Với mục tiêu cung cấp được nhiều kiến thức bổ ích và thiết thực nhất đến với nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ, năm nay ban tổ chức lớp học đã không giới hạn số lượng cán bộ tham gia ở mỗi đơn vị nghiên cứu mà mở rộng phạm vi đào tạo cho tất cả các học viên có nhu cầu.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ nhấn mạnh tầm quan trọng của lớp học đối với các học viên tham dự và hy vọng với các chuyên đề được thiết kế, các học viên sẽ thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích có tác dụng hỗ trợ cao trong công tác chuyên môn, đồng thời hy vọng trong thời gian tham gia lớp học, ngoài việc học tập các kiến thức bổ ích, các học viên sẽ có cơ hội tăng cường kết nối nhằm có thể hỗ trợ và hợp tác nhiều hơn trong việc triển khai các nghiên cứu có tính liên ngành sau khi kết thúc lớp học.
TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chia sẻ niềm vui với các học viên và cho rằng, điều kiện mở của lớp học lần này đã khiến cho cán bộ trẻ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận các kiến thức nghiên cứu chuyên ngành và đa ngành, được học tập kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu bậc thầy trong ngành khoa học xã hội là cơ hội tốt để cho các cán bộ trẻ tích lũy thêm kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn nghiên cứu qua các bài giảng và thực hành cụ thể.
Nội dung lớp Bồi dưỡng kiến thức Phương pháp nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội năm 2013 bao gồm 2 chương trình học cụ thể:
Chương trình 1: học trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 18/7 đến ngày 30/7 với các chuyên đề: Vắn tắt về quy trình nghiên cứu khoa học xã hội thực nghiệm, cơ sở khái niệm của quá trình nghiên cứu (do PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh dạy); Thực hành thao tác hóa khái niệm nghiên cứu (PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương); Nghiên cứu khoa học xã hội từ cách tiếp cận nhân học/văn hóa và cách vận dụng (TS. Phạm Quỳnh Phương); Nghiên cứu khoa học xã hội từ cách tiếp cận tâm lý học và cách vận dụng (PGS.TS. Phan Thị Mai Hương); Nghiên cứu khoa học xã hội từ cách tiếp cận kinh tế học và cách vận dụng (PGS.TS. Bùi Quang Tuấn); Nghiên cứu khoa học xã hội từ cách tiếp cận xã hội học và cách vận dụng (PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi); Tổng quan nghiên cứu, xác định câu hỏi nghiên cứu (PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương). Sau ngày 30/7 học viên viết tiểu luận.
Chương trình 2: học từ ngày 12/8 đến ngày 20/8 với các chuyên đề: Thiết kế nghiên cứu khoa học xã hội thực nghiệm (PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh); Chọn mẫu trong nghiên cứu khoa học xã hội thực nghiệm (PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi); Thực hành thiết kế nghiên cứu và chọn mẫu (PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi/PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh); Thu thập thông tin định lượng (PGS.TS. Phan Thị Mai Hương); Thu thập thông tin định tính (PGS.TS. Phan Thị Mai Hương); Phân tích số liệu (PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi/PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh); Tổng quan các vấn đề đã trao đổi, giải đáp thắc mắc và chuẩn bị cho chuyến đi thực địa dự kiến sẽ kéo dài trong 2 ngày.
Phạm Vĩnh Hà