Xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh - sạch - đẹp
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • left_banner_daotao (1)
  • 3.7 top logo - tin dao tao

Xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh - sạch - đẹp

13/08/2024

Trong khuôn khổ Nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2024, từ 11 - 13/8/2024, đoàn công tác của Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tế, làm việc với UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) về công tác quản lý môi trường, hiện trạng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đảo Lý Sơn. Đồng thời phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức Tập huấn, nâng cao nhận thức về thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn cho cán bộ và nhân dân huyện Lý Sơn.

Công tác quản lý chất thải sinh hoạt đảo Lý Sơn

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, huyện đảo Lý Sơn cách bờ khoảng 30km, diện tích gần 10km2, dân số hơn 23.000 người, gồm 3 hòn đảo: Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Hằng năm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý tại Nhà máy xử lý rác huyện Lý Sơn khoảng từ 8.500 đến 9.000 tấn. Với số lượng rác thải lớn thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho Nhà máy xử lý.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương chủ trì buổi làm việc

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trên cơ sở căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Công văn số 4483/UBND ngày 13/9/2023 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện Lý Sơn xây dựng Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 07/11/2023 về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Lý Sơn. Đồng thời, huyện Lý Sơn ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong công tác phân loại rác thải tại nguồn và bảo vệ môi trường biển đảo.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn, khối lượng chất thải rắn được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý rác Lý Sơn trung bình khoảng 25 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, thời điểm cao nhất có thể đạt 26 - 30 tấn/ngày vào các tháng cao điểm mùa du lịch và ngày lễ, tết. Chất thải rắn chủ yếu gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Một phần rác thải nông nghiệp (thân cây hành, tỏi) được các hộ dân tận dụng ủ làm phân phục vụ sản xuất nông nghiệp, phần rác thải nông nghiệp còn lại và toàn bộ rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn để xử lý.

Đại diện Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn

Nhà máy xử lý rác Lý Sơn được đầu tư theo chương trình dự án “Xây dựng mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đảo, áp dụng thí điểm cho huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”, hoàn thành, bàn giao cho UBND huyện vào tháng 12/2015. Ngày 16/02/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định chủ trương đầu tư số 229/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Đa Lộc (Công ty Đa Lộc) đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn. Thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày cấp chủ trương đầu tư. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã tiến hành nâng công suất của Nhà máy từ 15,5 tấn/ngày lên 25 tấn/ngày và đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 27/11/2017.

Báo cáo về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đại diện Công ty Đa Lộc cho biết, nhà máy xử lý chất thả rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn có 03 xe ô tô chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác thải và 09 xe đẩy tay để thu gom rác thải trong Khu dân cư. Tại địa bàn An Bình (Đảo bé), Công ty Đa lộc (Nhà máy xử lý rác Lý Sơn) chịu trách nhiệm thuê tàu chở rác thải hàng tháng theo đúng chủ trương của huyện. Nếu thời tiết biển động, tàu không qua lại được thì đội thu gom có trách nhiệm thu gom rác tập trung về ô chứa rác tạm thời (điểm trung chuyển) xử lý mùi để chờ thời tiết ổn định thì vận chuyển ra Cầu cảng để tàu chở về Đảo lớn sau đó vận chuyển về Nhà máy để xử lý.

Công nghệ xử lý rác thải tại Nhà máy gồm có lò đốt kết hợp chế biến phân hữu cơ và chôn lấp hợp vệ sinh; trong đó, dây chuyền phân loại công suất thiết kế 50 tấn/ngày, 02 lò đốt với công suất thiết kế mỗi lò 600kg/giờ, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ công suất thiết kế 30 tấn/ngày và 04 ô chôn lấp. Hiện tại, hoạt động của nhà máy cơ bản đảm bảo xử lý lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện, nhà máy chỉ mới sử dụng 02 ô chôn lấp với thành phần chôn lấp chủ yếu là tro xỉ.

Công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua luôn được chú trọng cũng như nhận thức của người dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao nên tình trạng ô nhiễm chất thải sinh hoạt tương đối ít xảy ra.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn. Một số ít người dân chưa tuân thủ đổ, bỏ rác thải đúng nơi quy định tại các điểm tập kết, gây khó khăn cho công tác thu gom; tình trạng lén lút đổ rác thải xuống biển làm ảnh hưởng môi trường vẫn còn xảy ra. Việc phân loại rác thải tại nguồn còn hạn chế; công nghệ xử lý rác thải chưa hiện đại (chủ yếu đốt, chôn lấp) gây khí thải, nước thải ra môi trường…

Kiến nghị giải pháp quản lý chất thải sinh hoạt phù hợp cho Lý Sơn

Tại buổi khảo sát, các thành viên trong Đoàn và lãnh đạo huyện Lý Sơn đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Đình Đáp cho rằng, huyện đảo Lý Sơn, được ví là hòn ngọc xanh giữa biển. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế thì áp lực về bảo vệ môi trường càng lớn.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, xác định mục tiêu từng bước đưa huyện đảo trở thành đô thị biển xanh - sạch - đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, Lý Sơn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải. Lý Sơn đã đề xuất đưa vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 mở rộng Nhà máy thêm 1,5ha nâng tổng diện tích của Nhà máy lên 3,5ha và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 10/9/2021. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch vị trí Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Lý Sơn vào doanh mục, công trình, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa giai đoạn 2021 - 2030.

Do nguồn kinh phí môi trường thu từ các cơ quan, tổ chức và hộ dân rất hạn chế nên hằng năm phải cấp bù ngân sách Nhà nước cho Nhà máy xử lý chất thải huyện Lý Sơn (từ 9 - 10 tỷ đồng) để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Vì vậy, để tạo điều kiện cho huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng - kỹ thuật đồng bộ trong thời gian tới, sớm phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia theo Nghị quyết số 26/NQ-TW, huyện Lý Sơn kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, phân bổ kinh phí đảm bảo cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại rác thải tại nguồn huyện Lý Sơn trong thời gian tới.

Đồng thời, huyện Lý Sơn cũng đề xuất đưa vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 mở rộng Nhà máy thêm 1,5ha nâng tổng diện tích của Nhà máy lên 3,5ha (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 10/9/2021); đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch vị trí Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Lý Sơn vào doanh mục, công trình, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa giai đoạn 2021 - 2030.

Tăng cường truyền thông, xây dựng mô hình phân loại rác dựa vào cộng đồng

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của nhiệm vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường, Viện Địa lý nhân văn phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức Hội nghị - Tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn cho người dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thông qua đó giới thiệu các quy định, kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn; quy đinh quản lý, phân loại rác tại nguồn tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương triển khai mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng; cách thức triển khai, xây dựng mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại một số đảo.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nhấn mạnh, việc Viện Địa lý Nhân văn tổ chức các hoạt động nghiên cứu điều ra, khảo sát, tổ chức các hoạt động tập huấn về phân loại chất thải tại nguồn để giới thiệu đến các đồng chí đại biểu và bà con nhân dân về cách thức thực hiện phân loại rác tại nguồn, kinh nghiệm của một số địa phương đã triển khai mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng có thể áp dụng tại huyện đảo Lý Sơn sẽ rất hữu ích và kịp thời, đáp ứng được các định hướng phát triển bền vững biển đảo Lý Sơn.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại (chậm nhất từ ngày 01/01/2025). Ngày 09/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; thực hiện phân loại CTRSH đồng bộ từ thành thị đến nông thôn theo lộ trình; ưu tiên tái chế, tái sử dụng, xử lý tại chỗ đối với các khu vực miền núi cao, điều kiện giao thông khó khăn, cách trở. Do vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phân loại rác là nội dung rất quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt huyện đảo Lý Sơn.

Trình bày tại Hội nghị, PGS.TS. Kiều Thị Kính - Đại học Đà Nẵng cho biết, lâu nay, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt. Tuy nhiên, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, phí rác thải sinh hoạt được tính theo khối lượng dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Cá nhân, hộ dân nào thải ra càng nhiều rác, mức phí sẽ càng cao. Việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

PGS.TS. Kiều Thị Kính chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn, thu phí rác thải theo lượng phát sinh Hội An là nơi đầu tiên thí điểm nên trước mắt phường chủ yếu tuyên truyền để người dân có thói quen phân loại rác và khuyến khích người dân dùng túi nilon của thành phố bán để chứa rác. Kết quả đạt được khá tốt, cụ thể từ giữa năm 2023 đến nay, đã có hơn 50% hộ dân trên địa bàn phường ủng hộ và sử dụng túi được thành phố bán để chứa rác. Theo đó, việc duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn sẽ làm giảm khoảng 30% lượng rác chôn lấp, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành tài nguyên. Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững.

Chia sẻ về những mô hình tại địa phương, các đại biểu tham dự cho biết, mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” được huyện Lý Sơn thực hiện thí điểm từ đầu năm 2019 tại khu dân cư số 1 thôn Đông An Vĩnh và khu dân cư số 3 thôn Đông An Hải với hơn 520 hộ tham gia. Huyện Lý Sơn đã cấp phát gần 1.300 thùng rác và các poster phân loại rác, mở các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình ở 2 khu dân cư này.

Chia sẻ giải pháp, sáng kiến xây dựng và duy trì mô hình

Thời gian đầu người dân thực hiện khá tốt, nhưng sau đó nhiều hộ bỏ ngang vì lý do Nhà máy xử lý rác không thu gom riêng biệt từng lọai rác được người dân phân loại, mà dồn chung nên nhiều hộ dân phản đối. Sau 2 năm triển khai thực hiện, chỉ có 17% hộ gia đình duy trì việc phân loại rác tại nguồn. Vì vậy, để đảm bảo sự bền vững của mô hình, người dân kiến nghị cần có cơ sở hạ tầng và nhân công thu gom rác riêng biệt, đồng bộ từ khâu phân loại đến vận chuyển, xử lý…

Ngoải ra, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, khuyến khích dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng giỏ khi đi chợ; tích cực vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trong các hoạt động hằng ngày.

TS. Nguyễn Đình Đáp, TS. Nguyễn Xuân Khoát

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các tin đã đưa ngày:
62.31.01.01
Đặng Thị Thu Giang
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và TS. Nguyễn Minh Phong
62.31.01.06
Hoàng Hải Bắc
PGS. TS. Bùi Tất Thắng và PGS. TS. Đỗ Hương Lan