Đến dự Lễ khai giảng, có: TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm; PGS.TS. Lê Thanh Sang, Bí thư Đảng ủy - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam Bộ, TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng; GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học- một trong ba giảng viên của Lớp bồi dưỡng.
Đại diện Viện Hàn lâm phát biểu khai giảng lớp học, TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến ở khu vực, có khả năng giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng, công bố được nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao ở trong nước và quốc tế và tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước…, thời gian vừa qua, Viện Hàn lâm rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiên cứu… cho đội ngũ viên chức khoa học của các đơn vị trực thuộc. Từ năm 2015 đến nay, không chỉ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng viên chức các Viện trực thuộc ở Hà Nội, Lãnh đạo Viện Hàn lâm đặc biệt quan tâm đến các Viện vùng. Theo đó, Viện Hàn lâm đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức phương pháp nghiên cứu liên ngành dành cho Viện KHXH Trung Bộ và Viện KHXH vùng Tây Nguyên và năm nay tổ chức lớp dành cho Viện KHXH vùng Nam Bộ. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Ban Tổ chức - Cán bộ đã trao đổi với Lãnh đạo Viện và các giảng viên để xây dựng chương trình phù hợp với đặc thù của Viện, trong đó chú trọng đến việc làm thế nào để xây dựng được một đề cương nghiên cứu, một báo cáo khoa học và bài viết có chất lượng để đăng tạp chí quốc tế và bổ sung thêm các cách tiếp cận nghiên cứu từ góc độ kinh tế, ngôn ngữ - văn hóa.
|
|
|
Phát biểu tại lễ khai giảng, PGS.TS. Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ, thay mặt toàn thể công chức, viên chức của Viện KHXH vùng Nam Bộ cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Hàn lâm và cho rằng với đặc điểm là một viện nghiên cứu đa ngành về Nam Bộ, việc tiếp cận nghiên cứu xã hội từ quan điểm của nhiều ngành là một lợi thế của Viện trong việc cung cấp cái nhìn đa chiều kích về các vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, đây cũng có thể trở thành điểm hạn chế nếu các nghiên cứu này không có sự nối kết với nhau. Việc tổ chức khóa học như thế nhằm bồi dưỡng kiến thức và thúc đẩy tính liên ngành trong công tác nghiên cứu cho công chức, viên chức của Viện.
Lớp bồi dưỡng được khai giảng vào sáng ngày 11/7/2016 vào kéo dài đến ngày 16/7/2016. Các chuyên đề được trình bày và thảo luận tại Lớp học, bao gồm:
1/ Quy trình nghiên cứu khoa học xã hội thực nghiệm.
2/ Cơ sở khái niệm của quá trình nghiên cứu.
3/ Làm thế nào để viết một đề cương nghiên cứu tốt?
4/ Nghiên cứu khoa học xã hội từ cách tiếp cận văn hoá học-ngôn ngữ học.
5/ Cách viết một bài tạp chí văn hoá học-ngôn ngữ học theo chuẩn quốc tế.
6/ Nghiên cứu khoa học xã hội từ cách tiếp cận kinh tế học.
7/ Làm thế nào để viết tốt một báo cáo nghiên cứu về kinh tế?
8/ Cách viết một bài tạp chí kinh tế học theo chuẩn quốc tế.
Giảng viên của lớp học gồm các chuyên gia được đào tạo cơ bản trong các môi trường học thuật có uy tín ở các nước Mỹ, Pháp, Úc và có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy của Viện Hàn lâm, bao gồm: PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng.
K.Hưng – V.Tuấn