Gạch và ngói là loại vật liệu đất nung truyền thống trong vật liệu xây dựng Việt Nam. Cùng với các nguyên vật liệu khác, gạch, ngói là nguyên vật liệu chính tạo nên một công trình kiến trúc hoàn chỉnh. Vì vậy, nghiên cứu gạch và ngói và trang trí hoa văn trên vật liệu xây dựng nói chung chính là góp phần tìm hiểu quy mô kiến trúc, trang trí kiến trúc, lịch sử mỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc cũng như lịch sử, văn hóa Việt Nam, góp phầnnhận diện kiến trúc cổ truyền Việt Nam, bên cạnh đó còn góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu vật liệu xây dựng Việt Nam truyền thống. Việc nghiên cứu gạch và ngói có ý nghĩa quan trọng trong việc so sánh, đối chiếu với các di tích hiện còn, góp phần trùng tu, tôn tạo, phục dựng và bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hoá Việt Nam.
Luận án nghiên cứu các loại hình gạch, ngói TKXV-XVIII qua nguồn tư liệu khảo cổ học là các cuộc điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học ở miền Bắc Việt Nam. Mục đích của luận án là hệ thống toàn bộ các phát hiện và nghiên cứu về gạch và ngói TKXV-XVIII qua nguồn tư liệu khảo cổ học ở Bắc Việt Nam nhằm xác định niên đại, đặc trưng, diễn biến của hệ thống gạch, ngói TKXV-XVIII; Xác định giá trị lịch sử và văn hoá của hệ thống gạch và ngói TKXV-XVIII trong hệ thống vật liệu xây dựng TKXV-XVIII cũng như trong hệ thống vật liệu xây dựng kiến trúc Việt Nam; Bước đầu nghiên cứu so sánh với một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á nhằm tìm hiểu mối giao lưu văn hoá qua gạch và ngói TKXV-XVIII trên một số phương diện màu sắc, kỹ thuật, loại hình, hoa văn trang trí và hình thức sử dụng của một số loại hình.
Luận án giới hạn phạm vi không gian nghiên cứu gồm các tỉnh, thành phố miền Bắc Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Về mặt thời gian, luận án đề cập đến gạch và ngói đã được phát hiện và nghiên cứu trong TKXV-XVIII, song trong khuôn khổ cho phép, luận án chỉ đề cập đến 3 thời kỳ chính là thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung hưng bởi thời nhà Hồ về cơ bản nổi tiếng với truyền thống gạch, ngói thời Trần, thời Tây Sơn dấu tích vật liệu gạch, ngói chưa được phát hiện và nghiên cứu nhiều. Nguồn tư liệu chính của luận án tập trung ở một số di tích tiêu biểu như Lam Kinh (Thanh Hóa), Dương Kinh (Hải Phòng), chùa Đậu và đền Thượng (Hà Nội) và một số địa điểm thuộc Thăng Long (Hà Nội). Luận án cũng tập hợp các tư liệu về gạch, ngói TKXV-XVIII ở các di tích khác ở Bắc Việt Nam và so sánh bước đầu tư liệu khảo cổ học ở các nước thuộc phạm vi Đông Nam Á và Đông Á.
Luận án đã được 7/7 phiếu nhất trí tán thành thông qua.
(Theo: gass.udu.vn)