TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm phát biểu tại Lễ khai mạc
|
|
Tham gia Lễ khai mạc có ThS. Lê Thị Hải Nam, Chánh Văn phòng Đảng ủy; TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ; Bà Cao Kim Thu, Phó Chủ tịch thường trực Ban chấp hành Công đoàn Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; Bà Bùi Thị Tuyết Nhung (đại diện Ban Thi đua Khen thưởng); Các giảng viên đồng thời là chuyên gia khoa học của Khóa tập huấn gồm: TS. Vũ Hùng Cường - Trưởng ban Ban Kế hoạch Tài chính, TS. Trần Hồng Hạnh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học, TS. Olivier Tessier - Trưởng Văn phòng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ tại Việt Nam cùng sự có mặt của 30 nghiên cứu viên trẻ, các ứng viên xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn để tham dự chương trình.
Phát biểu khai mạc, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm (Đoàn Viện) cho biết: Khóa tập huấn nằm trong chiến lược đào tạo, nâng cao chuyên môn cho các cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm, thuộc chương trình Tập huấn và giao lưu quốc tế giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào diễn ra từ ngày 22-31/5/2014.
Tập huấn là dịp để các nghiên cứu viên trẻ củng cố ý thức nghề nghiệp, trang bị các kiến thức thực tiễn để nâng cao năng lực nghiên cứu theo hướng bám sát cuộc sống, đồng thời mở rộng giao lưu với đồng nghiệp khác đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâmĐây cũng là sự kiện mở đầu cho các hoạt động thuộc Chương trình mà Đoàn Viện thực hiện, nhằm góp phần thiết thực cho việc hợp tác khoa học lâu dài trong quan hệ đặc biệt Việt – Lào và khẳng định cam kết của lãnh đạo Viện Hàn lâm về việc tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng môi trường làm việc, nghiên cứu cho đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm.
TS. Olivier Tiesser - Trưởng Văn phòng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ tại Việt Nam thực hiện bài giảng đầu tiên ngay sau Lễ khai mạc |
|
Ngay sau lễ khai mạc TS. Olivier Tessier - Trưởng Văn phòng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ tại Việt Nam đã có bài giảng đầu tiên về lịch sử nghiên cứu nhân học; Quy trình nghiên cứu (giới thiệu các phương pháp nghiên cứu, kỹ năng điều tra điền dã nhân học – xã hội); Các yếu tố trong nghiên cứu (tiến trình từ đặt vấn đề đến thực địa)… Tiếp đó, vào ngày thứ 2 của khóa tập huấn, TS. Trần Hồng Hạnh đã thuyết trình bài giảng về kỹ năng xây dựng ý tưởng nghiên cứu, kỹ năng ghi chép trên thực địa, chia sẻ các kỹ năng mềm liên quan đến phỏng vấn và xử lý các vấn đề thực địa, đạo đức nghề nghiệp… với nhiều thực chứng dễ hiểu.
Chia sẻ cảm nhận về nội dung tập huấn, hầu hết cán bộ trẻ tham gia tập huấn đều phấn khởi, đánh giá rất cao các nội dung thuyết trình của các giảng viên và cho rằng đó là những bài học kinh nghiệm quý, không thể tìm đọc trong sách vở hoặc các chương trình giảng dạy tại giảng đường đại học, bởi đó là những đúc rút có được từ trải nghiệm thực tế mà các giảng viên đã kinh qua. Với cách trình bày đan xen nội dung bài giảng và trao đổi, các giảng viên đều dành nhiều thời gian để giải đáp các câu hỏi của các bạn học viên, qua đó có những lời khuyên thiết thực giúp các bạn tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng theo chuyên ngành nghiên cứu của mình.
|
|
|
Toàn cảnh Lễ khai mạc khóa tập huấn |
|
Đại biểu tham dự Lễ khai mạc chụp ảnh lưu niệm cùng BTC, giảng viên và toàn thể học viên tham gia Khóa tập huấn |
Tiếp theo khóa tập huấn, các học viên tham gia khóa học sẽ thực hiện chuyến điền dã tại huyện Con Cuông (một huyện phía tây nam của tỉnh Nghệ An) dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Vũ Hùng Cường và TS. Trần Hồng Hạnh.
Các nội dung liên quan về chuyến điền dã sẽ được tiếp tục cập nhật ở những bản tin sau.
Phạm Vĩnh Hà