ngoài. Đây là giai đoạn bản lề cho một chu kỳ phát triển với những nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế: mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại, liên kết nền kinh tế với khu vực và thế giới. Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, FTA thế hệ mới và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khác đang được xem là những điều kiện mới cho Việt Nam cất cánh.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ThS. Ngô Minh Đức, Bí thư Chi đoàn Viện Địa lý nhân văn cho biết: Việc gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu một mặt mang lại nhiều cơ hội phát triển cho đất nước, mặt khác lại có nguy cơ gia tăng mức độ tổn thương về xã hội – môi trường – an ninh phi truyền thống. Ở khía cạnh an ninh môi trường bao gồm các vấn đề sau: 1. Dịch chuyển sản xuất kèm theo dịch chuyển các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao; 2. Gia tăng xu thế chiếm hữu tài nguyên, tư nhân hóa công sản, gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn tư liệu sản xuất; 3. Suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên do gia tăng xuất khẩu nguyên liệu thô phục vụ thị trường toàn cầu; 4. Áp lực về chính sách, thể chế nhằm đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về môi trường; 5. Tác động phản hồi từ các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài lên chính Việt Nam.

Thực tế cho thấy, dù Việt Nam chưa trở thành một nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng, mỗi năm thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP; qua đó nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nhận diện những nguy cơ, thách thức đối với môi trường trong bối cảnh tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

TS. Hà Huy Ngọc, Viện Địa lý nhân văn và TS. Lại Văn Mạnh trình bày tham luận tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu được lắng nghe 03 tham luận của các diễn giả (Hà Huy Ngọc, Viện Địa lý nhân văn; TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách TN&MT; TS. Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam) trình bày theo 3 nội dung chính: (1) Đánh đổi kinh tế - môi trường trong khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản (trường hợp mỏ sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh); (2) Phân tích đánh đổi giữa các dịch vụ hệ sinh thái, chất lượng môi trường sống và kế hoạch phát triển nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp cho Vườn Quốc gia Phù Mát, tỉnh Nghệ An; (3) Bối cảnh mới- cơ hội và thách thức trong quản lý môi trường.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các cán bộ nghiên cứu trẻ và đoàn viên, thanh niên đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành, chia sẻ nhiều thông tin nghiên cứu hữu ích về mối tương quan giữa môi trường và kinh tế; trách nhiệm quản lý của nhà nước trong việc hài hòa vấn đề kinh tế và xã hội; đề xuất vấn đề đào tạo phát triển môi trường và sinh thái bền vững cũng như đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế xanh; bày tỏ quan ngại về những thách thức chuyển đổi kinh tế tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về môi trường như hiện nay…

Tọa đàm là diễn đàn giao lưu học thuật hữu ích giữa các cán bộ trẻ và gợi mở nhiều định hướng nghiên cứu mới nhằm khởi động cho kế hoạch tổ chức hội thảo ở tầm cao hơn về vấn đề môi trường, qua đó tạo cơ hội trao đổi thông tin, quan điểm và phương pháp nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trẻ trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: