Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – các lĩnh vực quản lý hoạt động khoa học, hợp tác quốc tế và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – các lĩnh vực quản lý hoạt động khoa học, hợp tác quốc tế và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật

29/11/2023

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC([1])

          Nhìn lại quá trình phát triển của Viện Hàn lâm qua các chặng đường, bên cạnh những thành tựu to lớn về nghiên cứu khoa học đã đạt được, vai trò của công tác kế hoạch hóa, tổ chức và quản lý hoạt động khoa học trong sự phát triển của Viện Hàn lâm được khẳng định và ngày càng được nâng cao.

          5 năm đầu kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Ban Văn - Sử - Địa, Trung ương Đảng đã giao cho Ban nhiều nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng lúc bấy giờ. Đồng thời, Ban cũng chủ động đề xuất những nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tế đội ngũ cán bộ của Ban. Ngay từ năm 1954, một số cuộc Hội thảo hẹp đã được tổ chức, một số công trình như Vấn đề ruộng đất trong lịch sử Việt Nam, Phong trào nông dân trong lịch sử… được đăng trên Tập san Sử - Địa - Văn số 2 và 3, năm 1954 phục vụ cho cải cách ruộng đất. Về định hướng nghiên cứu, bên cạnh vấn đề nông dân gắn với cải cách ruộng đất, vấn đề công nhân và đội ngũ trí thức trong cách mạng vô sản... lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu... cũng được Ban tìm hiểu nghiên cứu. Đồng thời, Ban đã cử cán bộ vào khu IV, đi tới 48 xã thí điểm cải cách ruộng đất ở Đại Từ, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sưu tầm, thu thập bảo quản được nhiều thư tịch quí hiếm có giá trị khoa học về Hán Nôm, Pháp văn, Việt văn. Một số tư liệu quí như những bản thảo của Nguyễn Trường Tộ vẫn còn được lưu giữ cho đến nay, các nhà nghiên cứu còn tiếp tục khai thác. Việc dịch thuật những công trình của Nguyễn Trãi, của Phan Huy Chú... và một số học giả nước ngoài để phục vụ công tác nghiên cứu cũng được Ban chú trọng.

          Hoạt động khoa học của Ban không bó hẹp trong phạm vi nghiên cứu, biên soạn mà còn phục vụ trực tiếp các yêu cầu của Trung ương Đảng, Chính phủ, các ngành, các giới và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong điều kiện cho phép. Tính từ khi thành lập đến tháng 11 năm 1958 đã có hơn 60 đề mục thống kê các hoạt động của Ban phục vụ các nhiệm vụ khoa học, chính trị trong nước: tháng 6/1955, góp ý kiến cho Ủy ban Hành chính Hà Nội về việc sửa đổi tên các đường phố; tháng 8/1955, cung cấp cho Bộ Nội vụ các tài liệu lịch sử về biên giới Lào và Campuchia; tháng 6/1956, nghiên cứu và góp ý kiến với Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương về việc qui định các phong trào phản đế trong đó có những nhân vật lịch sử và gia đình họ được chiếu cố trong cải cách... về hợp tác quốc tế, tuy mới chỉ xác lập được quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc nhưng Ban cũng thống kê được 50 đề mục các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó đáng chú ý là: tháng 8/1955, theo yêu cầu của Trung Quốc, Ban đã sao nguyên bản cuốn Tự phê phán của Phan Bội Châu để xuất bản tại Trung Quốc; tháng 11/1955, cử cán bộ sang Trung Quốc phối hợp nghiên cứu về dân tộc Ngái ở Quảng Tây và một nhóm Việt kiều ở ven biển Quảng Đông. Tháng 4/1956, cung cấp tài liệu cho Ban Biên tập Đại từ điển bách khoa Liên Xô phần viết về Việt Nam và đón các nhà nghiên cứu sử học, văn học Liên Xô sang làm việc ở Việt Nam...

          Có thể nói, ngay từ những năm đầu sau khi được thành lập, định hướng hoạt động nghiên cứu của Ban Văn - sử - Địa đã được xác định đúng đắn: Ban đã phục vụ trực tiếp cho những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước sau hòa bình lập lại; bên cạnh những nhiệm vụ nghiên cứu mà Đảng và Nhà nước trực tiếp giao, Ban đã chủ động xây dựng và thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Ngoài kế hoạch nghiên cứu trong nước, Ban đã từng bước thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu. Phương thức hoạt động của Ban Văn - sử - Địa trong thời kỳ đầu tuy mới chỉ có tính chất "nhận đường" và việc xác định các đề tài tuỳ thuộc chủ yếu vào sở trường, vào chuyên ngành sâu của mỗi nhà khoa học, nhưng đã tạo tiền đề hết sức cơ bản cho hoạt động nghiên cứu của Ủy ban Khoa học xã hội trong những thập niên sau. Một số công trình tiêu biểu trong thời kỳ này đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí MinhGiải thưởng Nhà nước vào năm 1996 và năm 2000. Đánh giá những thành tựu mà Ban Văn - Sử - Địa đã đạt được, với những nhà khoa học tên tuổi như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giầu, Đào Duy Anh, Văn Tân, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng... đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Thực tế đã chứng minh rằng Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa Việt Nam là tiền thân, đồng thời là hạt nhân của Ủy ban Khoa học xã hội sau này của nước ta".

          Với sự khởi động bước đầu hết sức cơ bản như vậy, công tác tổ chức và quản lý hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong 60 năm qua được vận hành và phát triển trên những định hướng lớn sau:

          1. Đồng thời với việc tiếp tục phát huy những thế mạnh về các lĩnh vực khoa học nhân văn vốn bắt nguồn từ truyền thống văn hiến của dân tộc, hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm  đã có bước chuyển hướng và triển khai mạnh sang các vấn đề của khoa học xã hội, gắn trực tiếp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong mỗi giai đoạn.

          Đặc điểm này được hậu thuẫn từ cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm: bên cạnh Viện sử học, Viện Dân tộc học, Viện Khảo cổ học, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, Viện Ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm..., một loạt viện thuộc lĩnh vực khoa học xã hội đã lần lượt được thành lập như Viện Triết học, Viện Kinh tế học, Viện Kinh tế Thế giới, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp Luật, Trung tâm Địa lý Nhân văn... Đồng thời với việc các Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cho ra đời nhiều công trình tiêu biểu, có giá trị khoa học to lớn thì các Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, bên cạnh việc nghiên cứu cơ bản, đã tập trung vào việc nghiên cứu, giải đáp những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách của đất nước trong quá trình phát triển. Từ những năm 80 và nhất là trong những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, hoạt động nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã gắn trực tiếp tới những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong các văn kiện của Đại hội VI đến Đại hội IX và Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương các khóa. Những vấn đề cơ bản và cấp bách được nêu trong các văn kiện Đại hội và Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương như về thời kỳ quá độ, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, vấn đề sở hữu, các thành phần kinh tế, vấn đề kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề CNH, HĐH, vấn đề dân chủ cơ sở, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân... trở thành các chương trình, đề tài nghiên cứu được bố trí đưa vào kế hoạch 5 năm và hàng năm của Viện Hàn lâm. Ngoài những sản phẩm khoa học có tính chất truyền thống như sách chuyên luận, kỉ yếu, những bài báo, thông tin tổng hợp... được xuất bản thành sách phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của xã hội. Các chương trình, đề tài nghiên cứu này còn xây dựng nhiều kiến nghị, cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần giải đáp những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình phát triển. Cho đến nay, Viện Hàn lâm đã có bước trưởng thành và tiếp tục phát triển mạnh trên cả 2 lĩnh vực khoa học nhân văn và khoa học xã hội và cả hai lĩnh vực đều đạt được những thành tựu được xã hội công nhận và đánh giá cao.

          2. Năm 1986 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Với tinh thần đổi mới tư duy lý luận, khắc phục sự chậm trễ của KHXH do Đại hội VI của Đảng đề ra, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã có sự chuyển hướng quan trọng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu.

          Ngay sau Đại hội VI, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cố gắng khắc phục khuynh hướng nghiên cứu có tính chất "hàn lâm", kinh viện, nặng về thuyết minh, minh họa một chiều của những giai đoạn trước, chuyển sang nghiên cứu, bám sát vào những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách đối với sự phát triển KT - VH - XH của đất nước ở mỗi giai đoạn thể hiện rõ ngay trong tên của các chương trình cấp Nhà nước, đề tài độc lập cấp Nhà nước, chương trình cấp Viện Hàn lâm, của mỗi kế hoạch 5 năm. Sản phẩm khoa học cuối cùng của những chương trình đề tài nghiên cứu này, ngoài việc xuất bản thành sách phục vụ nhu cầu rộng rãi của xã hội còn được tổng hợp, đúc rút lại thành những luận cứ khoa học, những kiến nghị phục vụ thiết thực cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

          Sự chuyển hướng nghiên cứu này ngày càng được chú trọng phát triển và đi vào chiều sâu sau Đại hội VII, Đại hội VIII và Đại hội IX với một hệ thống chương trình và đề tài cấp Nhà nước nhằm nghiên cứu và giải đáp những vấn đề có tầm chiến lược đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn CNH, HĐH: Giai đoạn 1991-1995, 3 chương trình cấp Nhà nước KX.01, KX.04 và KX.06 với 49 đề tài; Giai đoạn 1996-2000, 3 chương trình cấp Nhà nước KHXH.01. KHXH.02 và KHXH.06 với 26 đề tài; Giai đoạn 2001-2005; 3 chương trình cấp Nhà nước KX.02, KX.04 và KX.05 với 31 đề tài. Ngoài ra Viện Hàn lâm còn thực hiện một số đề tài thuộc các chương trình cấp Nhà nước khác. Những chương trình cấp Nhà nước kể trên do Viện Hàn lâm phối hợp với các cơ quan nghiên cứu KHXH&NV ngoài Viện Hàn lâm hợp tác thực hiện. Điều này mở ra một phương thức hoạt động mới của KHXH&NV trong cả nước: Những lực lượng ưu tú nhất của các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy KHXH&NV trong cả nước cùng phối hợp, hợp tác thực hiện các chương trình, đề tài cấp Nhà nước. Do vậy, tầm bao quát thực tiễn, chất lượng khoa học của những luận cứ và giải pháp, kiến nghị được đề xuất trong quá trình nghiên cứu có tầm khái quát và chất lượng cao hơn trước, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước trong công cuộc CNH, HĐH đất nước.

          Từ việc xây dựng và triển khai thực hiện những chương trình, đề tài nghiên cứu kể trên, có thể khẳng định là từ Đại hội VI đến nay, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã có những chuyển hướng lớn, rất cơ bản trong việc xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các chương trình, đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm với mục tiêu đưa KHXH&NV phục vụ những vấn đề của thời cuộc, đóng góp thiết thực hơn nữa sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Thực tế đã chứng minh rằng sự chuyển hướng này là đúng đắn.

          Với Nghị quyết 26 NQ/TW về Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết 01 -NQ/TW khóa VII "Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay" và nhất là Nghị quyết 02- NQ/TW khóa VIII "Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000", Nghị quyết 05 - NQ/HNTW khóa IX về Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, hoạt động nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có một bước phát triển mới: Công tác nghiên cứu lý luận gắn liền với việc tổng kết thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước. Định hướng này được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam triển khai trên 2 hướng.

          Một là, các chương trình đề tài cấp Nhà nước và kể cả cấp Viện Hàn lâm, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phải có sự chủ động đi vào thực tiễn, điều tra khảo sát, tổng kết thực tiễn, nhất là ở những địa bàn và những lĩnh vực, những ngành kinh tế trọng điểm của đất nước để thu thập các tài liệu thực tế và tiến hành những thực nghiệm và kiểm nghiệm xã hội của những nghiên cứu có tính chất lý luận.

          Hai là, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với sự giúp đỡ, hợp tác của các Bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ đã triển khai trên diện rộng các Dự án điều tra cơ bản (ĐTCB) về kinh tế - xã hội - văn hóa trên tất cả các lĩnh vực và các địa bàn trọng điểm của đất nước. Từ năm 1995 đến nay, Viện Hàn lâm đã triển khai 23 Dự án ĐTCB. Riêng giai đoạn 1996 - 2000 thực hiện 20 Dự án. Những Dự án này giúp các nhà khoa học đi sâu vào thực tiễn, cung cấp những dữ liệu cho việc tổng kết thực tiễn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu lý luận.

          Quan điểm gắn lý luận với thực tiễn, tiến hành công tác nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn sinh động của đất nước trong quá trình đổi mới trở thành quan điểm chỉ đạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây.

          Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu cơ bản về KHXH&NV, kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng: những tác phẩm kinh điển của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin được nghiên cứu một cách hệ thống từ nguyên tác và trong sự vận động, phát triển tư tưởng của bản thân C.Mác, Ph.Ăngghen, V.Lênin trong từng giai đoạn; tư tưởng Hồ Chí Minh được nghiên cứu một cách sâu sắc toàn diện; các nhà tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác được bước đầu nghiên cứu, tìm hiểu; công tác điều tra cơ bản, những phát hiện mới về tư liệu có tác dụng soi sáng những vấn đề lý luận và những giai đoạn phát triển trong lịch sử dân tộc được tôn trọng; những công trình cung cấp tư liệu, những bộ sách công cụ lớn của một số chuyên ngành được biên soạn, công bố; những công trình có tính chất tổng kết lý luận của một chuyên ngành được đưa vào kế hoạch hàng năm của Viện Hàn lâm; những nghiên cứu lý luận ở những lĩnh vực chuyên ngành sâu được chú trọng, khuyến khích; một số giá trị văn hóa, tinh thần của quá khứ được nhận thức và đánh giá lại...

          Thực tế của những năm qua cho thấy, trình độ nghiên cứu cơ bản của đội ngũ cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày càng được nâng lên và nó đã tạo tiền đề quan trọng cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tốt những chương trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp bách mà Đảng và Nhà nước giao, tạo cơ hội cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của KHXH&NV vào thực tiễn đời sống KT - XH - VH của đất nước, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn nước nhà.

          Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn chú trọng việc đổi mới phương pháp nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh phương pháp luận mác xít và những phương pháp có tính chất truyền thống, những hạt nhân hợp lý của các phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại được áp dụng trong các hoạt động nghiên cứu KHXH&NV.

          Với sự đổi mới phương pháp nghiên cứu, các đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn được tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện, trong các mối quan hệ ràng buộc đa chiều hơn, và vì vậy, độ tin cậy, sức thuyết phục của các kết quả nghiên cứu được nâng lên, tạo tiền đề cho việc áp dụng kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn vào đời sống thực tiễn.

          Từ tình trạng khép kín trong hoạt động khoa học của giai đoạn trước, hoạt động nghiên cứu của Viện Hàn lâm trong những năm gần đây được đổi mới, liên kết rộng rãi. Một số chương trình, đề tài nghiên cứu được thực hiện trong sự phối hợp, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các bộ, ngành và các địa phương. Một số dự án điều tra cơ bản lớn của Viện Hàn lâm có sự tham gia trực tiếp của các bộ, ngành và các địa phương: Phương pháp liên ngành trong hoạt động nghiên cứu đã được chú trọng áp dụng.Với sự tiếp cận đa chiều như vậy, kết quả nghiên cứu có chất lượng khoa học tốt hơn vì vậy, khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội vào thực tiễn được nâng cao hơn trước.

          Với sự chuyển hướng và đổi mới mọi mặt hoạt động nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực hơn trong việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nuớc trong từng thời kỳ.

          Từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ là một trong những cơ quan tham gia vào việc xây dựng những văn kiện của Đại hội và các Hội nghị Trung ương. Một số chuyên gia đầu ngành của Viện Hàn lâm được mời tham gia các Tổ biên tập cương lĩnh, văn kiện của các Đại hội. Những dự thảo chuyên đề và những ý kiến đóng góp của Viện Hàn lâm được Ban chuẩn bị văn kiện Đại hội đánh giá tốt. Sau Đại hội, Viện Hàn lâm được giao chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một số cán bộ khoa học đầu ngành của Viện Hàn lâm được huy động tham gia xây dựng "Chiến lược phát triển KT - XH đến năm 2010", “Chiến lược phát triển KT - XH đến năm 2020” và những văn kiện quan trọng chuẩn bị cho các Đại hội Đảng toàn quốc khóa IX, X, XI. Đây là những đóng góp cụ thể, thiết thực của Viện Hàn lâm đối với Đảng và Nhà nước.

          Từ những kết quả trên có thể khẳng định rằng: Hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong những năm qua và nhất là từ sau Đại hội VI đến nay là đúng hướng. Hệ thống chương trình và đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm một mặt, coi trọng việc nâng cao trình độ nghiên cứu cơ bản, tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu, mặt khác, ngày càng gắn chặt hơn với đời sống thực tiễn và những yêu cầu của quá trình đổi mới đất nước, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. "Viện Hàn lâm đã cố gắng từng bước khắc phục sự chậm trễ, đưa khoa học xã hội và nhân văn dần dần bắt kịp thời cuộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tinh hình mới"1, "Nhiều sản phẩm khoa học xã hội và nhân văn có chất lượng đã ra đời, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp của Viện Hàn lâm trong việc góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Nhiều kết luận khoa học về khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính nhờ những thành tựu đó mà vị trí, vai trò của KHXH&NV được nâng lên" .

          3. Đồng thời với việc thực hiện tốt những nhiệm vụ nghiên cứu, những "đơn đặt hàng" mà Đảng và Nhà nước giao, càng ngày Viện Hàn lâm càng có sự chủ động trong việc đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu có tính chất trọng điểm để đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện trong mỗi kì kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhằm từng bước thực hiện chiến lược phát triển lâu dài của Viện Hàn lâm.

          Ngoài 3 chương trình cấp Nhà nước trong mỗi kế hoạch 5 năm, Đảng và Chính phủ còn trực tiếp giao Viện Hàn lâm thực hiện những đề tài khoa học phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ trọng điểm được nêu trong Nghị quyết của Đại hội VI, Đại hội VII, Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI và Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương. Có thể nêu một số nhiệm vụ tiêu biểu:

          - Nguyên nhân và những bài học rút ra từ sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

          - Đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

          - Chủ nghĩa xã hội dân chủ.

          - Những biến đổi trong các quan hệ quốc tế, dự báo xu hướng phát triển của thế giới và khu vực trong những thập kỷ tới.

          - Những tiêu chuẩn chủ yếu kết thúc chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta và những biện pháp lớn để hoàn thành chặng đường này.

          - Tính chất, đặc điểm của cuộc khủng hoảng KT - XH ở nước ta và làm thế nào để thoát ra khởi cuộc khủng hoảng đó.

          - Tình hình quản lý quỹ đất 5% và việc huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng hạ tầng KT - XH ở nông thôn.

          - Nghiên cứu khủng hoảng tài chính tiền tệ các nước châu Á và tác động của chúng đối với Việt Nam.

          - Nghiên cứu những luận cứ khoa học cho các giải pháp phòng, chống các tệ nạn xã hội ở nước ta.

          Đây là một hình thức "đặt hàng", giao nhiệm vụ chưa có trong những giai đoạn trước. Hình thức này ngày càng nhiều hơn trong những năm 90 của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI. Nó vừa thể hiện sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Viện Hàn lâm, sự trưởng thành của Viện Hàn lâm, đồng thời, mở ra những cơ hội cho Viện Hàn lâm, bằng hoạt động nghiên cứu của mình, phục vụ trực tiếp góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở tầm vĩ mô.

          Tuy nhiên, Viện Hàn lâm đã không thụ động, “ngồi chờ” Đảng và Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ. Ngay từ kế hoạch 5 năm 1985-1990, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã chủ động xây dựng 5 chương trình nghiên cứu khoa học với 41 đề tài có sự kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; giữa nghiên cứu những vấn đề ở trong nước với những vấn đề quốc tế, giữa việc khai thác di sản lịch sử, văn hóa, văn minh Việt Nam với việc phục vụ các yêu cầu kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước.

          Năm 2000, Viện Hàn lâm đã chủ động xây dựng và trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề án Những nhiệm vụ nghiên cứu của KHXH&NV nước ta 10 năm đầu thế kỷ XXI. Ngoài các chương trình cấp Nhà nước của 2 kế hoạch 2001 - 2005 và 2005 - 2010 được nêu trong bản Đề án, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình, Viện Hàn lâm đề xuất một hệ thống các công trình trọng điểm có tính chất quốc gia mà việc thực hiện những công trình đó cần huy động nguồn nhân lực, sự đóng góp khoa học của cả đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy KHXH&NV cả nước. Đó là những công trình:

          - Lịch sử Việt Nam ( Thông sử)

          - Lịch sử văn hóa Việt Nam

          - Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam

          - Lịch sử văn học Việt Nam

          - Từ điển tiếng Việt ( cỡ lớn)

          - Những vấn đề cơ bản về dân tộc ở Việt Nam

          - Những vấn đề cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam

          - Địa chí các tỉnh và thành phố trong cả nước

          - Khai thác di sản Hán Nôm

          - Kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam

          Một số công trình kể trên như bộ Lịch sử văn học Việt Nam gồm 10 tập chia làm 16 quyển đang được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Nhà nước. Việc triển khai các công trình kể trên đã huy động được lực lượng khoa học của cả chuyên ngành.

          Sự chủ động, đề xuất nêu trên là một xu hướng phát triển rất đáng mừng. Nó thể hiện ý thức trách nhiệm của Viện Hàn lâm với tư cách là một cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia trước sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trước sự phát triển tiềm lực khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới.

          4. Trong thời gian qua, do vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được nâng lên, Viện Hàn lâm đã được mời tham gia tổ chức thẩm định nhiều dự án phát triển KT-XH ở tầm quốc gia và một số vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Những năm gần đây, mỗi năm Viện Hàn lâm đã tham gia hoặc tổ chức thẩm định, đóng góp ý kiến cho hàng chục Dự thảo luật, Pháp lệnh, Nghị định... trước khi Quốc hội và Chính phủ ban hành thực hiện. Năm 2003, trong quá trình xây dựng Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào chức năng của Trung tâm KHXH&NVQG chức năng thẩm định về mặt KHXH&NV đối với các chương trình, dự án phát triển KT-XH của các ngành và các địa phương.

          5. Công tác tài chính giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển và không ngừng lớn mạnh của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

          Trong thời gian Ban Văn - sử - Địa (12/1953-4/1959) trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng và Chính phủ đã đảm bảo tài chính cho hoạt động của Ban, với tư cách là cơ quan nghiên cứu của Đảng, được đầu tư chung cho các hoạt động của cơ quan Trung ương Đảng. Mặc dù nền tài chính còn eo hẹp và phải tập trung cho công cuộc kháng chiến chống Pháp và tái thiết đất nước, song đầu tư tài chính lúc này vẫn đáp ứng cho hoạt động của các cơ quan Đảng nói chung và cho Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

          Trong thời gian Ban Khoa học xã hội trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (4/1959 - 10/1965), cơ quan tài chính của Ban nằm trong bộ máy của Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Công tác tài chính lúc này hoạt động theo cơ chế tài chính của Nhà nước. Việc đầu tư tài chính đã đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiên cứu của các cán bộ, công nhân viên của Ban.

          Từ tháng 10/1965 đến trước những năm 90, từ khi thành lập Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hoạt động tài chính đã có một cơ quan độc lập riêng đảm nhiệm. Công tác tài chính đã đảm bảo phục vụ đắc lực cho các hoạt động của Viện Hàn lâm, trong đó trọng tâm là hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, do tình hình tài chính nhà nước còn eo hẹp, lại phải ưu tiên cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh, việc đầu tư cho khoa học vẫn thực hiện trong cơ chế quản lý hành chính tập trung bao cấp, nên mức độ đầu tư tài chính còn rất hạn chế. Như các nhân viên hành chính khác, cán bộ khoa học không có kinh phí chi cho hoạt động khoa học.

          Từ 1991 trở đi, khi nền kinh tế đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, tình hình đầu tư tài chính cho hoạt động của Viện Hàn lâm bắt đầu được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước, đồng thời quyền tự chủ tài chính của Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc được chú ý thực hiện.

          Năm 1991, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được đầu tư trên 8.313,4 triệu đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 5.258,4 triệu đồng, chiếm 63,25%; kinh phí sự nghiệp kinh tế dành cho điều tra cơ bản kinh tế - xã hội chỉ có 50 triệu đồng, chiếm 06%; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 165 triệu đồng, chiếm 1,98% và vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là 2.840 triệu đồng, chiếm 34,16%.

          Năm 1992, tổng đầu tư của Nhà nước cho Viện Hàn lâm lên được 14.319,2 triệu đồng, tăng gần gấp đôi năm 1991 (tăng 72,2%). Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 8.027,2 triệu đồng, chiếm 56,06%, tăng 52,6% so với năm 1991; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 1.112 triệu đồng, chiếm 7,77%, tăng gấp 22 lần so với năm 1991; kinh phí sự nghiệp đào tạo chỉ còn có 130 triệu đồng, chiếm 0,91%, giảm 21,2% so với năm 1991 và vốn đầu tư XDCB là 5.050 triệu đồng, chiếm 35,27%, tăng 77,8% so với năm 1991.

          Năm 1993, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 27.430,5 triệu đồng, tăng 91,6% so với năm 1992 (tăng gần gấp đôi). Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 16.925,5 triệu đồng, chiếm 61,7%, tăng 110,8% (gấp hơn 2,1 lần) so với năm 1992; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 2.027 triệu đồng, chiếm 7,39%, tăng 82,3% so với năm 1992; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 178 triệu đồng, chiếm 0,65%, tăng 36,9% so với năm 1992 và vốn đầu tư XDCB là 8.300 triệu đồng, chiếm 30,26%, tăng 64,3% so với năm 1992.

          Năm 1994, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm 29.446,4 triệu đồng, tăng 7,3% so với năm 1993. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 20.426,4 triệu đồng, chiếm 69,37%, tăng 20,7% so với năm 1993; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 328 triệu đồng, chiếm 1,11%, tăng 84,3% so với năm 1993; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 1.012 triệu đồng, chiếm 3,44%, giảm 50% (bằng 1/2) so với năm 1993 và vốn đầu tư XDCB là 7.680 triệu đồng, chiếm 26,08%, giảm 7,5% so với năm 1993.

          Năm 1995, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm xấp xỉ 44.333,4 triệu đồng, tăng 50,6% so với năm 1994. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là gần 27.519,4 triệu đồng, chiếm 62,07%, tăng 34,7% so với năm 1994; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 1.290 triệu đồng, chiếm 2,91%, tăng 27,5% so với năm 1994; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 444 triệu đồng, chiếm 1,0%, tăng 35,4% so với năm 1994 và vốn đầu tư XDCB lên tới 15.080 triệu đồng, chiếm 34,02%, tăng gần gấp đôi (tăng 96,4%) so với năm 1994.

          Năm 1996, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm là 48.873,7 triệu đồng, tăng 10,2% so với năm 1995. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 32.306,7 triệu đồng, chiếm 66,l%, tăng 17,4% so với năm 1995; kinh phí sự nghiệp kinh tế dành cho hoạt động điều tra cơ bản kinh tế - xã hội lên tới 4.100 triệu đồng, chiếm 8,39%, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1995; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 467 triệu đồng, chiếm 0,96%, tăng 5,2% so với năm 1995 và vốn đầu tư XDCB là 12.000 triệu đồng, chiếm 24,55%, giảm 20,4% 80 với năm 1995.

          Năm 1997, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm 63.758,3 triệu đồng, tăng 30,5% so với năm 1996. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 35.216,8 triệu đồng, chiếm 55,23%, tăng 9,0% so với năm 1996; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 4.600 triệu đồng, chiếm 7,21%, tăng 12,2% so với năm 1996; kinh phí sự nghiệp đào tạo lên tới 2.341,5 triệu đồng, chiếm 3,67%, tăng gấp gần 5 lần so với năm 1996 và vốn đầu tư XDCB lên tới 21.600 triệu đồng, chiếm 33,88%, tăng gần gấp đôi (tăng 80%) so với năm 1996.

          Năm 1998, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm 69.258,3 triệu đồng, tăng 8,6% so với năm 1997. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 36.528,3 triệu đồng, chiếm 52,74%, tăng 3,7% so với năm 1997; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 5.940 triệu đồng, chiếm 8,58%, tăng 29,1% so với năm 1997; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 2110 triệu đồng, chiếm 3,05%, giảm 9,9% so với năm 1997 và vốn đầu tư XDCB là 24.680 triệu đồng, chiếm 35,63%, tăng 14,3% so với năm 1997.

          Năm 1999, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm 67.529 triệu đồng, giảm 2,5% so với năm 1998. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 36.739 triệu đồng, chiếm 54,4%, tăng 1,3% so với năm 1998; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 4.320 triệu đồng, chiếm 6,4%, giảm 27,3% so với năm 1998; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 2.170 triệu đồng, chiếm 3,21%, tăng 2,8% so với năm 1998 và vốn đầu tư XDCB là 24.300 triệu đồng, chiếm 35,98%, giảm 1,5% so với năm 1998.

          Kể từ khi Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực, lượng đầu tư ngân sách của Nhà nước cho Viện Hàn lâm tăng mạnh. Đặc biệt, từ năm 2000 trở đi, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VIII) và Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa X, quyết định dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học - công nghệ đã nâng mức đầu tư kinh phí cho Viện Hàn lâm  lớn hơn. Ngoài các nguồn kinh phí đã đầu tư từ trước còn có thêm nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa dành cho hoạt động bảo tàng và kinh phí trợ giá tạp chí và xuất bản.

          Năm 2000, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm 82.924,3 triệu đồng, tăng 22,8% so với năm 1999. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học lên tới gần 60.414,3 triệu đồng, chiếm 72,85%, tăng 64,4% so với năm 1999; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 4.400 triệu đồng, chiếm 5,31%, tăng 1,9% so với năm 1999; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 2.290 triệu đồng, chiếm 2,76%, tăng 5,5% so với năm 1999; kinh phí sự nghiệp văn hóa dành cho hoạt động bảo tàng là 1.000 triệu đồng, chiếm 1,21% và vốn đầu tư XDCB là 14.820 triệu đồng, chiếm 17,87%, giảm 39% so với năm 1999.

          Năm 2001, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm xấp xỉ 93.636,4 triệu đồng, tăng 12,9% so với năm 2000. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là gần 66.893,4 triệu đồng, chiếm 71,44%, tăng 10,7% so với năm 2000; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 4.400 triệu đồng, chiếm 4,7%, bằng năm 2000; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 2.450 triệu đồng, chiếm 2,62%, tăng 7,0% so với năm 2000; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 1.100 triệu đồng, chiếm 1,17%, tăng 10% so với năm 2000; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 580 triệu đồng, chiếm 0,62% và vốn đầu tư XDCB là 18.213 triệu đồng, chiếm 19,45%, tăng 22,9% so với năm 2000.

          Năm 2002, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm 96.565 triệu đồng, tăng 3,1% so với năm 2001. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học là 64.685 triệu đồng, chiếm 66,99%, giảm 3,3% so với năm 2001; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 5.000 triệu đồng, chiếm 5,18%, tăng 13,6% so với năm 2001; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 2.730 triệu đồng, chiếm 2,83%, tăng 11,4% so với năm 2001; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 1.230 triệu đồng, chiếm 1,27%, tăng 11,8% so với năm 2001; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 920 triệu đồng, chiếm 0,95%, tăng 58,6% so với năm 2001 và vốn đầu tư XDCB là 22.000 triệu đồng, chiếm 22,78%, tăng 20,8% so với năm 2001.

          Năm 2003, Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 101.540 triệu đồng, tăng 5,2% so với năm 2002. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 74.650 triệu đồng, chiếm 73,52%, tăng 15,6% so với năm 2002; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 5.450 triệu đồng, chiếm 5,37%, tăng 9,0% so với năm 2002; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 3.030 triệu đồng, chiếm 2,98%, tăng 11,0%so với năm 2002; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 1.240 triệu đồng, chiếm 1,22%, tăng 0,8% so với năm 2002; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 770 triệu đồng, chiếm 0,76%, giảm 16,3% (vì chưa có trợ giá xuất bản) so với năm 2002 và vốn đầu tư XDCB là 16.400 triệu đồng, chiếm 16,15%, giảm 25,5% so với năm 2002.

Năm 2004, Nhà nước đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 124.817 triệu đồng, tăng 22,9% so với năm 2003. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 97.282 triệu đồng, chiếm 77,94%, tăng 30,3% so với năm 2003; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 4.600 triệu đồng, chiếm 3,69%, giảm 15,6% so với năm 2003; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 3.210 triệu đồng, chiếm 2,57%, tăng 5,94% so với năm 2003; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 1.650 triệu đồng, chiếm 1,32%, tăng 33,1 % so với năm 2003; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 975 triệu đồng, chiếm 0,78%, tăng 26,6% so với năm 2003 và vốn đầu tư XDCB là 17.100 triệu đồng, chiếm 13,7%, tăng 4,3% so với năm 2003.

Năm 2005, Viện Hàn lâm được nhà nước đầu tư với tổng kinh phí là 117.875 triệu đồng, giảm 5,6% so với năm 2004. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 98.633 triệu đồng, chiếm 83,68%, tăng 1,4% so với năm 2004; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 2.000 triệu đồng, chiếm 1,7%, giảm 56,5% so với năm 2004; kinh phí sự nghiệp đào tạo là 3.350 triệu đồng, chiếm 2,84%, tăng 4,4% so với năm 2004; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 2.560 triệu đồng, chiếm 2,17%, tăng 55,2 % so với năm 2004; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 1.045 triệu đồng, chiếm 0,89%, tăng 7,2% so với năm 2004 và vốn đầu tư XDCB là 10.287 triệu đồng, chiếm 8,73%, giảm 39,8% so với năm 2004.

Năm 2006, Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 146.810 triệu đồng, tăng 24,6% so với năm 2005. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 116.880 triệu đồng, chiếm 79,61%, tăng 18,5% so với năm 2005; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 2.000 triệu đồng, chiếm 1,36%, không tăng so với năm 2005; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 3.660 triệu đồng, chiếm 2,49%, tăng 9,3% so với năm 2005; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 4.470 triệu đồng, chiếm 3,04%, tăng 74,6% so với năm 2005; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 300 triệu đồng, chiếm 0,2%, giảm 71,3%  so với năm 2005 và vốn đầu tư XDCB là 19.500 triệu đồng, chiếm 13,28%, tăng 89,6% so với năm 2005.

Năm 2007, Viện Hàn lâm được Nhà nước đầu tư với tổng kinh phí là 170.951 triệu đồng, tăng 16,4% so với năm 2006. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 140.236 triệu đồng, chiếm 82,03%, tăng 19,9% so với năm 2006; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 2.000 triệu đồng, chiếm 1,17%, bằng số kinh phí đã đầu tư cho năm 2006; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 3.845 triệu đồng, chiếm 2,25%, tăng 5,0 % so với năm 2006; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 3.820 triệu đồng, chiếm 2,23%, giảm 14,5% so với năm 2006; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 350 triệu đồng, chiếm 0,2%, tăng 16,7% so với năm 2006; kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 700 triệu đồng, chiếm 0,41%  và vốn đầu tư XDCB là 20.000 triệu đồng, chiếm 11,7%, tăng 2,6% so với năm 2006.

Năm 2008, Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 200.391 triệu đồng, tăng 17,2% so với năm 2007. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 150.587 triệu đồng, chiếm 75,15%, tăng 7,4% so với năm 2007; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 3.000 triệu đồng, chiếm 1,5%, tăng 50% so với  năm 2007; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 3.820 triệu đồng, chiếm 1,91%, giảm 0,6 % so với năm 2007; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 4.090 triệu đồng, chiếm 2,04%,  tăng 7,1% so với năm 2007; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 550 triệu đồng, chiếm 0,27%, tăng 57,1% so với năm 2007; kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1.300 triệu đồng, chiếm 0,65%, tăng 85,7% so với năm 2007; kinh phí đào tạo lưu học sinh là 44 triệu đồng, chiếm 0,02% và vốn đầu tư XDCB là 37.000 triệu đồng, chiếm 18,46%, tăng 85% so với năm 2007.

Năm 2009, Viện Hàn lâm được Nhà nước đầu tư với tổng kinh phí là 286.156 triệu đồng, tăng 42,8% so với năm 2008. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 188.102 triệu đồng, chiếm 65,73%, tăng 24,9% so với năm 2008; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 2.000 triệu đồng, chiếm 0,7%, giảm 33,3% so với  năm 2008; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 4.190 triệu đồng, chiếm 1,46%, tăng 9,7 % so với năm 2008; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 4.809 triệu đồng, chiếm 1,68%,  tăng 17,6% so với năm 2008; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 880 triệu đồng, chiếm 0,31%, tăng 60% so với năm 2008; kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1.075 triệu đồng, chiếm 0,38%, giảm 17,3% so với năm 2008; kinh phí đào tạo lưu học sinh là 100 triệu đồng, chiếm 0,03%, tăng 127,3% và vốn đầu tư XDCB là 85.000 triệu đồng, chiếm 29,7%, tăng 129,7% so với năm 2008.

Năm 2010, Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 306.348 triệu đồng, tăng 7,1% so với năm 2009. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 197.915 triệu đồng, chiếm 64,6%, tăng 5,2% so với năm 2009; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 1.000 triệu đồng, chiếm 0,33%, giảm 50% so với  năm 2009; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 8.858 triệu đồng, chiếm 2,89%, tăng 111,4 % so với năm 2009; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 3.690 triệu đồng, chiếm 1,2%,  giảm 23,3% so với năm 2009; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 770 triệu đồng, chiếm 0,25%, giảm 12,5% so với năm 2009; kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1.005 triệu đồng, chiếm 0,33%, giảm 6,5% so với năm 2009; kinh phí đào tạo lưu học sinh là 110 triệu đồng, chiếm 0,04%, tăng 10% so với năm 2009 và vốn đầu tư XDCB là 93.000 triệu đồng, chiếm 30,36%, tăng 9,4% so với năm 2009.

Năm 2011, Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 359.932 triệu đồng, tăng 17,5% so với năm 2010. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 226.083 triệu đồng, chiếm 62,81%, tăng 14,2% so với năm 2010; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 1.000 triệu đồng, chiếm 0,28%, không tăng so với  năm 2010; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 11.445 triệu đồng, chiếm 3,18%, tăng 29,2 % so với năm 2010; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 4.330 triệu đồng, chiếm 1,2%,  tăng 17,3% so với năm 2010; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 790 triệu đồng, chiếm 0,22%, tăng 2,6% so với năm 2010; kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1.000 triệu đồng, chiếm 0,28%, giảm 0,5% so với năm 2010; kinh phí đào tạo lưu học sinh là 284 triệu đồng, chiếm 0,08%, tăng 158,8% so với năm 2010 và vốn đầu tư XDCB là 115.000 triệu đồng, chiếm 31,95%, tăng 23,6% so với năm 2010.

Năm 2012, đầu tư của Nhà nước cho Viện Hàn lâm tiếp tục tăng với tổng kinh phí là 378.934 triệu đồng, tăng 5,3% so với năm 2011. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 253.428 triệu đồng, chiếm 66,88%, tăng 12,1% so với năm 2011; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 1.000 triệu đồng, chiếm 0,26%, không tăng so với  năm 2011; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 14.250 triệu đồng, chiếm 3,76%, tăng 24,5 % so với năm 2011; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 5.000 triệu đồng, chiếm 1,32%,  tăng 15,5% so với năm 2011; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 1.080 triệu đồng, chiếm 0,29%, tăng 36,7% so với năm 2011;  kinh phí đào tạo lưu học sinh là 400 triệu đồng, chiếm 0,11%, tăng 40,8% so với năm 2011; kinh phí quản lý hành chính nhà nước là 276 triệu đồng, chiếm 0,07% và vốn đầu tư XDCB là 103.500 triệu đồng, chiếm 27,31%, giảm 10% so với năm 2011.

Năm 2013, Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho Viện Hàn lâm với tổng kinh phí là 398.225 triệu đồng, tăng 5,09% so với năm 2012. Trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học được đầu tư với tổng kinh phí là 282.695 triệu đồng, chiếm 70,99%, tăng 11,6% so với năm 2012; kinh phí sự nghiệp kinh tế là 900 triệu đồng, chiếm 0,23%, giảm 10%  so với  năm 2012; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo là 22.910 triệu đồng, chiếm 5,75%, tăng 60,7 % so với năm 2012; kinh phí sự nghiệp văn hóa là 12.750 triệu đồng, chiếm 3,2%, tăng 155% so với năm 2012; kinh phí trợ giá tạp chí, xuất bản là 1.280 triệu đồng, chiếm 0,32%, tăng 18,5% so với năm 2012;  kinh phí đào tạo lưu học sinh là 690 triệu đồng, chiếm 0,17%, tăng 72,5% so với năm 2012;  kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1.000 triệu đồng, chiếm 0,25%,  và vốn đầu tư XDCB là 76.000 triệu đồng, chiếm 19,08%, giảm 26,6% so với năm 2012.

          Nhờ việc tăng đầu tư cho mọi mặt hoạt động của Viện Hàn lâm, nhất là đầu tư cho các chương trình mục tiêu cấp Nhà nước, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã hoàn thành hàng năm một khối lượng lớn nhiệm vụ nghiên cứu được Đảng và Nhà nước giao với chất lượng ngày càng được nâng cao, đồng thời đảm bảo cho các nhiệm vụ và hoạt động khoa học thường xuyên của Viện Hàn lâm không ngừng mở rộng và phát triển. Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, Viện Hàn lâm và các đơn vị còn khai thác các nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học nước ngoài và hợp tác với các ngành, các địa phương trong cả nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo bồi dưỡng cán bộ của mình.

          Nhìn chung, trong 60 năm qua, cùng với sự trưởng thành và phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, công tác tài chính đã phục vụ tốt, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm, đặc biệt là từ năm 1991 đến nay. Công tác tài chính đã góp phần to lớn vào sự phát triển lớn mạnh của Viện Hàn lâm.

          6. Đổi mới công tác kế hoạch và quản lý hoạt động khoa học

          Trước những năm 80, ngoài những nhiệm vụ Đảng và Nhà nước trực tiếp giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu hàng năm của Viện Hàn lâm. Đặc điểm của công tác kế hoạch hóa, quản lý hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm giai đoạn này là:

          - Chưa hình thành các chương trình, đề tài độc lập cấp Nhà nước, hệ thống các dự án điều tra cơ bản lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Chương trình, đề tài nghiên cứu trong mỗi kì kế hoạch trong giai đoạn này phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị nghiên cứu dựa trên điểm mạnh về chuyên môn của mỗi nhà khoa học, chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Do vậy chương trình đề tài dàn trải. Tính định hướng vào một mục tiêu chung, phục vụ cho những nhu cầu lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn yếu.

          - Các cơ quan quản lý nhà nước và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chưa xây dựng đầy đủ các văn bản pháp qui hướng dẫn công tác kế hoạch, quản lý hoạt động KH&CN nhất là trong lĩnh vực KHXH&NV. Do vậy, công tác kế hoạch và quản lý hoạt động khoa học thời kỳ này còn mang nặng tính chất kinh nghiệm, có tính chất cục bộ, chưa có sự hướng dẫn chỉ đạo thống nhất của Nhà nước trong toàn quốc.

          Những đặc điểm kể trên đã làm hạn chế phần nào sự đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào sự phát triển, tiến bộ chung của xã hội và của bản thân nền khoa học xã hội và nhân văn nước nhà.

          Sau những năm 80, nhất là sau Đại hội VI, hòa với xu thế Đổi mới tư duy trong công tác nghiên cứu lí luận, việc đổi mới công tác kế hoạch, quản lý hoạt động khoa học cũng bắt đầu được khởi động. Sau nhiều năm chuẩn bị cho việc soạn thảo, năm 1987, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động khoa học. Mặc dù chỉ là qui định tạm thời, nhưng đây là lần đầu tiên Viện Hàn lâm chính thức ra những văn bản có tính chất pháp qui trong nội bộ Viện Hàn lâm qui định những nguyên tắc trong việc xây dựng kế hoạch và quản lý việc thực hiện các chương trình đề tài nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học, công tác xuất bản, công tác tạp chí, hoạt động hợp tác quốc tế, một số qui định về đơn giá chi tiêu trong khoa học. Đây cũng là lần đầu tiên Viện Hàn lâm tổ chức ký kết hợp đồng giữa lãnh đạo Viện Hàn lâm, đại diện cơ quan quản lý với chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì thực hiện đề tài. Các hợp đồng này được coi là văn bản có tính pháp lý trong đó qui định rõ thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, hình thức sản phẩm, kinh phí thực hiện, qui trình các cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra trong quá trình thực hiện đề tài, tổ chức việc đánh giá nghiệm thu. Những năm gần đây, việc xây dựng và bảo vệ kế hoạch hàng năm và 5 năm của các đơn vị trước Chủ tịch Viện đã được đặt ra, và cùng với sự bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn của Viện Hàn lâm, công tác này đã đi vào nền nếp. Từ thực tiễn hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm và trên cơ sở kế thừa các văn bản pháp quy trong những giai đoạn trước, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã ban hành một loạt qui chế mới: Quy chế quản lý hoạt động khoa học, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế quản lý hoạt động hợp tác quốc tế... Sau nhiều năm trao đổi trong nội bộ Viện Hàn lâm và với các cơ quan quản lý nhà nước, Chủ tịch Viện Hàn lâm ban hành Đơn giá chi tiêu cho hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Một số qui chế mới như Quy chế về tổ chức và hoạt động của các tạp chí, Quy chế về công tác xuất bản... đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị ban hành. Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm, để thực hiện nguyên tắc dân chủ hóa trong các cơ quan nghiên cứu, các quy chế này đã được phổ biến, thông báo đến từng cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu của mỗi đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm. Mỗi qui chế đều được Viện Hàn lâm tổ chức tập huấn cho Thủ trưởng và cán bộ có liên quan ở các đơn vị. Với hệ thống qui chế mới, mọi mặt hoạt động của Viện Hàn lâm nói chung, hoạt động khoa học nói riêng, đã đi vào một quĩ đạo chung, thống nhất trong toàn Viện Hàn lâm. Không khí dân chủ trong Viện Hàn lâm được thực hiện ngày càng tốt. Đây là một trong những điều kiện đảm bảo cho Viện Hàn lâm  thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đặt ra hàng năm và 5 năm.

          Cùng với quá trình đổi mới công tác tổ chức hoạt động và quản lý khoa học trong nội bộ Viện Hàn lâm, trong giai đoạn vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và hoạt động KH-CN cũng ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn chế độ chi tiêu tài chính trong nghiên cứu khoa học và đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH-CN, trong đó có KHXH&NV. Nhất là sau khi Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành, đã có hàng loạt văn bản pháp quy hướng dẫn việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ. Đặc biệt là, với tư cách là một trong hai Viện Hàn lâm  khoa học lớn của đất nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm cao, đã tham gia một cách tích cực vào quá trình xây dựng những văn bản pháp qui kể trên trước khi được ban hành. Đồng thời, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và một số địa phương triển khai thực hiện các đề án như Đổi mới cơ chế đầu tư cho hoạt động KHXH&NV, Đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KHXH&NV nhằm đề xuất những cơ chế, chính sách cần thiết cho việc tiếp tục đổi mới công tác đầu tư và quản lý tài chính, tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động và sự phát triển của Viện Hàn lâm nói riêng, của các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy về KHXH&NV nói chung.

          Từ thực tiễn của công tác tổ chức và quản lý hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm trong giai đoạn vừa qua, có thể khẳng định rằng sự chủ động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong việc đổi mới công tác kế hoạch, tổ chức và quản lý hoạt động khoa học là một trong những thành tích to lớn góp phần vào sự trưởng thành và phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong mấy chục năm qua.

          7. Hội đồng khoa học

          Với chức năng là cơ quan tư vấn về mặt khoa học, Hội đồng khoa học của Viện Hàn lâm cũng như của các Viện và Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành trải qua các thời kỳ khác nhau, đã phát huy trí tuệ của các nhà khoa học góp phần tích cực vào việc hình thành và thực hiện các chủ trương của lãnh đạo Viện Hàn lâm cũng như kế hoạch của các Viện và Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành.

          Trong những năm gần đây, Hội đồng khoa học sinh hoạt tương đối đều và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Trong thành tựu chung của Viện Hàn lâm có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng Khoa học.

II. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ(1)

          Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn luôn được chú trọng và không ngừng phát triển.

          Ngay từ khi còn là Ban Văn - Sử - Địa thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, trong giai đoạn từ năm 1959-1975, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác khoa học với các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Theo Hiệp định được ký kết giữa Ủy ban Khoa học Nhà nước với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, về mặt khoa học xã hội, hai bên mới chỉ hợp tác trên các lĩnh vực Sử học, Ngôn ngữ học, Văn học, Đông phương học. Nhiều năm sau, việc hợp tác hai bên mới mở sang những lĩnh vực khác như Triết học, Kinh tế học, Dân tộc học, Khảo cổ học, Xã hội học... Hình thức hợp tác chủ yếu là phía Việt Nam cử cán bộ sang học tập về các chuyên ngành khoa học và nghiên cứu, tìm hiểu về công tác tổ chức, quản lý hoạt động khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; phía Liên Xô cử các nhà khoa học sang mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Việt Nam. Riêng Tổ Triết học, nay là Viện Triết học, trong thời gian 1960-1964 đã liên tiếp mở 2 lớp học chuyên đề do chuyên gia Liên Xô giảng.

          Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, do bất đồng quan điểm trong phong trào Cộng sản quốc tế, hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khoa học xã hội trở nên đặc biệt khó khăn. Việc cử người đi học tập tại Liên Xô hầu như bị đóng cửa. Phạm vi hợp tác bị thu hẹp. Một số lĩnh vực như Triết học, Kinh tế học, Văn học, ngay cả Sử học... ít có cơ hội trao đổi cán bộ, hợp tác khoa học quốc tế. Vào thời điểm khó khăn đó, với tầm nhìn xa trông rộng, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam lúc đó – đã chỉ đạo trong mọi tình huống phải giữ cho được quan hệ hợp tác khoa học với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Cầu nối được chọn là ngành Ngôn ngữ học của Viện Phương Đông. Trong khi các lĩnh vực khoa học xã hội khác hầu như bị "đóng cửa" thì những nhà ngôn ngữ học của hai nước vẫn có thể đi lại trao đổi học thuật. Nhiều nhà ngôn ngữ học trẻ của Việt Nam vẫn được cử đi học tập tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Nhờ vậy mà quan hệ hợp tác khoa học giữa Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô vẫn được tiếp tục và phát triển ở các giai đoạn tiếp theo.

          Ngoài Liên Xô, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học của các nước XHCN ở Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Hunggari, Tiệp Khắc... Nhưng sự hợp tác thời kỳ này còn mang nặng tính "một chiều": Theo kế hoạch hợp tác, bạn mời cán bộ Viện Hàn lâm đi dự các hội nghị khoa học, thực tập sinh hoặc các đợt nghiên cứu ngắn hạn và tài trợ toàn bộ chi phí. Do khó khăn về kinh phí, Viện Hàn lâm ít có điều kiện chủ động đề xuất, đa dạng hóa các hình thức hoạt động hợp tác song phương và đa phương như thời kỳ của thập niên 80, 90. Trong giai đoạn này, Viện Hàn lâm có tiếp một số nhà khoa học từ Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canađa... đến thăm, trao đổi những vấn đề khoa học mà các nước này quan tâm theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, mở ra cơ hội hợp tác cho những giai đoạn sau.

          - Giai đoạn 1959-1975 có thể xem là thời kỳ tạo tiền đề, chuẩn bị mọi mặt - về các đối tác, về hình thức hợp tác, về nguồn nhân lực khoa học... cho hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm ở những thập niên sau với phạm vi hợp tác rộng lớn và với hiệu quả to lớn hơn.

          - Giai đoạn 1975-1985, sau khi giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm đi vào một giai đoạn phát triển mới.

          Từ năm 1979, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đã cùng Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam ký kế hoạch hợp tác khoa học 5 năm với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác khoa học giữa 2 nước. Riêng trong kế hoạch 5 năm 1980-1985, hai bên đã thỏa thuận hợp tác nghiên cứu 15 đề tài trên các lĩnh vực Triết học, Lịch sử, Kinh tế, Nhà nước và Pháp luật, Ngôn ngữ học, Văn học...

          Nhiều công trình hợp tác hai bên đã hoàn thành, được đánh giá tốt và đã xuất bản như cuốn "Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - những vấn đề kinh tế - xã hội", Nxb Khoa học Mátxcơva 1982; cuốn "Sự du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam" xuất bản tại Liên Xô năm 1988; 4 cuốn sách nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc Mạ, Churu, Pọong, Pupéo của Việt Nam cũng đã được xuất bản ở Liên Xô trong giai đoạn này.

          Nhiều cán bộ khoa học xã hội của Việt Nam đã trưởng thành thông qua các chương trình hợp tác, các cuộc điều tra điền dã, trao đổi khoa học song phương hoặc đa phương với sự giúp đỡ của Liên Xô.

          Ngày 1/6/1976, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô

          Năm 1980, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã ký kế hoạch hợp tác khoa học 5 năm với Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức.

          Trong thời kỳ này, Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tham gia chính thức 6 trong số 10 tổ chức hợp tác nhiều bên về khoa học xã hội giữa các Viện Hàn lâm Khoa học các nước xã hội chủ nghĩa. Viện Thông tin Khoa học Xã hội cũng chính thức gia nhập MISON (tổ chức quốc tế về thông tin khoa học xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa). Các Viện của Ủy ban như Viện sử học, Viện Văn học, Viện Kinh tế học, Viện Triết học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học... đã ký kết với các Viện cùng ngành của Liên Xô và một số nước khác kế hoạch thực hiện một số công trình chung để xuất bản.

          Vào những năm cuối của thập kỷ 80, do Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận, nên việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và các nước Phương Tây còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, Ủy ban cũng đã thiết lập được quan hệ hợp tác với Anh, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Ấn Độ và dần dần mở rộng sang các nuớc trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Mỹ và Ôxtrâylia.

          Một số nhà khoa học xã hội Việt Nam được mời dự các Hội thảo khoa học hoặc báo cáo chuyên đề ở Pháp, Mỹ, Nhật, Ôxtrâylia, Ấn Độ, Philippin... Một số học giả Pháp, Anh, Mỹ, Ôxtrâylia, Bỉ, Thái Lan... hoặc được Việt Nam mời hoặc xin phép vào Việt Nam nghiên cứu. Ủy ban cũng tham gia vào Hội kinh tế thế giới, Hội Cổ sử và Khảo cổ thế giới, Hội Khoa học Xã hội quốc tế, Tổ chức UNESCO Paris... Do vậy, số lượng cán bộ trao đổi giữa Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế được tăng cường so với thập kỷ trước:

          Năm 1981, Ủy ban cử 80 cán bộ ra nước ngoài công tác và đón 71 nhà khoa học nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

          Riêng năm 1982, Ủy ban cử 63 cán bộ đi Liên Xô và đón 25 nhà khoa học Liên Xô vào Việt Nam.

          Năm 1983, Ủy ban cử 135 lượt người ra nước ngoài công tác trong đó 64 cán bộ sang Liên Xô, 27 cán bộ sang Đông Âu, 19 cán bộ sang công tác tại các nước ngoài hệ thống XHCN. Đồng thời, Ủy ban đón 67 nhà khoa học nước ngoài vào công tác trong đó Liên Xô có 25 người, các nước Đông Âu 25 người, các nước ngoài hệ thống XHCN 17 người.

          Năm 1984, Ủy ban cử 159 lượt người đi công tác nước ngoài, trong đó có 99 người sang Liên Xô và các nước XHCN, 16 cán bộ đi các nước ngoài hệ thống XHCN. Uỷ ban đón 69 lượt người vào Việt Nam làm việc, trong đó 44 người từ Liên Xô và các nước XHCN khác, 8 người từ các nước ngoài hệ thống XHCN.

          Năm 1985, tỉ lệ số cán bộ Ủy ban ra nước ngoài và số cán bộ nước ngoài vào công tác tại Ủy ban là 128/62 người. Đặc biệt là Ủy ban đã mở được quan hệ hợp tác với tổ chức TOYOTA FOUNDATION và với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội Ấn Độ.

          Hình thức hợp tác vẫn là trao đổi học giả, đào tạo sau đại học, viết một số công trình chung và tổ chức các hội thảo khoa học song phương và quốc tế. Tham gia các Hội nghị quốc tế, các nhà khoa học xã hội Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn quốc tế giới thiệu thành tựu của KHXH Việt Nam và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, như các hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ nghĩa Lênin và cuộc đấu tranh tư tưởng”, “Thời đại Lênin và sự phát triển của CNXH”, “Hòa bình và giải trừ quân bị”, “Chiến lược phát triển có lựa chọn và tương lai Châu Á", “Chính sách của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển”...Đặc biệt là năm 1980, Uỷ ban tổ chức thành công Hội thảo quốc tế kỉ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới do UNESCO tài trợ. Ngoài hàng trăm đại biểu và các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị Việt Nam, có 68 nhà khoa học và hoạt động chính trị quốc tế của 35 nước khắp năm châu đã tham dự cuộc Hội thảo. Đây là một tiền đề cơ bản cho việc tổ chức những Hội thảo quốc tế lớn trong những thập niên sau do Viện Hàn lâm tổ chức.

          Một điều đáng lưu ý là nửa đầu thế kỷ 80 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế đất nước dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng, việc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện được kế hoạch hợp tác quốc tế lớn như trên, là một cố gắng lớn trong đầu tư của Nhà nước cho Viện Hàn lâm, đồng thời, cũng thể hiện sự ưu tiên đầu tư của lãnh đạo Viện Hàn lâm cho một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược trong hoạt động của Viện Hàn lâm ở giai đoạn này. Một số hội thảo quốc tế đã được tổ chức thành công. Việc thực hiện những kế hoạch hợp tác quốc tế đã tạo cơ hội thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng, năng cao tiềm lực của nguồn nhân lực khoa học. Ngoài các đối tác truyền thống, Viện Hàn lâm đã thiết lập được quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học của một số quốc gia và một số tổ chức quốc tế nằm ngoài khối XHCN, góp phần điều chỉnh lại quan niệm cho rằng các lĩnh vực khoa học xã hội chỉ nên hợp tác khoa học với các nước thuộc khối XHCN. Có thể nhận định rằng, bằng hoạt động hợp tác quốc tế của mình, Viện Hàn lâm đã sớm “mở cửa” trong hoạt động khoa học, bước đầu thực hiện quá trình hội nhập quốc tế - một trong những quan điểm khởi nguồn của sự nghiệp đổi mới sau năm 1986.

          - Giai đoạn từ 1986 đến nay

          Trong suốt thời gian từ 1960-1985 công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội tập trung chủ yếu hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tuy nhiên, từ năm 1986 trở đi, đặc biệt là những năm 1989-1990, sự biến động ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm. Hàng loạt các công trình hợp tác phải ngừng lại, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào không triển khai được. Có thể nói, địa bàn hợp tác truyền thống, lâu dài và rộng lớn nhất của Viện Hàn lâm trong thời kỳ đó đã tạm thời bị thu hẹp lại.

          Trước tình hình đó, một mặt Viện Hàn lâm cố gắng duy trì quan hệ hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Nga và các nước Đông Âu, mặt khác, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, tìm kiếm các khả năng hợp tác với các nước ngoài khối XHCN.

          Từ năm 1986, đồng thời với nguồn tài trợ đáng kể cho hợp tác quốc tế từ phía Liên Xô và các nước Đông Âu bị cắt giảm, Nhà nước cũng xoá bỏ chế độ bao cấp. Trong tình hình đó, chỉ có một số ít đơn vị thích ứng nhanh chóng nên tiếp tục duy trì được các quan hệ hợp tác quốc tế, còn phần lớn các đơn vị rơi vào tình trạng lúng túng. Tình hình đó không chỉ ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu mà còn tác động đến cả đời sống, tâm tư của cán bệ trong các đơn vị.

          Từ năm 1991 đến nay, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm có nhiều thuận lợi rất cơ bản. Trước hết, Đại hội VII của Đảng năm 1991 đã quyết định đường lối đối ngoại được đổi mới với chủ trương "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển"1 đã tạo những điều kiện thuận lợi cho chúng ta hội nhập vào cộng đồng khu vực và quốc tế; mặt khác, do những thành tựu cơ bản và to lớn mà nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trên thế giới. Nhiều người muốn đến Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi, muốn hợp tác với các cơ quan khoa học và với các học giả Việt Nam. Trong giai đoạn này, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ.

          Có thể điểm qua hoạt động hợp tác khoa học với các nước trong thời gian này:

          1. Với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (trước đây) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (ngày nay)

          Trong kế hoạch 1986-1990, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã thỏa thuận với nhau cùng phối hợp nghiên cứu 21 đề tài thuộc 5 nhóm vấn đề: Triết học - Luật học, Kinh tế-Xã hội, Ngữ văn, Lịch sử - Dân tộc và các vấn đề Quốc tế.

          Hệ thống đề tài này đã thu hút hầu hết các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hợp tác với các Viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

          Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức tại Liên Xô hoặc tại Việt Nam, tập trung vào các vấn đề như Kinh tế thị trường, Vai trò quản lý của nhà nước, Quan hệ quốc tế, Những vấn đề về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

          Do tình hình biến động ở Liên Xô và những khó khăn mà 2 bên đều gặp phải cho nên đến cuối năm 1990 nhiều đề tài không hoàn thành được và đến năm 1991-1992 hầu như bị dừng lại hoàn toàn. Số cán bộ đi trao đổi, trung bình mỗi năm chỉ còn vài ba lượt người.

          Trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ khoa học dưới các hình thức thực tập sinh, nghiên cứu sinh, cộng tác viên khoa học. Tính đến năm 1991, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã đào tạo cho Viện Hàn lâm ta 21 phó tiến sĩ, 1 tiến sĩ.

          Sau khi Liên Xô tan rã, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô chuyển sang thành Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận trách nhiệm tiếp tục thực hiện Hiệp định mà Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã ký kết. Về phía Việt Nam, chúng ta vẫn đánh giá cao tiềm năng khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và tình cảm tốt đẹp giữa các nhà khoa học của hai nước, cả hai bên đều mong muốn phấn đấu vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác khoa học lâu dài đã được xây dựng giữa các viện nghiên cứu, giữa các nhà khoa học của hai nước.

          Tháng 11/1992, đoàn đại biểu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Duy Quý dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường sự hợp tác giữa hai Viện, tìm ra những phương thức hợp tác có hiệu quả và phù hợp với tình hình mới. Năm 1993, chúng ta đã ký Hiệp định hợp tác khoa học với Viện Hàn lâm Khoa học Nga (1993-1996). Năm 1993, số lượng cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc và học tập ở Nga là 47 người, bao gồm 8 người đi công tác, 39 người là thực tập sinh, nghiên cứu sinh, cộng tác viên...

          Đầu năm 1996, Viện Hàn lâm đã đón đoàn lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Nga do Viện sĩ Ku-drap-xep Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga dẫn đầu. Hai bên nhất trí gia hạn Hiệp định hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đến năm 2000. Với Hiệp định này, số lượng cán bộ trao đổi tương đương tăng lên 50 tuần/người/năm và và đưa vào kế hoạch 13 đề tài hợp tác.

          Ngày 3/6/1999, Giáo sư Nguyễn Duy Quý được Viện Hàn lâm Khoa học Nga bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

          Năm 2001, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết Chương trình hợp tác khoa học Việt - Nga gồm 10 đề tài, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2003.

          Tổng kết hoạt động hợp tác trong thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đều khẳng định sự cần thiết phải phát triển và tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác khoa học giữa hai bên với tư cách là những đối tác chiến lược.

          2.  Với các Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

          Trung Quốc là một nước lớn trong khu vực, là nước láng giềng có vị trí địa lý gần gũi và nhiều điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa với Việt Nam... nên từ nhiều thập kỷ qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc có điều kiện phát triển thuận lợi. Đặc biệt, từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước đã được bình thường hóa và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực khoa xã hội và nhân văn, những năm 1991-1992, hai bên đã cử các đoàn đến thăm viếng lẫn nhau. Các đoàn đại biểu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây và Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đã sang thăm Việt Nam; ngược lại, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  cũng đã cử các đoàn sang thăm và làm việc với Viện Khoa học Xã hội ở Trung Quốc.

          Từ ngày 3 đến 13 tháng 5 năm 1992, Giáo sư Nguyễn Duy Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu của Viện sang thăm chính thức Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Trong chuyến đi này, những nội dung cơ bản cho sự hợp tác hai bên về khoa học xã hội và nhân văn đã được thống nhất.

          Một năm sau, cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1993, đoàn đại biểu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc do Giáo sư Hồ Thằng, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dẫn đầu đã đến thăm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hiệp định chính thức về hợp tác khoa học giai đoạn 1993-1996 giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã được ký kết vào thời gian này.

          Tháng 2-2000, đoàn cấp cao của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc do đồng chí Lý Thiết Ánh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc làm Trưởng đoàn đã đến thăm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc còn có Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội tỉnh Quảng Đông.

          Sau các chuyến thăm cấp cao của hai bên, việc hợp tác nghiên cứu khoa học đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Tháng 10 năm 1996 hai bên đã ký gia hạn bản hiệp định hợp tác đến năm 2000 và từ năm 2000 đến nay Hiệp định trên được tiếp tục gia hạn. Theo đó, hai bên đã tiến hành trao đổi thông tin, sách báo, trao đổi học giả theo chế độ tương đương. Bản Hiệp định cũng khuyến khích các Viện và Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành chủ động hợp tác khoa học trên cơ sở tự túc kinh phí. Ngoài ra, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  cũng đã ký kết các văn bản hợp tác với Viện Khoa học Xã hội của các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Thiểm Tây và Tứ Xuyên.

          Trên cơ sở các Hiệp định và văn bản hợp tác được ký kết, hoạt động trao đổi khoa học giữa hai bên có điều kiện phát triển thuận lợi và ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm 2000, giới lý luận và học giả hai nước do Viện Hàn lâm  Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chủ trì đã tổ chức thành công hai cuộc hội thảo quốc tế lớn với chủ đề "Chủ nghĩa xã hội - tính phổ biến và tính đặc thù" (Bắc Kinh 6/2000) và "Chủ nghĩa xã hội - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc" (Hà Nội, 11/2000). Kỷ yếu hai hội thảo trên đã được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung.

          Ngày 8/11/2000, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã tặng GS. Nguyễn Duy Quý bằng Giáo sư danh dự của Viện Khoa học Xã học Trung Quốc.

          Tháng 11/2001, nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Nhìn lại 10 năm và triển vọng”.

          Từ năm 1999 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây đã phối hợp thực hiện đề tài "Nghiên cứu so sánh đổi mới kinh tế của Việt Nam và cải cách kinh tế của Trung Quốc". Công trình này đã được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung.

          Với nhiều điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... sự hợp tác khoa học với Trung Quốc đưa lại nhiều tri thức và bài học kinh nghiệm bổ ích cho sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, các hoạt động hợp tác với việc trao đổi học giả, với những công trình khoa học được công bố đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và giới khoa học xã hội và nhân văn hai quốc gia, góp phần tích cực vào việc thực hiện phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định.

          3. Với Viện Hàn lâm Khoa học các nước Đông Âu

          Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, việc hợp tác khoa học với các Viện Hàn lâm Khoa học của các nước Đông Âu gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1986 - 1990, nhịp độ hợp tác khoa học ngày càng giảm. Trong các năm 1991 - 1992 và năm 1993 quan hệ hợp tác hầu như không đáng kể.

          Trong 5 năm, 1986-1990, số lượng trao đổi các nhà khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học các nước Đông Âu chỉ từ 15 đến 20 lượt người. Các lĩnh vực hợp tác với Tiệp Khắc: Khảo cổ học, Quản lý kinh tế, Nghiên cứu Trung Quốc; với Ba Lan: Kinh tế thị trường, Xã hội học; với Hung-ga-ri: Xã hội học, Dân tộc học, Khảo cổ học, những vấn đề kinh tế - xã hội; với Bun-ga-ri: Xã hội học, Kinh tế học, Văn hóa dân gian.

          Tuy nhiên, chúng ta vẫn đánh giá cao sự hợp tác khoa học có tính truyền thống giữa Viện Hàn lâm với Viện Hàn lâm Khoa học các nước Đông Âu. Trong điều kiện khó khăn, các bên đều cố gắng tìm cách duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác này. Đến năm 1997, Viện Hàn lâm đã ký thỏa thuận theo chế độ trao đổi tương đương với Viện Hàn lâm Khoa học Hung-ga-ri và triển khai hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina và đã có dự thảo thỏa thuận hợp tác với Bungari và Cộng hòa Séc...

          Năm 1998, Viện Hàn lâm đã ký văn bản thoả thuận hợp tác với tổ chức DAAD, Cộng hòa Liên bang Đức.

          Mặc dù từ năm 1986 sự hợp tác giữa ta với Liên Xô và các nước Đông Âu gặp không ít khó khăn, nhưng cần khẳng định sự hợp tác nói trên đã góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ học vấn cao của Viện Hàn lâm.

          Tuy nhiên, tình hình quốc tế đã có nhiều thay đổi. Trong khi sự hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, có thêm nhiều đối tác mới, chúng ta vẫn tiếp tục coi trọng các mối quan hệ hợp tác trước đây.

          4. Với các nước trong khu vực châu Á

          - Nhật Bản

          Nhật Bản là một đối tác quan trọng về khoa học xã hội đối với nước ta. Tầm quan trọng này không chỉ do vị thế của Nhật Bản trong khu vực mà chủ yếu là do lực lượng nghiên cứu về Việt Nam nói riêng, về Đông Nam Á nói chung ở Nhật Bản khá mạnh. Hướng chiến lược của Nhật Bản là thúc đẩy hợp tác khu vực, trong đó Nhật Bản coi hợp tác văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn với Việt Nam là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác phát triển.

          Trong nhiều năm qua, các hoạt động hợp tác khoa học với Nhật Bản đã diễn ra rất sôi nổi với các hội thảo khoa học, các cuộc tọa đàm, thuyết trình khoa học, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, mở các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn.

          Nhiều dự án của Viện Hàn lâm đã được thực hiện với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản cũng như các Quỹ Toyota Foundation, Japan Foundation, Asia Center, Tổ chức Chấn hưng Khoa học Nhật Bản (JSPS), các Công ty Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo...:

          - Dự án "Bảo tổn di sản văn hóa Hán Nôm" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ 40 triệu Yên là một trong những Dự án lớn do Chính phủ một số nước tài trợ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

          Quỹ Toyota Nhật Bản hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 1985. Ban đầu Viện Hàn lâm  ta được tài trợ 5, 6 dự án/năm. Đến nay, quỹ Toyota đã tài trợ cho Viện Hàn lâm thực hiện gần 200 dự án bao gồm các công trình nghiên cứu, chương trình dịch thuật, tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế... Nhiều công trình lớn, có giá trị về tư liệu và học thuật đã được công bố, xuất bản nhờ sự tài trợ từ phía Nhật Bản.

          Cùng với việc nhận tài trợ của Chính phủ và các quỹ Nhật Bản, nhiều Viện đã có quan hệ hợp tác với các học giả Nhật Bản dưới các hình thức như tổ chức hội thảo chung (Viện Kinh tế Thế giới); tổ chức những đợt khai quật khảo cổ chung ở Việt Nam (Viện Khảo cổ học); trao đổi học giả, tham gia hội nghị và đào tạo cán bộ (Viện Luật học, Viện Kinh tế học, Viện Kinh tế Thế giới, Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Triết học, Viện Hàn lâm  Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện sử học, Viện Văn học, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm  Nghiên cứu Nhật Bản). Việc hợp tác với Nhật Bản đang được tiếp tục mở rộng và có nhiều triển vọng.

          - Ấn Độ

          Việc hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực văn hóa và kỹ thuật được triển khai theo các biên bản ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Ấn Độ. Năm 1982, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký văn bản hợp tác với Hội đồng Khoa học Xã hội Ấn Độ. Song do những khó khăn về kinh phí và sự quan tâm chưa đầy đủ của cả hai bên nên từ năm 1986-1990 sự hợp tác giữa ta và Ấn Độ còn rất hạn chế. Trong 5 năm ta chỉ cử 2 nhà khoa học trẻ sang thực tập tại Ấn Độ và một vài cán bộ đi dự hội thảo.

          Nhận thấy Ẩn Độ là một nước lớn trong khu vực, có nền văn hóa lâu đời, có những lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ta cần nghiên cứu như Triết học cổ đại Ấn Độ, Lịch sử, Khảo cổ, Ngôn ngữ... Vì vậy, cần duy trì và phát triển quan hệ hợp tác về khoa học xã hội với các cơ quan và các nhà khoa học Ấn Độ. Tháng 11-1992 đoàn đại biểu của Viện Hàn lâm đã sang thăm và làm việc với Hội đồng Khoa học Xã hội Ấn Độ, đã ký một văn bản ghi nhận sự cần thiết phải mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên, thực hiện việc trao đổi học giả theo chế độ trao đổi tương đương, phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học. Năm 1993 chúng ta đã gửi 2 cán bộ sang Ấn Độ nghiên cứu và cuối năm 2 bên phối hợp tổ chức tại Việt Nam cuộc hội thảo về "Vai trò Nhà nước trong việc cơ cấu lại nền kinh tế..." do Viện Kinh tế học chủ trì. Năm 1996, đoàn đại biểu của Hội đồng Khoa học Xã hội Ấn Độ đã sang thăm Viện Hàn lâm, khẳng định sự cần thiết và những khả năng có thể tiến hành hợp tác, xác định một số chương trình hợp tác cho những năm tới.

          Tháng 1-2002, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  đã tổ chức Hội nghị khoa học "30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Ẩn Độ" với sự tham gia của 20 đại biểu Ấn Độ và gần 100 đại biểu Việt Nam, nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian vừa qua và xác định phương thức hợp tác khoa học giữa hai bên trong thập kỷ tới.

          - Hàn Quốc

          Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Viện Hàn lâm đã khai thông quan hệ hợp tác khoa học với Hàn Quốc. Viện Hàn lâm đã cử một số đoàn đi trao đổi nghiên cứu, dự hội thảo. Quỹ Korea đã giúp một số học bổng cho cán bộ của Viện Hàn lâm đi nghiên cứu ngắn hạn và đào tạo thạc sĩ tại Hàn Quốc.

          Tổ chức KOICA đã tài trợ cho Viện Hàn lâm một dự án về mạng máy tính thuộc nội bộ Viện Hàn lâm .

          Nhiều nhà khoa học Hàn Quốc sang trao đổi nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề Thống nhất đất nước, về các vấn đề Lịch sử và nghiên cứu Xã hội học nông thôn.

          Ngày 22/9/2003, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học với quỹ Nghiên cứu Hàn Quốc.

          - Đài Loan

          Không có quan hệ về Nhà nước, nhưng Viện Hàn lâm cũng đã cử một số đoàn cán bộ khoa học về Sử học, Hán Nôm, Khảo cổ học, Trung Quốc học... đi nghiên cứu, trao đổi khoa học tại Đài Loan. Một số dự án đã được Đài Loan tài trợ trong đó đáng chú ý là Chương trình nghiên cứu và công bố Văn Bia của Việt Nam giữa Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Đài Loan và EFEO Pháp được thực hiện theo kế hoạch, đã hoàn thành tập I, tập II.

          Những hoạt động nghiên cứu khoa học này đã được thể hiện qua một văn bản về hợp tác trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa Viện Sinica, Đài Loan với Viện Hàn lâm.

          - Các nước AS1SAN

          Đối với các nước trong khối ASEAN, vào những năm 1986 - 1990, việc hợp tác trên lĩnh vực khoa học xã hội còn rất hạn chế do tình hình chính trị trong khu vực. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, quan hệ với các nước ASEAN được cải thiện, quan hệ hợp tác khoa học không ngừng phát triển, số lượng đoàn ra, đoàn vào trong các nước khối ASEAN chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nước khác.

          Sau khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức ASEAN thì việc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN cũng như việc hình thành chương trình phối hợp nghiên cứu về ASEAN giữ vai trò quan trọng.

          Năm 1997, Viện Hàn lâm đã có quan hệ với tất cả các nước ASEAN. Lãnh đạo Viện đã dẫn đầu một đoàn các nhà khoa học thăm 6 nước Đông Nam Á và trao đổi về những khả năng hợp tác, các hình thức hợp tác và những điều kiện để đảm bảo cho sự hợp tác phát triển lâu dài và bền vững.

          Về cơ cấu tổ chức, giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức khoa học của các nước ASEAN có những đặc điểm khác nhau, nhưng các nước ASEAN đều mong muốn hợp tác nghiên cứu với Việt Nam. Đến nay ta đã ký kết được các bản ghi nhớ giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hoặc giữa các Viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu của hầu hết các nước ASEAN.

          Các văn bản ghi nhớ đều tập trung vào ba nội dung chính:

          - Trao đổi tài liệu khoa học.

          - Trao đổi học giả, đào tạo cán bộ khoa học, học tiếng.

          - Cùng nghiên cứu những vấn đề khoa học mà hai bên cùng quan tâm.

          Năm 1997, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Đông Nam Á, Viện Hàn lâm đã tổ chức hội thảo với chủ đề: "Đông Nam Á hôm nay và ngày mai". Tham gia hội thảo có đại biểu các nước Đông Nam Á, các nước đối thoại của ASEAN và đông đảo các học giả Việt Nam.

          Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về đất nước, xã hội, con người, về lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ... các nước ASEAN với sự hợp tác của nhiều nhà khoa học Việt Nam, đã cùng với các nhà khoa học của các nước ASEAN nghiên cứu biên soạn và xuất  bản bộ sách "Lễ hội truyền thống ở các nước ASEAN".

          Tháng 10 năm 1999, GS.VS. Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội Châu Á (AASSREC) nhiệm kỳ 1999 - 2001. Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội, ngày 5 tháng 11 năm 2001 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 của Hiệp hội với sự tham gia của 40 đại biểu quốc tế đến từ 14 nước và 100 đại biểu Việt Nam. Đại hội đã tổng kết công tác nhiệm kỳ qua và bàn phương hướng hoạt động cho 2 năm tới, bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của Hiệp hội nhiệm kỳ 2001 - 2003.

          5. Với các nước Tây - Bắc Âu

          Việt Nam và Pháp có quan hệ văn hóa lâu đời. Cho đến nay, quan hệ này vẫn được củng cố và phát triển. Việc hợp tác với Pháp từ năm 1980 trở lại đây được triển khai theo 2 hướng.

          Một là, hợp tác trao đổi trực tiếp giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu về khoa học xã hội ở Pháp như Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (Centre de Documentation et de Recherche Sur L'Asie du Sud-Est et le Monde In Sulindien), Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), Trường Cao học về Khoa học Xã hội Pháp (EHESS). Để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa EFEO với Việt Nam, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định cho phép mở Văn phòng đại diện EFEO tại Hà Nội và giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thay mặt Nhà nước ta làm cơ quan phối hợp.

          Hai là, dựa trên Hiệp định hợp tác văn hóa - khoa học và kỹ thuật của hai Chính phủ, cứ 2 năm, Ủy ban hỗn hợp Pháp - Việt lại họp 1 lần để xét duyệt kế hoạch hợp tác giữa 2 bên. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bắt đầu tham gia thực hiện từ kỳ họp lần thứ 2 (1980-1981).

          Hình thức hợp tác hai bên rất đa dạng: hàng năm hai bên trao đổi 3-4 học giả sang thuyết trình về những vấn đề chuyên môn. Tổ chức và tham gia các hội thảo khoa học, đào tạo cán bộ. Pháp đã giúp một số cán bộ của Viện Hàn lâm bảo vệ luận án tiến sĩ và học tập theo chế độ thực tập sinh, mở các lớp dạy tiếng Pháp cho cán bộ Viện Hàn lâm, trao đổi sách báo, tư liệu.

          Có thể điểm một số dự án tiêu biểu về khoa học xã hội giữa hai nước Việt - Pháp:

          - Từ năm 1986, EFEO đã cùng Viện NC Hán Nôm thực hiện dự án "Thư mục sách Hán Nôm". Công trình đã hoàn thành. Phía Pháp tài trợ 25.000 đôla và 80 triệu đồng Việt Nam để in sách.

          - Dự án "Tiểu thuyết cổ Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm". Tập 1 đã in, tập 2 đang thực hiện và hai bên dự kiến thực hiện tiếp tập 3.

          - Nghiên cứu một số đề tài chung như "Làng xã Việt Nam và những biến đổi của nó", "ATLAS Việt Nam bằng họa đồ tự động"...

          Năm 1997, Chính phủ Pháp đã giúp Viện Hàn lâm hoàn thành Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bảo tàng dân tộc học duy nhất ở Việt Nam. Bảo tàng được cắt băng khánh thành vào đúng dịp Hội nghị lần thứ VII các quốc gia nói tiếng Pháp tổ chức ở Hà Nội. Ngoài ra hàng năm Viện Hàn lâm còn nhận được một số lượng khá lớn sách báo trao đổi với Pháp do Viện Thông tin KHXH thực hiện, đặc biệt là Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội thường xuyên gửi những sách về khoa học xã hội cho Viện Thông tin KHXH và các Viện chuyên ngành. Năm 1987, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội phối hợp với Viện Thông tin KHXH tổ chức triển lãm sách Pháp nhân ngày "Thế giới đọc sách Pháp" và sau đó trao tặng Viện Hàn lâm toàn bộ 500 cuốn sách, trong đó có bộ từ điển bách khoa trị giá hàng chục triệu đồng. Trong nhiều năm qua, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã hỗ trợ cho Viện Hàn lâm một số tiền khá lớn để xuất bản các sách dịch, từ điển Pháp - Việt...

          Ngày 3/4/2001, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết Hiệp định về Hợp tác khoa học với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, và quan trọng hơn, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 10-2002, Ý định thư cấp Nhà nước về hợp tác khoa học xã hội và nhân văn giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp đã được ký kết, đưa đến những cơ hội mới cho sự hợp tác Việt - Pháp trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

          Với Vương quốc Anh, Cộng hòa Liên bang Đức, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch... Viện Hàn lâm mới chỉ có quan hệ ở mức trao đổi học giả hoặc tổ chức một số hội nghị, hội thảo như:

          - Tháng 3-1999, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Bắc Âu nghiên cứu về Châu Á tại Đan Mạch tổ chức hội thảo "Các giá trị Châu Á và sự phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh so sánh".

          - Tháng 5-1999, Viện Kinh tế Thế giới phối hợp với OXFAM (Anh) tổ chức hội thảo quốc tế "Vai trò của Ngân hàng phát triển đa phương trong tiến trình phát triển ở Việt Nam".

          Ngoài ra, với sự tài trợ của các quỹ quốc tế như SIDA (Thụy Điển), SAREC... Viện Hàn lâm đã nhận được tài trợ cho một số dự án nghiên cứu và tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Gia đình và Phụ nữ, đã cử một số cán bộ đi dự các khóa học ngắn ngày, hội nghị, hội thảo để nâng cao trình độ chuyên môn cho một số cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Gia đình và Phụ nữ, Viện Kinh tế học, Viện Xã hội học...

          6. Với Mỹ - Canađa

          Việc hợp tác khoa học với Mỹ chính thức bắt đầu từ năm 1987. Các cơ quan khoa học Mỹ có quan hệ hợp tác với Viện Hàn lâm là:

          - Viện Ngôn ngữ Đông Nam Á Mùa hè Hawaii (SEASSI). Đây là cơ quan khoa học Mỹ đầu tiên hợp tác với Viện Hàn lâm dưới hình thức mời các nhà ngôn ngữ học Việt Nam sang Hawaii dạy tiếng Việt. Từ năm 1987-1993, Viện Hàn lâm đã cử 7 cán bộ đi dạy tiếng Việt ở SEASSI.

          - Hội đồng KHXH Mỹ tiếp xúc đầu tiên với chúng ta vào năm 1987. Đến năm 1988, hai bên ký kết một văn bản hợp tác với các hình thức: trao đổi học giả, tham dự hội thảo... Từ 1987 - 1991, phía Mỹ có 17 học giả vào Việt Nam dự hội thảo về khảo cổ, về kinh tế và nghiên cứu các lĩnh vực xã hội học, lịch sử, ngôn ngữ, và phía Viện Hàn lâm cử 10 cán bộ đi Mỹ nghiên cứu trao đổi về kinh tế, thư viện và ký kết hợp tác.

          - Ủy ban hòa giải Mỹ - Đông Dương tài trợ cho cán bộ Việt Nam đi học tiếng Anh ngắn hạn ở Mỹ. Từ năm 1988 đến 1993, Viện Hàn lâm cử 5 cán bộ đi học tiếng Anh, mỗi khóa 3 tháng.

          - Ủy ban hợp tác khoa học với Việt Nam (TJS Coinmittee) hợp tác chủ yếu trên lĩnh vực khảo cổ học. Từ 1987-1990, có 13 nhà khảo cổ học vào ta, trong đó có đoàn 10 người vào phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành hợp tác khai quật. Phía ta cử 2 cán bộ Viện Khảo cổ học sang nghiên cứu tại Mỹ.

          Đối với Trung tâm trao đổi giáo dục Mỹ, Viện Hàn lâm ta đã hợp tác với các trường đại học:

          - Đại học Michigan, chủ yếu là do Christopher Reynolds Foundation tài trợ cho 10 nhà kinh tế sang Việt Nam và 3 nhà kinh tế Việt Nam sang Mỹ trong thời gian từ 1988-1991.

          - Đại học Cornell và Đại học Washington, từ 1988-1991 mỗi bên cử 5 học giả đi trao đổi về các lĩnh vực văn học, chuyên ngữ, dân tộc học, thư viện.

          Ngoài ra, Hội các nhà thông thái Mỹ với sự tài trợ của Christopher Reynolds Foundation đã giúp Viện Thông tin KHXH xây dựng phòng đọc tài liệu Mỹ. Mọi công việc đã hoàn tất, phía Việt Nam đã cử 2 cán bộ thư viện sang Mỹ thực tập 3 tháng. Cuối năm 2003 phòng đọc sẽ khai trương.

          Trong các nguồn tài trợ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sau thời kỳ cấm vận của Mỹ, có thể nói Quỹ Ford (Ford Foundation) là Quỹ tài trợ lớn nhất cho các dự án về trao đổi học giả, hội nghị, hội thảo, đào tạo, các đề tài nghiên cứu về môi trường, dân tộc, dân số, phụ nữ. Đối với Việt Nam, việc hợp tác khoa học với Mỹ ngày càng được gia tăng.

          Việc hợp tác với Canada thực sự bắt đầu từ năm 1990 và chủ yếu là với Trường Đại học British Columbia (UBC). Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBC đã xây dựng một chương trình hợp tác 5 năm. Theo chương trình này, hai bên phối hợp triển khai các dự án đào tạo và hỗ trợ phát triển thư viện cho Viện Thông tin KHXH và các Viện chuyên ngành; tham gia chương trình nâng cao trình độ tiếng Anh, cung cấp một số trang thiết bị hiện đại, đồng thời giúp phía Việt Nam những thông tin cần thiết về phát triển bền vững để cùng thực hiện nghiên cứu các vấn đề: Phát triển nông thôn, Xây dựng nhà ở đô thị, Kinh tế hộ gia đình, Chính sách xã hội.

          Chương trình hợp tác 5 năm giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBC đã kết thúc tốt đẹp. Tháng 6-1996, hai bên đã tổ chức hội nghị tổng kết tại tỉnh Thái Nguyên và khẳng định việc hợp tác đạt hiệu quả cao trên các mặt nghiên cứu đề tài, nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ của Viện Hàn lâm, trang bị một số thiết bị kỹ thuật cho hoạt động thông tin thư viện cũng như việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ thư viện của Viện Hàn lâm.

          Dự án hợp tác với Đại học British Columbia Canada 1988 - 2003 “Giảm nghèo ở các địa phương ở Việt Nam: Nâng cao năng lực đánh giá chính sách xây dựng dự án", CIDA tài trợ 5 triệu đôla Canada cho dự án. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với 5 Trường Đại học: Thái Nguyên, Huế, Vinh, Đà Lạt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, về cơ bản dự án này đã được triển khai tốt. Các đơn vị tham gia đã đi điều tra và lập dự án cấp xã. Phối hợp với phía Canada, Viện Hàn lâm đã tổ chức Hội nghị quốc gia vào tháng 8-1999 ở Vinh, hội thảo quốc tế vào tháng 12-1999 tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 12-2002 tại Vũng Tầu. Dự án kết thúc và tổng kết tại Hà Nội tháng 10/2003.

          Ngoài ra, một số Viện của Viện Hàn lâm như Viện Dân tộc học, Viện Kinh tế học, Trung tâm Địa lý Nhân văn... có quan hệ hợp tác với Đại học Laval, Đại học Toronto...

          7. Với Ôxtrâylia

          Trong những năm qua, việc hợp tác với Ôxtrâylia chủ yếu là thông qua Chương trình dân số của Liên Hiệp quốc (UNFPA), cụ thể là dự án VIE 88/105 của Viện Xã hội học. Sau đó là việc trao đổi học giả của một số trường đại học, trước hết là Đại học quốc gia ôxtrâylia (ANU). Đại học Macguarie, Đại học New Castle. Từ 1987-1991, ta đã cử 15 cán bộ sang Ôxtrâylia theo dự án đi học, đi dự hội thảo. Năm 1991, chúng ta đã ký với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học Nhân văn Ôxtrâylia một văn  bản hợp tác 3 năm về trao đổi học giả giữa hai bên.

          Trên thực tế, do nhu cầu nghiên cứu nên ngoài số cán bộ đi trao đổi theo hiệp định, hàng năm mỗi bên đều cử thêm người đi trao đổi với hình thức tự túc kinh phí.

          Năm 1998, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiếp tục ký văn bản hợp tác khoa học với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học Nhân văn Ôxtrâylia.

          Tháng 10-2003, một Hiệp định mới về hợp tác khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Ôxtrâylia đã được ký kết.

          Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 1960 đến nay có thể chia làm hai giai đoạn: trước và sau năm 1990, năm đánh dấu thời điểm chuyển đổi cơ chế và phương thức hợp tác quốc tế. Có thể đánh giá về hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm trong 2 giai đoạn này nhu sau:

          Về mặt tiếp thu những tri thức mới của thế giới - Trước những năm 90 của thế kỷ XX, việc hợp tác khoa học của Viện Hàn lâm chủ yếu là với Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhờ đó, nhiều cán bộ khoa học của chúng ta đã được trang bị kiến thức chuyên môn một cách cơ bản, có hệ thống, tiếp thu được các phương pháp, kinh nghiệm nghiên cứu của một nền khoa học tiên tiến ở thời điểm đó. Nhiều cán bộ của ta đã đạt trình độ phó tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Nhiều công trình chung đã được xuất bản.

          Sau năm 1990, chúng ta tiếp cận với tài liệu khoa học và các nhà khoa học phương Tây. Thông qua việc trao đổi, hội thảo khoa học, cán bộ ta đã mở rộng và nâng cao sự hiểu biết về hàng loạt vấn đề mới như: Kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, Sự phát triển bền vững và Những phuơng pháp mới trong nghiên cứu khoa học xã hội. Nhờ đó, tri thức khoa học của chúng ta trở nên phong phú và đa dạng hơn, có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế.

          Thông qua các công trình hợp tác, những cuộc tọa đàm, hội thảo và các bài giảng của cán bộ ta đi công tác nước ngoài, chúng ta đã giới thiệu được những thành tựu khoa học xã hội, những vấn đề cơ bản và cấp bách của quá trình đổi mới của Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tri thức mới, kinh nghiệm tốt góp phần vào việc giải đáp những vấn đề nẩy sinh trong công cuộc đổi mới của nước ta. Qua đó, góp phần vào việc mở rộng quan hệ quốc tế và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

          Đặc biệt là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo quốc tế lớn, hội tụ được những nhà khoa học và hoạt động chính trị nổi tiếng khắp năm châu, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Có thể kể ra một số Hội thảo quốc tế tiêu biểu: Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi; Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 100 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn; Hội thảo quốc tế Việt Nam học (lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư); Hội thảo quốc tế Việt Nam trong thế kỷ XX; Đại hội lần thứ 14 Hiệp hội các Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội Châu Á (AASSREC). Những Hội thảo quốc tế này có tiếng vang lớn ở trong nước, trong khu vực và trên trường quốc tế.

          3. Trong công tác hợp tác quốc tế, việc khai thác tài trợ của các tổ chức và các quỹ quốc tế trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Nhờ đó chúng ta có điều kiện đưa hàng trăm cán bộ ra nước ngoài nghiên cứu, học tập; hàng trăm công trình nghiên cứu đã được triển khai và trên 100 đầu sách đã được xuất bản. Một số Viện đã mua sắm được các trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu thông qua các dự án hợp tác.

          4. Phương hướng, sự lựa chọn ưu tiên các đối tác và khu vực.

          Căn cứ vào đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thực hiện phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, trong những năm qua, Viện Hàn lâm đã chú trọng một số phương hướng chính sau:

          - Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường Đại học của các nước trên thế giới. Trong đó đặc biệt chú ý đến các nước có tiềm năng khoa học lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp và Ôxtrâylia... Đối với các nước này, Viện Hàn lâm đã khai thác tích cực các nguồn thông tin tư liệu phong phú của họ, tiếp cận một cách có hiệu quả với những tri thức mới, lý thuyết mới và các phương pháp nghiên cứu mới nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy về khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta.

          Các nước trong khu vực Đông Nam Á là các đối tác hết sức quan trọng. Viện Hàn lâm đã xây dựng quan hệ hợp tác ổn định, bền vững với các cơ quan khoa học, các trường đại học ở các nước này. Viện Hàn lâm đã đưa nhiều cán bộ sang nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội ở mỗi nước, tiến tới hình thành đội ngũ các nhà "đất nước học" về các nước Đông Nam Á, góp phần vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, tư vấn cho các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các vấn đề chiến lược cũng như sách lược trong quá trình nước ta hội nhập với cộng đồng các nước trong khu vực.

          - Khai thác nguồn tài trợ của các tổ chức và các quỹ quốc tế.

          Tài trợ của nước ngoài có ý nghĩa quan trọng để tăng thêm nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời góp phần từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu và quản lý của Viện Hàn lâm. Vì vậy, Viện Hàn lâm đã tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức như UNDP, Ngân hàng thế giới, EU... và của các Quỹ Japan, Toyota, Ford, SIDA (Thụy Điển), CIDA Canada, Korea Foundation... đặc biệt là các nguồn tài trợ ODA.

          Một mặt, Viện Hàn lâm khuyến khích các Viện và các Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành phát huy tính năng động của từng đơn vị, xây dựng các dự án nhỏ và vừa đề nghị các tổ chức và các quỹ quốc tế tài trợ cho từng mặt hoạt động của mình như nghiên cứu, đào tạo hoặc tăng cường trang thiết bị. Mặt khác, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã xây dựng các dự án lớn nhận tài trợ nước ngoài, nhằm nâng cao toàn diện năng lực hoạt động của Viện Hàn lâm, bao gồm năng lực nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, trang bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác thông tin tư liệu, công tác nghiên cứu và công tác quản lý của Viện Hàn lâm.

          - Tìm kiếm những hình thức hợp tác thích hợp với từng đối tác nhằm khai thác tối đa hiệu quả hợp tác quốc tế. Trong thời gian qua, Viện Hàn lâm đặc biệt chú trọng những hình thức sau đây:

          Tăng cường trao đổi thông tin tư liệu với các tổ chức khoa học của các nước trên thế giới nhằm làm phong phú thêm ngân hàng dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu của Viện Hàn lâm, đồng thời áp dụng các phương pháp hiện đại để xử lý thông tin, tạo ra khả năng cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, với độ tin cậy cao cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

          Tăng cường trao đổi học giả thông qua việc cử các nhà khoa học của Viện Hàn lâm ra nước ngoài nghiên cứu, trao đổi khoa học, dự các hội nghị, hội thảo quốc tế... cũng như việc tiếp nhận các học giả nước ngoài vào Trung tâm nghiên cứu những vấn đề của Việt Nam, để các nhà khoa học trong và ngoài nước có dịp tiếp xúc, trao đổi ý kiến, tạo điều kiện cho sự khám phá, phát hiện những ý tưởng, tri thức khoa học mới, những phương pháp nghiên cứu mới góp phần giải đáp những vấn đề của Việt Nam trong quá trình phát triển.

          Lựa chọn những vấn đề có tính toàn cầu hoặc khu vực nhiều bên cùng quan tâm để xây dựng thành những dự án hợp tác nghiên cứu, thu hút học giả các nước cùng thực hiện.

          Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ: Căn cứ vào quy hoạch cán bộ của Viện Hàn lâm và của mỗi Viện, Viện Hàn lâm đã chủ động khai thác học bổng của các quỹ Fulbright, Ford Poundation, Haward Yenching, Quỹ Japan, Quỹ Korea... để đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Cùng với việc đào tạo cán bộ có học vị thạc sĩ và tiến sĩ ở các nước thích hợp, Viện Hàn lâm đã bước đầu lựa chọn một số cán bộ có trình độ cao đi bồi dưỡng chuyên gia về một lĩnh vực nào đó của khoa học xã hội và nhân văn tại những nước có khả năng mạnh nhất về lĩnh vực đó. Mặt khác, về phía mình, Viện Hàn lâm cần chuẩn bị tốt hơn nữa các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống thông tin tư liệu... để có thể tiếp nhận các học giả nước ngoài có nhu cầu đến học tập, nghiên cứu và nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện Hàn lâm.

  Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn được coi trọng và không ngừng phát triển. Viện là thành viên của Hội đồng các Viện Hàn lâm khoa học thế giới và đã thiết lập quan hệ với nhiều Viện Hàn lâm khoa học như Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Séc, Viện Hàn lâm khoa học Nhật Bản, Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, Viện Hàn lâm khoa học Hàn Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Campuchia, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ, Hội đồng khoa học xã hội Ấn Độ, Hội đồng khoa học xã hội Pháp… Viện cũng đã có quan hệ với nhiều trường đại học và tổ chức quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế, Viện đã giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam nói chung, những vấn đề cơ bản và cấp bách của quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam nói riêng. Đồng thời, Viện cũng tiếp thu và giới thiệu có chọn lọc những tri thức mới, những kinh nghiệm phát triển tốt của thế giới, góp phần vào việc giải đáp những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn phát triển của Việt Nam.

III.  CÔNG TÁC XÂY DỤNG CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT(1)

          Trong 60 năm qua, công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nghiên cứu cũng đạt được những thành tựu to lớn:

          - Về trụ sở làm việc

          Ngày mới thành lập, Ban Văn - Sử - Địa đóng tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với ngôi nhà lá đơn sơ do cán bộ tự vào rừng lấy tre nứa về làm. Bàn ghế làm việc là những cây tre được chẻ ra, ghép thành. Với điều kiện khó khăn lúc đó, cán bộ và nhân viên của Ban đã khắc phục hoàn cảnh cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiệt tình phục vụ, đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp.

          Tháng 10-1954, Ban Văn - Sử - Địa thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước cũng như các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ trở về tiếp quản thủ đô. Ban Văn - sử - Địa được giao ngôi nhà 16-18 Hàn Thuyên làm trụ sở làm việc và ngôi nhà 16 Phan Huy Chú làm nơi lưu giữ tư liệu. Đến năm 1959, Ban Văn - Sử - Địa đã phát triển thành 3 Viện độc lập: Viện sử học làm việc tại 38 Hàng Chuối, Viện Văn học làm việc tại 20 Lý Thái Tổ và Viện Địa lý làm việc tại 39 Trần Hưng Đạo.

          Năm 1964, cơ sở làm việc tại 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội với 1.200m2 diện tích sử dụng được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đó chính là trụ sở đầu tiên của Ủy ban Khoa học xã hội được tách ra từ Ủy ban Khoa học Nhà nước năm 1966. Ở thời điểm đó, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn thực sự là một công trình khang trang, to đẹp. Đây là nơi làm việc của một số Viện nghiên cứu, các cơ quan chức năng, Văn phòng, Đảng ủy, Công đoàn... và các đồng chí Chánh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội. Với biên chế của Ủy ban Khoa học xã hội lúc đó, trụ sở này đã đáp ứng được nhu cầu làm việc của cán bộ. Tuy vậy, cũng chỉ được một thời gian, khi số đơn vị nghiên cứu và biên chế của Ủy ban không ngừng tăng lên thì trụ sở 27 Trần Xuân Soạn đã trở nên quá tải.

          Năm 1967-1975, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phần lớn cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sơ tán về các tỉnh, chủ yếu là về Bắc Giang để bảo đảm an toàn và tiếp tục làm việc. Nhiều đơn vị còn di chuyển cả phòng tư liệu thư viện đi sơ tán để có tài liệu làm việc, tiện bảo quản, nhất là đối với sách báo, tư liệu quý hiếm.

          Năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng là một đơn vị được vào tiếp quản Thành phố Hồ Chí Minh. Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, một cơ sở nghiên cứu lớn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại các tỉnh phía Nam được thành lập với các cơ sở làm việc ở 49 Nguyễn Thị Minh Khai, 34 Lý Tự Trọng, 42 Nguyễn Trọng Tuyển.

          Năm 1976 - 1986, trụ sở làm việc của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở nên chật chội do sự phát triển về mặt tổ chức và cán bộ. Bằng kinh phí "sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ", Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã mở rộng trụ sở làm việc bằng cách xây dựng thêm nhà phụ, nâng tầng một số trụ sở trong Ủy ban như 27 Trần Xuân Soạn, 38 Hàng Chuối, 20 Lý Thái Tổ, 61 Phan Chu Trinh... Đó là biện pháp cấp bách, tạm thời để có thêm diện tích làm việc của cơ quan.

          Giai đoạn 1986 - 2013 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Viện Hàn lâm. Sự phát triển về mặt tổ chức và cán bộ của Ủy ban Khoa học xã hội, sau đó là Viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, rồi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam diễn ra nhanh chóng. Từ 6 đơn vị nghiên cứu ban đầu, năm 1996 đã phát triển tới 23 đơn vị, tăng hơn 300%; số cán bộ nhân viên từ 650 người những năm 1960 nay đã lên đến hơn 1.300 người, tăng 200%. Trong khi đó diện tích làm việc chỉ tăng hơn 5%. Trụ sở chính vẫn là 27 Trần Xuân Soạn với toàn bộ các cơ quan chức năng cùng 9 đơn vị nghiên cứu với tổng số cán bộ nhân viên khoảng 600 người, bình quân diện tích sử dụng dưới 2m2/người. Tại 26 Lý Thường Kiệt, Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện Nghiên cứu Hán Nôm chật chội cũng không kém. Sách báo tư liệu không đủ chỗ xếp trên giá, phải chất đống ở gầm cầu thang hoặc vẫn phải để trong hòm. Chưa nói đến việc khai thác sử dụng, chỉ riêng khâu bảo quản đã không đảm bảo, dẫn đến tình trạng hư hỏng tư liệu rất đáng tiếc. Trụ sở 20 Lý Thái Tổ vốn là nơi làm việc của Viện Văn học, nhưng rồi trở thành cơ sở làm việc của cả Viện Ngôn ngữ học. Trụ sở 61 Phan Chu Trinh là cơ sở làm việc chung của Viện Khảo cổ học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội cũng ở trong tình trạng tương tự. Các đơn vị còn lại cũng thiếu chỗ làm việc không kém các đơn vị khác. Điều kiện đã chật chội lại thêm nhếch nhác, vì hầu hết ở các trụ sở đều có một số anh chị em cán bộ nhân viên không có nhà ở phải ăn ở tại phòng làm việc và khu làm việc nào cũng xen kẽ khu tập thể trong khu vực cơ quan.

          Trước tình hình cấp bách đó, Lãnh đạo Viện Hàn lâm và các đơn vị đã có chủ trương mới: đó là phải tích cực, chủ động tự vươn lên, tạo dựng cho Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc có một cơ sở làm việc phù hợp để giải quyết cơ bản vấn đề trụ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu. Nếu chỉ trông chờ vào chỉ tiêu Nhà nước cấp thì khó đáp ứng được tốc độ phát triển của Viện Hàn lâm. Viện Hàn lâm cũng như các đơn vị phải chủ động, tự lo việc xin cấp đất và vốn đầu tư xây dựng. Chủ trương này đã dần dần trở thành hiện thực trong những năm tiếp theo.

          Thực hiện chủ trương này, Viện Hàn lâm đã được cấp 1,5 ha đất tại khu Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Đây là khu đất do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin từ cuối những năm 1970 để xây dựng Thư viện KHXH, sau đó lại xin chuyển mục đích sử dụng là "Trại sáng tác" và đã được cấp trên chấp nhận cấp vốn để san lấp hồ. Việc san lấp hồ hoàn thành, nhưng vốn xây dựng "Trại sáng tác" vẫn chưa được cấp. Viện Hàn lâm đã xin phép chuyển khu đất này thành đất ở và chỉ để lại một phần xây dựng trụ sở làm việc. Viện Hàn lâm chủ trương sử dụng vốn ngân sách xây dựng nhỏ hàng năm để xây dựng nhà ở cấp bốn tại khu vực này nhằm giải tỏa những cán bộ đang ở tạm trong các khu vực trụ sở. Đồng thời làm gấp thủ tục để xây dựng hai nhà 5 tầng H1, H2 làm trụ sở làm việc và nhà ở. Năm 1989, bắt đầu xây dựng nhà H2. Năm 1991, bắt đầu xây dựng nhà H1 để dành một phần bố trí chỗ làm việc cho Viện Tâm lý học, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc.

          Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Gia đình và Phụ nữ tuy mới thành lập đã tranh thủ được nguồn vốn tài trợ để có trụ sở riêng bằng cách mua một phần ngôi nhà số 6 Đinh Công Tráng với diện tích ban đầu là 120m2, sau đó đã được Nhà nước cấp tiền mua nhà đền bù cho 4 hộ gia đình ở đây để họ di chuyển và Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ có được toàn bộ ngôi nhà để làm trụ sở làm việc tại số 6 Đinh Công Tráng, Hà Nội.

          Thời kỳ này Viện Kinh tế Thế giới và Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã đi đầu trong các đơn vị của Viện Hàn lâm tiến hành xin cấp đất ở quận Đống Đa. Vượt qua mọi khó khăn, hai Viện đã hoàn thành các thủ tục, tiến hành xây dựng khẩn trương và đã hoàn thành vào cuối năm 1989. Hai đơn vị đã có cơ ngơi đàng hoàng, khang trang, tạo điều kiện tốt cho cán bộ làm việc. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có kho sách tương đối hiện đại với diện tích sử dụng trên 920m2 đủ diều kiện bảo quản giữ gìn di sản Hán Nôm. Viện Kinh tế Thế giới có được trụ sở riêng với diện tích trên 1.200m2, không những đáp ứng được diện tích làm việc của đơn vị mình mà còn dành được một phần diện tích làm việc cho một số đơn vị khác trong Viện Hàn lâm. Khi mở đường Thái Hà, trụ sở Viện Kinh tế Thế giới lại kề ngay mặt đường, thuận tiện cho việc đi lại của cán bộ nhân viên trong Viện và giao địch trong nước và quốc tế.

          Năm 1986, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - một bảo tàng dân tộc học hiện đại, duy nhất ở Việt Nam - được khởi công xây dựng trên khu đất rộng 3,3 ha ở khu Nghĩa Đô, Ba Đình, Hà Nội. Diện tích sàn của trụ sở làm việc và khu bảo tàng trong nhà là 6.428m2. Năm 1997, nhân Hội nghị các quốc gia nói tiếng Pháp được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Cộng hòa Pháp đã tới dự lễ cắt băng khánh thành Bảo tàng. Hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi có dịp đến Hà Nội.

          Năm 1989, được sự quan tâm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được cấp trụ sở 34-36 Hàng Chuối với diện tích khoảng 1.600m2 dành cho lãnh đạo, các đoàn thể và các cơ quan chức năng cùng với Văn phòng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Như vậy, lúc này trụ sở 27 Trần Xuân Soạn đã nới rộng diện tích làm việc cho một số đơn vị.

          Những năm 90 của thế kỷ XX có thể được xem là những năm "bội thu" trong công tác xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của Viện Hàn lâm. Khác với các giai đoạn trước, Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã đặc biệt quan tâm vấn đề này. Tại hội thảo do Viện Hàn lâm tổ chức ở sầm Sơn năm 1992 nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm trong những năm sắp tới, đã đi tới kết luận thống nhất là phải có sự chỉ đạo tập trung để tạo ra điều kiện tốt hơn cho các cơ sở nghiên cứu của toàn Viện Hàn lâm.

          Năm 1992, Viện Triết học khởi công xây dựng trụ sở làm việc trên diện tích 1.980m2 được Nhà nước cấp tại 25 Láng Hạ. Năm 1996, trụ sở mới khánh thành. Cán bộ Viện Triết học được làm việc tại một trụ sở cao 5 tầng với diện tích sàn 2.870m2, tọa lạc trên một trong những đường phố đẹp của Hà Nội.

          Năm 1995, Viện Kinh tế học khởi công xây dựng cơ sở làm việc trên diện tích 2.300m2 được Nhà nước cấp tại Thanh Xuân Nam. Năm 2002, một trụ sở cao 10 tầng với diện tích sử dụng là 4.773m2 được khánh thành, đưa vào sử dụng. Với dự án đầu tư chiều sâu có giá trị 6,7 tỉ đồng, trụ sở làm việc mới của Viện Kinh tế học được hiện đại hóa, hệ thống thông tin phục vụ tích cực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện.

          Tháng 5 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng Tổ hợp công trình "Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện tổng hợp, Trung tâm KHXH&NVQG" bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn I xây dựng Trung tâm KHXH và NVQG trong đó bao gồm cả Viện Thông tin Khoa học xã hội; giai đoạn II xây dựng Thư viện KHXH. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, diện tích xây dựng giai đoạn I là 16.000m2 gồm khối nhà 15 tầng. Năm 1997, Tổ hợp công trình này đã chính thức khởi công.

          Đây là công trình xây dựng lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trước hết phải kể đến sự quan tâm và tạo điều kiện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời thể hiện quyết tâm và cố gắng của Viện Hàn lâm từ các đồng chí lãnh đạo Viện Hàn lâm, Viện Thông tin Khoa học xã hội và các cơ quan chức năng của Viện Hàn lâm.

          Năm 2000, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh khởi công xây dựng lại Trung tâm thông tin tư liệu thư viện của Viện trên diện tích 750m2. Năm 2002, thư viện với khối nhà cao 4 tầng, diện tích sử dụng 2.200m2 được khánh thành. Viện Hàn lâm  sẽ đầu tư hiện đại hóa để thư viện thực hiện tốt chức năng của một thư viện tổng hợp về khoa học xã hội phục vụ các nhà khoa học và độc giả của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

          Từ năm 2000 - 2013: Công trình Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu (tiền thân của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin) khởi công năm 2002, kết thúc năm năm 2006; Công trình Thư viện tổng hợp khởi công năm 2004, kết thúc năm 2006; Công trình Khu H3 Kim Mã Thượng khởi công năm 2005, kết thúc năm 2007; Công trình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giai đoạn 2 khởi công năm 2006, kết thúc năm 2013; Công trình Cơ sở Nghiên cứu và Đào tạo Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ (nay là Viện KHXH vùng Trung Bộ) giai đoạn 1 khởi công năm 2007, kết thúc năm 2010; Công trình Xây dựng giai đoạn 2 cơ sở đào tạo Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ khởi công năm 2011, kết thúc năm 2013, đến nay cơ bản đã hoàn thành khu ký túc xã, nhà ăn, nhà để xe và san nền; Công trình Xây dựng cơ sở nghiên cứu Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ khởi công năm 2012, hiện nay đã hoàn thành xong phần thô; Công trình Cải tạo, nâng cấp Học viện Khoa học xã hội khởi công năm 2002, đến nay đã xây xong 1 đơn nguyên và tiếp tục xây dựng đơn nguyên thứ 2. Công trình Xây dựng cơ sở nghiên cứu và đào tạo Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, khởi công năm 2013. Như vậy, từ năm 2000 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Viêt Nam đã khởi công xây dựng 9 công trình, trong đó 5 công trình đã được đưa vào sử dụng, 4 công trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

          Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ những năm 90 của thế kỷ XX, với phương thức vừa tích cực, chủ động tìm kiếm cơ hội cho việc xây dựng mới trụ sở làm việc, vừa kết hợp với việc chống xuống cấp, đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có được cơ ngơi khang trang như hiện nay, tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, hợp tác khoa học của các đơn vị.

          - Về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu

          Những ngày đầu mới thành lập, phương tiện làm việc của cán bộ trong Ban Văn - sử - Địa vô cùng thiếu thốn. Hàng tháng mỗi cán bộ nghiên cứu được cấp một thếp giấy, một chiếc bút, một lọ mực và một chiếc bút chì. Thiếu giấy anh em cán bộ phải tận dụng những tờ báo cũ để viết bản thảo. Những tờ giấy đánh máy được tận dụng nhiều lần, viết ngang, viết dọc chi chít.

          Cả Ban lúc đó được trang bị hai chiếc máy chữ cũ để đánh máy các công văn tài liệu, một chiếc xe đạp cũ là phương tiện đi lại công tác cho cán bộ trong An toàn khu.

          Hòa bình lập lại, tháng 8 năm 1954, Ban chuyển từ Tân Trào về Hà Nội. Toàn bộ tài sản của Ban chủ yếu là những tập sách báo tư liệu và những trang bản thảo chuẩn bị xuất bản được chở trên một chiếc thuyền gỗ nhỏ.

          Từ năm 1960 đến năm 1986, với sự phát triển về mặt tổ chức, nhiều Viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành lần lượt được ra đời. Nhìn chung, trang thiết bị của các đơn vị những năm đó rất nghèo nàn. Trong cơ chế bao cấp, Nhà nước chỉ đủ điều kiện trang bị những phương tiện tối thiểu nhất như bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu, giá kệ để sách, báo trong thư viện.v.v... Mỗi Viện được trang bị một máy điện thoại. Phòng họp, hội trường rất sơ sài, bàn ghế, trang âm, loa đài thiếu.

          Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, các đơn vị phải đi sơ tán xa Hà Nội. Điều kiện làm việc càng khó khăn. Những thiếu thốn, khó khăn của cán bộ, nhân viên về phương tiện làm việc còn kéo dài nhiều năm sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, cả nước thống nhất.

          Từ năm 1986 đến năm 1990, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có điều kiện mở rộng quan hệ nghiên cứu khoa học với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng nhìn chung, cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn còn nghèo nàn. Năm 1990, nhờ hợp tác với nước ngoài, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mới có chiếc máy vi tính đầu tiên. Vào thời điểm đó, Viện Hàn lâm chưa có điều kiện sử dụng công nghệ tin học để phục vụ hoạt động nghiên cứu và công tác quản lý. Phòng làm việc, phòng họp, hội trường vẫn còn thiếu những trang thiết bị kỹ thuật cần thiết. Các cuộc hội thảo khoa học phần lớn phải thuê địa điểm ở các cơ quan bên ngoài.

          Từ năm 1991 đến nay, việc đầu tư kinh phí về trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và quản lý hành chính được đặc biệt chú trọng và có điều kiện để tăng cường hơn trước. Chỉ tính từ năm 1994 đến nay Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tăng cường mua sắm trang thiết bị, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, 100% các Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành được trang bị máy vi tính. Việc sử dụng máy vi tính vào lĩnh vực nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu đã mang lại hiệu quả tích cực: cán bộ nghiên cứu có cơ hội tiếp cận và khai thác nhiều nguồn thông tin; việc xử lý các số liệu điều tra cơ bản nhanh chóng và đạt độ tin cậy cao; bước đầu hình thành các ngân hàng dữ liệu phục vụ nghiên cứu ở một số Viện; khối lượng công việc được xử lí nhanh hơn, nhiều hơn; quan hệ giữa các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước được mở rộng hơn. Chất lượng của công tác nghiên cứu tăng lên rõ rệt. Hiện nay, 100% các Viện có máy photocopy, máy ghi âm, máy ghi hình. Những trang thiết bị này phục vụ có hiệu quả trong việc in ấn sao chụp tài liệu, phục vụ công tác nghiên cứu thực tế và đi điều tra điền dã ở các miền của đất nước.

          Phòng họp, hội trường được trang bị nâng cấp, nội thất đẹp. Thiết bị âm thanh tương đối hiện đại, có điều hòa không khí cùng với một số trang thiết bị khác phục vụ có hiệu quả các cuộc hội thảo và trao đổi khoa học trong và ngoài nước. Các thư viện, phòng đọc, kho sách được trang bị máy móc hút ẩm, hệ thống chống cháy tự động, máy vi tính, giá kệ được tăng cường bằng hợp kim, khắc phục được tình trạng mối mọt.

          Từ các nguồn vốn Nhà nước cấp và các dự án hợp tác với nước ngoài, cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không ngừng phát triển phục vụ tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công tác quản lý. Điều đáng chú ý là trong thời gian qua Viện Hàn lâm ta đã đề nghị Nhà nước cấp kinh phí thực hiện Dự án đầu tư chiều sâu cho các Viện Khảo cổ học, Viện Tâm lý học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Kinh tế Thế giới, Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Kinh Việt Nam và Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các Dự án đầu tư chiều sâu đã bước đầu hiện đại hóa công tác nghiên cứu, giúp cho công tác nghiên cứu đạt hiệu quả cao hơn.

          Từ năm 1993 đến nay, các Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành được cấp kinh phí "đầu tư chiều sâu" để xây dựng các phòng nghiên cứu thực nghiệm. Điều kiện làm việc của các đơn vị bước đầu được hiện đại hóa. Phòng nghiên cứu thực nghiệm hoạt động có hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc đi sâu nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các Viện Khảo cổ học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Địa lý nhân văn, Viện KHXH vùng Nam Bộ v.v... Một số thiết bị chuyên dụng của Viện Ngôn ngữ, Viện Khảo cổ là những thiết bị duy nhất có ở Việt Nam

          Trước năm 1990, trung bình mỗi đơn vị thuộc Viện Hàn lâm chỉ có từ 1 đến 2 máy điện thoại cố định, tổng số Viện Hàn lâm chỉ có 40 máy. Đến nay Viện Hàn lâm có hơn 360 máy điện thoại cố định, mỗi Viện trung bình có từ 8 đến 15 điện thoại cố định. Viện nào cũng có tối thiểu 1 máy Fax phục vụ cho việc liên lạc, trao đổi thông tin trong nước và quốc tế.

          Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang tiến hành dự án tin học hóa đầu tư cho việc xây dựng "Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn" nhằm thu thập, xử lý thông tin phục vụ cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và phục vụ cho công tác nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn.

          Nguồn kinh phí Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã được cấp và sử dụng để mua sắm trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nghiên cứu từ năm 2004 đến nay như sau: Năm 2004: 6.209.168.000đ; năm 2005: 10.256.531.000đ: năm 2007: 8.306.331.000đ: năm 2008: 53.741.417.000đ; năm 2008: 6.703.894.000đ; năm 2009: 8.289.685.000đ; năm 2010: 9.518.815.000đ: năm 2011: 8.035.365.000đ: năm 2012: 6.803.599.000đ: năm 20138.505.329.000đ.

          Về phương tiện đi lại, phục vụ công tác điều tra, điền dã thực tiễn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhằm đáp ứng nhu cầu về trang bị ôtô cho các đơn vị. Đến nay, 100% số đơn vị đều được trang bị ôtô từ 4 đến 7 chỗ ngồi.

          Tuy những trang thiết bị hiện có của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ, một số trang thiết bị, lạc hậu về công nghệ cần được thay thế, bổ sung, song những trang thiết bị hiện có đã đáp ứng được một phần nhu cầu công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các Viện khoa học chuyên ngành theo mặt bằng cơ sở vật chất kỹ thuật của các Viện nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới.

          Nhân dịp này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Viện Hàn lâm trong 60 năm qua, đồng thời Viện Hàn lâm xin trân trọng cảm ơn các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các quỹ của các nước, các tổ chức khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã cộng tác giúp đỡ, góp phần thúc đẩy sự nghiệp khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 


([1]) Trong phần này, chúng tôi kế thừa, tiếp thu các tư liệu trong công trình “Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia 50 năm xây dựng và phát triển”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

(1) Trong phần này, chúng tôi kế thừa, tiếp thu các tư liệu trong công trình “Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia 50 năm xây dựng và phát triển”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

(1) Trong phần này, chúng tôi kế thừa, tiếp thu các tư liệu trong công trình “Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia 50 năm xây dựng và phát triển”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

 

 

Các tin đã đưa ngày: