Tham dự Hội thảo có: Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực, Học viện KHXH; TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng IRSD cùng toàn thể các học viên của khóa học.
Hiện nay, trên thế giới, định nghĩa chính thức về khu công nghiệp sinh thái (KCNST) chưa được chấp nhận rộng rãi hay chưa có một tiêu chuẩn cụ thể và phương pháp tiếp cận thống nhất. Điều này đang gây khó khăn cho việc xác định các giải pháp quản lý có tính hiệu quả và linh hoạt cao và là trở ngại cho việc xác định các chỉ số có liên quan phù hợp với các hệ thống KCN đa ngành nghề. Theo đó, mô hình KCNST là một mô hình được Chính phủ Việt Nam ưu tiên lựa chọn nhằm chuyển đổi các KCN hiện tại sang một mô hình mang tính bền vững hơn với kỳ vọng nếu thực hiện thành công, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ được cải thiện, nền công nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tăng dư địa phát triển công nghiệp và tránh bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nhằm phổ biến rộng rãi khái niệm KCNST và áp dụng trong thực tế, thông qua việc triển khai dự án Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực thực hiện việc phổ biến khái niệm này ở nhiều cấp độ khác nhau.
Phát biểu tại hội thảo, thừa ủy quyền Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa nội dung giảng dạy về KCNST vào chương trình giảng dạy chính thức và là cách thức phù hợp để kiến thức về KCNST được lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh đó, với sự phối hợp chặt chẽ của Học viện KHXH và Trung tâm Phát triển bền vững Đô thị trực thuộc IRSD, khung chương trình giảng dạy về KCNST đã được xây dựng, trong đó, các nội dung về KCNST được lồng ghép trong tổng thể cách tiệp cận về Sinh thái học công nghiệp, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Thay mặt Lãnh đạo Vụ Quản lý Các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Vũ Quốc Huy mong muốn Học viện Khoa học xã hội và Trung tâm Phát triển bền vững Đô thị báo cáo rõ hơn về kết quả của hai khóa học thí điểm diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Trên cơ sở các thảo luận tại buổi hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để xây dựng lộ trình cho việc chính thức đề nghị đưa môn học KCNST vào hệ thống chương trình đào tạo cấp đại học và sau đại học.
Trong phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Trần Minh Tuấn giới thiệu khái quát về cơ cấu, chức năng và nhiệm vụ nghiên cứu chính của Học viện KHXH; khẳng định việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo theo hướng chuyên sâu, kết hợp giữa các vấn đề lý thuyết và thực tế, giữa học tập và nghiên cứu thực địa, gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và sự vận động của nền kinh tế là hướng ưu tiên của Học viện. Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Minh Tuấn nhấn mạnh, trên cơ sở hai khóa đào tạo thí điểm KCNST diễn ra vào tháng 4 năm 2018, Ban tổ chức khóa học đã thu thập ý kiến đánh giá của học viên về các mặt (nội dung giảng dạy, phương thức giảng dạy, chất lượng giảng viên, sự cần thiết của nội dung đào tạo trong chương trình giảng dạy tại Học viện KHXH). Phó Giám đốc thường trực Học viện KHXH bày tỏ hi vọng, việc xây dựng một chương trình đào tạo dựa trên sự tích hợp ý kiến của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của người học sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong việc cải cách các chương trình giảng dạy hiện nay (kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức lý thuyết và thực tiễn).
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự và các học viên được lắng nghe phần thuyết trình của TS. Nguyễn Đình Chúc về nghiên cứu, triển khai xây dựng nội dung đào tạo về KCNST và báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu đào tạo về KCNST tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thục, IRSD trình bày một số phản ánh từ hai đợt đào tạo thí điểm về KCNST (đợt 1 từ ngày 10-11/4/2018; đợt 2 từ ngày 23-24/4/2018 với khảo sát thực địa các cơ cở công nghiệp Ninh Bình và Hải Phòng). Qua đó đề xuất các phương thức giảng dạy: tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa người học và người dạy; tăng cường thời gian, đa dạng các mô hình KCN đi thực địa để người học có thêm cơ hội quan sát thực tế và so sánh đối chiếu giữa các mô hình... Ông Lê Anh Đức, Phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân đã trình bày các bước chuyển đổi môn học KCNST từ thí điểm thành chính thức.
Qua đó với sự hợp tác và hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách phát triển) cùng sự cộng tác chặt chẽ giữa Học viện KHXH (cơ quan giảng dạy) và IRSD (cơ quan nghiên cứu) sẽ sớm hình thành các khóa đào tạo thực chất, gắn trực tiếp với nhu cầu phát triển của đất nước, đóng góp cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Bên cạnh đó, ngày 22/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/QĐ-CP quy định về quản lý KCN và Khu kinh tế. Trong nghị định mới này, lần đầu tiên khái niệm KCNST được chính thức công nhận; đồng thời nghị định cũng dành 3 chương cụ thể hóa các tiêu chí về KCNST và các ưu đãi cụ thể cho các KCNST. Đây là một nền tảng pháp lý quan trọng thúc đẩy việc thực hiện KCNST ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang